Hành động oái ăm của nam thanh niên ở cửa nhà vệ sinh công cộng
Không chỉ ném rác bừa bãi, đi tiểu tiện, đại tiện không đúng chỗ, nhiều khách sử dụng nhà vệ sinh công cộng còn có những hành xử khiến nhân viên vệ sinh “khóc thét”.
Suốt 6 năm làm công việc lau dọn, quản lý một nhà vệ sinh công cộng ở bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), chị H (38 tuổi) vẫn không ngừng bức xúc với ý thức của một bộ phận người dân.
Theo người phụ nữ này, khu vực bờ hồ có khá nhiều nhà vệ sinh công cộng. Ngày bình thường, lượng người sử dụng nhà vệ sinh không quá nhiều nên các nhà vệ sinh ở đây được đánh giá sạch sẽ.
Tuy nhiên, vào ngày lễ Tết, để giữ được nhà vệ sinh sạch sẽ, không bốc mùi xú uế, các nhân viên ở đây phải làm việc hết công suất.
“Có lúc đoàn người xếp hàng vào nhà vệ sinh dài cả chục mét” – chị H nói.
Phần lớn, mọi người đều có ý thức xếp hàng nghiêm chỉnh. Khi nhân viên vệ sinh đề nghị nhường chỗ cho người già, trẻ em mọi người thường không phản ứng. Tuy nhiên, cũng có những thanh niên thích chen ngang. Khi bị nhắc nhở thì cự cãi, gây gổ đánh nhau.
Để giữ được nhà vệ sinh sạch sẽ, các nhân viên phải dọn rửa và liên tục nhắc khách xả nước, bỏ rác đúng nơi quy định.
Chị H nhớ, hôm đó là lễ hội Halloween. Rất đông người đang xếp hàng thì một thanh niên chừng 30 tuổi chen vào giữa. Người này cao to, vạm vỡ.
Trước hành động đó, 1 vị khách nước ngoài đã đặt tay lên vai anh ta kéo lại. Đồng thời, ra hiệu cho nam thanh niên không được chen ngang. Tuy nhiên, người thanh niên này không biết xấu hổ mà còn lớn tiếng dọa dẫm, đòi đánh người đàn ông ngoại quốc.
May sao, mọi người trong hàng đều lên tiếng bênh vực vị khách nước ngoài và chỉ trích nam thanh niên. Lúc này, người thanh niên mới chịu rút lui.
“Trong trường hợp cấp bách, nếu người đó mở lời xin đi vệ sinh trước, tôi nghĩ, mọi người cũng không quá khó khăn. Thế nhưng, anh ta lại hành động thiếu ý thức nên mới bị phản ứng như vậy”, chị H nói tiếp.
Lần khác, chị H cho biết, chính đồng nghiệp cùng ca của chị cũng bị một thanh niên dọa đánh.
Video đang HOT
Theo lời chị H, người đàn ông này đeo kính cận, mặc áo sơ mi quần tây, trông rất trí thức. Thế nhưng, trong khi mọi người đang xếp hàng thì anh ta lại hành xử thiếu văn hóa, chạy lên đầu hàng.
Đồng nghiệp của chị H nhắc nhở thì anh ta văng tục rồi đòi xông lên đánh nữ nhân viên.
Tuy nhiên, vì hành động chen ngang của anh ta là thiếu lịch sự nên mọi người xung quanh đều bênh vực nữ nhân viên. Vụ việc cũng nhanh chóng bị đám đông dập đi.
“Chính vì thế, suốt nhiều năm làm nghề, chúng tôi may mắn chỉ bị dọa chứ chưa ai bị đánh”, chị H cười nói, giọng chua chát.
Tại một nhà vệ sinh công cộng khác ở bờ hồ Hoàn Kiếm, ông Đ.T (58 tuổi) còn chỉ ra những tình huống khó đỡ khác của khách đi vệ sinh.
Rất nhiều tình huống oái oăm đã xảy ra ở nhà vệ sinh công cộng.
Trong số những tình huống đó, ông Đ.T nói, ông bức xúc nhất là những khách có tính trộm cắp.
“Nhà vệ sinh công cộng được mở cửa miễn phí. Tuy nhiên, sau khi đi vệ sinh, nhiều người vẫn tự nguyện ủng hộ chút tiền lẻ. Số tiền này được bỏ trong chiếc giá nhựa đặt trước cửa nhà vệ sinh.
Vậy mà, có khách đi vệ sinh xong, tranh thủ chúng tôi không để ý đã bốc luôn số tiền đó rồi bỏ vào túi của mình”, ông Đ.T nói.
“Có lần, một người nào đó còn bỏ cả chiếc giá đựng tiền vào trong túi của mình rồi xách đi”, ông Đ.T chia sẻ, giọng bức xúc.
Vẫn lời ông T, sau khi phát hiện mất cả giá cả tiền, ông ngồi ngẩn người. “Số tiền chẳng đáng là bao nhưng cũng là khoản khách ủng hộ để nhân viên có thêm tiền mua thiết bị lau rửa, thông tắc cống thường xuyên”, nam nhân viên chia sẻ .
Ông Đ.T nói, khi bị mất trộm ông tiếc đứt ruột. Ông ngồi nhớ lại những vị khách vừa xuất hiện trước đó và lọc ra những người khả nghi.
Tuy nhiên, việc này cũng không giúp ông lấy lại số tiền đã mất. Vì vậy, ông và các nhân viên vệ sinh chỉ biết nhắc nhau cẩn thận hơn trong ca trực của mình.
