Hàng xóm ốm đi cấp cứu bị dựng chuyện thành đánh nhau vỡ đầu
Hôm đó, huyết áp tăng vọt, anh Kiên phải đi cấp cứu. Không hiểu chị Mơ, hàng xóm nhà anh, nghe chuyện kiểu gì mà kể lại với mọi người là vợ chồng anh Kiên và chị Thơm đánh nhau.
Chị Thơm giận quá nên cầm bình hoa đập thẳng vào đầu chồng, máu be bét, chẳng biết có qua khỏi không…
1. Đã là phụ nữ thì hầu như ai cũng ít nhiều có tính… hay buôn. Nhưng “buôn” tới mức như chị Mơ thì đúng là khiến nhiều người phải “nể phục”. Bà Tính, mẹ chồng chị Mơ, nổi tiếng là người vui vẻ, dễ gần, hàng xóm đều nhận xét từ xưa đến nay bà sống rất biết điều và xởi lởi.
Nhưng chị Mơ ngồi đâu cũng ý kiến về mẹ chồng. Qua câu chuyện của chị, không ai có thể hình dung ra đó là bà Tính mà họ vẫn gặp. Đơn giản như chuyện các con đi làm, lẽ ra ở nhà cả ngày bà cũng nên lo chuyện chợ búa cơm nước, đón bọn trẻ lúc tan học.
Nhiều phụ nữ có thể “buôn dưa lê” mọi lúc, mọi nơi – Ảnh minh họa
“Mẹ chồng cháu không làm gì, bữa tối muộn mấy cũng chờ con dâu về nấu. Cháu bận cả ngày, chiều đón bọn trẻ về lại loay hoay tắm giặt, rồi mới cơm nước được. Nhiều hôm 9 giờ tối cả nhà mới ngồi vào mâm. Ăn xong lại dạy trẻ con học, rồi dọn dẹp. Lên giường lúc nửa đêm, cháu mờ hết cả mắt. Mọi người cứ nghĩ lấy chồng giàu sướng nhưng cháu chỉ kể một chuyện nhỏ vậy thôi để các cô biết cháu khổ đến mức nào!”, chị Mơ ca thán.
Chuyện này cả xóm đều thuộc lòng. Nhiều người nghe xong cũng tỏ ra thương cảm nhưng không ít người tỉnh táo hỏi lại: “Cô thấy cháu toàn đi đến 7-8 giờ tối mới về, trường nào còn trông trẻ con đến giờ đó?”; “Cháu đi chợ vào lúc nào?”; “Sáng nào cô cũng thấy mẹ chồng cháu đi chợ mà?”… Rất nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng lần nào Mơ cũng có chuyện hoặc đang vội không thể trả lời ngay.
Có bà tế nhị hỏi mẹ chồng chị Mơ chuyện đón cháu nội buổi chiều thì bà tặc lưỡi kể, hai đứa nhỏ tan ở trường là ở lại học thêm luôn; hoặc có hôm sẽ có bác xe ôm quen đón rồi di chuyển đến câu lạc bộ hoặc lớp năng khiếu… “Thương bọn nhỏ, cả ngày học, tối lại học, vợ chồng tôi cũng có ý kiến rồi mà vợ chồng nó vẫn muốn cho con học nên đành chịu!”, “Tối nào cũng 9-10 giờ mới ăn tối. Nghĩ một ngày có duy nhất một bữa đông đủ cả nhà nên vợ chồng tôi cũng chờ cùng nhưng chắc sắp tới phải làm hai bếp mất. Già rồi không thể sinh họat theo bọn trẻ!”…
Video đang HOT
Ngồi đâu chị Mơ cũng có thể miệt mài “sáng tác”, hết chuyện nhà mình đến chuyện nhà hàng xóm – Ảnh minh họa
2. Không chỉ chuyện nhà mình mà chuyện của những nhà khác trong xóm cũng được Mơ “thêu dệt” đủ kiểu. Vợ chồng chị Thơm – anh Kiên từng là nạn nhân của chị Mơ.
Hôm đó, trời lạnh, anh Kiên vốn bị cao huyết áp nên huyết áp tăng bất ngờ, uống thuốc cũng không đỡ nên quyết định đi bệnh viện. Xe cấp cứu đến chở hai vợ chồng lao đi vun vút. Mẹ chị Thơm phải đến trông con giúp. Chị Mơ nói chuyện cùng mẹ chị Thơm một lúc rồi ra hàng bún ngan đầu ngõ ăn sáng.
