Hãng xe tìm mọi cách “sống sót” trong mùa dịch
Dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến thị trường xe cộ gần như đóng băng. Để duy trì hoạt động, các hãng và đại lý đang tìm mọi cách xoay xở.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến thị trường xe cộ gần như đóng băng. Để duy trì hoạt động kinh doanh, các hãng và đại lý đang phải tìm đủ cách xoay xở.
Hàng loạt các đại lý Toyota tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được thông báo tạm thời đóng cửa. Ảnh: Thanh Tùng
Bán xe qua mạng vớt vát doanh số
Cơ quan sắp chuyển trụ sở xa nhà, anh Dương Tùng (quận Ba Đình, Hà Nội) cần gấp một chiếc ô tô để đi lại an toàn, chủ động hơn. Tuy nhiên, do đang giãn cách xã hội nên anh không thể đến đại lý xem xe.
Mở điện thoại, anh Tùng vào hội nhóm Honda CR-V trên Facebook bắn tin cần mua gấp Honda CR-V L giá tốt. Chỉ khoảng 1 phút sau đã có gần chục tin nhắn mời chào mua xe với cam kết ưu đãi, giảm giá tốt nhất.
Sau một hồi lựa chọn, anh Tùng chốt mua xe ở Honda Long Biên, với mức giảm giá 152 triệu đồng kèm quà tặng phụ kiện 70 triệu đồng.
“Định hết dịch, đến đại lý xem xe rồi mới quyết có mua hay không nhưng do quá gấp, lại thấy xe giảm giá mạnh trong tháng 8 nên tôi quyết đặt cọc luôn. Tất cả các câu hỏi đều được nhân viên kinh doanh Honda Long Biên giải đáp qua Messenger. Sau khi chuyển khoản 10 triệu đồng đặt cọc, đại lý đã chuyển lại hình ảnh hợp đồng. Đợi hết giãn cách tôi sẽ đến hoàn tất thủ tục rồi nhận xe”, anh Tùng cho biết.
Kể từ khi giãn cách xã hội, nhân viên một số đại lý ô tô và xe máy tại Hà Nội đã đẩy mạnh việc quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng.
Thậm chí, một số hãng còn giới thiệu hình thức mua xe trực tuyến tương đối mới lạ, như VinFast hay TC Motor.
Đại diện VinFast cho biết, trong tháng 7/2021, hãng xe được xem là thành công khi tăng trưởng doanh số trong bối cảnh cả thị trường sụt giảm mạnh. Đây là kết quả của sự linh hoạt các giải pháp để thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
“VinFast là hãng xe triển khai bán hàng trực tuyến hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Đặc biệt là hợp tác với Ngân hàng Techcombank, dùng công nghệ trực tuyến để thẩm định hồ sơ mua xe trả góp. Khách hàng không cần phải đến showroom và được giao xe tận nhà”, đại diện VinFast cho hay.
Video đang HOT
“Công ty còn linh hoạt trong chính sách bán hàng bằng các gói ưu đãi đa dạng, rồi ưu đãi cho cả tình huống chẳng may giao xe chậm với số tiền 20 triệu đồng/tháng. Thậm chí ưu đãi rất sâu cho một vài thị trường đặc thù như Hải Phòng, do là nơi đặt nhà máy”, vị đại diện chia sẻ thêm.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, trên các sàn thương mại điện tử, việc kinh doanh xe máy cũng đang diễn ra sôi động. Chỉ cần vài cú nhấp chuột, người mua đã có thể dễ dàng chọn mua xe, giao về tận nhà bởi nhân viên của đại lý.
Đại diện Yamaha Motor Việt Nam cho biết, hãng cũng đang xem xét việc đẩy mạnh bán xe qua các hình thức trực tuyến. “Ước tính vì dịch bệnh, doanh số xe bán ra giảm khoảng 30% so với bình thường. Tuy nhiên, lượng khách mua xe qua các hình thức trực tuyến ước lượng có thể tăng tới 20%”, đại diện Yamaha Motor chia sẻ.
Ưu đãi “sập sàn” vẫn ít người mua
Khách hàng điền các thông tin cần thiết khi thực hiện mua xe trực tuyến trên website của VinFast . Ảnh: Thanh Tùng
Không giống với VinFast, hầu hết các hãng xe tại Việt Nam đều đang chịu ảnh hưởng tiêu cực tới doanh số vì dịch bệnh. Bằng chứng là trong tháng 7/2021, hàng loạt ông lớn sụt giảm doanh số như Toyota, Mazda hay Honda…
Bước sang tháng 8/2021, nhiều hãng ô tô, đại lý bán xe tung hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá xe hấp dẫn như Toyota hỗ trợ tới 30 triệu đồng lệ phí trước bạ với Vios, Mitsubishi, Mazda hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ nhiều mẫu xe…
Vừa ưu đãi, vừa đẩy mạnh bán hàng qua mạng song thực tế, tình hình kinh doanh chỉ ở mức cầm chừng, nhất là ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Đại diện HEAD Hồng Hạnh trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) cho biết, cuối tháng 7/2021, Hà Nội mới ban hành lệnh giãn cách xã hội nên doanh số bán hàng tại đại lý vẫn đạt hơn 200 xe.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2021 đến nay đại lý mới bán được hơn 10 xe. Dự tính, doanh số tháng 8/2021 sụt giảm 95% so với tháng trước.
