Hành khách chen lấn lên xe về quê nghỉ lễ
Chiều 28/4, cửa ngõ thủ đô kẹt cứng do dòng người đổ về quê tăng mạnh. Tại các bến xe, hành khách phải chờ đợi 2-3 giờ, chen lấn lên xe.
Chiều 28/4, đoạn đường dẫn đến các bến xe Hà Nội bị ùn tắc nhiều giờ. Được nghỉ lễ 4 ngày, người dân tìm cách lên chuyến xe sớm nhất về quê.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, từ đầu giờ chiều, lượng người đổ về tăng cao. Bến chuẩn bị hơn 200 chuyến xe phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Các tuyến đông khách chủ yếu đi về Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình.
Bến xe Nước Ngầm, cửa ngõ phía nam Hà Nội, là một trong những đầu mối giao thông trọng yếu, kết nối các tuyến đường: Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 5, quốc lộ 1 cũ, Vành đai 3. Đường từ bến xe Nước Ngầm đến bến Giáp Bát bị ùn tắc kéo dài.
Dòng người nối đuôi nhau đứng xếp hàng từ 14h tại bến xe Mỹ Đình để mua vé về Quảng Ninh.
Giá vé niêm yết tại các bến xe không thay đổi trong dịp nghỉ lễ. Nhiều tuyến xe có lượng người quá lớn như Thanh Hóa, Nam Định, Lào Cai, Quảng Ninh…, khách phải đứng xếp hàng thì mới được lên xe và nhiều người chấp nhận mua vé chợ đen với giá tăng gấp rưỡi, gấp đôi.
Video đang HOT
“Mẹ con em đứng chờ gần một giờ, nhà xe bảo phải chờ xe tăng cường vì lượng khách cho tuyến Thanh Hóa quá lớn”, chị Thảo nói.
Khách quá lớn, đứng choán hết điểm đỗ của xe.
“Em mua vé xe đi Quảng Ninh từ lúc 16h nhưng 2 tiếng chờ đợi vẫn chưa lên được xe. Nhà xe thấy đông khách quá lại ưu tiên người già, trẻ em và phụ nữ có bầu”, Nguyên Vinh sốt ruột chia sẻ.
Một chuyến xe chạy tuyến Mỹ Đình – Điện Biên xuất phát lúc 8h30. Xe giường nằm nhưng nhiều hành khách phải ngồi ở lối đi.
Sau 2 tiếng chờ đợi, cha con người đàn ông này mới lên được xe để về quê Thanh Hóa.
Ngay cả khi xe đã đủ khách, việc di chuyển để rời bến cũng gặp khó khăn.
Với những người chọn phương tiện hai bánh cũng không tránh khỏi tình trạng ùn tắc khi rời thành phố.
Tuyến đường tránh dẫn ra bến xe Nước Ngầm đi qua Khu đô thị Linh Đàm hàng dài phương tiện nối đuôi nhau không thể di chuyển trong nhiều giờ.
Ngọc Thành
Theo VNE
Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh luồng tuyến xe khách tại Hà Nội
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó kiến nghị tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý các tuyến thuộc diện điều chuyển về bến Nước Ngầm hay bến xe Giáp Bát, đảm bảo cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình tại bến xe Nước Ngầm, đại diện cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã làm việc với Sở GTVT để chuẩn bị nội dung và tập hợp toàn bộ các kiến nghị liên quan để chuẩn bị cho nội dung họp đối thoại giữa Bộ GTVT và TP Hà Nội với doanh nghiệp.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý các tuyến thuộc diện điều chuyển về bến Nước Ngầm hay bến xe Giáp Bát, hoặc tái cơ cấu lại giữa Bến xe Giáp Bát với Bến xe Nước Ngầm để đảm bảo cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch đối với các tuyến từ các địa phương (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình).
