Hàng trăm tù nhân trốn thoát khỏi nhà tù sau khi bạo lực leo thang ở thủ đô Haiti
CNN đưa tin, hàng trăm tù nhân đã trốn thoát khỏi Nhà tù Quốc gia Haiti ở thủ đô Port-au-Prince sau khi cuộc giao tranh nổ ra ngày 2/3.
Binh sĩ Haiti gác tại thủ đô Port-au-Prince. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Liên đoàn Cảnh sát Haiti đã kêu gọi tất cả các sĩ quan ở thủ đô sử dụng ô tô và vũ khí tham gia hỗ trợ cảnh sát, để chiến đấu duy trì quyền kiểm soát nhà tù Quốc gia Haiti ở thủ đô Port-au-Prince, đồng thời cảnh báo rằng nếu những kẻ tấn công thành công thì “sẽ không ai ở thủ đô có thể thoát được vì sẽ có thêm 3.000 tên cướp hoạt động”.
CNN dẫn nhiều nguồn tin an ninh ở Port-au-Prince cho biết thêm bắt đầu từ ngày 29/2, làn sóng bạo lực nhắm vào các đồn cảnh sát, sân bay quốc tế và Nhà tù Quốc gia gia tăng mạnh và đây là điều chưa từng có trong nhiều năm. Vụ tấn công giết chết ít nhất 4 người và đốt cháy một số đồn cảnh sát. Trong khi đó, các hãng hàng không cũng phải tạm dừng các chuyến bay cùng ngày do tiếng súng nổ gần sân bay.
Ngày 1/3, Đại sứ quán Mỹ tại Haiti đã đưa ra các cảnh báo an ninh, cảnh báo về tiếng súng và sự gián đoạn giao thông gần các nhà ga nội địa và quốc tế, cũng như các khu vực xung quanh.
Các cuộc đụng độ vũ trang diễn ra sau một loạt các cuộc biểu tình bạo lực đã diễn ra được một thời gian, nhưng trở nên nguy hiểm hơn trong những ngày gần đây, khi Thủ tướng Ariel Henry sang thăm Kenya để hoàn tất các chi tiết với Tổng thống Kenya William Ruto về việc triển khai một phái đoàn hỗ trợ an ninh đa quốc gia tới Haiti.
Hôm 1/3, thủ lĩnh liên minh các băng đảng ở Haiti – Jimmy Cherizier, còn được gọi với biệt danh Barbecue, tuyên bố sẽ tiếp tục các nỗ lực lật đổ Thủ tướng Ariel Henry. Cherizier là cựu sĩ quan cảnh sát, hiện đứng đầu một liên minh băng đảng và phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ cả Liên hợp quốc và Bộ Tài chính Mỹ.
Video đang HOT
Trong một phát biểu đưa ra cùng ngày, Cherizier yêu cầu Cảnh sát Quốc gia Haiti cùng quân đội bắt giữ Thủ tướng Henry để giải phóng và thay đổi đất nước.
Đối với người dân nước này, họ thất vọng và bất mãn với Thủ tướng Ariel Henry vì ông không có khả năng kiềm chế tình trạng bất ổn đã bùng lên từ tháng 2, và nhiều lần hoãn kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống.
Theo thỏa thuận trước đó, Thủ tướng Ariel Henry cam kết tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực trước ngày 7/2. Hôm 28/2, các nhà lãnh đạo cộng đồng Caribe cho biết Thủ tướng Haiti – Ariel Henry đã đồng ý tổ chức cuộc tổng tuyển cử chậm nhất là vào ngày 31/8/2025.
Haiti đã phải hứng chịu làn sóng bất ổn và bạo lực băng đảng trong những năm gần đây. Các băng nhóm ngày càng hùng mạnh và bất ổn chính trị gia tăng kể từ vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Mose năm 2021. Trước đó, ông Haiti Jovenel đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình kêu gọi từ chức vì cáo buộc tham nhũng và tuyên bố rằng nhiệm kỳ 5 năm của ông đã hết.
Nhà tù bị các băng đảng nhắm đến nổi tiếng vì điều kiện cực kỳ đông đúc và mất vệ sinh. Theo CNN, đã có hàng trăm tù nhân đã trốn thoát sau cuộc tấn công. Liên đoàn Cảnh sát đã kêu gọi hỗ trợ để ngăn chặn các tù nhân, trong số đó có nhiều người được coi là tội phạm nghiêm trọng, với một số thủ lĩnh băng đảng và 18 cựu binh Colombia bị buộc tội đã giết Tổng thống Jovenel Mose.
Năm 2023, hơn 8.400 người được cho là đã thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt cóc – cao hơn gấp đôi con số được báo cáo vào năm 2022.
