Hàng trăm khối bê tông chiếm hành lang bảo vệ cầu Cần Thơ
Hàng trăm khối bê tông, máy móc, cần cẩu, thiết bị… được tập kết, chiếm dụng hành lang bảo vệ kết cấu công trình trọng điểm Quốc gia cầu Cần Thơ.
Hàng trăm khối bê tông dài của Công ty 620 Châu Thới tập kết bên trong hành lang bảo vệ kết cấu cầu Cần Thơ – Ảnh: CHÍ HẠNH
Ngày 27-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Thành – Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV – cho biết sẽ ghi nhận phản ánh của người dân và sẽ cử thanh tra cùng các đơn vị liên quan kiểm tra bãi tập kết bê tông chiếm hành lang bảo vệ kết cấu cầu Cần Thơ. “Quy định hành lang bảo vệ công trình lớn như cầu Cần Thơ là tính từ vị trí cầu ra hai bên 150m” – ông Thành khẳng định.
Hành lang bảo vệ cầu Cần Thơ là bãi đất dài, có chiều ngang đúng quy định là 150m – Ảnh: CHÍ HẠNH
Phản ánh với Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết khoảng ít tháng nay Công ty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới (trụ sở tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) bất ngờ chiếm dụng khu đất (phía hạ lưu) là hành lang bảo vệ cầu Cần Thơ để tập kết thiết bị, cần cẩu, dầm cầu và tập kết phương tiện thủy để vận chuyển kết cấu bê tông.
“Khuôn viên hoạt động của Công ty 620 năm cách cầu Cần Thơ khoảng 2km. Tuy nhiên, gần đây công ty này đã chiếm dụng hành lang bảo vệ cầu, thậm chí là tập kết thiết bị, bê tông sát với trụ tháp chính dây văng của cầu Cần Thơ. Quy mô tập kết, lấn chiếm ngày càng gia tăng” – ông N.T.T. phản ánh.
Bến cảng sát trụ tháp chính cầu Cần Thơ được tập kết thiết bị cơ giới hạng nặng, không có bảng neo đậu hoạt động tàu thuyền – Ảnh: CHÍ HẠNH
Video đang HOT
Theo ghi nhận tại hiện trường, bãi tập kcó hàng trăm khối bê tông lớn, kiểu giống dầm cầu có trọng lượng hàng trăm tấn. Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều thiết bị cơ giới, cần cẩu hạng nặng, có công nhân làm việc và bảo vệ canh gác ngày đêm.
Cầu Cần Thơ, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ, là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất nhì khu vực Đông Nam Á (chiều dài nhịp chính là 550m), được xây dựng bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư.
Công nhân làm việc, chốt bảo vệ canh gác ngày đêm – Ảnh: CHÍ HẠNH
Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km, bao gồm phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 5,41km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km; phần đường dẫn vào cầu phía Cần Thơ dài 7,69km.
Quy mô mặt cắt ngang cầu có chiều rộng 23,1m (bao gồm: bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề rộng 2,75m). Độ tĩnh không thông thuyền cao là 39m (với chiều rộng tĩnh không thông thuyền ngang tương ứng là 200m) đảm bảo cho tàu có trọng tải 10.000DWT lưu thông qua lại.
Trụ sở và công xưởng Công ty 620 Châu Thới nằm cách cầu Cần Thơ gần 2km. Theo ghi nhận, hiện vị trí này đang xây dựng kè lấn ra sông Hậu khoảng gần 10m- Ảnh: CHÍ HẠNH
Hiện cây cầu này đã được gắn thiết bị, vận hành hệ thống quan trắc Brimos của NTT DATA để kiểm soát phương tiện giao thông qua lại, xác định ngay lập tức các dấu hiệu bất thường sau thiên tai, giúp giảm tối đa thiệt hại kinh tế và nâng cao hiệu quả quản lý, duy tu, bảo dưỡng cầu trong thời gian dài. Cây cầu cũng được các kỹ sư cầu đường thường xuyên theo dõi định kỳ.
Nghĩa tình miền Tây: Chạnh thương hình bóng con phà trên sóng nước Cần Thơ
Một dịp tình cờ, trên đường đi công tác từ Cần Giuộc sang Châu Thành, nhờ đi con đường tắt mà dân địa phương chỉ, tôi được bước chân lên phà Bà Nhờ, con phà nhỏ chỉ nhỉnh hơn con đò to một chút, nối hai bên bờ của một nhánh nhỏ sông Vàm Cỏ.
Thật thú vị, ở một nơi xa xôi như thế này lại được trải nghiệm lại cảm giác với con phà mà đã lâu lắm rồi không còn, từ khi các chuyến phà miền Tây lần lượt chấm dứt hải trình vì đã có những cây cầu nối nhịp bờ vui thay thế chúng.
