Hàng triệu liều vaccine Covid-19 bị bỏ phí như thế nào?
Trong quá trình tiêm chủng, nhiều liều vaccine Covid-19 bị vứt bỏ do lỗi trong quá trình vận chuyển, bảo quản hoặc vì nhân viên y tế không có đủ kim tiêm chuyên dụng.
Toàn thế giới đã sử dụng gần 1,8 tỷ liều vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Giống với bất cứ chương trình nào ở quy mô tương tự, nó xảy ra vài trục trặc. Một trong số đó là việc bỏ phí các liều vaccine Covid-19 trong quá trình vận chuyển, bảo quản hoặc tiêm chủng. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang phát triển chịu cảnh thiếu vaccine.
Hiện không có cơ sở dữ liệu tập trung về lượng vaccine bị lãng phí trên toàn cầu. Một số quốc gia thu thập dữ liệu từng địa phương, các đợt tiêu huỷ quá nhiều vaccine được cơ quan truyền thông báo cáo. Tất cả tạo nên bức tranh không đầy đủ, rất khác nhau trên toàn cầu.
Tháng 4, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết 25% lượng vaccine AstraZeneca, 20% vaccine Moderna và khoảng 7% lượng vaccine Pfizer tại nước này bị bỏ phí. Tổng cộng, Pháp vứt bỏ 1,25 triệu trong số 5 triệu liều vaccine đã mua.
Quốc gia châu Phi Malawi cũng phải tiêu hủy 20.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chúng vẫn còn sử dụng được.
Một quan chức Hong Kong hồi tháng 5 đã cảnh báo có thể đặc khu phải vứt bỏ hàng triệu liều vaccine Pfizer do không tiêm kịp cho người dân. 15 triệu liều vaccine Johnson & Johnson từng bị hỏng trong một sự cố từ nhà máy sản xuất.
Nhân viên cảnh sát tại Hong Kong được tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac, Trung Quốc, tháng 2/2021. Ảnh: NY Times
Ngày 6/6, truyền thông Nhật Bản cho biết hơn 7.000 liều vaccine Covid-19 đã bị vứt bỏ do lỗi xử lý kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đến nay.
Ở Mỹ, tỷ lệ vaccine bỏ phí khá thấp. Tính đến 24/5, khoảng 0,44% trong số hơn 353 triệu liều vaccine bị vứt đi. Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, cho biết con số thực tế có thể lớn hơn, vào khoảng 1%. Tinglong Dai, giáo sư quản lý hoạt động và phân tích kinh doanh tại Trường Kinh doanh Johns Hopkins Carey, tin rằng lượng vaccine lãng phí lên tới 5%.
Tỷ lệ này có thể tăng theo thời gian, khi cung bắt đầu vượt quá cầu ở các nước phát triển. Nhân viên y tế bớt “nâng niu” từng liều vaccine. Người dân thấy dịch bệnh suy yếu sẽ không đến tiêm chủng như lịch hẹn, khiến vaccine đã đưa khỏi tủ đông bị thừa lại cuối ngày. Trong khi đó, nước thu nhập thấp vẫn vật lộn để giành giật vaccine.
Theo WHO, ở các đợt tiêm chủng khác, 50% số vaccine bị bỏ thừa. Mức độ ở mỗi nước khác nhau do điều kiện y tế, hệ thống kho lạnh. Giáo sư Mike Toole, người đã làm việc trong chiến dịch tiêm chủng của nhiều nước phát triển, cho biết lãng phí vaccine là không tránh khỏi trong bất cứ chương trình tiêm chủng nào. Khi không ở thời điểm khan hiếm, đây thường được coi là chi phí kinh doanh.
“Chúng tôi luôn mua thừa 20% lượng vaccine cần thiết để bù đắp phần bị bỏ phí”, ông nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, vaccine Covid-19 là câu chuyện khác. Ngay từ đầu đợt tiêm chủng, nguồn cung đã thiếu hụt vì nhiều lý do. Các quốc gia phải chạy đua với thời gian và biến thể. Vaccine Covid-19 cũng đắt hơn thông thường.
“Chúng tôi tận dụng tối đa từng lọ vaccine”, giáo sư Toole nói.
