Hành động của Trung Quốc mang hơi hướng chủ nghĩa sô-vanh Đại Hán
Tờ South Morning China Post xuất bản ở Hong Kong ngày 24/5 đăng bài phân tích của Philip Bowring, nhà bình luận chính trị đã có gần 40 năm hoạt động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phê phán các hành vi của Trung Quốc với các nước láng giền ở Biển Đông
Nhà bình luận Philip Bowring viết : “Các hành vi hiện nay của Trung Quốc với các láng giềng ở Biển Đông mang tính gây hấn, ngạo mạn, mang hơi hướng chủ nghĩa sô-vanh Đại Hán và tư tưởng coi dân tộc mình hơn tất thảy. Không còn là sự thể hiện niềm tự hào quốc gia, nó đang làm ô danh chủ nghĩa ái quốc.
Bắc Kinh không chỉ nhe nanh thể hiện chủ nghĩa bành trướng với Việt Nam và Philippines. Trung Quốc đã thành công trong việc đẩy Indonesia từ vị trí cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa quốc gia đông dân nhất thế giới và các nước Đông Nam Á, tới chỗ đối đầu. Hai lần trong mấy tháng gần đây, Indonesia lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với một phần quần đảo Natuna của nước này. Quá đủ cho cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình”, khi anh chọc giận các hàng xóm với quy mô dân số hơn 400 triệu người, những kẻ bị anh xem là yếu ớt.
Tất cả các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc hiện gói gọn quanh đường 9 đoạn, mở rộng ra hơn 1.000 hải lý, bắt đầu từ các bờ biển của Quảng Đông và đảo Hải Nam, kéo dài tới gần Borneo, quần đảo chung của Malaysia, Indonesia và Brunei; bao gồm gần như toàn bộ vùng biển nằm giữa Việt Nam và Philippines. Tuyên bố chủ quyền này chiếm hơn 90% diện tích biển, dù Trung Quốc (gồm cả hòn đảo Đài Loan) chỉ chiếm có hơn 20% đường bờ biển. Tất cả tuyên bố chủ quyền này dựa trên một cơ sở lịch sử về cơ bản là không tính đến sự tồn tại của các dân tộc khác, cũng như lịch sử đi lại, giao thương trên biển của họ trong vòng 2.000 năm qua, trước cả khi Trung Quốc bắt đầu đặt chân tới các vùng biển nằm ở phía Nam đất nước và xa hơn.
Trong trường hợp của cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc với Việt Nam, diễn ra khi Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu hải Dương 981 vào vùng biển nằm ở phía Đông Đà Nẵng và viện dẫn việc quần đảo Hoàng Sa bị họ chiếm đóng nằm gần với vị trí của giàn khoan, lấy đó là cơ sở biện minh cho hành động của mình. Nhưng quần đảo Hoàng Sa, nơi đã bị Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm trái phép trong năm 1974, đang là địa điểm diễn ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Do quần đảo Hoàng Sa chưa từng có người định cư lâu dài, sẽ vô cùng khó để Trung Quốc đòi lập khu vực đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý như phía Việt Nam.
Lịch sử cũng cho chúng ta biết rằng bờ biển này (Biển Đông) từng là trái tim của Vương quốc Champa cổ rất mạnh về giao thương, trong vòng 1.000 năm đã đóng vai trò chủ đạo về giao thương trong khu vực.
Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đang vây một tàu kiểm ngư của Việt Nam (Ảnh Lao động)
Các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Singapore, Malaysia đều đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo lên Tòa án Tư pháp quốc tế và chấp nhận kết quả do Tòa phán quyết. Nhưng Trung Quốc vẫn không chấp nhận thỏa hiệp hoặc ra tòa. Trong khi đó, hoạt động cùng phát triển khu vực tranh chấp không thể diễn ra, bởi Bắc Kinh luôn kèm theo điều kiện các nước phải chấp nhận tuyên bố chủ quyền mà họ đưa ra.
Trong trường hợp một bãi cạn ngoài khơi bờ biển Philippines, Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền với bãi cạn này dựa trên việc sáng tác ra lịch sử của nó và dựa trên việc họ tuyên bố chủ quyền… trước Philippines. Đây là một cơ sở rất tồi, nếu biết rằng Trung Quốc chưa từng có sự hiện diện thường xuyên ở bãi cạn và Philippines đã được thừa hưởng nó từ một thỏa ước giữa hai đế quốc thực dân phương Tây. Các bãi cạn này dù được Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, lại nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines và trong vùng biển từ lâu vẫn chứng kiến việc người dân ở nước này lui tới bình thường. Cần biết rằng bãi cạn Scarborough nằm cách Luzon có 200km và cách Trung Quốc tới 650 km. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với bãi cạn Trăng Khuyết còn đáng phẫn nộ hơn. Thực tế bãi đá này cách Palawan 110km và gần 1.500km so với Trung Quốc.
