Hàng trăm xe gỗ dồn ứ tại Cửa khẩu Lao Bảo
Những ngày qua, hàng trăm xe chở gỗ từ Lào nhập cảnh vào Việt Nam, qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) bị dồn ứ vì chưa hoàn tất thủ tục.
Ngày 14/1, theo ghi nhận của PV Dân trí, vẫn còn trên 100 xe chở gỗ bị ùn tắc, chờ làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) để vào nội địa. Trong số đó, nhiều xe bị ách tắc tại đây hơn một tuần nay.
Việc phải kiểm tra 100% lô hàng khiến cho lực lượng làm nhiệm vụ gặp không ít khó khăn
Ngành Hải quan tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên nhân của việc ùn tắc nói trên là do thực hiện theo nội dung Công văn 19128, do Bộ Tài chính ban hành vào cuối tháng 12/2014. Theo đó, tất cả các loại hàng hóa như: gỗ, bia, rượu, thuốc lá…khi nhập cảnh qua cửa khẩu đều phải được kiểm tra 100%.
Muốn kiểm tra chính xác từng lô hàng, lực lượng Hải quan phải kiểm hóa từng thanh gỗ
Trên tinh thần đó, hải quan Quảng Trị phải kiểm hóa, đo kích thước từng thanh gỗ, bất kể là gỗ tròn, gỗ hộp lớn hay gỗ xẻ có kích thước nhỏ. Việc kiểm tra như trên đã khiến hàng trăm xe gỗ bị dồn ứ và chưa thể hoàn tất các thủ tục kiểm hóa. Có nhiều xe bị “mắc kẹt” tại cửa khẩu từ 7 – 10 ngày.
Hàng trăm xe gỗ bị dồn ứ tại Cửa khẩu
Ngoài việc gây tổn thất, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp vì thời gian chờ làm thủ tục thông quan bị kéo dài, cũng khiến cho lực lượng chức trách làm nhiệm vụ tại đây gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, phương tiện, mặt bằng phục vụ cho công tác, sang tải, hạ tải, kiểm hóa tại Cửa khẩu chưa được hoàn thiện.
Một cán bộ Hải quan tại Cửa khẩu Lao Bảo cho hay, vì phải kiểm tra toàn bộ lô hàng nên thời gian thông quan bị chậm lại. Trước kia, với nguyên tắc quản lý rủi ro, 4 nhân viên kiểm hóa có thể thông quan 2-5 lô hàng một ngày thì nay mỗi ngày chỉ thông quan được một lô. Bởi muốn đảm bảo chính xác, nhân viên hải quan phải đi từng lô hàng, đo kích thước từng thanh gỗ.
Video đang HOT
Để rút ngắn thời gian, các doanh nghiệp đã tiến hành san tải đối với các lô hàng
Mặt hàng gỗ nhập khẩu vào Quảng Trị thường là gỗ tròn, gỗ xẻ có kích thước cồng kềnh, không đồng nhất. Để kiểm tra 100% lô hàng, hải quan buộc phải yêu cầu doanh nghiệp bốc dỡ toàn bộ số gỗ trên phương tiện xuống để đo đếm chi tiết. Việc kiểm tra thực tế 100% như trên đối với mỗi lô hàng mất từ 4 – 6 ngày
Ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Cửa khẩu Lao Bảo cho biết, từ đầu tháng đến nay, tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã hoàn tất thủ tục thông quan cho 145 xe gỗ. Tuy nhiên, hiện tại số lượng xe gỗ bị ùn ứ tại cửa khẩu là 124 xe.
Tình trạng xe gỗ dồn ứ như trên cũng từng xảy ra tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay, huyện Đakrông. Theo thống kê của lực lượng Hải quan, từ đầu tháng 1/2015, đã có hàng trăm xe chở gỗ làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu này, có những thời điểm lên đến gần 100 xe bị ùn tắc.
Đăng Đức
Theo Dantri
Ngày về ấm lòng của người phụ nữ 3 năm "sống ẩn" chốn rừng sâu
Người thân lần lượt qua đời, thiếu nữ Vân Kiều cảm thấy cô đơn, lạc lõng vì nghĩ rằng không còn chỗ để bấu víu. Sau đó, một số người thấy cô đeo gùi đi về phía rừng sâu, rồi không ai thấy cô quay trở lại bản...
