Hành khách bị sốt ở Đà Nẵng âm tính với virus ‘lạ’ từ Trung Quốc
02 du khách đến từ Vũ Hán, Trung Quốc có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã được phát hiện qua máy đo thân nhiệt từ xa và được cách ly, theo dõi chặt chẽ.
Để phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây viêm phổi cấp mới, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã thiết lập khu vực cách ly. Ảnh: Gia đình& Xã hội.
Chia sẻ với báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Nguyễn Tiên Hồng cho biết, đã có kết quả về mẫu bệnh phẩm của du khách Trung Quốc bị sốt khi nhập cảnh vào Đà Nẵng. Theo đó, các xét nghiệm bước đầu cho kết quả âm tính với nhiều loại virus.
Mẫu bệnh phẩm của nam bệnh nhân Xiong Tianzuo người Trung Quốc được lấy đi xét nghiệm là loại mẫu dịch ngoáy họng. Viện Pasteur Nha Trang đã tiến hành sàng lọc các xét nghiệm bằng kỹ thuật Multiplex RT-PCR để chẩn đoán các loại virus Sars-CoV, Coronavirus OC43, 229E, NL63, HKU1, Flu C, EV, Rhinovirus, cúm A, B, Mers- CoV… Kết quả cho thấy mẫu bệnh phẩm âm tính với các loại virus trên.
“Viện Pasteur Nha Trang thông báo kết quả sơ bộ về tình hình nam bệnh nhân người Trung Quốc đang theo dõi tại BV Đà Nẵng. Kết quả cho thấy bệnh nhân này đến từ Vũ Hán, bị sốt cao nhưng âm tính với bệnh viêm phổi cấp và chủng coronavirus đã biết. Tuy nhiên, bệnh nhân có liên quan đến nhiễm chủng coronavirus tại Vũ Hán hay không thì vẫn phải chờ theo dõi, kiểm tra thêm. Đây là căn bệnh mới, chúng ta chưa có thiết bị xét nghiệm nên phải chờ nhập về” – ông Hồng cho hay.
Ngoài ra, bác sĩ Hồng cho biết thêm, trong 2 bệnh nhân có quốc tịch Trung Quốc có biểu hiện sốt, chỉ một hành khách là ông Xiong Tianzuo, 23 tuổi, được chuyển đến bệnh viện, cách ly để kiểm tra sức khỏe. Bệnh nhân còn lại là bé Wang hao Yu, 4 tuổi và 10 du khách đi cùng cho kết quả sức khỏe bình thường.
Video đang HOT
Trước đó vào ngày 14/1, qua máy kiểm tra thân nhiệt đặt tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phát hiện 2 trường hợp du khách có quốc tịch Trung Quốc có dấu hiệu sốt là bệnh nhân Wang Hao Yu (4 tuổi), nhập cảnh lúc 2 giờ 30 ngày 14/1, thường trú tại Vũ Hán, và bệnh nhân Xiong Tianzuo. Hai bệnh nhân này cùng được chuyển ra phòng cách ly y tế tại sân bay Đà Nẵng. Sau 1 giờ theo dõi, Wang Hao Yu hạ sốt, nhiệt độ đo được là 36,9 độ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà nẵng cho phép bệnh nhân này nhập cảnh, khuyến cáo theo dõi y tế tại nơi tạm trú dự kiến là tại một khách sạn ở quận Sơn Trà. Trường hợp bệnh nhân Xiong Tianzuo có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao trên 38 độ C, cùng trên chuyến bay VJ8375. Ngay lập tức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật báo cáo Sở Y tế khởi động quy trình giám sát, xử lý ca bệnh và báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch sân bay Quốc tế Đà Nẵng.
Hiện các đơn vị đang tiếp tục giám sát tình hình sức khỏe của các bệnh nhân và các hành khách ngồi gần 2 bệnh nhân trên chuyến bay VJ8375.
TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Một người Trung Quốc chết vì coronavirus: Ngành Y sẽ cách ly người từ vùng dịch coronavirus
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.
Máy đo thân nhiệt theo dõi hành khách tại sân bay Nội Bài, Hà Nội
Cơ quan y tế thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) thông báo, một người đàn ông 61 tuổi ở thành phố này đã tử vong vì bệnh viêm phổi - dịch bệnh do virus bùng phát mới đây tại Trung Quốc. Hiện còn 7 người trong tình trạng nguy kịch. Trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới tại Vũ Hán, Bộ Y tế Việt Nam liên tục tổ chức các cuộc họp thảo luận đánh giá về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý ca bệnh khi phát hiện trường hợp bệnh đầu tiên (nếu có).
Bộ Y tế khuyến cáo hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Những người trở về từ Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố này trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (Bộ Y tế Việt Nam) tổng hợp từ các nguồn tin tính đến ngày 10/1, tại Vũ Hán ghi nhận 59, trong đó 41 trường hợp dương tính với chủng coronavirus mới (bao gồm ca tử vong). Chủng Coronavirus là một họ lớn của virus có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng như các trường hợp cảm lạnh thông thường hoặc các trường hợp bệnh MERS và SARS.
Một số chủng có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người, trong khi đó số chủng khác thì không. Theo chính quyền Trung Quốc, virus tại Vũ Hán có thể gây bệnh nặng ở một số bệnh nhân và chưa dễ dàng lây truyền từ người sang người.
Giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng dịch
Trước nguy cơ lây lan bệnh viêm phổi do coronavirus mới từ Trung Quốc, ngành y tế thành phố Hà Nội đã chủ động đặt 5 máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay Nội Bài nhằm giám sát dịch tễ tất cả các hành khách nhập cảnh từ Vũ Hán. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết, những trường hợp bị sốt sẽ được điều tra dịch tễ để không lọt người nhiễm virus lạ. Hành khách có tiền sử đi qua vùng dịch bệnh sẽ được cách ly và theo dõi chặt chẽ.
Sở Y tế Hà Nội cũng lập đội phản ứng nhanh, trực 24/24h phòng có sự cố bất ngờ. Đồng thời giám sát chặt hơn tất cả những trường hợp viêm phổi nặng do virus tại cơ sở y tế. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sớm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, chính quyền địa phương nên áp dụng các biện pháp y tế công cộng, giám sát chặt chẽ dịch cúm và các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng. WHO chưa có khuyến cáo hạn chế du lịch tới Trung Quốc.
Tuy nhiên, người dân nên chú ý tới các dịch vụ y tế và chia sẻ thông tin khi đi du lịch, bệnh sử cho cơ sở y tế địa phương để đảm bảo an toàn sức khỏe. Các cuộc điều tra tiếp tục được thực hiện để xác định nguồn lây, đường lây truyền và các biện pháp phòng chống. WHO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc và các đối tác để điều tra và đáp ứng với vụ dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, chính quyền địa phương nên áp dụng các biện pháp y tế công cộng, giám sát chặt chẽ dịch cúm và các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng.
THÁI HÀ
Theo Tiền phong
Hai bệnh nhân viêm phổi cấp từ Vũ Hán đến Việt Nam: Bộ Y tế nâng mức cảnh báo Trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng virus mới corona (nCoV) tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, chiều 15/1, Bộ Y tế có cuộc họp khẩn tìm cách phòng, chống dịch này xâm nhập vào Việt Nam.. 3 kế hoạch ứng phó "Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã...