Hàng trăm nghìn bức ảnh gia đình ghép nên bản đồ Việt Nam
Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2014), hàng nghìn công nhân Công ty CP May Sông Hồng (TP Nam Định) đã mở đầu cho chương trình ký tên và dán các bức ảnh gia đình lên tấm Bản đồ Kỷ lục Việt Nam bằng ảnh lần đầu tiên tại nước ta.
Chiều 23/6, mặc dù mưa to nhưng hàng nghìn công nhân tại Công ty CP may Sông Hồng vẫn “đội mưa” hào hứng dán những bức ảnh của gia đình lên tấm bản đồ Kỷ lục Việt Nam.
Chương trình thể hiện rõ thông điệp, mọi gia đình người Việt đều sẵn sàng hướng tới biển đảo quê hương, cùng các chiến sĩ nơi đảo xa đang thực hiện gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc đối với cùng biển thuộc chủ quyền nước ta.
Ra mắt tấm Bản đồ được gắn nhiều bức ảnh về gia đình nhất Việt Nam.
Chị Nguyễn Huyền Trang – công nhân xưởng 1 – cho biết: “Mỗi tấm ảnh của chúng tôi sẽ là một mảnh ghép nhỏ trong số hàng trăm nghìn bức từ mọi miền đất nước, góp phần hoàn thiện tấm bản đồ Việt Nam, khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây sẽ là sự động viên về tinh thần giúp cho các chiến sĩ đang công tác nơi đầu sóng ngọn gió có thêm động lực, vững chắc tay súng, giữ gìn chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của dân tộc”.
Tấm bản đồ kỷ lục Việt Nam ghép bằng nhiều ảnh gia đình nhất được in bằng bạt hiflex có kích thước 10×8m, hàng nghìn người tham gia sẽ tự dán ảnh của gia đình mình và ký tên lên bản đồ, tạo thành một bức tranh các gia đình Việt Nam êm ấm và đoàn kết.
Tấm bản đồ gắn ảnh gia đình người Việt cỡ lớn đang trong quá trình hoàn thiện.
Hàng ngàn công nhân Công ty CP May Sông Hồng tham dự buổi gắn hình ảnh gia đình mình lên tấm bản đồ xác lập kỷ lục Việt Nam.
Dự kiến khi hoàn thành, bản đồ sẽ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố và trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục trong lễ khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam diễn ra vào ngày 26/6 tại Triển lãm Vân Hồ – Hà Nội. Tuy nhiên theo thông báo của đơn vị thực hiện, từ nay đến hết ngày 28/6, các đối tượng khác như học sinh, sinh viên, các gia đình… vẫn sẽ tiếp tục dán ảnh và ký tên lên tấm bản đồ. Sau đó, tấm bản đồ sẽ được gửi tặng và trưng bày tại đảo Trường Sa lớn.
Đây là một hoạt động lớn nằm trong chương trình Ngày hội Bốn mùa yêu thương và là một trong chuỗi các hoạt động tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam 2014 dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch.
Sắp tới cũng sẽ có những hoạt động đặc sắc chào mừng ngày gia đình như Triển lãm ảnh với chủ đề “Bốn mùa yêu thương” trưng bày hơn 100 bức ảnh đẹp, ý nghĩa.
Video đang HOT
Sau khi hoàn thành, tấm bản đồ sẽ được gửi tặng trưng bày ở đảo Trường Sa lớn.
Theo đó, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc yêu thương của gia đình qua các mùa: Hè sôi động, Thu dịu êm, Xuân ngọt ngào, Đông ấm áp, Mái ấm gia đình, Mùa chung đôi, Gia đình với biển đảo Tổ quốc… được lựa chọn từ hàng trăm ngàn bức ảnh gửi từ mọi miền Tổ quốc. Các gia đình tham gia ngày hội còn sẽ được tham gia các trò chơi dân gian, các trò chơi sáng tạo.
Cùng đó, chương trình Bốn mùa Yêu thương sẽ vận động các cá nhân, tổ chức cùng chung tay, góp sức quyên góp ủng hộ, gửi yêu thương tới cán bộ, chiến sĩ, ngư dân vùng biển đảo.
Ông Cao Thế Anh – Trưởng BTC chương trình Bốn Mùa Yêu Thương cho biết: “Gia đình là một tế bào của xã hội, chúng tôi với cương vị là BTC đánh giá rất cao vai trò của gia đình. Trong dịp cả nước đang hướng về Biển Đông, tất cả mọi gia đình người Việt Nam đều mong muốn góp công sức của mình bảo vệ tổ quốc”.
Ông Cao Thế Anh khẳng định: “Được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, BTC chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi cho tất cả mọi người Việt Nam. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn lưu giữ tất cả những hình ảnh các gia đình để thế hệ sau biết rằng non sông chúng ta là một, chủ quyền của chúng ta sẽ không có gì thay đổi. Tấm bản đồ sẽ là một dấu mốc về kỷ lục nhiều bức ảnh nhất từ trước đến nay góp phần khẳng định rõ thông điệp về sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới”.
Quốc Cường – Xuân Thái
Theo Dantri
Thăm bảo tàng cổ vật tư nhân đắt giá của đại gia Việt
Bảo tàng cổ vật Hoàng Long được công nhận là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, đang lưu giữ và trưng bày hàng nghìn cổ vật quý hiếm, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.
Bảo tàng cổ vật Hoàng Long được thành lập vào tháng 9/2011, do ông Hoàng Văn Thông (54 tuổi) phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa làm chủ. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được ra đời minh chứng cho chủ trương xã hội hóa trong hoạt động văn hóa thông tin nói chung và bảo tàng nói riêng tại Việt Nam. Hoạt động của bảo tàng không dừng trong phạm vi quản lý nhà nước mà còn có nhân dân cùng tham gia giữ gìn để góp phần hạn chế vấn nạn "chảy máu cổ vật" ở nước ta.
Bảo tàng cổ vật Hoàng Long với gian chính giữa trưng bày những chiếc trống đồng Đông Sơn, xung quan có các tủ kính, kệ trưng bày hơn 6.000 cổ vật khác.
Bảo tàng cổ vật Hoàng Long nằm trên địa bàn phố Đội Cung, thành phố Thanh Hóa. Kể từ khi thành lập, những năm gần đây bảo tàng cổ vật này đã gây được tiếng vang lớn cũng như sự chú ý, quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Thanh Hóa tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử nghìn năm Văn hiến của Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là nền văn hóa lúa nước Đông Sơn.
Đến thăm quan bảo tàng cổ vật Hoàng Long, điều trước tiên hiện ra trước mắt mỗi du khách là hàng nghìn cổ vật có giá trị cách đây khoảng 2000 - 2500 năm tuổi, được để ngay ngắn trên thảm nhung đỏ trong các tủ kính ở một gian phòng khá rộng rãi. Chủ nhân của bảo tàng sau nhiều năm sưu tầm đã lưu giữ được hơn 16.000 cổ vật. Trong đó nhiều nhất là những cổ vật liên quan đến văn hóa Đông Sơn.
Các cổ vật sau khi được chủ nhân của bảo tàng sưu tầm rồi đưa về đây cất giữ trưng bày trong các tủ kính để giới thiệu đến các du khách.
Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam "Xác lập kỷ lục - Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, bảo tàng cổ vật tư nhân ở Việt Nam" vào năm 2009.
Tại nhà trưng bày chính của bảo tàng hiện đang trưng bày hơn 6.000 hiện vật, trong đó có 830 cổ vật đã được giám định, công bố niên đại, đa số từ thời văn hóa Đông Sơn đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Nằm ở vị trí trung tâm là những chiếc trống đồng Đông Sơn, sau đó là những chiếc rìu đá, kiếm đồng, lưỡi cày, cuốc, đồ gốm sứ...với họa tiết, hoa văn sinh động, thể hiện truyền thống văn hóa của từng thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Bên cạnh đó, những hiện vật trong bảo tàng được trưng bày theo bộ sưu tập và chất liệu, tiêu biểu như: bộ sưu tập rìu đá cách đây hàng nghìn năm, bộ sưu tập trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 năm, bộ sưu tập gương đồng Hán thế kỷ I đến thế ký III, bộ sưu tập bát gốm thời Lý - Trần, bộ sưu tập bình tỳ bà gốm Chu Đậu thế kỷ XV, bộ sưu tập hiện vật gốm, sứ Trung Hoa thế kỷ XI đến thế kỷ XIII...
