Hàng trăm người lo sợ sống trong khu tập thể chờ sập
Sống giữa trung tâm Thủ đô nhưng cứ đến mùa mưa, chính quyền sở tại lại đôn đáo lên phương án người dân sơ tán khỏi chỗ ở của mình. Hàng chục năm nay, hơn 60 hộ dân, 400 con người ngày ngày phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi khu tập thể H36 (phường Xuân La, Quận Tây Hồ) có tuổi đời hơn 30 năm đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Liệu những phương án sơ tán, di dời sẽ duy trì và đảm bảo được tính mạng, tài sản của người dân khu tập thể cũ nát này?
Chúng tôi đến khu tập thể H36 vào đúng những ngày Hà Nội hứng chịu những trận mưa dầm rả rích. Khắp trong nhà ngoài hiên cơ man nào là giẻ rách thấm nước, chậu thau. Nhiều người ví von, mỗi khi mưa xuống khu này như thể có… chiến tranh. Trái với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi khi đến nơi, người dân ở khu tập thể này tỏ thái độ hết sức bất mãn với truyền thông, họ bảo: “Chụp chiếu làm gì nhiều? Chẳng giải quyết được gì sất! Muốn hỏi gì chụp gì sang bên kia, những người có thẩm quyền họ trả lời”.
Người dân tha thiết mong cơ quan chức năng sớm có phương án giải quyết chỗ ở mới.
Đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, khu tập thể H36 được xây dựng trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ), bao gồm dãy nhà cấp 4, nhà 2 tầng, do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp H36 xây cho công nhân viên ở. Qua tìm hiểu, những dãy nhà này khi mới xây dựng chỉ với mục đích cho công nhân ở tạm thời. Sau hơn 30 năm sử dụng, hầu hết các ngôi nhà ở đây đã hư hỏng nặng. Phần trần nhà, dầm, cột bong, trơ hết phần cốt sắt gỉ hoen bên trong. Theo phản ánh của bà con thì tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, người dân gửi đơn kêu cứu rất nhiều nhưng chưa được giải quyết.
Đại diện cho những hộ sinh sống tại đây cho biết: “Các hộ dân tại đây đã thống nhất phương án với chủ đầu tư để sắp xếp lại nhà ở. Tuy nhiên vẫn chưa được các cấp chính quyền thực hiện”. Được biết, ngày 30/6, UBND quận Tây Hồ đã ủy quyền cho Phòng Quản lý – Đô thị tổ chức buổi họp bàn giải quyết đơn kêu cứu của các hộ dân sống tại khu tập thể H36, nhưng vẫn chưa thể tìm ra phương án khả thi giúp bà con.
Ông Hà Quang Đoạt – Bí thư Chi bộ phường Xuân La chia sẻ: “Đây là dãy nhà xây dựng cách đây khoảng 30 năm, hiện nay đã xuống cấp, khó có khả năng chịu được những trận mưa to, đặc biệt là bão. Bên cạnh đó, nhân khẩu tại khu tập thể này ngày một đông lên. Chúng tôi đã nhiều lần đề đạt ý kiến chính đáng của bà con lên lãnh đạo quận và thành phố trong các buổi tiếp xúc cử tri. Các ý kiến đó đều được các đồng chí nhiệt tình ủng hộ”.
Cầu thang của khu tập thể gỉ hoen, mỏng manh vô cùng nguy hiểm.
Có trực tiếp đến khu tập thể, quan sát một vòng đời sống của bà con mới thấy nguy hiểm đến mức nào. Trong căn nhà bong tróc, lộ cốt thép gỉ hoen, bà Tống Thị Nga buồn bã: “Tôi cả đời lao động vất vả, cống hiến cả tuổi trẻ, về già cũng mong muốn có mái nhà tử tế, vậy mà mấy năm nay khổ sở quá cô chú ạ. Căn hộ của tôi nào có nhiều nhặn gì, vỏn vẹn 9m2, gần đây bong tróc hết cả, hôm nào mưa to, gió mạnh là từng mảng tường rụng xuống. Trời nắng thì như cái chảo rang, mưa thì phải huy động hết thau trong nhà để hứng nước”. Chỉ lên phía trần nhà, bà Nga kể lại: “Cách đây không lâu, cả nhà đang ăn cơm thì mảng vữa trên trần rơi xuống đúng mâm cơm, cũng may mà vào mâm cơm chứ rơi vào đầu thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi và nhân dân ở đây tha thiết mong cơ quan, đoàn thể, chính quyền giúp đỡ để chúng tôi được tái định cư, ổn định cuộc sống”.