Việc Trung Quốc viện dẫn cơ sở các tuyên bố chủ quyền của họ có từ thời Quốc dân đảng là rất phi lý. Tương tự, việc nhiều quốc gia trước đây từng phải cống nạp cho Trung Quốc cũng không thể được lôi ra làm căn cứ khẳng định chủ quyền. Hoạt động cống nạp của các quốc gia đó chỉ giống như đóng thuế, một dạng chi phí khi làm ăn với Trung Quốc.
Và kể cả Trung Quốc có lúc đã từng là một đế chế lớn trong quá khứ, điều này cũng không thể được sử dụng làm cơ sở để đòi quyền sở hữu một vùng biển rộng lớn như Biển Đông.
Có thể thấy Trung Quốc đang muốn giương oai giễu võ và cho thấy ai là “trùm sò” trong khu vực, giống như nước này từng làm với Việt Nam vào năm 1979, và nhắc nhở Mỹ về điểm yếu của mình. Nhưng sự kiện cũng cho thấy việc Trung Quốc chẳng muốn coi các hàng xóm không thuộc dân tộc Đại Hán là bình đẳng với mình; không đối xử đúng mực với những dân tộc đã có lịch sử và văn hóa hầu như chẳng chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.
Lịch sử của Trung Quốc trong việc kiêu căng cho rằng mình ưu việt hơn (về chủng tộc), đặc biệt là trước những con người có làn da sẫm màu hơn, đã kéo dài.
Video đang HOT
Niềm tin vào thuyết ưu sinh và nhu cầu bảo vệ, mở rộng các đặc tính di truyền học Đại Hán đã từng nở rộ. Và nay nó đã trở lại ở đại lục, nơi một số học giả tin rằng thật khó để chấp nhận người hiện đại có cái gốc ở châu Phi và Trung Quốc mới thực sự là cái rốn của nhân loại, nguồn gốc độc nhất vô nhị của loài người”.
Tại sao Trung Quốc sử dụng giàn khoan, vòi rồng và các vụ va chạm tàu ở Biển Đông?
Chuyên gia Robert Kaplan, nhà phân tích địa chính trị hàng đầu của Strafor, phân tích nguyên nhân tại sao Trung Quốc sử dụng giàn khoan, vòi rồng và các vụ va chạm tàu ở Biển Đông. Ông nói: Người Trung Quốc đặt ra tình huống như sau: Chúng tôi có thể làm tất cả, ngoại trừ chiến tranh, để hăm dọa bởi chúng tôi có sức mạnh ở đây. Đó chính xác là những gì Trung Quốc đang nghĩ. Họ cho rằng Việt Nam về cơ bản không thể bắn vào tàu của họ, không thể đánh chìm tàu của Trung Quốc và rằng người Việt Nam sẽ không tấn công giàn khoan. Trung Quốc cũng nhận định rằng nước Mỹ, trong khi đã đưa ra một hay hai tuyên bố mạnh mẽ, tất nhiên sẽ không can dự vào cuộc xung đột Trung Quốc-Việt Nam.
Việc Trung Quốc có hoạt động khoan dầu ở đó có nghĩa rằng, trong thực tế, khu vực này sẽ trở thành lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là lớp cắt khác của hành động xâm chiếm không gian biển đang có tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tiến hành những điều khác nữa. Hãy nhớ rằng lợi ích chiến lược cuối cùng của Trung Quốc là thống trị Biển Đông, giúp nước này sau đó có thể dễ dàng tiếp cận Ấn Độ Dương và khu vực Thái Bình Dương rộng hơn, tương tự cách thức mà Mỹ thống trị Caribe hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khiến Mỹ trở thành một cường quốc thế giới.
Trung Quốc đang tiến hành âm thầm, dần từng bước một cách tinh vi-cuối cùng để từ từ giành quyền chi phối vùng biển này mà không cần sử dụng đến một viên đạn, và đặc biệt không phải lôi kéo Hải quân Mỹ vào một cuộc xung đột.