“Dù đã đầu tư chi phí để quảng cáo trên các trang mạng xã hội, tung ra nhiều chương trình ưu đãi như giảm giá xe về đúng giá đề xuất của hãng đối với hầu hết các mẫu xe máy (ngoại trừ Honda SH), tặng phụ kiện xe, hỗ trợ trả góp lãi suất 0% (không giữ đăng ký xe gốc)… nhưng số khách hỏi đặt cọc xe vẫn chỉ lác đác. Đa số khách đặt mua xe thời điểm này là khách quen từng mua xe tại đại lý, nhận thấy giá ưu đãi mà số tiền đặt cọc chỉ từ 500.000 – 1.000.000 đồng nên đặt xe để lấy giá tốt, chờ hết giãn cách và qua tháng Ngâu nhận xe”, vị đại diện HEAD Hồng Hạnh chia sẻ.
Anh Thạch Vũ Kỷ, nhân viên tư vấn bán hàng Hyundai Phạm Văn Đồng cho biết, thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội, lượng khách hàng đặt mua xe giảm rõ rệt, ước tính doanh số giảm từ 80 – 90% so với tháng trước.
“Nếu như trước đây, một ngày đại lý có thể chốt được từ 10 – 20 xe thì nay 2 – 3 ngày vẫn không ký được hợp đồng nào dù đại lý vẫn chạy quảng cáo online để thu hút khách hàng cùng nhiều chương trình ưu đãi lớn ngang với mức ưu đãi 50% lệ phí trước bạ”, anh Kỷ nói.
Theo anh Kỷ, tính đến nay, Hà Nội đã trải qua 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội, nhiều sale chia sẻ, chạy quảng cáo online 10 – 15 ngày đầu giãn cách tiêu tốn nhiều triệu đồng nhưng sau tư vấn, khách nào cũng muốn chờ hết dịch mới quyết khiến nhiều nhân viên kinh doanh nản chí.
Thậm chí, tới 70% nhân viên kinh doanh đã dừng chạy quảng cáo bởi còn phải lo chi phí sinh hoạt cho gia đình. Những người còn lại thì giảm mức chi cho việc này xuống chỉ còn từ 100.000 – 150.000 đồng/ bài.
Giám đốc một đại lý ô tô tại Hà Nội cho biết, dù chạy quảng cáo nhưng chi phí bỏ ra không hiệu quả do khách hàng tại Hà Nội gần như đã tạm dừng nhu cầu mua xe vì tâm lý lo sợ dịch bệnh kéo dài cũng như không thể sử dụng xe khi đang giãn cách xã hội.
Doanh số tháng 8/2021 của đại lý ước tính giảm đến 95% và doanh số thị trường ô tô quý III chắc chắn cũng giảm mạnh bởi hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM (chiếm khoảng 50% doanh số bán hàng toàn thị trường) do dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội thời gian dài gần như đã “đóng băng”.
Giám đốc một đại lý ô tô tại Hà Nội cho biết, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 9, đồng thời Chính phủ có chính sách nào đó hỗ trợ kịp thời để kích cầu, có thể là ưu đãi lệ phí trước bạ như năm ngoái, trọn vẹn trong quý IV thì may ra thị trường đạt được doanh số bằng 75% so với năm ngoái.
Muốn doanh nghiệp ô tô đầu tư mạnh, chính sách phải thoáng hơn
Doanh nghiệp ngành ô tô mong muốn các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong quy định, bởi dịch bệnh đang làm doanh nghiệp và người tiêu dùng khó khăn hơn.
Doanh nghiệp ngành ô tô mong muốn chính sách thuận lợi để tiếp tục đầu tư. Trong ảnh: Sản xuất tại TC Motor
Kinh tế khó, sức mua giảm
Ủng hộ nhiều nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung của Bộ Tài chính về việc cho phép gia hạn Chương trình ưu đãi thuế sau giai đoạn năm 2020; cho phép các xe ô tô đã có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn và cấp trước ngày 1/1/2022 vẫn được tham gia vào Chương trình ưu đãi thuế; hay doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương án xét ưu đãi để được linh hoạt hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ô tô cũng đề nghị cơ quan chính sách xem xét kỹ thực tế để tiếp tục động viên sản xuất trong nước.
