Hàng trăm người trả vé tàu lửa vì cầu Ghềnh sập
Hành khách từ Sài Gòn phải đi xe buýt gần 30 km xuống Biên Hòa mới đi tàu được nên hàng trăm người đã đến trả vé, có đoàn tàu chỉ khởi hành với 68 hành khách.
Nhân viên ga Sài Gòn làm thủ tục hoàn trả tiền cho khách. Ảnh: Hữu Công
Sáng 21/3, trong số hơn 100 người đến ga Sài Gòn trả lại vé tàu, ông Phan Đức Thanh (quê Bình Định) cho biết đã mua 2 vé để cùng vợ đi Quy Nhơn vào ngày mai, song hay tin tàu không thể chạy từ Sài Gòn do cầu Ghềnh bị đâm sập, nên phải trả vé.
“Nếu chỉ mình tôi dùng xe buýt trung chuyển xuống Biên Hòa (Đồng Nai) để đi tàu thì không sao. Đằng này bà xã tôi đang bệnh, phải đi xe giường nằm nên bất tiện quá. Việc không ai muốn nên cũng thông cảm cho ngành đường sắt thôi”, ông Thanh nói và cho biết thủ tục đổi vé khá đơn giản, ngồi chờ 5 phút cho nhân viên bán vé kiểm tra sau đó được trả lại 100% tiền.
Còn anh Nguyễn Văn Lâm đến đổi 5 vé mua trước đó bằng hình thức chuyển khoản, cho hay: “Sau khi nhân viên bán vé kiểm tra, thực hiện lệnh thì ngân hàng chuyển tiền trở lại vào tài khoản của tôi. Công ty tôi đi công tác ở Bình Thuận nên không thể chờ đi xe trung chuyển, sợ không chủ động được thời gian nên đành phải trả vé chứ tôi vẫn muốn đi tàu cho thoải mái”.
Theo một nhân viên ga Sài Gòn, đa số những người trả lại vé đều cao tuổi, gặp khó khăn khi di chuyển bằng ôtô hay những người muốn chủ động về thời gian.
Hành khách chờ ôtô di chuyển xuống ga Biên Hòa. Ảnh: Hữu Công
Video đang HOT
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, trong hôm nay có 9 đoàn tàu khởi hành từ ga Sài Gòn với khoảng 900 khách. Ga sẽ tiếp tục thực hiện chuyển tải khách bằng ôtô xuống Biên Hòa. Riêng trong buổi sáng đã chuyển được khách cho 4 chuyến tàu.
“Chúng tôi đã lường trước tình huống bị kẹt xe, song kết quả chuyển tải hành khách hôm qua cho thấy chưa xảy ra trường hợp nào làm ảnh hưởng đến giờ chạy tàu. Do số lượng hành khách chuyển cũng không quá nhiều, lại được sự hỗ trợ của Sở GTVT Đồng Nai và TP HCM nên cũng không đáng lo ngại”, ông Văn cho biết.
Theo ông Văn, ngành đường sắt đang nghiên cứu, khảo sát phương án rút ngắn đường trung chuyển hành khách xuống Biên Hòa. Theo đó, tàu vẫn sẽ khởi hành từ ga Sài Gòn theo lịch trình bình thường, khi đến ga Dĩ An hành khách sẽ xuống tàu và đi ôtô chuyển tải đến Biên Hòa, sau đó lên tàu đi tiếp. “Với phương án này, đoạn đường trung chuyển ngắn hơn thì hành khách đỡ vất vả hơn, không phải đội nắng đội mưa, xách hành lý lên xuống”, ông Văn nói.
Trong hôm nay và ngày mai, ga Sài Gòn tạm ngưng nhận hành lý ký gửi cho đến ngày 23/3 – huy động ôtô đưa hành lý của hành khách xuống Biên Hòa.
“Hơn 20 đầu tàu bị nhốt ở ga Sài Gòn không xuống Biên Hòa được, nên chắc chắn sẽ thiếu đầu tàu. Sắp tới chúng tôi sẽ phải làm lại hết lịch tàu.1-2 ngày tới ngành đường sắt sẽ công bố chính thức lịch chạy tàu mới”, ông Văn cho biết thêm.
Hành khách tại ga Sài Gòn lên xe buýt để xuống ga Biên Hòa, sau đó tiếp tục hành trình bằng tàu hỏa. Ảnh: Hữu Công
Theo đó, mỗi ngày sẽ có 2 đôi tàu từ Hà Nội đến Nha Trang và ngược lại, 3 đôi tàu Thống Nhất từ Hà Nội đến Sài Gòn và ngược lại. Ngoài ra còn có một đôi tàu Vinh – Sài Gòn và ngược lại, một đôi tàu Quy Nhơn – Sài Gòn và Sài Gòn – Nha Trang.
“Theo kế hoạch sẽ không tổ chức chạy đôi tàu Sài Gòn – Phan Thiết nữa. Đây là sự cố ngoài ý muốn nên rất mong hành khách thông cảm”, ông Văn nói.
Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục vụ sập cầu Ghềnh sáng 21/3 tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu ngành đường sắt phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương, đơn vị để giải quyết nhanh nhất các vấn đề khảo sát, thanh thải, tổ chức vận tải đường thủy, tổ chức vận tải đường sắt cũng như việc khôi phục tuyến đường sắt qua khu vực cầu Ghềnh.
“Không được để xảy ra các sự cố tiếp theo và phải an toàn tuyệt đối trong bất kỳ trường hợp nào. Khảo sát phải lên phương án an toàn, có cảnh giới, phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương. Đường thủy phải kiểm soát tuyệt đối an toàn, phải làm song song nhiều việc để thời gian khắc phục nhanh nhất”, ông Đông yêu cầu.
Cũng theo ông Đông, hàng ngày, Ban chỉ đạo xử lý vụ sập cầu Ghềnh sẽ họp giao ban và Tổng công ty phải báo cáo tình hình. Viện Khoa học Công nghệ (thuộc Bộ GTVT) được giao kiểm định hai dầm, hai trụ còn lại và nếu cần thiết thì kiểm luôn mố cầu. Dù có thay thế cầu mới cũng phải có kiểm định.
Hữu Công
Theo VNE
Sập Cầu Ghềnh: Tuyến đường sắt độc đạo Bắc-Nam quá mong manh
Cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sà lan đâm sập; cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) cũng nằm trong vòng nguy hiểm vì đã từng xảy ra các vụ sà lan mắc kẹt và đâm vào cầu.
Chuyên gia giao thông nói đối với những cây cầu trên trục đường huyết mạch, cần phải có những giải pháp an toàn - Ảnh: Lê Lâm
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đã quá già cỗi và quá mong manh, dễ dàng bị tê liệt khi xảy ra các sự cố hay tai nạn.
TS - chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, trong sự cố cầu Ghềnh hôm qua (20.3), dù lỗi là do sà lan gây ra, song đối với những cây cầu trên trục đường huyết mạch, cần phải có những giải pháp an toàn.
Một trong những giải pháp trước tiên, dứt khoát phải làm, theo TS Sanh, đó là trụ chống va (làm vật cản xung quanh các trụ cầu). Ở dạ cầu cũng cần làm thêm những thanh cản ở phía trước, để nếu sà lan có va, đụng thì chỉ va vào các thanh cản này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra. Khu vực cầu cần có đầy đủ biển báo, thậm chí có trạm cảnh báo nằm ở phía trước các cây cầu quan trọng, để cảnh giới các phương tiện thủy muốn đi qua, nhất là các phương tiện quá lớn có thể không đủ tĩnh không để chui qua cầu.
Do tầm quan trọng của sự an toàn trên tuyến đường sắt độc đạo này, sà lan khi đi qua dưới cầu cần tuân thủ các biển báo về tốc độ, các tín hiệu giao thông... Các trường hợp phương tiện thủy vi phạm an toàn giao thông phải bị xử lý thật nghiêm.
Ông Sanh cho rằng trong thời gian qua, việc xử lý các vi phạm an toàn giao thông đường sắt còn nhẹ. Phải xử phạt những chủ phương tiện vi phạm thật nặng, kể cả ô tô đâm vào tàu hỏa. Những vi phạm nghiêm trọng phải bị truy tố để răn đe.
Cầu Ghềnh sập ảnh hưởng rất lớn đến tuyến vận tải đường sắt Bắc - Nam - Ảnh: Lê Lâm
Về lâu về dài, ông Sanh nói: "Quy hoạch đường sắt đã có hết rồi, nhưng tiến độ thực hiện phụ thuộc vào nguồn vốn, mà vốn cho đường sắt hơi khó vì cao lắm, không như đường bộ có thể làm BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao). Nhưng khó gì đi chăng nữa thì cũng phải cố gắng làm thêm 1 tuyến đường sắt, vì chỉ có 1 đường như hiện nay, khi có chuyện gì xảy ra là tê liệt".
Theo ông, nếu không làm nổi 1 lần trên toàn tuyến Bắc - Nam thì cũng cần làm từng đoạn, nối dần, nối dần đến khi hoàn chỉnh. Về các cây cầu trên tuyến đường sắt, ông Sanh nói cũng phải làm theo tiêu chuẩn cao hơn.
"Quy hoạch đường sắt cứ bàn tính hoài mà không thấy triển khai. Bây giờ phải thực tế một chút. Chứ cứ tranh luận hoài, không đi tới đâu cả. bằng mọi giá phải mở thêm 1 tuyến đường sắt nữa. lấy lộ giới đường cũ, mở rộng ra, không có giải tỏa nhiều đâu", TS Sanh đề xuất.
Mai Vọng
Theo Thanhnien
Trắng đêm tìm kiếm, người nhái chưa tìm thấy thi thể vụ sập Cầu Ghềnh Ngày 21.3, thượng tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai cho biết trong đêm 20.3 và sáng nay, vẫn chưa tìm thấy thi thể nào trong vụ sập Cầu Ghềnh. Lực lượng chức năng phối hợp xử lý sự cố sập Cầu Ghềnh - Ảnh: Lê Lâm Thượng tá Nhân cho biết, đợi lúc thủy triều xuống,...