Theo Nguyễn Chiến
Chính phủ
"Lịch sử đang đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải bình tĩnh, gan góc"
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước nhiều câu hỏi "hóc búa" dư luận đặt ra.
Ông Vũ Mão nói: "Có người hỏi tôi, trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc không ngừng leo thang căng thẳng trên Biển Đông, chúng ta nên nói với nhân dân thế nào về phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ đối ngoại hai nước. Tôi cho rằng, 16 chữ ấy có thể có lúc không đạt được nhưng nó vẫn là cái mong muốn muôn thuở. Mối bang giao với Trung Quốc đã có thời kì rất tốt đẹp mà Bác Hồ góp công xây dựng lên. Chúng ta cần giữ và phát huy điều đó. Có lúc mối quan hệ hai bên trục trặc, lúc thăng lúc trầm thì có thể coi đó là sự việc cụ thể nhưng không đến nỗi ngỡ ngàng. Chúng ta không đến nỗi bi quan để xử lý tình hình".
Ông Vũ Mão: "Lịch sử đang đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải bình tĩnh, gan góc"
Từ việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 xâm hại trực tiếp vùng biển của Việt Nam đến những chính sách của Trung Quốc với khu vực, là người từng nhiều năm công tác trong ngành đối ngoại của Quốc hội, ông có nhận định gì?
Ta với Trung Quốc là láng giềng "núi liền núi, sông liền sông". Chúng ta không thể đưa Trung Quốc đi chỗ khác cũng như ta không thể di chuyển sang vị trí khác. Đó là thiên định rồi. Với những đặc thù như thế, công tác đối ngoại đòi hỏi những tính toán, phương sách đối ngoại phải rất bình tĩnh, sáng suốt. Nhưng tựu chung lại, hai nước láng giềng mà mâu thuẫn nhau thì làm sao phát triển.
Phải nhìn nhận một thực tế khách quan rằng, hiện nay bất kỳ quốc gia nào cũng đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết. Vấn đề là phải xử lý lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng giữa các nước như thế nào cho hài hòa. Chúng ta mong muốn Trung Quốc xử lý tốt mối quan hệ đó. Tuy nhiên đây là vấn đề khó bởi Trung Quốc luôn cho rằng mình là nước lớn và bản thân họ rất khao khát được trở thành cường quốc. Chúng ta cần hiểu điều đó để xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.
Suốt hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta luôn phải đương đầu với tham vọng bành trướng và đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Chiến tranh xảy ra liên miên. Và chắc cũng không ai trong chúng ta có thể quên thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ Việt Nam rất chí tình.
Cho đến giờ, những tư tưởng mà Bác Hồ để lại cho dân tộc vẫn có ý nghĩa rất lớn. Và công tác đối ngoại với người bạn lớn phương bắc này lại càng quan trọng. Tại sao thời điểm đó, ta lại có được mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Bác đã xử lý mối quan hệ đó rất tốt.
Đã có một thời kì, chúng ta nói rằng ta và Trung Quốc như môi với răng. Thế nhưng đã có thời kì xảy ra chiến tranh giữa hai bên. Và mấy chục năm vừa qua, hai nước lại bình thường hóa quan hệ. Nhưng rõ ràng một bộ phận giới lãnh đạo Trung Quốc cậy là nước lớn, có lực mạnh nên họ có thể làm bất cứ việc gì.
Chúng ta vẫn kiên định bảo vệ chủ quyền của đất nước, chủ quyền quốc gia là tối thượng. Và chúng ta học tấm gương của Hồ Chủ tịch là xử sự khéo léo.
Theo ông trong giai đoạn tới thì quan hệ hai nước sẽ như thế nào?
Tôi tin, mong muốn, tha thiết quan hệ hai nước sẽ trở lại hữu nghị. Nếu hai nước cứ căng thẳng thì làm sao xây dựng đất nước được. Tôi biết nhân dân hiện nay đang rất lo lắng mặc dù ý chí cách mạng là kiên cường nhưng vẫn có nỗi lo, nỗi buồn nếu chiến tranh xảy ra. Chúng ta đã trải qua quá nhiều năm chiến tranh, đã chịu quá nhiều tổn thương vì chiến tranh. Mong muốn của chúng ta là ổn định, phát triển, quan hệ tốt với các nước láng giềng. Trung Quốc là nước lớn lại có tư tưởng Đại Hán thì rất khó. Nhưng cái khó ló cái khôn.
