Hàng trăm nghìn người Israel xuống đường biểu tình phản đối cải cách tư pháp
Ước tính có khoảng 630.000 người Israel xuống đường biểu tình phản đối đề xuất cải cách tư pháp của chính phủ.
Theo kênh truyền hình RT, ngày 25/3, hàng trăm nghìn người Israel đã xuống đường trên khắp đất nước để phản đối đề xuất gây tranh cãi của chính phủ nhằm đại tu hệ thống tư pháp.
Trước đó một ngày, những người tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ở các thành phố lớn bao gồm Jerusalem, Haifa, Beersheba và Tel Aviv đã công bố “Tuần lễ tê liệt” để phản đối cái mà họ gọi là “nỗ lực biến Israel thành một chế độ độc tài”.
Theo số liệu do ban tổ chức cung cấp, tổng cộng 630.000 người tham dự các cuộc biểu tình tại hơn 150 địa điểm khắp cả nước. Chỉ riêng tại Tel Aviv – thành phố chính diễn ra biểu tình, khoảng 200.000 người đã tụ tập.
Video đang HOT
Tại một số tuyến đường chính như đường cao tốc Ayalon ở Tel Aviv, cảnh sát buộc phải sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông, cũng như bắt giữ 28 người. Một nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho những người biểu tình tuyên bố tổng cộng 44 nhà hoạt động đã bị bắt giữ.
Những người biểu tình ở Tel Aviv đã chặn một đường cao tốc chính và đốt những đống lửa lớn, trong khi cảnh sát xô xát với những người biểu tình tụ tập bên ngoài nhà riêng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở Jerusalem.
Giữa làn sóng biểu tình rầm rộ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo đề xuất cải cách tư pháp ngày càng gây chia rẽ.
“Sự chia rẽ ngày càng sâu rộng đang diễn ra ngay trong quân đội và các tổ chức quốc phòng. Đây là một mối nguy hiểm rõ ràng, trước mắt đối với an ninh của Israel”, Bộ trưởng Yoav Gallant nhấn mạnh, đồng thời thúc giục chính phủ tổ chức đàm phán với phe đối lập và kêu gọi dừng kế hoạch cải cách tư pháp.
“Tôi bây giờ phát biểu ý kiến của riêng mình một cách công khai: chúng ta phải ngừng tiến trình xây dựng luật và để người dân Israel mừng lễ Vượt qua và lễ độc lập, cũng như tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh và nạn nhân diệt chủng Do Thái. Đây là các ngày lễ linh thiêng. Các cuộc biểu tình phản đối cũng cần phải chấm dứt”, Bộ trưởng Gallant nêu rõ.
Ông Gallant – thành viên cấp cao trong đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu – là quan chức cấp cao nhất trong Chính phủ Israel công khai kêu gọi ngừng kế hoạch cải cách tư pháp đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. Ngày 26/3, Thủ tướng Netanyahu đã sa thải vị quan chức này.
Trong nhiều tháng qua, Israel liên tục chứng kiến các làn sóng biểu tình phản đối các kế hoạch của nội các Thủ tướng Netanyahu nhằm hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao trong việc ra phán quyết chống lại các cơ quan lập pháp và hành pháp của chính phủ, đồng thời trao cho liên minh cầm quyền chiếm thế đa số trong ủy ban bổ nhiệm các thẩm phán.
Tuy nhiên, ngày 20/3, liên minh cánh hữu do Netanyahu lãnh đạo đã rút lại đề xuất cải cách, giảm số lượng đại diện chính phủ trong ủy ban tư pháp. Động thái này đã được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Netanyahu với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Biden đã đề nghị hỗ trợ cho những nỗ lực đang được tiến hành nhằm tạo ra một thỏa hiệp về các cải cách tư pháp được đề xuất phù hợp với các giá trị cốt lõi của một xã hội dân chủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel kêu gọi ngừng cải cách tư pháp
Tối 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant - một thành viên cấp cao thuộc đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã kêu gọi dừng kế hoạch cải cách tư pháp đang gây nhiều tranh cãi, đồng thời hối thúc người dân chấm dứt làn sóng biểu tình quy mô lớn phản đối chính phủ, cũng như tình trạng lực lượng dự bị quân sự từ chối tham gia huấn luyện.
Người dân tham gia biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp, tại Tel Aviv, Israel, ngày 20/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Israel, Bộ trưởng Gallant là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu công khai kêu gọi ngừng kế hoạch cải cách tư pháp đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài Israel thời gian gần đây. Phát biểu của ông Gallant được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm nghìn người đã lại xuống đường biểu tình tại 150 địa điểm trên toàn quốc vào tối thứ Bảy tuần thứ 12 liên tiếp. Cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất là tại thành phố Tel Aviv, với ước tính hơn 195.000 người tham gia.
Phát biểu của Bộ trưởng Gallant nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ Yuli Edelstein và David Bitan của đảng Likud. Lãnh đạo phe đối lập, cựu Thủ tướng Yair Lapid đã hoan nghênh bài phát biểu "dũng cảm" của ông Gallant là một bước đi quan trọng vì an ninh của Israel. Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Quốc gia - chính trị gia cực hữu Itamar Ben Gvir kêu gọi bãi nhiệm ông Gallant.
Bộ trưởng Gallant ban đầu có định phát biểu về vấn đề trên cách đây 2 ngày, nhưng được Thủ tướng Netanyahu thuyết phục hoãn lại. Tối 23/3, Thủ tướng Netanyahu đã có bài phát biểu được phát sóng toàn quốc, trong đó ông Netanyahu nhấn mạnh sẽ tham gia đầy đủ vào tiến trình cải cách tư pháp để bảo đảm sự cân bằng, khẳng định các dự luật sẽ tiếp tục được thông qua bất chấp làn sóng biểu tình hiện nay và cảnh báo từ các chuyên gia rằng cải cách có thể gây hại tới nền kinh tế và quan hệ ngoại giao của Israel.
Hiện chưa rõ các nghị sĩ của đảng Likud có theo chân ông Gallant kêu gọi ngừng kế hoạch cải cách hay không. Liên minh cầm quyền do Thủ tướng Netanyahu dẫn đầu hiện giữ 64 ghế trong Quốc hội có tổng số 120 nghị sĩ. Điều này có nghĩa là sẽ cần thêm ít nhất 3 nghị sĩ khác ngoài ông Gallant để ngăn chặn các dự luật được thông qua trong thời gian tới. Đến nay đã có một số nhân vật có ảnh hưởng khác của đảng Likud thể hiện ủng hộ việc tạm ngừng cải cách, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế Nir Barkat, nghị sĩ Yuli Edelstein và Danny Danon.
Israel nới lỏng kế hoạch cải cách tư pháp Ngày 20/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo sẽ nới lỏng kế hoạch cải cách tư pháp do liên minh cầm đề xuất. Quyết định được đưa ra sau hơn 2 tháng diễn ra các cuộc biểu tình chưa từng có trên toàn quốc nhằm kêu gọi chính phủ cân nhắc lại kế hoạch. Quang cảnh một phiên họp Quốc hội Israel...