Hàng trăm ô tô dàn hàng “quyết đấu” với Golden Westlake
Sau 4 ngày kể từ khi chủ đầu tư cho chặn xe những cư dân không chịu đóng phí gửi xe, hàng trăm xe hơi của cư dân vẫn đội mưa la liệt tại Golden Westlake.
Từ chiều 24/1, không đồng ý đóng mức phí “cắt cổ” của chủ đầu tư, hàng trăm xe hơi không được xuống hầm xếp hàng dài, bịt kín lối đi
Sau khi Sở tài chính Hà Nội có văn bản “hạn chế” phí gửi xe ô tô tại Golden Westlake không quá 2,5 triệu đồng/xe/tháng…
… chủ đầu tư yêu cầu người dân đóng mức phí gửi xe cao nhất 2,5 triệu đồng/tháng. Kể từ ngày 24/1, cư dân nào không đóng mức phí này bị chặn xe, không được để xe dưới tầng hầm Golden Westlake.
Tình trạng cư dân xếp hàng xe vẫn tiếp tục kéo dài từ ngày 24/1 cho tới nay.
Xe hơi của cư dân treo biểu ngữ, băng rôn phản đối chủ đầu tư.
Video đang HOT
Càng về đêm, đoàn xe của cư dân lại nối dài lên tới hơn trăm chiếc.
Người dân cho biết, họ sẵn sàng đi bộ, xe ôm, taxi đi làm chứ không chịu đóng mức phí vô lý 2,5 triệu đồng/xe/tháng cho chủ đầu tư.
Hàng trăm xe hơi của cư dân nằm phơi mưa, phơi nắng. (Ảnh chụp tối 28/1). Cư dân cho hay, họ sẽ tiếp tục đỗ xe như vậy cho tới khi nào đòi lại được sự công bằng. Sáng nay, cư dân Golden Westlake kéo nhau lên Sở tài chính Hà Nội để phản đối văn bản của sở này.
Trước thái độ đấu tranh quyết liệt của cư dân, hiện chủ đầu tư vẫn “im hơi lặng tiếng”. Trong khi phía trên lối đi bị xe hơi bịt kín thì dưới hầm lại thông thoáng, chỉ có vài xe chấp nhận đỗ tại đây, còn lại đều trống trơn.
Theo xahoi
Chung cư Hà Nội - nhà giàu cũng khóc!
Với rất nhiều người, có được căn hộ chung cư ở giữa Thủ đô đã là một "kỳ tích" khi chấp nhận mua với cái giá khá cao để hưởng những dịch vụ tốt nhất.
Chung cư ở Hà Nội thường xảy ra các vấn đề khiếu kiện (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, với các gia đình đã có được "nhà Hà Nội" mà cụ thể là một căn hộ chung cư, kể cả cao cấp lẫn trung bình hoặc khá, đó thực sự chưa phải là "an cư". Thực trạng mà chúng tôi phản ánh trong bài viết này, đó là những chung cư có chất lượng dịch vụ chưa "kịp" đi liền với chi phí mà cư dân bỏ ra.
Có tiền tỷ, đi "ở đợ" trong tòa nhà cao nhất Việt Nam
Từ ngày hoàn thiện và bắt đầu đưa vào sử dụng, chung cư Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội) được nhiều người biết đến với tên gọi tòa nhà cao nhất Việt Nam hay chung cư cao cấp, hiện đại bậc nhất Việt Nam. Khách hàng giàu có lần lượt bỏ tiền tỷ để có được một căn hộ tại đây, cho dù phải đi vài chục phút thang máy mới về được nhà. Tuy nhiên, sống ở đây không được bao lâu, họ bắt đầu thất vọng bởi "chất lượng dịch vụ" không như "hằng mong đợi". Đầu tiên đó là hàng loạt sự cố về thang máy, điện nước, công trình phụ và cả "tất tần tật" các loại phí, từ phí gửi xe cho đến phí khác.
Cư dân Keangnam tập trung phản đối chủ đầu tư
Tối 23/5/2012, gần chục cư dân, trong đó có hai trẻ nhỏ của tòa nhà bỗng dưng bị kẹt lại trong thang máy vì sự cố mất điện đột ngột. Theo phản ánh của người dân tại đây, điện bị mất ở cả hai tòa nhà A và B của khu chung cư. Kể từ lúc bị kẹt cho đến khi được giải cứu, các nạn nhân phải sống trong cảnh tối tăm, sợ hãi gần nửa giờ đồng hồ. Trong thời gian đó, không hề có một hành động nào có trách nhiệm từ phía ban quản lý tòa nhà. Thậm chí, hai cháu nhỏ bị kẹt còn bị nôn mửa, ngất xỉu do ngạt khí. Rất may vụ việc đã không gây ảnh hưởng xấu đến tính mạng của nạn nhân.
Một sự cố điển hình khác, vào đầu tháng 12/2011, Ban quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam bất ngờ vô hiệu hóa hệ thống thang máy, khiến cho nhiều người có nhà mà không được về. Nguyên nhân của sự việc là do Ban quản lý cho rằng, có nhiều hộ dân chưa đóng phí dịch vụ, vi phạm hợp đồng. Chưa kể, trước đó, từ ngày 26/11, Ban quản lý Keangnam đã cho tháo gỡ rất nhiều bóng đèn to nhỏ tại các sảnh, hành lang, hầm đỗ xe, các khu vui chơi sinh hoạt công cộng, đèn chiếu sáng sân vườn... khiến các vị trí này tối đen như mực.