Ta sẽ mong chờ những sáng kiến từ kỳ họp Quốc hội này. Tôi cho rằng, Quốc hội sẽ lấy tinh thần của Bác Hồ là "dĩ bất biến ứng vạn biến" để xử lý tình hình. Chúng ta cũng sẽ đánh đi một tín hiệu với thế giới rằng: Việt Nam yêu chuộng hòa bình, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước và cũng sẵn sàng đàm phán để xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước.
Ông vừa nhắc tới quan điểm của Hồ Chủ tịch: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Mong muốn lâu nay của người dân Việt Nam đều mong muốn hòa bình. Nhưng dường như có những thế lực không mong muốn hòa bình. Họ tiếp tục đơn phương leo thang căng thẳng. Động thái của chúng ta thế nào trong trường hợp này, thưa ông?
Mong muốn xuyên suốt của nhân dân ta, Đảng và Nhà nước ta là hòa bình. Bởi chỉ có hòa bình, ổn định thì mới có thể phát triển được. Chúng ta phải vừa kiên quyết và vừa kiên nhẫn. Phải tỉnh táo để không mắc mưu của họ. Nếu chúng ta dấn tới thì nhiều chuyện căng thẳng hơn có thể xảy ra. Và cũng không loại trừ những tình huống nặng nề nhất, nguy hiểm nhất. Càng thấm như vậy, lịch sử càng đòi hỏi dân tộc phải bình tĩnh, gan góc, tỉnh táo nhìn nhận sâu sắc.
Phải đủ bình tĩnh mới có thể ngồi lại với nhau, đàm phán với nhau. Thực ra mà nói, đàm phán biên cương chủ quyền không bao giờ đơn giản.
Tôi xin lại nhắc lại chuyện cũ, đàm phán Hiệp định biên giới trên bộ giữa hai nước Việt - Trung rất căng thẳng, khó khăn và trải qua nhiều năm. Tranh luận gay gắt đã diễn ra và chúng ta không lùi bước. Nhưng trong khó khăn như vậy, giữa điểm kiên định không thể thay đổi, vẫn phải tìm điểm chung để hai bên cùng đi tới cái kết có hậu.
Chỉ có trên cơ sở bình tĩnh, tôn trọng nhau thì mới có thể ngồi với nhau; nếu ngồi rồi to tiếng, đập bàn đập ghế thì sao có thể đàm phán. Tôi tin, mong muốn hòa bình, ổn định đó là xu thế chung và tất nhiên, chúng ta rất mong muốn điều đó.
Cá nhân tôi cũng tin rằng, phía Trung Quốc phải có nhìn nhận và xem xét vấn đề này một cách hợp lý.
Nhiều người dân đang tự hỏi: Đâu là mức giới hạn cho sự kiềm chế của ta, nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang? Và biết phải đàm phán ra sao, ngồi với nhau như thế nào đây, nếu một bên vẫn kiên quyết leo thang những căng thẳng, xung đột mới, thưa ông?
Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hiền hòa. Và trước những tình huống gian nan của lịch sử, dân tộc này luôn chứng tỏ bản lĩnh gan góc, bình tĩnh.
Câu hỏi của bạn lại làm tôi liên tưởng tới chữ Nhẫn trong Hán học. Chiết tự chữ Nhẫn trên là bộ đao, dưới là bộ tâm; có con dao đè dí vào trái tim, nếu hất lên để tỏ ra kiên cường thì con dao sẽ đâm vào tim. Làm việc gì cũng phải có "tâm". Khi có "tâm" rồi, lại phải biết giữ "tâm" không để vọng động, ảnh hưởng tới sự sáng suốt của lý trí. Vì vậy bộ "đao" ở trên bộ "tâm", giữ không cho "tâm" vọng động.
Nó không hề mang ý nghĩa "nhịn nhục" mù quáng như nhiều người hiểu nhầm. Sự kiên trì đòi hỏi phải có lý trí... Ông cha ta hiểu lắm, thuộc lắm chữ Nhẫn đó. Nếu không Nhẫn, thì sao có chuyện, ngay khi nước Nam đại thắng quân xâm lược phương bắc, vua tôi nước Nam vẫn có nhiều động thái để giữ hòa hiếu giữa hai đất nước.