Theo đại diện TC Motor, chương trình ưu đãi thuế nêu trên vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về điều kiện sản lượng. "Đặt trong bối cảnh thị trường và toàn ngành trước thời điểm dịch bệnh là phù hợp, nhưng hiện tại thị trường đã liên tục biến động ngoài dự báo, nên việc vẫn giữ nguyên mức sản lượng cố định như quy định hiện nay không còn phù hợp", đại diện TC Motor nói.
Ngoài ra, Nghị định 122/2016/NĐ-CP, rồi sau đó là Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 57/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm tạo ra các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thị trường ô tô trong nước trước áp lực cạnh tranh của xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, khi tất cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đều đã hoặc đang trên lộ trình gỡ bỏ theo cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bởi vậy, doanh nghiệp cũng kiến nghị, xem xét điều chỉnh tiêu chí về sản lượng tối thiểu (bao gồm cả sản lượng chung và sản lượng riêng) trong quy định hiện nay.
Theo các doanh nghiệp, mức sản lượng tối thiểu được đưa ra theo từng nhóm xe tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 57/2020/NĐ-CP đã không còn phù hợp với sự sụt giảm của thị trường, đặc biệt và đối với phân khúc xe buýt, xe khách, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường, kéo theo sự biến động liên tục của thị trường. Giao thương giữa các quốc gia bị hạn chế, dẫn tới chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sản xuất đình trệ.
Trên thực tế, thị trường ô tô nửa đầu năm 2020 đã sụt giảm tới hơn 35%, đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sang nửa đầu năm 2021, tuy thị trường có tăng trưởng dương, nhưng vẫn âm 24% so với 6 tháng liền kề trước đó với phân khúc xe du lịch.
Còn xe khách/xe buýt là phân khúc bị tác động nghiêm trọng nhất, khi 6 tháng đầu năm 2020 giảm gần 80% so với cùng kỳ 2019 và trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục giảm 21% so với cùng kỳ 2020.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xe sản xuất, lắp ráp gặp nhiều khó khăn, thì sản lượng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc lại tăng trưởng đột biến.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, cộng dồn 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc đã tăng 99,6% về lượng và tăng đến 102,5% về giá trị. Nếu so sánh số liệu tháng 6/2021 với cùng kỳ năm ngoái, thì tăng trưởng lên tới 324,9% về lượng và tăng 265,1% về giá trị.
"Như vậy, nếu không có sự can thiệp kịp thời thì sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với nhập khẩu thương mại và ngành công nghiệp ô tô nếu không dựa trên nền tảng là sản xuất thì sẽ không thể phát triển đạt được mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra", đại diện TC Motor nhận xét.
Động viên doanh nghiệp tiếp tục đầu tư
Để tạo động lực cho ngành công nghiệp ô tô phát triển, cũng như thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp nội, việc khuyến khích các doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam, hay nhận chuyển giao công nghệ từ các hãng nước ngoài, tạo nền tảng cho ngành này là cần thiết.
Theo hướng này, TC Motor đề nghị, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ sau ngày nghị định sửa đổi có hiệu lực, hoặc đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa đi vào sản xuất, kinh doanh tại thời điểm nghị định sửa đổi có hiệu lực, được tham gia Chương trình ưu đãi thuế mà không cần xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong 3 năm đầu tiên khi doanh nghiệp có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng trở lên và có giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ từ nhà sản xuất quốc tế theo hợp đồng chuyển giao công nghệ, cấp hợp lệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Từ trường hợp cụ thể của mình, TC Motor đã đề nghị cho phép các doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của từng công ty sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi chung là công ty nhận vốn góp) nếu đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi có một đơn vị trong hệ sinh thái này đạt điều kiện ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế thì các công ty nhận vốn góp còn lại hoặc Tổng công ty không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng trong cùng kỳ xét ưu đãi.
Cũng bởi thực tế dịch bệnh hiện nay chưa biết tương lai, các doanh nghiệp vận chuyển xe khách sẽ bị ảnh hưởng nhiều, nên doanh nghiệp cũng đề nghị ở phân khúc xe buýt/ xe khách, sản lượng chung tối thiểu để được hưởng ưu đãi là 300 xe, thay vì 360 xe và sản lượng riêng tối thiểu cho 1 mẫu xe hoặc tổng sản lượng riêng tối thiểu cho 2 mẫu xe là 150 xe, thay vì 200 xe như dự thảo.
"Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chính sách nên động viên doanh nghiệp trong nước tiếp tục đầu tư, bởi có đầu tư mới tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, giúp đảm bảo an sinh xã hội", lãnh đạo TC Motor nêu quan điểm.
'Xe Nhật hay Hàn cũng cần bền' Câu nói "ăn chắc mặc bền" thì hãy mua xe Nhật là dành châm chọc nhau giữa những người thích xe Hàn chê xe Nhật. Tôi đảm bảo, đã là người tiêu dùng thì ai cũng thích dùng đồ tốt và đồ bền cả. Còn việc dùng bao lâu, hay dùng chán thì bán đi mua đồ mới... thì lại là chuyện khác,...