Những "người cùng khổ" ở chung cư bậc nhất Hà Nội
Cách Keangnam không xa, một chung cư được xếp vào loại nhất nhì ở Hà Nội, đó là Golden Westlake, số 151 Hoàng Hoa Thám. Khi ra đời, Golden Westlake được nhiều người gọi là "đẳng cấp" khiến họ chen nhau để mua. Sau một thời gian sống và sinh hoạt, cư dân ở đây lại chỉ mong được hai chữ "bình yên".
Đầu tiên đó là tình trạng rò rỉ khí gas từ hệ thống nước nóng, chưa kể đến các thiết bị vừa mới lắp không lâu đã bị hoan rỉ, xuống cấp trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, nước được quảng cáo là sạch nhưng lại nổi váng vàng đỏ trên mặt, hệ thống điều hòa và chữa cháy do chủ đầu tư trang bị cũng là một nỗi sợ của cư dân trong tòa nhà.
Cư dân không biết để xe ở đâu để về nhà, bức xúc tập chung phản đối ban quản lý
Nhiều người dân ở đây cho biết, kể cả những nhu cầu thường ngày và cần thiết như đi lại, giải trí cũng chỉ ở mức tầm thường như các khu ổ chuột, thậm chí họ còn không dám tin rằng nó lại có mặt ở một nơi cao cấp như Golden Westlake. Một ví dụ đơn giản như hệ thống truyền hình cáp, người dân cho biết chỉ bao gồm các dịch vụ truyền hình "không có mấy người xem" như các kênh tôn giáo, các nước xa lạ với chất lượng truyền hình kém, mất tín hiệu, bị nhiễu sóng của Trung Quốc...
Mới đây nhất, chủ đầu tư chung cư Golden Westlake đã "nhẫn tâm" để hơn 100 "xế hộp" của cư dân "dầm sương dãi gió" cả đêm, nguyên nhân của vụ việc là những người dân có xe hơi không đồng ý đóng mức phí "cắt cổ" mà ban quản lý đưa ra. Những chiếc nào muốn vào trong bãi đỗ xe phải mua vé đỗ xe như khách với mức phí cao nhất là 75.000 đồng. Vụ việc đã gây lộn xộn ở khu vực trước cửa khu chung cư khiến lực lượng công an đã phải có mặt để đề phòng... bất trắc có thể xảy ra.
Nửa đêm bị côn đồ vào tận căn hộ hành hung
Chuyện xảy ra ở một khu chung cư ngay giữa trung tâm Hà Nội, đó là tòa nhà 93 Lò Đúc. Những nhân chứng sống tại đây cho biết, khoảng 21h ngày 27/6/2012, một nhóm côn đồ đã "lọt" được cửa bảo vệ, vào tận phòng các hộ dân, dàn hàng ngang và đe dọa đòi hành hung Trưởng ban truyền thông của cư dân 93 Lò Đúc.
Trước khi lực lượng 113 cùng công an có mặt, những cư dân ở đây đã xô xát với đám côn đồ. Trước đó, Công ty Kinh Đô, đơn vị quản lý tòa nhà đã đe dọa cắt toàn bộ hệ thống điện nước của các hộ dân. Đến buổi chiều 27/6, ban quản lý bắt đầu thực hiện lời đe dọa và đến tối, nhóm côn đồ xuất hiện.
Một người dân cho biết, dù được sống trong một tòa nhà ở trung tâm nhưng ngày nào họ cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Người này còn nói rằng, thậm chí tính mạng của họ còn bị đe dọa.
Cư dân toà nhà 93 Lò Đúc phản đối Công ty TNHH Khách sạn Kinh đô
Khiếu nại ở chung cư Hà Nội, vì sao lại "khó xử"?
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, để xảy ra tình trạng như trên có thể là do hai nguyên nhân. Một là bản thân chủ đầu tư chưa công khai minh bạch mức phí và họ cũng không giải thích rõ cho người dân hiểu. Hai là có thể là do người dân cũng chưa quan tâm tới quyền lợi và trách nhiệm của mình, khi mua bán nhà, họ không đọc kỹ hợp đồng. Thế cho nên mới dẫn đến tình trạng "há miệng mắc hợp đồng" như đã xảy ra tại một số tòa nhà vừa qua. Mà pháp luật lại không thể bảo vệ cho những người "cứ mua cho bằng được", khi họ đã ký vào hợp đồng.
Căn cứ duy nhất để xem xét đó chính là hợp đồng đã được ký giữa chủ căn hộ và người mua. Nếu như các chủ đầu tư phục vụ đúng cam kết hợp đồng thì người dân cũng phải đóng đúng phí dịch vụ như đã thỏa thuận. Điều khoản trong hợp đồng vẫn là nguyên tắc tối thượng, người mua cần phải nghiên cứu kỹ.
Vấn đề nhà ở tại Hà Nội luôn là một thực trạng nhức nhối và kéo dài khi mà mật độ dân số gia tăng quá nhanh so với quỹ đất. Đây là một bài toán khó tìm lời giải đáp khi mà ngay trong nó còn tồn tại nhiều bất cập.
Theo xahoi
Phí chung cư: Nỗi khiếp sợ của dân "Mỗi cái chỗ để xe mà thu của người dân những 2,5 triệu một tháng, ngang bằng tháng lương công chức". Phí gửi xe bằng lương công chức Trước cổng khu chung cư số 151 Thụy Khuê (Hà Nội), chiều ngày 24/1, chủ đầu tư cho lực lượng bảo vệ chặn ô tô của những cư dân chưa đóng đủ phí vào trong...