Hàng triệu người châu Phi không đủ nước rửa tay phòng dịch COVID-19
Rửa tay là phương pháp hiệu quả phòng chống virus Corona chủng mới ( SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, có hàng triệu người trên khắp thế giới lại không có đủ nước để thực hiện điều này.
Để mua được nước sinh hoạt, Celestine Adhiambo phải giảm chi tiêu dành cho thực phẩm. Ảnh: BBC
Theo kênh BBC (Anh), khoảng 1 tỷ người phải sống trong những khu vực như ổ chuột, chiếm 30% dân số thành thị trên thế giới. Những khu vực này thường không đầy đủ hệ thống thoát nước, thông gió và đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan.
Celestine Adhiambo (43 tuổi) sống tại khu ổ chuột Mukuru ở Nairobi (Kenya) cùng chồng và 6 con nhỏ. Căn nhà chỉ có một phòng của vợ chồng Adhiambo không có điện hay đường ống nước. Adhiambo cho biết: “Chúng tôi không thể cách ly bọn trẻ trong trường hợp chúng nhiễm SARS-CoV-2. Chúng tôi chẳng có không gian, không có phòng. Chính phủ nên đưa những người mắc bệnh đến bệnh viện”.
Chồng của Adhiambo là thợ mộc và trong những ngày có việc làm, ông sẽ kiếm được khoảng 400 shilling (gần 100.000 đồng). Trong khi đó, trung bình mỗi ngày gia đình Adhiambo phải dành khoảng 50 shilling chỉ để mua nước. Nhưng nguồn cung cũng khan hiếm và có những ngày họ không có nước.
Có nửa triệu người sống tại Mukuru – khu ổ chuột mà nhà thường làm từ nhựa hoặc bìa carton, còn nhà của ai khá hơn thì làm bằng tôn. Ở đây không có dịch vụ thu gom rác nên rác thải thường bị đổ thẳng xuống sông.
Một tổ chức phi chính phủ vận hành 4 trường tiểu học ở khu vực này với 7.000 học sinh. Khoảng một nửa số học sinh này không có xà phòng để dùng.
Thiếu nước sạch sẽ gây khó khăn cho việc rửa tay thường xuyên. Ảnh: Reuters
Không chỉ những khu ổ chuột mới gặp khó khăn về nước. Các thành phố như Johannesburg (Nam Phi) và Chennai (Ấn Độ) cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước trong năm 2019.
Video đang HOT
Shanthi Sasindranath – bà mẹ có hai con nhỏ sống ở ngoại ô Chennai – chia sẻ: “Nếu tình trạng thiếu nước như năm ngoái lặp lại, chúng tôi sẽ rất khó có nước sạch để rửa tay nhiều lần”.
Năm 2019, để vượt qua tình trạng thiếu nước, gia đình Shanthi Sasindranath buộc phải mua nước chưa xử lý tại các giếng nước nông nghiệp cách nơi ở hơn 50 km.
Nhưng Shanthi Sasindranath cũng nhấn mạnh: “Tôi luôn khuyên các con rửa tay thật chậm và kỹ càng. Tôi nói rằng chúng phải rửa tay bất kể khi nào về nhà, ngay cả khi chúng chỉ ra ngoài 5 phút”.
Ông Poppy Lamberton tại Đại học Glasgow (Anh) nhận định rằng các lãnh đạo địa phương cần nỗ lực hơn nữa trước khi khủng hoảng dịch bệnh xảy ra tại châu Phi.
Tại khu ổ chuột Mukuru, không có nhiều thay đổi trong những tuần gần đây. Adhiambo cảm thấy không được bảo vệ và điều duy nhất cô có thể làm là cầu nguyện Chúa trời.
Hà Linh(baotintuc.vn)
Châu Phi 'nín thở' chờ Covid-19
Trừ Algeria, Ai Cập, Nam Phi ghi nhận ca Covid-19, châu Phi gần như chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song các chuyên gia cho rằng "chỉ còn vấn đề thời gian".
Châu Phi có nhiều giao dịch thương mại và vận tải với Trung Quốc và Italy, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của Covid-19. Lục địa này vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch.
Các chuyên gia y tế công cộng dự đoán "vận may" này sẽ không kéo dài mãi do tính chất dễ lây lan của virus, mạng lưới liên hệ rộng lớn với toàn thế giới và sự cắt giảm viện trợ của Mỹ cho hệ thống y tế công cộng ở châu Phi. Một số quốc gia có thể sẽ phải đối mặt với sự bùng phát nguy hiểm, đè nặng lên nền y tế vốn đã kiệt quệ vì thường xuyên đối mặt với dịch sởi, viêm gan, sốt rét và HIV.
Bác sĩ Thomas Kenyon, cựu giám đốc của Trung tâm Y tế Toàn cầu thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hiện là giám đốc y tế của nhóm nhân đạo Project HOPE, cho rằng việc Covid-19 quét đến châu Phi "chỉ còn là vấn đề thời gian".
