Hàng xách tay Nhật đội giá, Vietnam Airlines tăng giám sát
Sau vụ nữ tiếp viên Vietnam Airlines (VNA) bị nhà chức trách Nhật Bản câu lưu do nghi liên quan tới đường dây ăn cắp tại các siêu thị; ngày 28/3, hãng bay này có thêm nhiều động thái giám sát. Đáng ngạc nhiên là, tại “thủ phủ” đồ xách tay, hàng từ Nhật về đội giá.
Vi phạm: Cấm bén mảng trong ngành
Theo nguồn tin của Tiền Phong, tới đây, VNA sẽ có một cuộc tập huấn quy mô (trong đó có việc in lại các bài báo phản ánh về những hành động của tiếp viên, phi công trong và ngoài nước để rút kinh nghiệm).
Bên cạnh đó, các cơ trưởng, tiếp viên trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm soát các thành viên trong phi hành đoàn mang hàng ngoài quy định và có quyền không cho thành viên vi phạm tham gia tổ bay.
Khi nói về việc những đường bay “nhạy cảm” bị hạn chế khổ vali, lãnh đạo VNA cho biết: “Riêng đường bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc, tổ bay sẽ không được mang vali to, chỉ bằng một nửa vali bình thường. Trước đây kiểm tra ngẫu nhiên, sau khi có thông tin của báo chí Nhật, chúng tôi đã kiểm tra tất cả, đặc biệt đường bay đi/đến Nhật Bản”.
Vị này cũng nói: “Năm 2009 đã có trường hợp bị bắt tương tự, hãng đã sa thải. Chúng tôi đã có hàng loạt những biện pháp kiểm tra, giám sát. Phi hành đoàn có thể bị kiểm tra vali, xe kéo trước khi bay và sau khi bay về, bị hạn chế vali theo đường bay. Tuy nhiên, kiểm tra không phải là biện pháp duy nhất; chúng tôi cần có sự hỗ trợ hơn nữa từ cơ quan hữu quan như hải quan, xuất nhập cảnh ở các sân bay để hạn chế triệt để tình trạng vi phạm”.
Một cửa hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn. Ảnh: Ngọc Mai
Video đang HOT
Liên quan đến vụ việc trên, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết đang chờ báo cáo chính thức từ VNA. Tuy nhiên, đánh giá về vụ việc, ông Thanh nói: “Nếu đúng nhân viên hàng không mua hàng hóa trộm cắp thì không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành, mà cả hình ảnh quốc gia”.
Về trách nhiệm của Cục, ông Thanh cho biết sẽ xử lý đúng theo Thông tư Hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không được Bộ GTVT ban hành (cuối năm 2013), có hiệu lực từ ngày 1/2 vừa qua.
Thông tư này quy định, hành vi lợi dụng vị trí công tác để buôn lậu có 2 mức xử lý: Đình chỉ công việc và không được phép đảm nhận vị trí nào trong các doanh nghiệp hàng không. “Khi có báo cáo về việc này, Cục sẽ có những chỉ đạo cụ thể, đưa ra các giải pháp hạn chế tối đa, loại bỏ những vụ việc tương tự”, ông Thanh nói.
Hàng Nhật xách tay đội giá
Chiều 28/3, PV có mặt tại phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) – được đánh giá là “thủ phủ” hàng xách tay qua đường hàng không. Ngõ 158 Nguyễn Sơn nổi tiếng với nhiều cửa hàng treo biển hiệu bán hàng xách tay từ Pháp, Mỹ, Hàn, Nhật…
Tại một cửa hàng chuyên buôn đồ xách tay của Nhật rộng khoảng 30m2 có đủ loại bày trên kệ. Trong đó có dầu gội đầu, nước uống hoa quả, trà giảm béo. Giá các mặt hàng này tăng từ 20 – 30%, cụ thể, bộ dầu gội Shiseido từ 280.000 đồng lên 320.000 đồng, trà giảm béo từ 80.000 đồng/hộp lên 120.000 đồng/hộp.
Lý giải việc này, chủ cửa hàng cho biết đang khan hàng Nhật do hàng không thắt chặt quản lý từ vụ có tiếp viên nghi vận chuyển đồ gian. “Cửa hàng nhập hàng xách tay từ nhiều kênh khác nhau, nhưng chủ yếu do tiếp viên mang về. Hàng xách tay từ Nhật vốn giá đắt nên không có lãi nhiều. Nếu tiếp viên không được chuyển xách tay từ Nhật, thời gian tới cửa hàng sẽ không có”, bà chủ cửa hàng nói.
