Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì bãi rác ô nhiễm
Hơn chục năm qua, hàng trăm hộ dân sống quanh bãi rác Trung Sơn ( thị xã Sầm Sơn- Thanh Hóa) phải sống chung với ruồi muỗi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Du khách “đổ về” Sầm Sơn càng nhiều thì người dân nơi đây bị tra tấn bởi rác thải càng lớn.
Bãi rác thải khổng lồ của thị xã Sầm Sơn đang khiến hàng trăm hộ dân “sống dở chết dở”
Sống chung với ô nhiễm
Nuôi cá – cá chết, lúa cấy xuống – mất mùa, bơm nước tưới cây – cây lụi dần, ăn cơm phải đóng kín cửa, đêm ngủ phải bịt khẩu trang… Đó là tình cảnh “khốn khổ” mà người dân sống gần bãi rác đã phải gồng mình chịu đựng cả chục năm qua. Nhiều hộ dân không chịu được đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống.
Những năm gần đây, lượng rác thải của toàn thị xã du lịch Sầm Sơn đổ dồn về bãi chứa này quá nhiều khiến bãi rác ngày càng phình ra, quá tải. Rác thải tràn ra cả các ngăn lắng lọc, xuống dọc bờ sông Đơ rồi đổ trực tiếp ra biển Sầm Sơn.
Ông Nguyễn Hữu Hào, người dân phường Bắc Sơn cho biết: “Hơn chục năm nay môi trường ở đây bị “đầu độc” nghiêm trọng. Rác thải của cả thị xã tập trung về bãi chứa rác của phường, qua thời gian thẩm thấu xuống đất, chảy ra sông Đơ, khiến cho cả con sông dài hàng chục cấy số đen ngòm, chẳng ai còn dám lội xuống nữa. Thậm chí, hôm nào trở trời cá lại chết nổi trắng sông”
Nhà ông Hào ngoài ông và vợ bị bệnh về đường hô hấp còn có 4 đứa cháu cũng đều mắc bệnh viêm họng cấp, viêm họng hạt. Riêng ông Hào cứ khi nào trời nồm, mùi nồng nặc bốc lên là ông lại phải nhập viện vì căn bệnh đường hô hấp.
Cách cải tạo bãi rác của cơ quan chức năng Sầm Sơn là dùng đất lấp lên tuy nhiên mùi hôi thối vẫn không ngừng tra tấn người dân
Căn nhà ông Hào ở chỉ cách bãi rác chừng vài ba trăm mét nên chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Toàn bộ căn nhà của ông đều phải lắp cửa kính để đóng kín mỗi khi có gió lùa vào.
Trước đây, gia đình ông được đánh giá là hộ dân dẫn đầu thị xã Sầm Sơn về chăn nuôi. Mỗi năm xuất bán hàng nghìn con lợn, gà, vịt cùng hàng tấn cá. Tuy nhiên từ năm 2000, do có bãi rác, cá thả xuống ao là chết hết, vịt, gà cũng chết sạch.
Ngoài hộ ông Hào, hàng chục hộ dân khác trong vùng cũng lần lượt giã từ nghề chăn nuôi; nhiều diện tích đất hai lúa quanh bãi rác phải bỏ hoang vì lúa cấy xuống không thể sống nổi. Thậm chí, có 3 hộ dân phải bỏ nhà ra đi vì không thể chịu cảnh ô nhiễm môi trường là bà Lệ, thôn Khanh Tiến – phường Trung Sơn; ông Lý, thôn Long Sơn, bà Xuân, thôn Đồng Xuân – phường Bắc Sơn.
“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị phải di dời bãi rác khỏi khu vực này hoặc nếu không thì phải có phương án chuyển chúng tôi đi nơi khác để chúng tôi có cuộc sống bình thường” – ông Hào nói.
Cùng chung tình cảnh với ông Hào là nhà ông Nguyễn Ngọc Ký. Ông Ký cho hay thứ nước mà ông khoan để tưới cây nó ô nhiễm đến mức tưới cho cây mà cây xót đến chết.
Video đang HOT
Nước xả của dự án xử lý nước thải đổ trực tiếp ra sông càng khiến mức độ ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn
“Chúng tôi phải đóng mỗi hộ hơn 5 triệu đồng kéo đường ống nước sạch về sử dụng. Khổ nỗi, do đường ống xa nhà máy nên nhiều hôm mất nước phải xách can đi hơn 1 cây số xin nước về nấu ăn, tắm rửa. Khổ ghê gớm”, ông Ký cho hay.