Các băng nhóm tham chiến kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince, cắt đứt các tuyến cung cấp quan trọng cho phần còn lại của đất nước. Các thành viên băng đảng cũng đã khủng bố người dân ở thành phố, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa giữa làn sóng giết người bừa bãi, bắt cóc, đốt phá và cưỡng bức.
Khoảng 1.100 người đã thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt cóc chỉ trong tháng 1/2024, thời điểm mà Liên hợp quốc gọi là tháng bạo lực nhất trong hai năm.
LHQ kêu gọi triển khai khẩn cấp lực lượng đa quốc gia đến Haiti
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Liên hợp quốc (LHQ) ngày 26/1 đã kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để triển khai lực lượng đa quốc gia đến Haiti.
Binh sĩ Haiti gác tại thủ đô Port-au-Prince. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ António Guterres, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc áp dụng các biện pháp và huy động tài chính để tái lập sự ổn định cho Haiti - quốc gia đang chìm trong tình trạng bạo lực chưa từng có.
Theo dữ liệu trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một ngày trước đó, tỷ lệ các vụ giết người và bắt cóc do các băng nhóm gây ra ngày càng gia tăng, buộc hàng trăm nghìn người Haiti phải rời bỏ nhà cửa.
Từ ngày 1/10 đến ngày 31/12/2023, chính quyền Haiti ghi nhận 1.432 vụ giết người có chủ ý, trong đó có 157 phụ nữ, 24 bé gái và 31 bé trai bị sát hại. Cũng trong giai đoạn này, 698 người đã bị bắt cóc, trong đó có 258 phụ nữ, 14 bé gái và 17 bé trai, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Các vụ giết người được ghi nhận trong năm 2023 tăng 119,4% so với số liệu năm 2022, với tỷ lệ 40,9 vụ giết người trên 100.000 dân. Số người bị bắt cóc mỗi năm cũng tăng vọt từ 1.359 người vào năm 2022 lên 2.490 người vào năm 2023, tương ứng mức tăng 83%.
Văn phòng Liên hợp quốc tại Port-au-Prince ước tính khoảng 300 nhóm vũ trang kiểm soát 80% thủ đô và gây ra 83% số vụ giết người và gây thương tích trong năm ngoái. Các băng nhóm này đang mở rộng hoạt động về phía Bắc đến vùng Artibonito, nơi được coi là "vựa lúa mì" của Haiti. Trong khi đó, tội phạm có vũ trang thực hiện nhiều cuộc tấn công quy mô lớn ở phía Nam thủ đô để kiểm soát các khu vực trọng điểm.
Vấn nạn tội phạm như bắt cóc, cướp của và giết người cùng bất ổn không ngừng gia tăng tại đất nước nghèo khó với gần 11,5 triệu dân này. Các băng nhóm vũ trang thậm chí còn chiếm giữ một số cảng chính của Haiti và gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa quan trọng. Chính quyền Port-au-Prince đã nhiều lần kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế kể từ vụ sát hại Tổng thống Jovenel Moise.
Thủ tướng Haiti Ariel Henry lần đầu tiên đề xuất sứ mệnh an ninh vào tháng 10/2022, kêu gọi "triển khai ngay lực lượng vũ trang chuyên trách" để đối phó với "các băng nhóm vũ trang" và dập tắt tình trạng bất ổn đang diễn ra.
Tháng 10/2023, Hội đồng Bảo an LHQ đã phê chuẩn triển khai lực lượng vũ trang đa quốc gia do Kenya lãnh đạo nhằm giúp kiểm soát bạo lực băng nhóm tại Haiti. Trước đó, Mỹ cũng đã nhiều lần hối thúc tổ chức một phái bộ quốc tế tới Haiti trong bối cảnh "tình hình an ninh ngày càng xấu đi" và cuộc khủng hoảng nhân đạo "thảm khốc" sau vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise vào năm 2021.
Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, Tòa án Tối cao Kenya tại thủ đô Nairobi đã ra phán quyết rằng việc triển khai cảnh sát Kenya tới Haiti là bất hợp pháp khi chiểu theo Hiến pháp sửa đổi của nước này năm 2010.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Thẩm phán Tòa án Tối cao Chacha Mwita nêu rõ Hội đồng An ninh quốc gia - cơ quan an ninh hàng đầu của Chính phủ Kenya - không có quyền hạn pháp lý để triển khai cảnh sát chính quy bên ngoài đất nước.
Kenya ký thỏa thuận về triển khai cảnh sát ở Haiti Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổng thống Kenya William Ruto ngày 1/3 thông báo nước này và Haiti đã ký thỏa thuận "có đi có lại" về việc triển khai cảnh sát từ quốc gia Đông Phi để dẫn đầu sứ mệnh bảo vệ trật tự và luật pháp do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ tại quốc gia vùng Caribe....