Không hiểu chị nghe chuyện kiểu gì mà “thêm mắm thêm muối” khi kể lại với mọi người là anh Kiên chị Thơm đánh nhau. Chị Thơm bị chồng tát sưng má, giận quá nên cầm bình hoa đập thẳng vào đầu chồng, máu me be bét nên phải đi cấp cứu, chẳng biết có qua khỏi không. “Tôi nghe mẹ chị Thơm nói, sau trận này sẽ đón con gái về, không cho ở đây nữa. Cưới nhau mấy năm thì năm nào cũng có vài trận đấm đá, bà ấy thương con gái không chịu nổi”…
Chị Hoàng làm công tác phụ nữ ở phường nghe chuyện nên tối đó, đã cùng các hội viên đến nhà thăm chị Thơm. Mọi người đều bất ngờ khi toàn bộ câu chuyện chị Mơ kể không có nổi một phần trăm sự thật.
Sau hôm đó, chị Hoàng tìm chị Mơ nói chuyện và đề nghị không nên chuyện bé xé ra to và thêu dệt chuyện nhà hàng xóm như vậy. Không rút kinh nghiệm, chị Mơ còn oang oang theo kiểu “vừa ăn cắp, vừa la làng”: “Tôi nói vậy hồi nào? Chị nói gì có lý chút đi! Sao tôi lại dựng chuyện nhà người khác như thế, tôi có được lợi gì khi làm vậy đâu?”…
Theo thời gian, cả ở nơi chị sống lẫn nơi làm việc, chẳng ai bảo ai, mỗi khi thấy chị Mơ ngồi đâu là mọi người tự nhiên âm thầm rút dần, chẳng ai còn muốn nghe hay mất thời gian quan tâm đến những chuyện “không có thật” do chị Mơ miệt mài “sáng tác” nữa.
Hải Giang
Theo phunuvietnam.vn
Lấy chồng giàu tôi vẫn phải dấm dúi tiền biếu Tết nhà ngoại, câu nói của chồng khi phát hiện khiến tôi muốn ly hôn
Nếu lúc yêu mà biết trước ông chồng là người keo kiệt, bủn xỉn như thế này thì dù có chết tôi cũng không lấy. Nhưng biết trước thì đã chẳng nên chuyện...
Tôi vốn là con nhà nông chân lấm tay bùn, bố mẹ tôi không quá nghèo nhưng tiền kiếm được chỉ đủ sống chứ không có dư giả gì nhiều. Có bao nhiêu tiền là bố mẹ dồn hết cả cho chị em tôi ăn học cho bằng bạn bằng bè, biết vậy nên tôi phải cố gắng học thật tốt để báo đáp công ơn bố mẹ.
Tôi học đại học xong ra trường với mức lương khá ổn, dù không quá cao nhưng cũng đủ để sống ở thủ đô và tiết kiệm một ít gửi về cho bố mẹ. Từ lúc đi học, tôi đã tự hứa là phải cố gắng kiếm được nhiều tiền để bố mẹ bớt cực nhọc. Vậy mà vừa ra trường, chưa kịp báo đáp cho bố mẹ được ít nào thì tôi lại đi lấy chồng.
Ảnh minh họa.
Anh học cùng trường, trên tôi 2 khóa và là con trai Hà Nội gốc. Gia đình anh khá giả vì bố mẹ anh kinh doanh phát đạt, có vài cửa hàng lớn nhỏ ở đất thủ đô. Anh ra trường không đi xin việc mà về phụ giúp bố mẹ phát triển kinh doanh vì cơ ngơi đó trước sau gì cũng là của anh nắm giữ. Khi yêu, tôi không hề biết gia đình anh giàu như vậy vì anh chi tiêu cực kỳ tiết kiệm, ăn mặc giản dị lại còn biết tính toán. Tôi cứ nghĩ rằng, ở Hà Nội thì cũng có người này người kia chứ có phải ai cũng giàu có, anh ấy biết tiết kiệm thế là tốt, mình sẽ không phải lo lắng quá nhiều. Ấy là tình yêu làm cho tôi mờ mắt như thế chứ giờ tôi mới nhận ra đấy là tính keo kiệt, bủn xỉn, hà tiện không thể chấp nhận được.