Sau một thời gian dài tìm kiếm, dò hỏi khắp nơi, chị em phụ nữ bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã phát hiện chị Hồ Thị Tuân (SN 1983) đang sống "ẩn dật" trong một cái chòi hết sức tạm bợ giữa rừng, cách bản khoảng hơn 5 km.
Bằng sự đồng cảm, sẻ chia, họ đã thuyết phục được chị Tuân quay trở về. Dẫu vậy, quá trình để đưa "người rừng" trở lại hòa nhập với cuộc sống là câu chuyện khá dài, đầy nước mắt, nhưng thấm đượm tình người sâu sắc.
3 năm "trốn biệt" chốn rừng hoang
Sau khi gia đình liên tiếp xảy ra biến cố, chị Tuân như gặp phải một cú sốc nặng nề về tâm lý. Cũng vì quá bất lực trước cuộc sống, chị Tuân chọn cách trốn vào rừng sâu, bởi chị nghĩ rằng ở nơi ấy sẽ có ít người biết và gặp mình. Chị dựng một căn lều nhỏ cạnh một hang đá ven bờ suối để sinh sống. Đến bữa, chị hái lá cây, cỏ dại để ăn và nước suối để uống cầm cự qua ngày.
Những ngày tháng "ngủ rừng, uống sương" cứ thế trôi đi. Người dân ở bản Ka Tăng cũng không còn nhớ kỹ chuyện gì đã xảy ra với chị, cũng không ai biết chị Tuân đi đâu, làm gì, còn sống hay đã chết. Có người thì nghĩ rằng chị đã sang bên đất Lào, lập gia đình rồi sinh sống cố định ở đó.
Đến một ngày, người dân trong bản thấy chị quay trở về, trên lưng mang một chiếc gùi đầy cỏ dại, thân thể nhếch nhác, tiều tụy. Những phụ nữ từng quen chị Tuân ở bản Ka Tăng đã lân la dò hỏi, đồng thời góp tiền mua giúp gùi cỏ dại của chị. Nhưng Tuân lại tỏ vẻ thờ ơ, không nói năng gì rồi lại trốn biệt vào rừng.
Sau giờ làm, các chị phụ nữ trong bản lại tới nhà giúp chị Tuân nấu cơm, giặt giũ
Sau nhiều lần gặp, các chị em phụ nữ trong bản quyết định bám theo dấu chân của chị Tuân vào rừng và bất ngờ phát hiện chị sống trong một căn chòi dựng tạm, cách bản làng hơn 5km. 3 năm trời "sống ẩn" giữa rừng hoang sơ, không có bóng người khiến chị Tuân hoàn toàn thay đổi so với trước kia. Trong điều kiện sống dường như cô lập với cộng đồng, lối sống của chị bỗng dưng trở nên thay đổi như một "người rừng" đúng nghĩa.
...và vệ sinh, chải chuốt cho chị Tuân
Dù cảm động trước cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, lại một mình bơ vơ giữa chốn rừng sâu, nhưng trước vẻ sợ hãi của chị Tuân, các chị phụ nữ đành ngậm ngùi quay lại bản, tìm cách thuyết phục chị Tuân trở về sau vì các chị nghĩ, sau bao nhiêu năm tháng sống biệt lập như vậy, chẳng may thấy người lạ xuất hiện, Tuân sẽ bỏ đi nơi khác sinh sống. Và như vậy, việc tìm kiếm sẽ càng khó khăn hơn, bao nhiêu công sức theo dõi bấy lâu sẽ "tan thành mây khói".
...và lần trở về chan chứa tình yêu thương
Sau khi thống nhất được phương án thuyết phục chị Tuân, nhiều chị em phải nhờ đến sự giúp đỡ của các vị già làng, trưởng bản và bộ đội biên phòng. Được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, người dân trong bản đã chung tay dựng một căn nhà gỗ để khi trở về, chị Tuân có nơi sinh hoạt.
Sau nhiều năm "sống ẩn" trong rừng nên chị Tuân vẫn quen với nếp sống cũ
Hành trình quay lại rừng để vận động chị Tuân trở về bản cũng được vạch ra một cách kỹ lưỡng. Trong đó, các chị trong Hội phụ nữ đóng vai trò chủ đạo, để tránh cho chị Tuân bị sốc khi gặp người lạ. Sau khi vượt qua nhiều con suối, núi non hiểm trở, các chị vui mừng vì thấy Tuân vẫn ở trong chòi. Bằng sự đồng cảm giữa những người cùng giới, họ thuyết phục Tuân quay về. Nghe những lời nói tận đáy lòng ấy, chị Tuân chỉ biết lặng thinh rồi theo các chị trở về. Suốt chặng đường, các chị đã giúp Tuân tắm gội, kể cho chị nghe nhiều câu chuyện về cuộc sống bên ngoài.