Dĩ nhiên, mỗi thời đại một khác. Và thời đại này, không kẻ nào có thể sử dụng vũ lực, cậy lớn để áp đặt, bắt nạt chúng ta. Và chúng ta, sẽ có những phương thức khác, theo đúng lời Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".
Ông có nói, trong ngoại giao phải tìm sự tương đồng giữa các bên thì mới ngồi với nhau được. Trong bối cảnh hiện nay, đâu là điểm tương đồng?
Hòa bình ở Biển Đông thì cả hai bên đều có lợi. Chúng ta bàn nhau, chỗ nào là của Việt Nam, chỗ nào là của Trung Quốc, chỗ nào của các nước khác. Những điểm nào còn chồng lấn thì chúng ta phải bàn nhau. Ví như ta đã bàn với Thái Lan, Malaysia... rồi và bước đầu cho thấy những tiến triển quan trọng. Trên thế giới đã có những việc như thế này xảy ra rồi thế nhưng để giải quyết sự việc thì đòi hỏi phải có văn hóa.
Những người lãnh đạo ở Trung Quốc nên biết rằng trên thế giới ngày nay đã khác xưa lắm rồi, phải có tư duy mới.
Theo ông, nghị quyết lần này của Quốc hội về Biển Đông cần nhấn mạnh điểm gì?
Theo tôi, có một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, Quốc hội hoan nghênh nhân dân đã tỏ rõ lòng yêu nước cao cả, biểu dương những chiến sỹ, ngư dân đang làm việc, chiến đấu ở nơi tiền tuyến. Thứ hai, ủng hộ lãnh đạo xử sự các vấn đề như vậy là hợp lý. Thứ ba, chúng ta phải tỏ thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền tổ quốc.
Thứ tư, chúng ta thể hiện nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và muốn làm bạn với các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Thứ năm, tình hình và diễn biến phức tạp nhưng chúng ta lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để xử lý các mối quan hệ quốc tế và đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc. Và mong muốn Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng tốt, cùng nhau phát triển. Trung Quốc và Việt Nam cũng đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng xây dựng CNXH. Chủ nghĩa dân tộc không nên cực đoan mà phải biết ta, và biết bạn bè quốc tế.
Thưa ông, tiền đề quan trọng để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc là phải gắn bảo vệ chủ quyền quốc gia với chăm lo phát triển kinh tế, để "thể trạng" của đất nước ngày càng mạnh mẽ lên. Tuy nhiên, kinh tế đất nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Có điều gì khiến ông trăn trở nhất?
Hiện nay kinh tế của chúng ta đang rất khó khăn. Có nguyên nhân do tác động của kinh tế thế giới nhưng cũng có những sai lầm của chúng ta. Điều này cộng với sự khích động của một số phần tử xấu đã phá hoại sự đầu tư, sản xuất của nước ngoài tại Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó nên Đảng và Nhà nước đang xử lý tồn tại đó. Lúc này cần đầu tư phát triển kinh tế.
Muốn phát triển kinh tế thì phải có cơ chế, luật pháp tốt hơn. Vì thế tôi còn mong muốn ở Quốc hội lần này có thêm văn bản pháp luật về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay mới chỉ có một số nghị định của chính phủ. Một tập đoàn có thể có số vốn tới hàng chục tỷ đô la. Nghị quyết Quốc hội quy định những công trình, dự án từ 1,5 tỷ đô la thì Quốc hội phải thông qua. Thế mà một công ty có số vốn tới vài chục tỷ đô la mà Quốc hội không bàn thì đó là cái rất thiếu.
Kỳ họp Quốc hội lần này, tôi tha thiết rằng, mặc dù Quốc hội có nhiều việc để bàn nhưng vẫn phải bàn vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ có cho hay, đến năm 2015 sẽ phải giải quyết hơn 400 doanh nghiệp. Muốn giải quyết điều đó thì phải có cơ chế, chính sách, thì mới làm được tốt.
Phúc Hưng (thực hiện và ghi)
Theo dantri
Hãy đẩy mạnh tuyên truyền cho cho nhân dân Trung Quốc hiểu! Thưc sư Trung Quôc rât lo sơ quôc tê hoa vân đê Biên Đông, đam phan đa phương, công khai nhơ trong tai quôc tê phân xư. Nên Trung Quốc đang sử dụng mạng lưới truyền thông khổng lồ để bóp méo, xuyên tạc thông tin một cách trắng trợn về Việt Nam. Liên tiếp, các cuộc họp báo của Bộ ngoại giao...