Lãng phí vaccine chia thành hai loại: trước và sau khi mở lọ. Trước khi mở nắp, vaccine có thể bị bỏ đi do sự cố bảo quản, vận chuyển. Nhiều lọ bị hết hạn hoặc để quá lâu ở nhiệt độ phòng. Khi đã mở nắp, bác sĩ đôi khi không thể sử dụng hết số dung dịch bên trong vì thiếu kim tiêm chuyên dụng. Vaccine cũng chỉ dùng được thời gian rất ngắn sau khi đã mở ra.
“Mỗi lọ thừa một ít vaccine, cuối cùng số lượng bị bỏ phí sẽ rất lớn”, Sarah Schiffling, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học Liverpool John Moores, cho biết.
Nhân viên y tế ở Miami chuẩn bị các liều vaccine Pfizer, tháng 5/2021. Ảnh: NY Times
Sau khi mở nắp, tỷ lệ lãng phí vaccine trung bình ở lọ đơn liều là 5%, có thể lên tới 15-25% với lọ 10 liều. Vaccine AstraZeneca đóng gói trong lọ từ 8 đến 10 liều. Lọ vaccine Pfizer ban đầu tiêm được 5 liều. Hãng sau đó đã cập nhật hướng dẫn, cho biết với xi lanh chuyên dụng, có thể lấy được 6 liều từ một lọ vaccine. Đây là ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc tận dụng tối đa nguồn cung quý hiếm trong đại dịch.
Kim tiêm chuyên biệt cho vaccine Covid-19 có “không gian chết” thấp, tức là khoảng cách giữa pít-tông và đầu kim giảm đến tối thiểu. Điều này giúp lượng không khí đi vào ống tiêm ít, nhân viên y tế lấy được nhiều dung dịch vaccine hơn.
Tháng 2, Bộ trưởng Y tế Brendan Murphy cho biết Australia đã đặt hàng nhiều xi lanh chuyên dụng, song nhận định kim tiêm tiêu chuẩn vẫn hiệu quả.
Theo giáo sư Toole, tận dụng tối đa vaccine từ lọ đựng với xi lanh thông thường thực ra khá khó khăn. Vaccine Pfizer có liều lượng rất nhỏ, 0,3ml một mũi. Việc lấy được liều thứ 6 còn sót lại đòi hỏi tay nghề vững vàng, kỹ thuật tốt.
Chiến dịch tiêm chủng Mỹ chững lại trước vạch đích
Tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh trong chặng cuối chiến dịch triển khai vaccine Mỹ đe dọa mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào ngày quốc khánh của Biden.
Mỹ hiện tiêm chủng trung bình dưới một triệu liều vaccine mỗi ngày, giảm hơn 2/3 do với mức đỉnh điểm 3,4 triệu liều hồi tháng 4, dù tất cả người trên 12 tuổi đều đủ điều kiện tiêm.
Xu hướng chững lại này diễn ra trên khắp nước Mỹ, khi tốc độ tiêm chủng ở hầu hết các bang đều giảm ít nhất 2/3 so với lúc đỉnh điểm, đặc biệt là ở khu vực Nam và Trung Tây. Tỷ lệ tiêm chủng ở 12 bang, trong đó có Utah, Oklahoma, Montana, Bắc Dakota, Nam Dakota và Tây Virginia, giảm xuống dưới 15 mũi/ngày/10.000 dân cư. Alabama chỉ ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng trung bình 4/10.000 người vào tuần trước.
Bức tranh tiêm chủng Mỹ đang có sự khác biệt rõ rệt. 13 bang, chủ yếu ở bờ Đông và bờ Tây đã tiêm cho 70% dân số trưởng thành, trong khi tỷ lệ của 15 bang khác và đặc khu Colombia đều trên 60%. Các khu vực này sắp hoàn thành mục tiêu mà Tổng thống Joe Biden đặt ra vào ngày quốc khánh 4/7, đó là tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành Mỹ, mức cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Nhưng phần còn lại của nước Mỹ đang tụt lại phía sau. Tennessee cùng 5 bang khác có tỷ lệ tiêm chủng chưa tới 50% hoặc thấp hơn, trong khi tốc độ tiêm chủng giảm, đe dọa khó hoàn thành mục tiêu mà Biden đặt ra.
Nhân viên y tế ngồi đợi người đến tiêm chủng ở Provo, bang Utah hôm 2/6. Ảnh: Washington Post.