Các bộ sưu tập nói trên là những hiện vật độc đáo và có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, đang được trưng bày khoa học và ấn tượng tạo nên sự hài hòa và tinh tế trong từng cổ vật làm cho du khách hài lòng khi đến tham quan và chiêm ngưỡng.
Hàng chục chiếc trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại bảo tàng.
Ông Hoàng Văn Thông- chủ nhân của bảo tàng cổ vật Hoàng Long cho biết, bảo tàng này được ông thành lập nên không phải vì mục đích kinh doanh mà do niềm đam mê và ý thức cao trong việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Tất cả những cổ vật hiện có trong bảo tàng là do trong quá trình làm xây dựng nay đây mai đó, nhiều hiện vật được ông bắt gặp lẫn trong đất đá ở các công trường. Sau đó, ông đã thu gom và cất giữ, thậm chí bỏ tiền ra để mua. Những cổ vật này đến với ông như là một mối lương duyên...
Đến nay, số lượng cổ vật sưu tầm được là hơn 16.000 và không ngừng tăng lên gồm các hiện vật bằng đá, đồng, gốm, gỗ, giấy... có họa tiết, hoa văn sinh động. Mỗi cổ vật dù nhỏ nhưng đều mang trong mình câu chuyện lịch sử có giá trị, thu hút nhiều người đến tham quan. Tuy nhiên, hiện bảo tàng đang phải đối mặt với khó khăn về không gian trưng bày. Do diện tích khu nhà trưng bày hiện tại còn nhỏ nên chủ nhân của bảo tàng đã không thể trưng bày hết được số lượng cổ vật vốn có.
Các loại đồ gốm cổ có niên đại trên 2.000 năm được tìm thấy và lưu giữ trong bảo tàng cổ vật.
Một số loại kiếm đồng trải qua nhiều năm tháng đã bị ôxy hóa ăn mòn nhưng vẫn còn nguyên hình dáng.
Các loại cổ vật được cất giữ trong tủ kính một cách cẩn thận và ngăn nắp.
Được biết, hiện nay ông Thông đang cho tiến hành xây dựng một khu bảo tàng mới, đây là khu bảo tàng tổng hợp có không gian rộng mà nhà trưng bày lớn hơn với mục đích có thể trưng bày hết số cổ vật nói trên nhằm giới thiệu đến du khách, các nhà nghiên cứu khoa học mỗi khi muốn tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa có liên quan.
Có thể nói bảo tàng cổ vật Hoàng Long không chỉ là nơi lưu giữ những tài sản vô giá, mà còn lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa tinh hoa của dân tộc Việt. Có lẽ vì yếu tố đó mà bảo tàng đã và đang là địa chỉ hấp dẫn cho những du khách đến với Thanh Hóa để chiêm ngưỡng, thăm quan và học tập.
Được biết, bảo tàng cổ vật Hoàng Long đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2009. Bên cạnh đó, chiếc trống đồng được đúc bằng phương pháp thủ công lớn nhất Việt Nam được lưu giữ tại đây cũng đã được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận.
Một số hình ảnh về những cổ vật được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Những chiếc trống đồng biểu mẫu được tìm thấy ở Thanh Hóa.
Các loại trang sức được làm bằng kim loại quý hiểm, sừng động vật... là châu báu ngọc ngà được các nữ quan sử dụng thời xưa.
Bát, đĩa, bình, vò... gốm tráng men từ các đời Lý, Trần, Nguyễn trưng bày trong bảo tàng.
Chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Mỗi ngày bảo tàng có đến hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu về những nét lịch sử và văn hóa Việt Nam qua các cổ vật được lưu giữ tại đây.
Thái Bá
Theo Dantri
Làng lụa Vạn Phúc nhận kỷ lục Việt Nam Ngôi làng có tuổi nghề 1.000 năm này đã được công nhận là 'Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay'. Tối 13/3, lễ đón nhận quyết định công nhận kỷ lục Việt Nam "Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay" đã diễn ra...