Thông báo công khai về quy hoạch bến xe trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó làm rõ tính pháp lý đối với bến xe Nước Ngầm và được quy hoạch thực hiện dài hạn hay ngắn hạn. Thông báo rõ đến các đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp Bát, để doanh nghiệp bến xe cũng như đơn vị vận tải chủ động trong đầu tư và hoạt động vận tải.
Đoàn xe "rồng rắn" đi từ Nam Định, Thái Bình lên Hà Nội ngày 28/2 để phản đối điều chỉnh luồng tuyến (ảnh: Phong Nguyên)
Rà soát bố trí tăng lượng phương tiện xe buýt để kết nối giữa các bến xe để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng xe buýt có thiết kế để chở cả hàng hóa được hoạt động trên các tuyến buýt kết nối giữa các bến xe; Kiểm tra việc kê khai đăng ký giá dịch vụ xe ra vào bến của bến xe Nước Ngầm, đảm bảo công bằng, phù hợp với mặt bằng giá chung trên địa bàn thành phố.
Cũng trong báo cáo này, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đề nghị Công an thành phố, Sở GTVT và quận, huyện liên quan mở chiến dịch cao điểm về thanh tra, kiểm tra xử lý "xe dù, bến cóc" trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, phối hợp thông tin xử lý vi phạm, đặc biệt khu vực xung quanh các bến xe; Tập trung xử lý nghiêm các vi phạm dùng xe hợp đồng Limousine để hoạt động như tuyến cố định.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện, tổ chức lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định quy hoạch về số lượng phương tiện phù hợp tình hình thực tế của địa phương mình để tránh hiện tượng cung vượt quá cầu và lợi dụng chạy trá hình xe tuyến cố định gây mất trật tự vận tải và cạnh tranh không công bằng giữa các loại hình vận tải hành khách.
Các tỉnh, thành phố rà soát thực trạng tại địa phương về số lượng phương tiện (từ 9 chỗ trở lên) vận tải hành khách theo hợp đồng, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả và phù hợp với tình hình tổ chức giao thông trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết, có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương tạm dừng cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phù hiệu đối với phương tiện (từ 9 chỗ trở lên) vận tải hành khách theo hợp đồng cho đến khi ban hành quy hoạch về số lượng phương tiện để làm căn cứ thực hiện theo đúng số lượng quy hoạch trên địa bàn địa phương mình.
Các doanh nghiệp vận tải cho biết họ có nguy cơ phá sản trước việc điều chỉnh luồng tuyến xe khách (ảnh: Phong Nguyên)
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT và quận, huyện liên quan mở chiến dịch cao điểm về thanh tra, kiểm tra xử lý "xe dù, bến cóc" trên địa bàn địa phương mình; đặc biệt khu vực xung quanh các bến xe; tập trung xử lý nghiêm các vi phạm dùng xe hợp đồng Limousine để hoạt động như tuyến cố định.
Trước đó, đầu năm 2017, Sở GTVT Hà Nội áp dụng điều chuyển tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình về các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa và ngược lại theo quy hoạch luồng tuyến giao thông. Việc điều chuyển là để giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô, nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội của các nhà xe.
Hôm 28/2, hàng trăm xe khách của các nhà xe ở Thái Bình, Nam Định tổ chức thành đoàn, không chở khách mà kéo về Hà Nội để phản đối quyết định điều chỉnh luồng tuyến của Sở GTVT Hà Nội. Các nhà xe cho biết gần 2 tháng nay, xe chuyển sang bến Nước Ngầm lượng khách sụt giảm hẳn so với bến Mỹ Đình, việc điều chuyển này sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí làm doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Thứ trưởng Giao thông yêu cầu thêm xe buýt chạy đêm ở sân bay Nội Bài Kiểm tra công tác phục vụ hành khách tại sân bay Nội Bài, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Sở giao thông Hà Nội bố trí thêm xe buýt chạy đêm để phục vụ hành khách dịp Tết. Ngày 19/1, Thứ trưởng Giao thông Lê Đình Thọ đã đi kiểm tra công tác phục vụ hành khách tại sân bay Nội Bài....