Tôi lỡ mang bầu, phải cưới gấp mà hoàn cảnh gia đình tôi cũng không khấm khá gì nên tôi trở thành cái gai trong mắt mẹ chồng. Bà không những không vun vén mà còn muốn thêm mắm thêm muối để vợ chồng tôi mâu thuẫn.
Không chỉ chồng mà cả mẹ chồng cũng khiến tôi tức phát điên vì tính keo kiệt - Ảnh minh họa.
Ban đầu về làm vợ, chồng tôi còn để tôi tự do chi tiêu và không quản lý và đả động đến tiền lương của tôi, thậm chí thỉnh thoảng tôi xin anh còn cho thêm vì muốn chiều vợ để tôi không phải buồn, sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Vậy mà sau khi tôi sinh con, anh dường như biến thành một con người hoàn toàn khác. Tôi mua gì, tiêu gì cũng phải liệt kê lại chi tiết từng đồng một, mỗi cuối tuần anh ấy lại kiểm tra và cộng lại, nếu thiếu sẽ tra hỏi tôi cho bằng được thì thôi.
Tôi sinh con xong suýt bị trầm cảm cũng chỉ vì sự tính toán chi li của anh, tôi đành phải tự tìm hiểu để cân bằng cảm xúc, tránh ảnh hưởng đến con. Vậy mà, càng ngày anh càng làm tôi phải sôi máu.
Hồi tháng 10 vừa rồi, bố tôi bị ruột thừa phải mổ khẩn cấp, mà nhà chẳng còn đồng nào. Tôi lấy tiền trong tài khoản của chồng để trả tiền viện phí cho bố. Đến lúc bố hồi phục, tổng tiền viện phí, thuốc men... hết 20 triệu. Chồng tôi bảo: "Em gọi điện về bảo mẹ trả tiền đi, chứ mình cũng có nhiều đâu mà thanh toán toàn bộ như thế". Tôi ức quá nhưng vì thương bố mẹ nên tôi đành phải nín nhịn. Tôi nói mãi anh ta mới chịu đồng ý đỡ cho bố mẹ tôi 10 triệu. Tôi bị chồng quản thúc tài chính nên không thể có quỹ đen mà cho bố mẹ được.
Ảnh minh họa.
Tết năm nay, tôi được công ty thưởng 20 triệu. Tôi nói với chồng rằng mình chỉ được thưởng 15 triệu, còn lại gửi về cho bố mẹ mình ở quê lấy tiền tiêu tết. Vậy mà không hiểu vì lý do gì chồng tôi biết được thông qua một anh đồng nghiệp của tôi. Tối hôm đó, anh ta trở về nhà với khuôn mặt bực tức rồi quát vào mặt tôi: "Cô dám giấu tiền cho bố mẹ cô ở quê. Thì ra từ trước đến nay cô đều qua mặt tôi để lén lút như vậy. Cút ra khỏi cái nhà này". Tôi bị sốc vì câu nói của chồng, tôi không thèm giải thích một lời nào, ôm con và dọn hành lý về quê. Thế cũng tốt, tự dưng lại được ăn Tết cùng bố mẹ đẻ.
2 hôm rồi anh ta không thèm gọi cho tôi lấy một cuộc điện thoại. Mẹ tôi đoán được vợ chồng tôi có mâu thuẫn nên khuyên tôi quay về và chịu khó nhẫn nhịn để nhà cửa được yên bình. Nhưng làm sao tôi có thể sống chung với một ông chồng keo kiệt đến như vậy, kinh tế thì dư giả mà tính toán chi li ngay với cả vợ con và bố mẹ vợ. Tôi biết phải làm sao bây giờ, tôi thương bố mẹ lắm?
Theo afamily.vn
Lời đáp trả sâu cay của cô con dâu với ông bố chồng nhiều chuyện, chỉ coi con dâu là cái máy đẻ Có hôm đang ngồi ăn cơm, ông lại mang chuyện nhà hàng xóm ra kể, nhà bà nọ bà kia có 2 đứa cháu trai, rồi đẻ thế mới là đẻ chứ, chưa hết ông còn gọi 2 con tôi là "lũ vịt giời" khiến tôi tức điên. Tôi năm nay 33 tuổi, vợ chồng tôi lấy nhau được 7 năm và đã...