“Cái nghề tưởng nhàn hạ, không phải lao động khổ cực nhưng cũng lắm chuyện oái ăm cô ạ”, ông Đ.T thở dài.
Thanh Tâm – Đức Tuấn
Theo VNN
Doanh nhân Anh mất gần 200 ngàn mỗi lần đi vệ sinh ở Bình Dương
Dù đã được công nhận là đô thị loại 1 nhưng ngay giữa trung tâm TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), người dân phải "dở khóc dở cười" khi tìm nhà vệ sinh công cộng. Ông Tony Fields - cố vấn đầu tư người Anh trong lĩnh vực gỗ tại Bình Dương kể: Mỗi lần đi vệ sinh, tôi mất ít nhất 8 USD (khoảng 170.000 đồng).
Ông Tony Fields lí giải, khi đi làm ông luôn phải có thông dịch viên và tài xế. Mỗi lần ông muốn đi vệ sinh, 3 người phải vào quán cà phê gọi nước. Trong khi đó, ở nhiều nước, khu vực đô thị luôn có nhà vệ sinh công cộng hiện đại, tạo điều khiện thuận lợi nhất cho người dân dễ dàng sử dụng, thậm chí không mất tiền.
Anh Trần Ngọc Ánh (SN 1983, ngụ phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một) cũng kể, trong một lần dẫn vợ con đi chơi ở khu vực ngã 6 trung tâm TP, con gái lớn của anh muốn đi vệ sinh. Dẫn con đi nhiều vòng, anh vẫn không thấy nhà vệ sinh công cộng nào.
Hỏi nhiều người buôn bán tại đây, anh mới biết lâu nay khu vực này không có nhà vệ sinh công cộng. Anh phải dẫn con vào một quán cà phê gần đó để đi nhờ vệ sinh.
Khu trung tâm TP Thủ Dầu Một vắng bóng nhà vệ sinh
"Tôi không nghĩ ngay trung tâm TP đông đúc này lại không có nổi cái nhà vệ sinh cho người dân sử dụng, mỗi lần muốn đi vệ sinh là phải vào quán cà phê mua nước uống mới được đi nhờ, vừa tốn tiền vừa bất tiện" - anh Ánh cho hay.
Cũng trong cảnh tương tự, anh Lê Văn Dương (SN 1989, quê Nghệ An) cho biết, anh làm nghề tài xế taxi nhiều năm nay tại Bình Dương. Đặc thù công việc của anh thường xuyên phải đi ngoài đường nên nhu cầu đi vệ sinh rất cần thiết.
Nhiều khi đang chạy xe trên đường, muốn đi vệ sinh là phải ghé vào quán nước mua vài chai nước để nhờ đi vệ sinh. Nếu không mua nước thì cảm thấy ngại và chủ quán cũng không thoải mái.
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Bạch Đằng (phường Phú Cường) chật chội, vị trí khuất, bất tiện
Theo anh Dương, không chỉ riêng anh mà có rất nhiều người khác cũng rơi vào trường hợp trên. Chuyện vệ sinh khá tế nhị nên không ai nói ra. Nếu có các nhà vệ sinh công cộng nằm ở các tuyến đường sẽ rất thuận tiện, hơn nữa còn tiết kiệm chi phí cho những người lao động có thu nhập thấp thường xuyên đi ngoài đường.
Khu vực trung tâm TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An là những nơi tập trung đông dân cư của tỉnh Bình Dương, người dân rất khó để tìm thấy các nhà vệ sinh công cộng. Một số địa điểm được đặt một cabin vệ sinh di động nhưng lại bố trí ở nơi khuất tầm nhìn, khung cảnh nhếch nhác, mùi hôi bốc lên nồng nặc khiến người dân không dám bước vào.
Còn tại TP mới Bình Dương (phường Hòa Phú và Phú Tân, TP Thủ Dầu Một), gần như không có một nhà vệ sinh công cộng nào, trong khi khu vực này được quy hoạch là trung tâm của TP thông minh.
Nhiều công viên tại khu vực trung tâm thành phố tập trung nhiều người dân nhưng không có nhà vệ sinh công cộng
Theo ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam, theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay, trong bán kính từ 300 đến 500 mét phải có một nhà vệ sinh công cộng để phục vụ người dân. Tại Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, nhà vệ sinh bị xem là công trình phụ nên chưa được đầu tư xây dựng. Người dân phải chịu thiệt thòi trong sinh hoạt công cộng, ảnh hưởng sức khỏe.
Cũng theo ông Hiệp, Bình Dương đang là tỉnh phát triển, thu hút rất đông người dân từ cả nước để lao động sản xuất. Tuy vậy, các ngành chức năng vẫn chưa chú trọng việc đáp ứng đủ nhà vệ sinh tại các nơi vui chơi giải trí, tập trung đông người như chợ, công viên, đường phố, bến xe...
Từ năm 2017, UBND tỉnh đã chấp thuận dự án xây dựng nhà vệ sinh thông minh cho một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường, phục vụ miễn phí. Tuy nhiên từ đó tới nay, dự án vẫn chưa được triển khai do vướng thủ tục hành chính.
Minh Tâm
Theo VNN
Đi tiểu giữa sảnh thang máy, phạt cô gái dọn cả hầm chung cư Kho thịt quên không tắt bếp rồi bỏ đi đá bóng, ra ngoài quên tắt bếp gas, khạc nhổ hay đi tiểu trong thang máy,... những sự cố hy hữu hay những tình huống "dở khóc dở cười" xảy ra tại chung cư khiến người dân được một phen hú vía. Mới đây, hàng nghìn cư dân HH Linh Đàm hoảng hốt vì...