Theo quan sát của phóng viên, các căn hộ tại đây đều không có công trình phụ, cả khu chung nhau một nhà vệ sinh công cộng. Cơn gió lốc gần đây đã làm đổ sập bức tường chắn của khu vệ sinh. Ngày 2/6/2015, gia đình anh Đắc ở dãy nhà 7 gian đã sập toàn bộ trần bê tông. Rất may trong nhà không có người vào thời điểm đó. Chị Mến, một người dân trong khu cho biết: “Rơi vữa trần ở đây là chuyện nhỏ, chúng tôi lo lắng lắm, không biết nhà sẽ sập lúc nào. Nếu như nhà anh Đắc mà có người ở nhà hôm đó chắc chắn sẽ thiệt hại về người rồi”.
Qua tìm hiểu, các hộ dân tại đây hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người cống hiến cả tuổi trẻ nhưng khi về hưu, cuộc sống chẳng khấm khá là bao. Hằng ngày, họ vẫn phải vật lộn với “cơm áo gạo tiền”, dù biết nguy hiểm khi sống ở đây nhưng việc di chuyển sang nơi ở khác là điều không tưởng. Bà Trần Thị Miền, Tổ phó Tổ dân số 30, Khu tập thể H36 chia sẻ: “Các chế độ cho người thu nhập thấp cũng hạn chế. Họ chủ yếu là công nhân viên của Công ty Xây lắp Hóa chất đã nghỉ chế độ. Nhiều người 60-70 tuổi vẫn phải mưu sinh nên việc tự di dời là điều vô cùng khó khăn. Lại còn có hàng trăm trẻ nhỏ đang ở tuổi đến trường”.
Trần của khu tập thể H36 ẩm mốc, bong tróc.
Bà Miền cho biết thêm: “Mấy chục năm trôi qua, nhà thì không rộng ra mà dân số cứ thế tăng lên. Có gia đình gồm nhiều thế hệ với cả chục nhân khẩu sống trong một căn hộ chỉ 20m2. Để cho “dễ thở”, nhiều hộ đã phải cơi nới thêm bằng cách lợp tôn, chèn tôn. Chính vì vậy càng làm cho khu này thêm xập xệ, ổ chuột hơn”.
Bà Miền đưa chúng tôi đến gia đình bà Nguyễn Thị Nhâm, cựu thanh niên xung phong đơn thân và bà Tạ Thị Hưng. Căn phòng nhỏ bốc lên mùi ẩm thấp khó chịu. Mang tiếng là người sống gần trung tâm Thủ đô nhưng trong nhà chẳng có gì giá trị ngoài chiếc tivi cũ. Bà Hưng và bà Nhâm phải ở ghép trong một căn phòng rộng chừng 18m2. Mọi sinh hoạt như đun nấu, ăn ngủ đều xoay quanh căn phòng này.
Video đang HOT
Bà Hưng cho hay: “Vệ sinh, tắm giặt bọn tôi phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Nhà cửa gì mà quanh năm dột, mua chậu để dùng thì ít mà mua để hứng nước vào những ngày mưa thì nhiều. Mùa hè thì nóng như rang người vậy”. Bà Nhâm rưng rưng tiếp lời: “Đúng là chúng tôi khổ cả đời! Cũng chẳng biết khi nào người dân trong khu mới thoát khỏi cảnh khổ này”.
Mong mỏi từng ngày
Qua tìm hiểu của phóng viên, dự án “Khu nhà ở tái định cư và kinh doanh” đã có từ năm 2004 với mục đích xây dựng lại khu tập thể đã xuống cấp. Thế nhưng, đã hơn 10 năm trôi qua, dự án vẫn nằm im trên giấy. Nguyên nhân của sự ngừng trệ này là do chưa thỏa thuận được với dân về phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư. Sau nhiều cuộc họp bàn, thảo luận, người dân và chủ đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp H36) cũng đã thống nhất được phương án sắp xếp chỗ ở, tạm thời đã thống nhất được 100%.
Những tưởng cuộc sống của bà con sẽ thay đổi thì cơ quan chức năng bất ngờ nhận được đơn thư khiếu nại của bà Vũ Thị Kim Dung (người dân của khu tập thể H36) về việc sắp xếp lại chỗ ở cho các hộ dân trong khu tập thể, mặc dù trước đó, gia đình bà này đã đồng thuận và ký vào biên bản họp tổ dân phố. Chính vì lá đơn này mà chính quyền địa phương cho người xuống kiểm tra hiện trường, lập biên bản, quyết định đình chỉ, cưỡng chế với lý do có đơn thư khiếu nại và nhiều nhà xây dựng không có giấy phép.