Trước tình trạng ô nhiễm trên, các hộ dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị hoặc ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tuy nhiên, tình trạng trên vẫn không được cải thiện. “Nói mãi rồi, ý kiến cũng mãi rồi, bao nhiêu năm qua có thay đổi được gì đâu nên chúng tôi giờ chấp nhận sống chung với ruồi muỗi, mùi hôi thối. Ai không chịu được thì bỏ làng mà đi, đó là những gia đình có điều kiện chứ chúng tôi bỏ làng thì biết đi đâu” – bà Lê Thị Được, thôn Khanh Tiến thở dài.
Dân phải chờ đến bao giờ?
Được biết, bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn được xây dựng từ năm 1997, với diện tích hơn 2 ha, khu một chôn lấp rác và hai khu còn lại để lắng lọc nước thải, xử lý ô nhiễm trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, do dân số gia tăng và lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn ngày một đông nên bãi rác thải đã và đang quá tải.
Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn với tổng giá trị đầu tư ban đầu 26,3 tỷ đồng. Dự án này sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực xung quanh. Theo yêu cầu, bãi rác thải phải hoàn thành trước 30/4 để phục vụ mùa du lịch hè năm 2015.
Nước xả tại dự án xử lý nước thải thị xã Sầm Sơn
Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, không những việc ô nhiễm không giảm đi mà ngược lại, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục và có chiều hướng tăng lên.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng BQL dự án xây dựng công trình thị xã Sầm Sơn thừa nhận dân phản ánh là đúng. Thế nhưng khi được hỏi hiện có bao nhiêu hộ dân ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác này thì ông Quang không nắm được.
Việc người dân phản ánh một số hộ bỏ đi hay nhiều diện tích đất lúa bỏ không vì ô nhiễm thì ông cho rằng không đúng. “Đó chỉ là một hai nhà ở tạm (?!)”. Lúa ở đấy không ảnh hưởng gì. Họ vẫn trồng bình thường. Dân bỏ ruộng do năng suất thấp chứ không phải do ô nhiễm môi trường. Anh nghĩ thế vì anh không đi khảo sát!”.
Cũng theo vị lãnh đạo này thì hướng xử lý chỉ là cách người dân phải chờ bãi chứa rác xã Đông Nam, huyện Đông Sơn hoàn thành thì sẽ đóng cửa bãi rác Trung Sơn. Tuy nhiên, dự kiến khi nào bãi rác xã Đông Nam hoàn thành thì vị này cũng chịu vì “chắc phải 3-4 năm hay ít hơn. Cái này còn phụ thuộc về vốn”.
Theo Quy chuẩn của Bộ Xây dựng quy định về khoảng cách an toàn về môi trường giữa tường rào khu chôn lấp chất thải rắn thông thường đến khu dân cư nêu rõ: Khoảng cách an toàn vệ sinh nhỏ nhất giữa hàng rào bãi chôn lấp chất thải rắn đến chân công trình dân dụng khác lớn hơn 1000m. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, bãi rác phường Trung Sơn chỉ cách nhà dân chừng 200 – 300 mét.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Bài 4: Thanh tra Chính phủ chỉ đạo "giải cứu" cụm dân cư ngập trong ô nhiễm, xú uế
Trước giờ UBND quận Ba Đình họp liên ngành lên phương án "giải cứu" 12 hộ dân số nhà 146 Quán Thánh sống cảnh ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch quận Ba Đình xem xét, giải quyết quyền lợi hợp pháp của công dân.
Như thông tin báo Dân trí đã đưa trong nhiều bài viết, đại diện các hộ dân đang sinh sống tại cụm dân cư 146 Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội gửi đơn kêu cứu phản ánh: Từ tháng 7/2013 đến nay, 12 hộ dân số nhà 146 phải sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng do đường thoát nước thải sinh hoạt có nhiều chục năm của khu dân cư chảy ra hệ thống thoát nước ở phố Đặng Dung bị chặn lại. Do không có đường thoát, khi trời mưa cả khu dân cư chìm sâu trong nước thải, nước bể phốt. Trong gần 20 tháng chịu cảnh ô nhiễm, xú uế, cụm dân cư đã gửi hàng chục lá đơn kêu cứu đến UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình và TP. Hà Nội, nhưng đến nay chưa được "giải cứu"
12 hộ dân đã sống trong cảnh ô nhiễm, xú uế gần 2 năm qua.