Phà Cần Thơ (cũ). Ảnh GIA KHIÊM
Lênh đênh trên sóng nước Long An, tôi lại miên man nghĩ đến những chuyến phà sang ngang dòng Hậu giang năm nào, nhớ đến một thời sôi động của bến bắc (phà) Cần Thơ trước đây, địa điểm mà ai đã một lần xuống miền Tây thì không thể nào quên. Những chuyến phà năm ấy to lớn hơn, đông đúc hơn, dòng sông rộng lớn hơn, khung cảnh cũng hùng vĩ hơn, lại thêm phần tấp nập của người mua kẻ bán. Những con phà đã đi vào lòng người trong bao nhiêu năm tháng và để lại dư âm mãi mãi trong bài hát ngọt ngào về chiếc áo bà ba nơi miền châu thổ sông Cửu Long:
"Đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều
Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu
Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm
Qua bến bắc Cần Thơ..."
Vẫn nhớ, những năm tháng còn chưa có cầu ấy, mỗi lần đi tới đi lui qua phà Cần Thơ, luôn có những hàng quán san sát nhau ven đường ra bến bắc, bán đủ thứ, từ chai nước suối hay ly nước mía, ổ bánh mì, trái cây, cơm nước... và đặc biệt là bày bán rất nhiều nem chua ngọt và bánh phồng sữa thơm lừng. Khung cảnh đông vui, náo nhiệt nhưng vẫn rất ấm áp và gần gũi, một nét rất riêng của những cư dân sống ven bến bắc.
Những lần qua bắc Cần Thơ, ai ngại thì ngại, còn tôi lại rất thích xuống xe, đi bộ để qua phà. Những lúc ấy, tôi tha hồ và thoải mái nhìn ngắm trời mây, sông nước, lại được dịp coi cảnh người mua kẻ bán nhộn nhịp. Giữa dòng người đông đúc đang đợi được qua phà, vẳng lên những lời rao ngọt ngào của các bà, các chị, các mẹ, có khi là của những em nhỏ với giọng ngọng líu ngọng lô:
- Ai mua nem Lai Dung (Vung) không?
- Bánh tráng đây, bánh tráng sữa sầu riêng thơm ngon đây.
- Nem không? Nem chua đặc biệt đây.
- Bánh mì nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đây.
...
Những tiếng rao gắn liền với bao chuyến phà qua sông, để khách thập phương có thể mua được chút quà đặc sản miền Tây cho người thân, họ hàng trong những lần ngược xuôi qua bắc. Lâu dần tạo nên thói quen mua nem, bánh tráng sữa hay bánh mì mỗi khi đi qua về lại. Để rồi mỗi lúc ai có dịp đi xa, đều được con cháu, bạn bè căn dặn thật nhiều lần để khỏi quên: Nhớ ghé phà Cần Thơ mua nem, bánh tráng về ăn nghe, ngon lắm đó.
Tôi vẫn nhớ những lúc đứng tựa mạn phà; một mình đối diện với khoảng không bao la trước mặt trong những phút lênh đênh trên sóng nước; nghe tiếng cười nói buôn bán; thấy những chiếc phà to lớn màu trắng ngược xuôi hai bên bờ, liên tục đưa người, xe qua dòng sông Hậu; cảm giác thật thanh thản và thư thái, mọi lo toan, tất bật như tránh xa. Khi phà cập bến, bước xuống để lên xe tiếp tục cuộc hành trình mà vẫn bâng khuâng, nuối tiếc mãi không nguôi.
Ngày nay, cầu Cần Thơ được xây dựng nối đôi bờ sông Hậu đã giúp xe cộ lưu thông dễ dàng, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây cầu hùng vĩ, nét đỏ uốn lượn trên dòng sông Hậu hiền hòa đã giúp cho giao thông vùng Tây Nam bộ được liên tục và thông thoáng, tiện lợi và nhanh chóng hơn xưa rất nhiều. Nhưng mỗi khi vô tình nghe bài hát Chiếc áo bà ba, tôi vẫn không nguôi nghĩ đến những chiếc phà năm cũ.
Và cứ mỗi khi có dịp qua đây tôi lại nhớ đến chuyến phà cuối cùng của bắc Cần Thơ lúc 14 giờ ngày 24.4.2010. Chuyến phà đặc biệt đó đã có rất nhiều người đi không phải vì cần qua sông mà là vì muốn lưu giữ chút kỷ niệm cuối cùng về một bến bắc huyền thoại...
Dự án nghìn tỷ ở Ninh Bình "đắp chiếu" hơn 10 năm, bỗng dưng cắt gần 8 ha đấu giá đất ở Dự án trường Đại học Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) khởi công xây dựng năm 2011, nhưng đến nay vẫn dang dở, đang bỏ hoang gây lãng phí ngân sách nhà nước... rồi UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định cắt 7,9 ha đất của dự án này để đấu giá thành đất ở. Dự án nghìn tỷ ở Ninh Bình hơn một...