Khu tập thể xuống cấp chẳng khác nào một khu ổ chuột.
Theo quan sát của phóng viên, khu tập thể này vẫn như một công trường ngổn ngang vật liệu. Mới chỉ có 11 căn nhà được sắp xếp, một số bị dỡ, số còn lại là móng nhà đang làm dở dang thì bị đình chỉ. Phía dãy nhà 2 tầng cũ nát, tường lở, trơ gạch, sắt gỉ, cầu thang sập xệ, hệ thống điện nhằng nhịt… Anh Đức Thắng tha thiết đề nghị: “Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ dân được sắp xếp lại nhà ở theo phương án chủ đầu tư đã phê duyệt. Mong mỏi cơ quan chức năng có phương án tối ưu để tháo gỡ khó khăn, cho phép các hộ dân tiếp tục sắp xếp chỗ ở, sớm ổn định cuộc sống. Mùa mưa đang đến, chúng tôi lúc nào cũng phải nơm nớp sống trong lo sợ”.
Ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La cho biết, từ nhiều năm trở lại đây, khu tập thể H36 luôn có tên trong danh sách những công trình nguy hiểm, cần phải di dời trong mùa mưa bão và chính quyền địa phương rất thông cảm với điều kiện sống quá khó khăn của các hộ dân. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận đơn khiếu nại của người dân và qua công tác kiểm tra, thanh tra xây dựng trên địa bàn, phường đã phát hiện tại khu tập thể H36 có hàng loạt công trình xây dựng kiên cố nhưng không có giấy phép xây dựng, và buộc phải lập biên bản đình chỉ thi công, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép. Các hộ dân đã xin phép cho những căn nhà đã xây dựng được tồn tại để bảo đảm cuộc sống, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm túc việc ngừng thi công xây dựng, thống nhất với chủ đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng phê duyệt theo đúng quy định pháp luật…
Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ: Dự án này do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, quận chúng tôi chỉ phối hợp. Chính vì vậy vụ việc tại khu H36 phải đợi khi có quyết định mới nhất từ Sở và UBND thành phố Hà Nội.
Theo Phong Anh
Cảnh sát toàn cầu
"Sân chơi tái chế" từ lốp xe, dây thừng... "độc" nhất Hà Nội
Nhiều sân chơi tại các khu tập thể trở nên quá tải do diện tích nhỏ mà lại phải phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Hơn nữa, những đồ chơi như xích đu, cầu trượt, bập bênh... ít có ở những khu vui chơi miễn phí.
Khi đô thị ngày càng phát triển thì những sân chơi cho trẻ em cũng bị thu hẹp dần. Nhiều sân chơi tại các khu tập thể trở nên quá tải do diện tích nhỏ mà lại phải phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Hơn nữa, những đồ chơi như xích đu, cầu trượt, bập bênh... ít có ở những khu vui chơi miễn phí.
Nhóm Think Playgrounds, hay được gọi với cái tên "Nghĩ về sân chơi trong thành phố" gồm thành viên là các tình nguyện viên, cùng 7 kiến trúc sư đã cùng nhau xây dựng những sân chơi miễn phí, để trẻ em có được không gian vui chơi đúng nghĩa. Điểm đặc biệt của những sân chơi này là thiết bị, đồ chơi cho trẻ em hầu hết được làm bằng đồ tái chế như lốp xe, dây thừng, gỗ pallet có giá rẻ... Những vật liệu này được tình nguyện viên sơn các màu sắc khác nhau, tạo thành những đồ chơi độc đáo thu hút trẻ em.
Một sân chơi tại khu tập thể D2B Phương Mai được trang bị nhiều đồ chơi làm từ vật liệu tái chế. Do diện tích nhỏ, nên mặt tường được vẽ những hình ảnh ngộ nghĩnh để tạo cảm giác thích thú cho trẻ.
Với tinh thần "Làm sân chơi không khó, đồ đạc có sẵn xung quanh ta", nhóm Dự án "Nghĩ về sân chơi trong thành phố" đã xây dựng sân chơi đầu tiên tại khu vực bãi giữa sông Hồng vào tháng 5 năm 2014, và đến nay vẫn hoạt động khá tốt. Địa điểm để xây dựng sân chơi cũng cần được lựa chọn kỹ lưỡng, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds cho biết: "Công việc chọn địa điểm phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế sau khi nhóm khảo sát, sau đó làm việc với khu dân cư để đưa ra phương án sân chơi thích hợp nhất".