Có tới 2 triệu người Trung Quốc sống ở châu Phi hoặc thường xuyên đến lục địa này, đưa hàng chục dự án cơ sở hạ tầng lớn đến đây để đổi lấy dầu, khoáng sản, thực phẩm và các nguyên liệu thô khác.
Nhiều quốc gia châu Phi cố gắng cải thiện khả năng phát hiện, theo dõi và ngăn chặn dịch bệnh sau đại dịch Ebola năm 2014-2016 khiến 11.000 người thiệt mạng. Tuy vậy chỉ một số thực sự có khả năng chuẩn bị cho một mối nguy khẩn cấp như Covid-19, bác sĩ Kenyon nói.
"Họ sẽ phải cố bắt kịp", tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ cho hay. "Bạn không thể thay đổi cả một hệ thống y tế chỉ trong vài tháng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm hỗ trợ tài chính cho CDC và các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tăng cường sức khỏe cộng đồng ở Châu Phi.
"Chúng tôi đã sẵn sàng hơn bao giờ hết," bác sĩ Chikwe Ihekweazu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Nigeria (NCDC) nói.
Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã chuẩn bị kỹ càng. Một cuộc khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 2 cho thấy chỉ 60% quốc gia châu Phi có thể cô lập Covid-19 thông qua việc truy tìm và cách ly. Số lượng xét nghiệm còn ít hơn thế.
Nếu giới chức để lọt quá nhiều ca nhiễm virus, có khả năng nền y tế ở đây sẽ bị tàn phá, các chuyên gia nhận xét. Hàng triệu người mang trong mình HIV, bệnh lao và tiểu đường mà không được chẩn đoán. Nó khiến việc điều trị Covid-19 thêm phức tạp và làm tăng tỷ lệ tử vong. Các bệnh về đường hô hấp có thể lây lan dễ dàng giữa khu điều trị mở, theo lời bác sĩ Kenyon.
Nhân viên y tế dễ dàng bị lây và mang bệnh về nhà hoặc khu dân cư của họ.
"Tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ về điều đó", tiến sĩ Fauci đáp khi được hỏi về dự đoán ảnh hưởng của virus ở châu Mỹ Latinh và châu Phi. "Vốn dĩ đã có rất nhiều căn bệnh nguy hiểm ở đây".
Ngày 27/2, Nigeria xuất hiện ca bệnh đầu tiên - một doanh nhân người Italy đến ba ngày trước đó và bị sốt. 61 người bị cách ly do có nguy cơ lây nhiễm cùng 50 hành khách khác trên cùng chuyến bay. Một trong số đó được xác nhận nhiễm virus.
Bác sĩ Chikwe Ihekweazu, Giám đốc NCDC nhận thấy việc có quá nhiều bệnh nhân xuất hiện cùng lúc sẽ khó khăn hơn. Ông cũng thừa nhận các nước châu Phi phải ngăn chặn bệnh dịch lây lan từ châu Âu là "vô tiền khoáng hậu".
Nhiều người châu Phi hoài nghi về khả năng ngăn chặn dịch của chính phủ. Quyết định của China Southern Airlines tiếp tục các chuyến bay giữa Nairobi và Quảng Châu vào tuần thứ 2 của tháng 3 đã gây ra tranh cãi ở Kenya, khiến Tòa án tối cao nước này phải ra lệnh tạm dừng.
Các nhà khoa học làm việc trong một phòng thí nghiệm tại Viện Pasteur ở Dakar, Sénégal, ngày 3/2. Ảnh: AFP
Các công ty Trung Quốc cho biết họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn virus xâm nhập vào châu Phi.
Nhiều người trong số họ nói rằng những lao động trở về Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã bị cách ly hoặc không được quay trở lại châu Phi.
Các bến cảng châu Phi trống không do thiếu chuyến hàng từ Trung Quốc và giá cả hàng hóa chắc chắn sẽ tăng.
Những tin đồn sai lệch về Covid-19 lan tràn trên khắp lục địa. Đi cùng với đó là vấn nạn công khai bài xích người dân và các doanh nghiệp Trung Quốc.
Những thách thức của các căn bệnh truyền nhiễm khác cũng không hề biến mất. Nigeria đang phải hứng chịu dịch Lass, một bệnh xuất huyết do virus khiến 500 người phải nhập viện và 70 người tử vong trong năm nay.
"Có rất nhiều sự căng thẳng đang diễn ra ở Nigeria, đặc biệt là về tầng lớp chính trị và lợi ích kinh tế," tiến sĩ Ihekweazu nói. "Cho dù có muốn hay không, chúng ta phải sẵn sàng đối phó, ngay cả khi mối đe dọa vào lúc này là rất nhỏ".
Linh Phan (Theo SCMP)
Theo vnexpress.net
Đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại châu Phi Những ngày qua, thêm nhiều nước châu Phi tiếp tục xác nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, trong khi đó, Libya đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong những ngày qua, nhiều nước châu Phi tiếp tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên trong bối cảnh đại dịch này đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu....