Hàng xóm ngỡ “bầu” Kiên bị bắt vì buôn cây cấm
Sáng 20-8, thấy có xe tải chở cây cảnh lớn tới và được xe cẩu lớn cẩu vào nhà ông Nguyễn Đức Kiên ở ngõ 27 đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) nên khi “bầu” Kiên bị bắt tối cùng ngày, hàng xóm tưởng ông bị bắt vì buôn cây cảnh cấm.
Khu biệt thự của ông bầu Kiên nằm cuối ngõ 27 đường Xuân Diệu (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) có 3 mặt tiền xứng tầm với người được mệnh danh là “ông trùm các ngân hàng”. Khu biệt thự rộng rãi với khu vườn nhiều cây cối rất đẹp mắt.
Những bảo vệ áo xanh đang đứng canh trước cửa nhà “bầu” Kiên sáng 21-8
Sáng 21-8, có 4 bảo vệ áo xanh liên tục đảo qua, đảo lại trước cửa và bên hông nhà ông Kiên, ra hiệu ngăn cản phóng viên tác nghiệp. Khi được hỏi, các bảo vệ đều nói: “Không biết gì, mới ở quê lên”, “Không nói được”.
Căn biệt thự của “bầu” Kiên khép cửa kín, không có ai ra vào, cũng không có “siêu xe” nào của ông “bầu” đỗ tại đây.
Video đang HOT
Trao đổi với Báo Người Lao động, bà Nguyễn Thị Yến – Tổ trưởng tổ dân phố 25 – cho biết, việc khám xét nhà “bầu” Kiên của lực lượng công an diễn ra vào khoảng 19 giờ đến 20 giờ tối ngày 20-8.
“Tôi là tổ trưởng nên được mời đến làm người chứng kiến. Có rất nhiều cảnh sát cùng 3- 4 công an phường phối hợp. Khi lực lượng đến khám xét có vợ và một cháu lớn của anh Kiên ở nhà”, bà Yến cho biết.
Cũng theo bà Yến, ông Kiên và vợ ở đây cũng ít khi sinh hoạt cùng tổ dân phố, chỉ bà mẹ có tham gia một số hoạt động của tổ dân phố 25. “Ở đây ông Kiên cũng không hay giao lưu nên chúng tôi không biết nhiều. Song chúng tôi cũng rất bất ngờ trước thông tin này”, bà Yến nói.
Khu vực nhà riêng của “bầu” Kiên nằm trong khu có nhiều biệt thự “cửa đóng then cài” nên khi ông bị bắt cũng ít người biết. Một người hàng xóm cho hay, lúc khoảng hơn 19 giờ tối 20-8, có nhiều công an đến nhà ông Kiên.
“Bọn tôi tưởng ông Kiên bị bắt vì mua cây cấm” – một hàng xóm cho biết. Một số người dân cho hay, sở dĩ có thông tin này là vì buổi sáng ngày 20-8 có một xe chở cây cảnh đến nhà ông Kiên, có cả xe cần cẩu lớn cẩu cây cảnh vào nhà. Chính vì thế, nhiều người hiểu lầm là ông Kiên bị bắt vì mua bán cây cảnh trái phép.
Theo VNE
"Bầu" Kiên bị bắt về tội kinh doanh trái phép
Ông Nguyễn Đức Kiên - thường gọi là "bầu Kiên" với chức danh Phó chủ tịch HĐQT VPF- đã bị bắt tối 20-8 để điều tra để điều tra về tội kinh doanh trái phép.
Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt để điều tra sai phạm về kinh tế
Ngày 21- 8, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, cơ quan này đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên (48 tuổi) ngày 20-8 về tội Kinh doanh trái phép theo điều 159 - Bộ Luật hình sự, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10) ngày 20-8.
Ngay trong tối 20- 8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khám xét nơi ở của ông Nguyễn Đức Kiên tại ngõ 27 đường Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch HĐQT của 3 công ty: Công ty Cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội - căn cứ theo đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 công ty này.
Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) - hiện không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng ACB.
Vì vậy, việc khởi tố và bắt tạm giam ông Kiên chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty có đơn tố cáo, gồm: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, và Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng khẳng định, quyết định khởi tố vụ án hình sự khởi tố, bắt tạm giam bị can là hoạt động bình thường của Cơ quan điều tra.
Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1964 tại Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1980, ông thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Sau một năm học tại trường này, ông được chọn đi du học tại Hungary.
Sau khi học xong về nước năm 1985, ông là cán bộ của Tổng Công ty Dệt May Việt Nam.
Sự nghiệp kinh doanh của ông Nguyễn Đức Kiên bắt đầu từ năm 1994 khi cùng một số thành viên khác xây dựng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), sau đó là Phó Chủ tịch HĐQT trước khi chuyển thành Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB. Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng và bóng đá, ông còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc...
Ngoài việc làm Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, ông Kiên cũng là người khởi xướng thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và là Phó Chủ tịch VPF
Theo VNE
Làng bóng đá "giật mình" nghe tin bầu Kiên bị bắt Sửng sốt, ngỡ ngàng là tâm lý chung của nhiều nhân vật trong làng bóng đá Việt Nam khi biết tin bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) bị bắt. Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Đoàn Nguyên Đức, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF), cho biết ông rất bất ngờ khi nghe tin bầu Kiên bị bắt...