Nhóm đã tổ chức hai sự kiện cho trẻ em là Play Day và Play Street. Trong đó, điểm nhấn là dự án thử nghiệm mô hình sân chơi di động tại phố Đào Duy Từ. Dự án là sự phối hợp ba bên giữa Think Playgrounds, tổ chức HealthBridge của Canada và Ban quản lý Phố Cổ Hà Nội. Chị Chu Kim Đức, đồng sáng lập Think Playgrounds chia sẻ: "Nhóm chọn phố Đào Duy Từ để trẻ em quanh khu vực phố cổ đến chơi, vì đây là nơi kinh doanh sầm uất, nhưng hầu như không có dịch vụ miễn phí nào cho trẻ em".
Từ giữa năm 2014 đến nay, nhóm đã xây dựng khoảng 8 sân chơi trong các khu dân cư như Tuệ Viên (phường Cự Khối, Long Biên), khu D2B Phương Mai, khu tập thể Trung Tự (Đống Đa), khu tập thể Bộ Thủy sản (phố Nguyễn Công Hoan)... Nhóm còn kêu gọi các tổ chức hỗ trợ trồng thêm cây để tạo bóng mát cho các em.
Một số hình ảnh độc đáo của những sân chơi làm bằng vật liệu tái chế Thethaovanhoa.vn ghi lại:
Đồ chơi tái chế với màu sắc bắt mắt thu hút trẻ em ở mọi độ tuổi, giúp các em vui chơi một cách thoải mái.
Những đồ chơi mô phỏng đồ vật ngoài đời thật như chiếc ô tô này cũng khá thu hút trẻ em.
"Sân chơi tái chế" nào cũng có những tấm nhún hình tròn để trẻ em rèn luyện thể chất.
Vật dụng đơn giản như chiếc dây thừng cũng được sáng tạo thành trò chơi thú vị.
Hầu hết những đồ chơi trong sân được chế tạo theo hướng khuyến khích sự vận động của trẻ em, giúp trẻ vận động rèn luyện sức khỏe.
Cầu thăng bằng là trò chơi thu hút nhiều trẻ em bởi nó có "độ khó", khiến trẻ muốn "chinh phục thử thách".
Từ những sợi dây thừng và những thanh gỗ rực rỡ màu sắc có thể tạo ra một ngôi nhà trên cây độc đáo với chiếc cầu trượt, cũng thu hút khá nhiều trẻ em tại khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa.
Trò chơi leo núi dành cho những đứa trẻ ưa thích mạo hiểm.
Sân chơi tại khu tập thể Bộ Thủy sản có diện tích nhỏ, nhưng cũng được trang bị những trò chơi độc đáo để những đứa trẻ không cảm thấy nhàm chán.
Những thanh gỗ và những lốp xe cũ được ghép nối, cách điệu thành chiếc tàu thủy màu sắc.
Những ống nhựa cũng được cách điệu thành chiếc ống nhòm cho các "thủy thủ nhí".
Chiếc dây thừng được buộc chắc chắn cũng được trẻ em sáng tạo ra những cách chơi khác nhau.
Những sợi dây thừng và ống tre được lắp ghép thành xích đu, trò chơi phổ biến ở nhiều sân chơi.
Các sân chơi tái chế đều có những chiếc bập bênh được làm từ lốp xe và gỗ.
Bên cạnh những trò chơi, những bức tường màu sắc khiến không gian của trẻ em trở nên thú vị hơn.
Bạn đọc muốn tham gia tình nguyện cùng nhóm Think Playgrounds có thể liên hệ theo địa chỉ www.facebook.com/thinkplaygrounds hoặc qua emailsanchoivietnam2014@gmail.com
Đình Dũng
Theo_Thể thao văn hóa
TP. Hà Nội chỉ đạo 8 tháng, 88 gia đình vẫn sống cảnh "trắng" sổ đỏ Tháng 11/2014, UBND TP. Hà Nội ký văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, làm thủ tục cấp sổ đỏ cho 88 hộ dân phường Trung Hòa theo quy định. Sau 8 tháng chờ đợi, quyền lợi của người dân chưa được giải quyết do Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ không chuyển đầy đủ hồ sơ. Như thông tin...