Về vụ việc này, ngày 10/3/2015, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Công văn số 889/BTCDTW-XLĐ, gửi Chủ tịch UBND quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Nội dung công văn của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: "Thanh tra Chính phủ nhận được đơn của bà Lê Tuyết Băng và một số công dân ký tên trong đơn ( địa chỉ: 146 phố Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Đơn có nội dung: Phản ánh việc ông Nguyễn Xuân Minh bịt đường cống thoát nước thải của khu nhà 146 phố Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân trong khu vực.
Theo đơn trình bày, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo UBND phường Quán Thánh khôi phục lại đường ống thoát nước, nhưng gia đình ông Minh có hành vi chống đối, ngăn cản. Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn phản ánh của bà Lê Tuyết Băng và một số công dân đến đồng chí Chủ tịch UBND quận Ba Đình, TP. Hà Nội để chỉ đạo xem xét, giải quyết. Đề nghị thông báo kết quả đến Thanh tra Chính phủ...".
Văn bản chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ gửi Chủ tịch UBND quận Ba Đình.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí ngày 16/3/2015, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, UBND quận đã nắm bắt được tình trạng ô nhiễm các hộ dân số tại số nhà 146 Quán Thánh phản ánh. Theo lời Chủ tịch UBND quận Ba Đình, trong tháng 3/2015 ( dự kiến trong tuần này), quận Ba Đình sẽ tổ chức họp liên ngành để thống nhất phương án xử lý dứt điểm vụ việc trên.
Theo đơn của cụm dân cư 146 Quán Thánh cho biết, nhà 146 Quán Thánh có nguồn gốc là một biệt thự rộng hơn 300m2xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhà chỉ có một đường cống thoát nước chạy từ sân chung dưới nền nhà của 3 gia đình, rồi đổ thẳng vào cống thoát nước lớn ở phố Đặng Dung.Qua nhiều chục năm sử dụng, hệ thống thoát nước vẫn hoạt động ổn định, không bao giờ xảy ra tình trạng ứ đọng. Tuy nhiên, từ tháng 7/2013, cả khu dân cư bất ngờ chìm trong nước thải chỉ sau một trận mưa nhỏ. Theo tường trình của người dân, khi kiểm tra sơ bộ, các hộ dân phát hiện cống thoát nước từ nhà 146 Quán Thánh ra phố Đặng Dung, đoạn qua nhà ông Nguyễn Xuân Minh ( số 5 Đặng Dung) có dấu hiệu bị chặn lại.
Phát hiện dấu hiệu bất thường, các hộ dân đã có đơn gửi UBND phường Quán Thánh và quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm, nhưng sau gần 2 năm chờ đợi người dân tại 146 Quán Thánh vẫn ngày ngày phải vật lộn trong cảnh ô nhiễm, xú uế, đi kèm là những rủi ro khó lường về sức khỏe. Trên thực tế, rất nhiều trẻ em của khu dân cư đã bị bệnh ngoài da, tiêu chảy vì sống trong cảnh ô nhiễm kéo dài.
Nước thải, nước bể phốt luôn trong tình trạng ứ đọng sâu đến nửa mét.
Làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết, "biện pháp "giải cứu" duy nhất UBND quận Ba Đình và phường Quán Thánh áp dụng chỉ là thuê xe bồn của Công ty thoát nước đến hút nước thải, sau đó lắp đặt máy bơm để người dân tự bơm nước thải ra mặt phố Quán Thánh. Trong khi vấn đề cấp bách là phải kiểm tra, xử lý, khôi phục lại hệ thống thoát nước chung đang có dấu hiệu bị nhà số 5 Đặng Dung bịt lại thì không được thực hiện nghiêm túc...".
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh xác nhận: Trước tháng 7/2013, số nhà 146 Quán Thánh không xảy ra tình trạng ứ đọng nước thải. Sau khi người dân có đơn kiến nghị nước thải ứ đọng, phường Quán Thánh đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, lên phương án khắc phục. Tuy nhiên, đến nay Phó Chủ tịch phường Quán Thánh cũng thừa nhận chưa thể giải quyết triệt để do những vướng mắc về pháp lý. Theo lời ông Xuân, đây là vụ việc phức tạp vượt quá thẩm quyền nên UBND phường phải xin ý kiến chỉ đạo của quận Ba Đình.