Tỷ lệ tiêm chủng giảm bắt đầu từ tháng 4, thời điểm giới chức liên bang tạm đình chỉ sử dụng vaccine Johnson & Johnson do một số báo cáo về tình trạng đông máu hiếm gặp. Xu hướng này tiếp tục cho đến hiện tại, khi chỉ 2,4 triệu người trưởng thành được tiêm mũi đầu tiên tuần trước, trong khi Mỹ cần tiêm cho 4,3 triệu người trưởng thành mỗi tuần để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, cho rằng giới chức y tế mới chỉ hái được "những quả ngọt dưới thấp", nhóm người muốn tiêm chủng dù không cần các chính sách khuyến khích. Nhưng phần khó hiện tại là những trái ở trên cao, chỉ những nhóm dân số không muốn tiêm chủng hoặc bài vaccine.
Nhiều khảo sát cho thấy khoảng 1/3 người Mỹ không có ý định tiêm chủng sớm, họ muốn quan sát thêm hiệu quả của vaccine, trong khi một số người chần chừ tiêm vì cho rằng đại dịch đang dần biến mất ở Mỹ.
Tỷ lệ tiêm chủng giảm đã thúc đẩy hàng loạt sáng kiến khuyến khích người dân, từ quảng cáo, xổ số, thẻ ưu đãi, bia miễn phí, bánh và thậm chí cần sa. Ngoài ra, quan chức chính quyền Biden cũng huy động hàng nghìn tổ chức và tình nguyện viên giúp sức.
"Chúng tôi cần mang vaccine đến cho mọi người và trả lời những câu hỏi mà họ có. Và chúng tôi tự tin rằng ngày càng nhiều người sẽ tiêm chủng trước thềm kỷ niệm ngày 4/7", Jeff Zients, điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng, nói tuần trước.
Nhà Trắng tuần trước công bố "tháng hàng động" với hàng loạt sáng kiến, như phối hợp với các hiệu cắt tóc và làm tóc của người da màu để nâng cao nhận thức về vaccine, hay "Thử thách Thị trưởng" cho 79 thành phố để cạnh tranh tỷ lệ tiêm chủng, hoặc miễn phí dịch vụ chăm sóc trẻ em cho người tiêm vaccine. Chính phủ Mỹ cũng lên kế hoạch cho hơn 2.000 sự kiện vào cuối tuần này trên khắp các bang, với sự góp sức của các nhóm cộng đồng, tổ chức vận động và người nổi tiếng như ca sĩ Ciara, vận động viên Russell Wilson hay diễn viên hài của chương trình Desus and Mero.
Chuyên gia y tế cộng đồng cũng cảnh báo Mỹ phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng lớn để bảo vệ những người chưa được tiêm chủng trước nguy cơ bùng phát đại dịch vào mùa đông năm nay hoặc những năm tới.
Jennifer Kates, người đứng đầu chính sách y tế toàn cầu của Quỹ Gia đình Kaiser, nói bà lo lắng về tốc độ tiêm chủng chững lại ở một số bang, đồng thời cảnh báo rủi ro lớn đối với người Mỹ nếu nCoV vẫn tồn tại ở những người chưa tiêm chủng và đột biến để trở thành những loại nguy hiểm hơn.
Để mục tiêu của Tổng thống Biden được hoàn thành vào tháng tới, quan chức y tế ở những nơi như Chattanooga, nơi có hơn một nửa trong số 370.000 cư dân chưa được tiêm chủng, sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Điểm tiêm chủng trên xe ở thành phố bang Tennessee hồi tháng hai phân phối khoảng 16.000 liều mỗi tuần, nhưng nay giảm xuống 1.500 liều. Theo đó, họ chuyển hướng sang tiêm chủng tại lễ hội âm nhạc hoặc siêu thị.
"Chúng tôi biết không thể tiêm được 1.000 liều vaccine mỗi ngày. Nếu tiêm được 10 mũi, chúng tôi đã thấy vui mừng. Nếu tiêm được 15, đó là một ngày tốt. Chúng tôi vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện năng suất, nhưng hiện tại chúng tôi hài lòng với kết quả đó", Fernando Urrego, giới chức y tế hạt Hamilton, nơi quản lý điểm tiêm chủng thành phố Chattanooga, nói.