Khi đứng trước ngôi nhà gỗ, được dựng lên bằng tình thương, sự chia sẻ của những người dân trong bản, chị Tuân vẫn hồn nhiên như đứa trẻ lên hai và không thốt lên được lời nào. Tuy vậy, trong khóe mắt của chị Tuân cũng bộc lộ sự thân thiện, miệng nhoẻn cười.
Đưa được chị Tuân quay trở về với cộng đồng đã là một thành công lớn của những phụ nữ ở bản Ka Tăng. Nhưng để giữ chị ở lại, chỉ có những tấm lòng nhân hậu, cao cả của những phụ nữ Vân Kiều.
Nhờ lòng nhân ái, sự đồng cảm, sẻ chia, các chị đã thuyết phục được "người rừng" trở về
Chị Đào Thị Thiệp, cán bộ phụ nữ bản Ka Tăng- người đã phối hợp vận động, thuyết phục chị Tuân trở về bản kể lại: "Dù rất thương Tuân khi phải sống một mình giữa rừng sâu, nhưng chị em chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều. Bởi sau nhiều năm sống trong rừng, ngăn cách hoàn toàn với bên ngoài, tính cách Tuân đã thay đổi nhiều. Nếu không khéo léo trong cách thuyết phục, thì rất dễ khiến Tuân sợ hãi rồi bỏ chạy thì hỏng hết mọi việc. Chỉ nghĩ đến điều đó, chúng tôi cũng lo lắng lắm, nhưng ai cũng quyết tâm "băng rừng, lội suối" để gặp và đưa Tuân trở về. May mắn là khi gặp Tuân, em cũng thuận tình nghe theo".
Lúc về nhà mới, Tuân vẫn quen nếp sống cũ, suốt ngày chị lang thang đi kiếm cỏ dại và lá sắn mang về ăn. Nhưng tập miết thành quen, Tuân bắt đầu quen dần với các món ăn của chị em nấu và gật đầu khen ngon. "Để giúp Tuân ổn định cuộc sống, 5 chị em chúng tôi đóng góp mỗi người một ít để mua gạo và thức ăn cho Tuân. Em mới hòa nhập nên chưa ý thức được gì, nhưng lại rất biết nghe lời"- chị Phạm Thị Lan vui mừng nói.
Bản Ka Tăng nằm cạnh Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, phần lớn đều là đồng bào Vân Kiều sinh sống. Những phụ nữ ở bản chủ yếu tham gia đội kéo xe chở hàng qua lại cửa khẩu để mưu sinh. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng khi thấy hoàn cảnh của chị Tuân, họ không khoanh tay đứng nhìn. Ngoài 3 chị trực tiếp vào rừng đưa Tuân về, còn có chị Lê Thị Hiệp và Hồ Thị Hạnh cùng chăm sóc cho Tuân.
Cán bộ Đồn Biên phòng CK Lao Bảo tặng quà cho chị Tuân
Sau khi đã ổn định chỗ ở cho chị Tuân, chị em trong bản lại bàn cách giúp cô làm quen với dần cuộc sống. Bởi chỉ có lao động mới giúp chị Tuân quên đi những ngày tháng sống khép kín ở rừng.
Người dân ở bản Ka Tăng, huyện Hướng Hóa hẳn không bao giờ quên ngày đưa chị Tuân quay trở lại bản làng, cách đây mấy tháng trước. Bởi ngày ấy, cô như một người đến từ thế giới khác, với biết bao điều lạ lẫm. Nhưng nay cô đã dần hòa nhập với cộng đồng và ngày càng trở nên thân thiện hơn.
Đăng Đức
Theo Dantri
Tăng 9 lần phí visa, lỗi tại ai? Sự "thờ ơ" với chính sách của cơ quan chức năng ngành du lịch đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành và ngay chính bản thân cơ quan này cũng tỏ ra bất ngờ với quy Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới được thực hiện từ 1/1/2015. Theo đó, khách quốc tế đến bằng...