Hàng vạn người chen chân “vay tiền” ở Đền Bà Chúa Kho
Từ nhiều ngày nay, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về chen chân ở Đền Bà Chúa Kho (Cỗ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh), “đốt” tiền thật, vay tiền ảo, mong được làm “con nợ” bà Chúa.
Biển người đông nghịt từ ngoài vào trong Đền Bà Chúa Kho.
Đến hẹn lại lên, như thường lệ, những ngày đầu năm mới 2017, hàng vạn du khách thập phương từ các vùng miền nô nức đổ về chen chân ở Đền Bà Chúa Kho để tạ lễ xin lộc đầu năm. Dọc hai bên đường Ngô Gia Tự – phường Suối Hoa – TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, đoàn người cùng xe cộ dài hàng cây số dẫn đến nơi có Đền Trình thờ Ba toà Thánh mẫu.
Chạy dài hai bên đường, từ Đền Trình vào đến Đền Bà Chúa Kho dài khoảng 3km, các dịch vụ ăn theo mùa lễ hội “nở rộ” như trông giữ ô tô, xe máy, nhận sắp lễ, viết sớ, mang vác thuê, cúng thuê… Giao thông ùn tắc nghiêm trọng, lực lượng cảnh sát giao thông rất vất vả phân luồng.
Sau khi cúng lễ, các gia chủ “đặt cọc” trước với Bà Chúa bằng hương khói, hóa vàng, khiến cho không gian vốn đã lèn chặt người tại Đền Bà chúa Kho càng trở nên đặc quánh, ngột ngạt. Do đó ban tổ chức đã bố trí 2 cụ bà thường xuyên túc trực ở nơi thắp hương để rút hương dúng vào nước cho đỡ khói.
Video đang HOT
Chen nhau “đốt tiền thật, vay tiền ảo”
Công an thành phố Bắc Ninh tăng cường lực lượng cán bộ chiến sĩ thường xuyên tuần tra, quanh khu vực Đền Bà Chúa nên hiện tượng trộm cắp, móc túi giảm so với những năm trước.
Lãnh đạo BQL di tích cho biết, do lượng khách đến Đền Bà Chúa Kho ngày một tăng nên BQL đã phối hợp với chính quyền địa phương và công an từ phường tới tỉnh bảo đảm an ninh trật tự cho du khách. Loa phóng thanh của BQL luôn phát đi khuyến cáo du khách không thuê người cúng bái, giữ gìn vệ sinh chung, bảo quản tài sản cá nhân, nếu bị lôi kéo, doạ dẫm, “chặt chém” báo ngay cho BQL hay lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại Đền để can thiệp, giải quyết kịp thời.
Bãi trông giữ ô tô, xe máy những ngày này không còn chỗ trống.
Bá Đoàn
Theo Dantri
Lên kế hoạch du xuân 3 tháng đầu năm
Khoảng thời gian ấm áp, dễ chịu nhất trong năm phù hợp với các chuyến du xuân, vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa được đi lễ, xin lộc may mắn đầu năm.
Hoạt động này có thể kéo dài suốt từ tháng Giêng cho đến tháng 3 Âm lịch. Dưới đây là những hoạt động và điểm du xuân hấp dẫn ở khu vực miền Bắc.
1. Đi lễ chùa
Đi chùa đầu năm đã trở thành một thói quen, một nếp sống văn hóa của người dân Việt, đặc biệt là người miền Bắc. Bắt đầu từ sáng mùng 1 Tết, người dân đã sắp lễ lên chùa để cầu xin may mắn, tài lộc trong năm và tham dự lễ hội.
Đầu năm đi chùa là một nếp sống văn hóa của người Việt. Ảnh: Lê Hiếu.
Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và mang ý nghĩa đặc biệt thu hút du khách thập phương phải kể đến là chùa Bái Đính ( Ninh Bình) - lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch; thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ( Quảng Ninh - lễ hội diễn ra bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng giêng; đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc)...
2. Đi chơi hội
Tháng Giêng là tháng tập trung nhiều lễ hội nhất trong năm. Bất cứ một ngày nào trong tháng, bạn đều có thể bắt gặp một lễ hội ở một địa phương nào đó trên đất Bắc. Dù mang tính địa phương hay quốc gia, những lễ hội này đều mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện ước vọng ấm êm hạnh phúc, no đủ của nhân dân địa phương.
Lễ hội Gò Đống Đa.
Những lễ hội lớn bạn không nên bỏ lỡ là hội Gióng (Hà Nội) diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng; lễ hội đền Hùng (Phú Thọ) diễn ra vào ngày mùng 10/3 Âm lịch; lễ hội chùa Hương (Hà Nội) bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng; hội Lim (Bắc Ninh) diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng Giêng; hội chọi trâu (Hải Phòng); hội cướp phết (Vĩnh Phúc)...
3. Đi chợ
Đi chợ đầu năm với nhiều người không đơn giản chỉ là để mua và bán, còn mang nhiều mục đích khác nhau như cầu may, cầu duyên, hoặc mang những ý nghĩa tôn giáo tín ngưỡng khác. Nếu quan tâm đến tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, bạn có thể đến thăm chợ Viềng (Nam Định) vào ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng và mua một số nông cụ để mang may mắn về nhà. Hoặc bạn có thể đến chợ Chuộng (Thanh Hóa) trong ngày mùng 6 để "bán điều rủi, mua điều may" dịp đầu xuân, tham dự những trò chơi dân gian đặc sắc ở chợ Âm Dương (Bắc Ninh) vào đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 Tết.
Nếu bạn muốn cầu tình duyên, không nên bỏ lỡ các khu chợ tình của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, như phiên chợ tình Khau Vai (Hà Giang) họp vào ngày 27/3 Âm lịch và phiên chợ tình Tân Sơn (Bắc Giang) họp vào ngày 12 tháng Giêng.
4. Đi du lịch
Miền Bắc vào mùa xuân mang một màu xanh tươi non của lộc biếc, màu đỏ thắm của hoa đào. Không khí ấm áp với ánh nắng hồng là thời điểm lý tưởng để đi du lịch.
Cánh đồng cải trắng ở Mộc Châu. Ảnh: Quốc Tuấn.
Các điểm du lịch hấp dẫn du khách nhất dịp xuân về là khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La) hay Sa Pa (Lào Cai) với phong cảnh mùa xuân tuyệt đẹp. Bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của núi rừng với những mảng màu xanh tươi của cây xanh, của màu trắng hoa mận. Mọi thứ đều trở nên căng tràn sức sống vào mùa xuân.
Theo Zing News