Quan chức hạt Utah, phía nam thành phố Salt Lake, bang Utah cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Chưa tới 1/3 số dân cư ở đây tiêm chủng đầy đủ, khiến hạt này trở thành nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất bang. Hạt Utah đã phải cắt giảm từ 4 địa điểm tiêm chủng xuống một.
"Chúng tôi không thể kiểm soát nhu cầu tiêm vaccine, nên không thể nào ép 70% hoặc thậm chí 50% người dân đi tiêm", Tyler Plewe, phó giám đốc cơ quan y tế hạt Utah, nói.
Mindy Gee, 43 tuổi, thấy bất ngờ khi không có nhiều người tới địa điểm tiêm chủng của hạt Utah. "Một số nhóm người nhất định cho rằng việc tiêm vaccine là điều đáng hổ thẹn. Tôi thấy điều đó thật điên rồ", Gee nói.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ y tế ở bang Oklahoma, nơi chỉ có 54% người trưởng thành tiêm mũi đầu tiên, cũng chứng kiến xu hướng giảm nhu cầu tiêm chủng.
Greg Clyde, một dược sĩ ở thành phố Oklahoma, cho biết khi bắt đầu triển khai vaccine hồi tháng 2, ông "ngập đầu" trong hàng trăm cuộc gọi đặt lịch tiêm, đến mức phải thiết lập hệ thống điện thoại mới cho cơ sở y tế của mình.
Ông chi tổng cộng 5.000 USD cho các thiết bị mới, gồm tủ đông và tủ lạnh bổ sung để bảo quản vaccine, đồng thời thuê thêm ba nhân để giúp phân phối 280 mũi tiêm mỗi tuần. Gần 1.000 khách hàng trong danh sách chờ vào thời điểm đó. Nhưng hiện tại, chưa tới 12 người tới cơ sở của ông tiêm chủng mỗi tuần.
Người đàn ông đứng bên ngoài nhìn vào một địa điểm tiêm chủng ở quận Bronx, thành phố New York. Ảnh: Reuters.
Tại Bắc Carolina, nơi khoảng 54% dân số tiêm chủng ít nhất một mũi, giới chức đã phát động chiến dịch "Lets Bring Summer Back" (Đưa mùa hè trở lại). Họ thiết lập hàng chục điểm tiêm chủng, gồm cả tổ chức hội chợ y tế ngay bên ngoài trụ sở y tế bang. Người tới tiêm chủng có thể được nhận nhiều món đồ hoặc kem miễn phí.
Sự kiện đã thu hút nhiều người tham gia và chia sẻ về lý do họ chần chừ tiêm chủng. Chris Johnson, công nhân xây dựng 44 tuổi mắc bệnh động mạch ngoại biên, nói ông lo lắng ảnh hưởng lâu dài của vaccine và muốn đợi xem phản ứng từ những người đã tiêm.
Jamila Robinson, mẹ một học sinh 18 tuổi, muốn con trai được tiêm Pfizer, vì lo lắng những tác dụng phụ từ Johnson & Johnson. Javier Sharpe, sinh viên 21 tuổi tại Cao đẳng Cộng đồng Kỹ thuật Wake, cho rằng bản thân không cần tiêm chủng.
Thậm chí nhiều bang đã đạt mục tiêu mà Tổng thống Biden đề ra cũng chứng kiến tốc độ tiêm chủng giảm. "Chúng tôi đang ở chặng cuối cùng", Nirav Shah, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Maine, nơi 75% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine, nói.
Shah cho biết đội của ông đang hướng tới các nhóm người nhỏ ở những nơi như văn phòng bác sĩ, trường học, hơn là các địa điểm tiêm chủng đại trà.
"Chúng tôi không giương biểu ngữ nhiệm vụ đã hoàn thành. Mọi thứ vẫn sẵn sàng để tiếp tục chiến dịch", ông nói.
Một công nhân tử vong không liên quan tiêm vaccine Covid-19 Thanh niên 28 tuổi tiêm vaccine Covid-19 được hai ngày, đột nhiên đau đầu, cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, sau đó tử vong, Bộ Y tế khẳng định không liên quan đến vaccine. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Giang, hôm nay cho biết đây là một trường hợp trùng hợp ngẫu...