Trên thực tế, từ tháng 7/2013, quận Ba Đình đã nhiều chỉ đạo xử lý nhưng tình hình không có chuyển biến. Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Ba Đình tại Công văn số 1321/UBND-VP, ngày 7/10/2013, về việc giải quyết nước thải sinh hoạt úng ngập tại 146 Quán Thánh. Ngày 8/10/2013, UBND phường Quán Thánh đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị ( QLĐT), Xí nghiệp Thoát nước số 1 và các đơn vị chức năng tiến hành khảo sát, kiểm tra hệ thống thoát nước tại hiện trường.
Hầu hết khu phụ, khu vệ sinh của các hộ dân đều ở trong tình trạng "ao tù".
Kiểm tra tại thực địa, đoàn liên ngành xác định, "...hiện trạng thoát nước trong biển số nhà 146 Quán Thánh dốc vào phía cuối ngõ và chảy qua cống nhựa D200 đến nhà ông Minh ( số 5 Đặng Dung) thì bị ùn tắc không tiêu thoát. Qua kiểm tra hệ thống thoát nước trên phố Đặng Dung nhận thấy: Có đường cống tròn D800 chạy dọc phố Đặng Dung cạnh mép bó vỉa, hiện trạng thoát nước ở đây tốt; từ vị trí ngã tư Quán Thánh - Đặng Dung, một khoảng cách 46,4m hiện có một cống tròn D300 ngang vỉa hè Đặng Dung đấu nối trực tiếp vào cống D800, hiện nay có nước chảy rất ít ( vị trí đấu nối ở trước số nhà 5 Đặng Dung cách mép nhà 0,4m). Kiểm tra chiều dài cống D300 bằng thước từ vị trí đấu nối với cống D800 đo được một khoảng cách 8m thì không đo được nữa...".
Dựa trên kết quả kiểm tra ngày 8/10/2013, của cơ quan liên ngành có thể thấy, hệ thống thoát nước thải từ nhà 146 Quán Thánh ra hệ thống cống lớn đang có dấu hiệu bị tắc nghẽn không thể tiêu thoát nước. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, UBND quận Ba Đình đã nhiều lần chỉ đạo phường Quán Thánh và các đơn vị chức năng kiểm tra thực tế, cấp phép cho phường Quán Thánh đào vỉa hè số 5 Đặng Dung kiểm tra hạ tầng kỹ thuật, nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến ứ đọng nước thải nhưng mọi việc vẫn bế tắc.
Ngày 8/5/2014, Văn phòng UBND quận Ba Đình ban hành văn bản số 112/UBND-VP, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND quận Ba Đình về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triển khai thực hiện giải quyết úng ngập tại 146 phố Quán Thánh. Chủ tịch quận chỉ đạo phường Quán Thánh lập phương án lập hồ sơ cấp phép đào vỉa hè phố Đặng Dung làm nhiệm cải tạo hạ tầng kỹ thuật.
Đến ngày 30/9/2014, UBND quận Ba Đình tiếp tục có Văn bản số 243/TB-UBND, Thông báo kết luận của Chủ tịch quận tại cuộc họp giải quyết tình trạng ùn ứ nước thải tại số nhà 146 Quán Thánh. Chủ tịch Đỗ Viết Bình chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Phòng QLĐT, Phòng TN&MT, Thanh tra quận, Công an quận nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung vụ việc. Tham mưu UBND quận biện pháp giải quyết đảm bảo đúng quy định pháp luật trước ngày 15/10/2014. Nhưng vẫn giống như nhiều lần trước, cho đến nay tình trạng ô nhiễm tại số 146 Quán Thánh chưa được cải thiện, chính quyền địa phương cũng không đưa ra thời gian cụ thể xử lý dứt điểm vụ việc trên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương
Theo Dantri
Quận Ba Đình mời cư dân 146 Quán Thánh họp "chốt" phương án "giải cứu" Sau cuộc họp chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội, chiều nay 13/8/2015, UBND quận Ba Đình sẽ mời đại diện khu dân cư 146 Quán Thánh đến đối thoại chốt kế hoạch "giải cứu" 11 hộ gia đình khỏi tình trạng ô nhiễm, xú uế kéo dài suốt hơn hai năm qua khiến người dân khốn khổ. Theo thông tin của...