Chị Thu Hoài (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một khách lấy buôn quen tại cửa hàng này chia sẻ: “Tôi mua ở đây về để bán lại cho khách trên phố. Khách đặt trà giảm cân loại 1 của Nhật cả tuần nay, nhưng giờ vẫn chưa có. Tình hình siết chặt thế này, sắp tới chắc tôi nghỉ buôn hàng xách tay từ Nhật”.
Nhiều cửa hàng nằm ngay mặt phố Nguyễn Sơn, các mặt hàng xách tay từ Nhật tăng giá bất thường. Bỉm Meriess từ 420.000 đồng/bịch lên 480.000 đồng, rượu Sake vẩy vàng từ 2.100.000 đồng/chai 1.8L lên 2.500.000 đồng… Đa số chủ cửa hàng đều cho biết, hàng Nhật đang “ùn tắc” vì tiếp viên bị giám sát chặt.
Với các trang bán hàng xách tay qua mạng, phần hàng Nhật thông báo ngừng hoạt động. Chị Thu Hương bán hàng xách tay từ Nhật trên mạng Facebook thông báo trên trang cá nhân của mình: “Hàng nhà em nằm trong “vùng bão” và đang bị ùn ứ tại kho bên Nhật. Em thông báo tạm ngừng nhận đơn hàng Nhật cho đến khi nào tiếp viên có thể xách tay được hàng về Hà Nội”.
Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hàng xách tay không đồng nghĩa với hàng lậu. Theo vị này, số lượng các cửa hàng xách tay trên địa bàn Hà Nội không nhiều, tập trung trong ngõ nhỏ, hoặc bán trên mạng…Qua kiểm tra, quản lý thị trường phát hiện có trường hợp sai phạm, nhưng số lượng hàng hóa không lớn.
Theo PV Kinh tế
Tiền Phong
Truyền hình Nhật Bản phát sóng nhầm trụ sở Vietnam Airlines
Trong quá trình thông tin về vụ việc tiếp viên "xách tay" đồ trộm cắp, kênh truyền hình NHK của Nhật Bản đã phát sóng những hình ảnh biển hiệu và trụ sở của Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam, thay vì Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam trong một sự kiện mới đây (ảnh minh họa)
Được biết, sau khi thực hiện phỏng vấn lãnh đạo Vietnam Airlines về vụ việc tiếp viên bị bắt tại Nhật Bản mới đây, các phóng viên của kênh truyền hình NHK đã đi quay bối cảnh xung quanh trụ sở của Vietnam Airlines để làm phóng sự.
Tuy nhiên, do trụ sở của Vietnam Airlines và Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam nằm liền kề nhau trên đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên (TP Hà Nội), nên các phóng viên truyền hình NHK đã bị nhầm. Họ đã ghi rất nhiều hình ảnh biển hiệu, trụ sở của Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam để đưa vào phóng sự về Vietnam Airlines rồi phát sóng.
Trong văn bản gửi đến kênh truyền hình NHK, đại diện Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam cho rằng đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc, đã ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh và thương hiệu của Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam.
"Phóng sự đã lan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet. Vì thế Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam yêu cầu truyền hình NHK Nhật Bản đính chính trên chính hệ thống của mình " - vị đại diện này nhấn mạnh.
Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam cũng yêu cầu truyền hình NHK Nhật Bản chịu trách nhiệm thu hồi nội dung phóng sự trên từ các tổ chức, cá nhân và sớm thông báo lại cho Tổng Công ty này.
Liên quan đến sự nhầm lẫn đáng tiếc nói trên, ngày 28/3, Trưởng đại diện truyền hình NHK Nhật Bản tại Hà Nội đã có văn bản xin lỗi Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam. Vị đại diện này giải thích về sự hiểu lầm là không hoàn toàn cố ý mà do chưa hiểu rõ cơ cấu tổ chức của các cơ quan Việt Nam.
Trước đó, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ để điều tra những nghi vấn liên quan đến hành vi vận chuyển hàng trộm cắp từ nước này về Việt Nam. Một phi công và 4 nữ tiếp viên khác của Vietnam Airlines cũng bị Cảnh sát Nhật Bản yêu cầu xác minh, điều tra. Hiện các phi công và tiếp viên này đều đã bị Vietnam Airlines đình chỉ bay và làm giải trình.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Tiếp viên xách hàng lậu có thể uy hiếp an toàn bay Ảnh hưởng uy tín hãng hàng không và hình ảnh quốc gia, theo Cục trưởng Hàng không - Lại Xuân Thanh, việc tiếp viên vận chuyển hàng lậu còn tạo kẽ hở cho khủng bố xâm nhập chuyến bay. Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh vừa có cuộc trao đổi với VnExpress sau vụ tiếp viên của Vietnam Airlines bị tạm giữ...