Hành động khác biệt của ông Tập trong 2 cuộc bầu cử Mỹ gần nhất
Theo các chuyên gia, vẫn có khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chúc mừng ông Biden, người được nhiều hãng tin uy tín gọi là Tổng thống đắc cử của nước Mỹ. Nếu điều này xảy ra, nó hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra năm 2016, khi ông Trump đắc cử.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:Bloomberg
Theo SCMP, 4 năm trước, ông Tập cùng nhiều lãnh đạo các quốc gia khác trên thế giới đã gọi điện chúc mừng ông Trump chỉ vài giờ sau khi ông được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 9/11/2016, một ngày sau cuộc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, năm nay, ông Tập chưa gửi lời chúc mừng tới ông Biden, người được nhiều hãng tin lớn, tuyên bố thắng cử. Hôm 9/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân lý giải: “Chúng tôi biết tin ông Biden được tuyên bố thắng cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa gửi lời chúc mừng vì chúng tôi hiểu rằng, kết quả bầu cử tổng thống sẽ được xác nhận theo quy trình và luật pháp Mỹ”.
Ông Vương đã lựa chọn câu từ vô cùng cẩn thận khi nói rằng Trung Quốc đã biết tới việc “ông Biden được tuyên bố chiến thắng” mà không nhắc đến cụm từ “tổng thống đắc cử”.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không chấp nhận thua cuộc kể từ khi các hãng tin uy tín tuyên bố ông Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ. Ông Trump và đội ngũ pháp lý đã hứa sẽ có hành động pháp lý thách thức kết quả bầu cử, dự kiến kéo dài nhiều tuần, trong khi ông Biden và bà Harris đã tuyên bố chiến thắng.
Video đang HOT
Các nhà phân tích nhận định, sự do dự của ông Tập lần này phần nào phản ánh sự rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Sự rạn nứt này được cho là sẽ tiếp diễn bất kể ai là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
“Nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy giờ chưa phải thời điểm thích hợp để gửi lời chúc mừng, không chỉ vì sự phân rẽ dân sự sâu sắc về kết quả bầu cử ở Mỹ, mà còn vì quan hệ Mỹ – Trung đang trong tình trạng tồi tệ”, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin (Trung Quốc) kiêm cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, nhận định.
Trong khi các quan chức chưa lên tiếng, tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng việc ông Biden là Tổng thống Mỹ tiếp theo là kết quả được dự đoán trước. Tờ báo Trung Quốc còn nhận định Mỹ khó có thể giảm bớt áp lực lên Trung Quốc nếu ông Biden lên nắm quyền.
Giáo sư Shi ủng hộ quan điểm này: “Những cuộc công kích nhằm vào Trung Quốc của ông Biden trong chiến dịch tranh cử cho thấy không có dấu hiệu nào chứng tỏ ông ấy sẽ khác ông Trump về lập trường đối phó với Bắc Kinh. Vì vậy, Trung Quốc không việc gì phải vội vàng chúc mừng ông Biden lúc này”.
Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, Hồ Tích Tiến, hôm 9/11 đăng tải trên Twitter, nói rằng Bắc Kinh sẽ không theo chân các nước phương Tây gửi lời chúc mừng tới ông Biden “để tránh không vướng vào các cuộc tranh cãi của Mỹ”.
Yu Wanli, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Bắc Kinh, cho rằng: “Sẽ ít nhạy cảm hơn nếu các đồng minh của Washington đưa ra lời chúc mừng ông Biden. Nhưng với Nga và Trung Quốc, mọi chuyện hoàn toàn khác.
Với việc ông Trump vẫn đang có tranh chấp về phiếu bầu, một tuyên bố chúc mừng ông Biden từ Moscow hoặc Bắc Kinh vào lúc này có thể bị xem là can thiệp bầu cử. Vì đơn giản là cuộc bầu cử vẫn chưa chính thức kết thúc, bất chấp việc các hãng tin uy tín tuyên bố ông Biden thắng cử.
Zhang Baohui, giáo sư chính trị khoa học tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, Trung Quốc, nhận định, Bắc Kinh “rất nhạy cảm với vấn đề Trung Quốc đã ảnh hưởng như thế nào tới bầu cử Mỹ”.
“Vì vậy, bằng cách chưa đưa ra lời chúc mừng ông Biden để tránh ‘thêm dầu vào lửa’, Bắc Kinh cho rằng việc này có thể làm giảm sự nổi bật của Trung Quốc liên quan tới bầu cử Mỹ ở thời điểm nhạy cảm này”, giáo sư Zhang nói.
Đại sứ quán Mỹ dịu giọng với Trung Quốc
Đại sứ quán Mỹ khẳng định Washington sẽ tìm kiếm và xây dựng "mối quan hệ hướng tới kết quả" với Bắc Kinh, khi cuộc đua tổng thống sắp cán đích.
"Đối thoại là cách tốt nhất để tìm hiểu lẫn nhau", đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đăng bài lên WeChat, nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, hôm 6/11.
"Dù kết quả bầu cử có thế nào, Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ công bằng, có đi có lại với Trung Quốc, đồng thời phổ biến và ủng hộ những chính sách hiện tại của Mỹ với Trung Quốc".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters
Tuyên bố dẫn nhận xét của Robert Forden, đại biện Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, phát biểu hôm 5/11 trong cuộc thảo luận về quan hệ song phương và bầu cử 2020 tại Viện Charhar, một cơ quan tư vấn của Trung Quốc trụ sở tại Bắc Kinh.
"Trong tương lai, các chính sách của Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm mối quan hệ hướng tới kết quả thực chất để giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay trong quan hệ hai nước", Forden nói trong sự kiện mà Lý Cường Dân, tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston từ năm 2014 tới 2019, cũng tham gia.
Giọng điệu mang tính hòa giải phát ra từ đại sứ quán Mỹ khác hẳn năm ngoái, khi nhiều bài đăng chỉ trích kịch liệt các chính sách của Bắc Kinh và chính phủ Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khi đó từng chỉ trích Mỹ.
"Đại sứ quán Mỹ liên tục đăng tải lên trang web những bài viết bôi nhọ Trung Quốc", ông nói hồi tháng 7, nhắc tới yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston của Washington.
Bài đăng hôm 6/11 của đại sứ quán Mỹ cũng nhấn mạnh nhu cầu giao lưu nhân dân với Trung Quốc, điều mà chính quyền Trump đã gây căng thẳng trong thời gian qua, khi lo ngại sinh viên và học giả Trung Quốc có thể tham gia vào hoạt động gián điệp.
"Đồng thời, Mỹ vẫn tiếp tục công tác giao lưu với nhân dân Trung Quốc và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong một số vấn đề thách thức nhất thế giới", trích bài đăng.
Tuyên bố này đưa ra khi ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trên đà giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử. Cựu phó tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đưa ra những chính sách cứng rắn với Trung Quốc về công nghệ, thương mại và nhân quyền, nhưng ông cũng chỉ ra ba lĩnh vực cần hợp tác với Trung Quốc là sự nóng lên toàn cầu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu.
Với mong muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ trong tương lai, viện nghiên cứu đã tặng Forden một bức tranh có tên gọi Non nước liên miên, gợi nhớ tới một thành ngữ trong thơ ca Trung Quốc ngụ ý điều tốt lành sẽ đến sau gian trở ngại.
Trung Quốc bác cáo buộc phá hủy nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương Bộ ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc đã phá hủy hàng nghìn nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương của một tổ chức nghiên cứu Australia. Vương Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 25/9 tuyên bố báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) "chẳng có gì ngoài tin đồn vu khống", cáo buộc...