Hàng trăm hộ dân hối hả chạy lũ
Sáng 17/10, nước lũ từ thượng nguồn sông Lam đổ về quá nhanh khiến nhiều vùng thấp trũng, các xã nằm ngoài đê ở hạ lưu sông Lam bị ngập nặng. Hàng trăm hộ dân hối hả đưa tài sản, đồ đạc đến nơi an toàn.
Mưa lớn trong 3 ngày qua khiến mực nước sông Lam dâng nhanh, gây ngập lụt tại một số vùng hạ lưu
Ghi nhận của PV Dân trí, đến sáng 17/10, mặc dù mưa đã ngớt hẳn nhưng nước lũ từ thượng nguồn sông Lam đổ về nhanh nên đã gây ngập úng ở nhiều vùng thấp trũng và các xã nằm ngoài đê tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên. Nhiều nơi nước dâng lên ngập sâu từ 0,5-2m, riêng tại một số khu vực nước dâng lên ngập tận nóc nhà.
Tại các xóm ngoài đê Tả Lam ở xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên), chỉ trong vài giờ đồng hồ, nước từ sông Lam dâng lên nhanh làm ngập hết các tuyến đường, chia cắt với trung tâm xã và bắt đầu ngập vào nhà của nhiều nhà dân. Hàng trăm hộ dân hối hả di dời đồ đạc, tài sản lên cao và các chỗ an toàn để chạy lũ.
Vừa bê chiếc bếp gas và 2 bao lúa lên chạn để tránh bị ngập, anh Trần Văn Quang (xóm 12, xã Hưng Long) cho biết: “Khoảng hơn 4h sáng, gia đình tôi đang ngủ thì thấy nước lũ từ bên ngoài tràn vào và lên cao dần. Đến 7h sáng nay thì nước đã lên gần 1 mét rồi. Cũng may gia đình tôi chuyển đồ đạc lên trên chòi nhanh nên không bị ảnh hưởng mấy”. Sau khi đưa tài sản lên chòi tránh lũ, vợ chồng anh Quang lại tất tả bế hai đứa con nhỏ vào trong đê để gửi cho ông bà ngoại trông hộ.
Theo anh Quang, cứ vào mỗi mùa mưa bão hằng năm, gia đình anh đều phải sống trong cảnh thấp thỏm lo lắng vì nước lũ từ sông Lam dâng lên. “Cả xóm tôi đều ở phía ngoài đê Tả Lam nên thường xuyên bị ngập lụt. Nhiều lần chúng tôi cũng mong được vào bên trong để sinh sống ổn định nhưng vẫn chưa có đất”, anh Quang nói.
Người dân xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên (Nghệ An) đưa lợn đi “chạy” lụt (Ảnh: Doãn Hòa)
Trong khi đó, tại xã Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên), người dân cũng đang khẩn trương di dời tài sản và người đến nơi an toàn. Từ già đến trẻ đều xách lỉnh kỉnh các túi đồ băng qua đoạn nước ngập đến ngang gối để sang bên kia bờ đê.
Nhiều nhà dân đã bị nước dâng ngập từ 0,5-1 mét. Tuyến đường duy nhất vào xóm cũng bị nước lũ chia cắt, phương tiện để vào xóm lúc này là thuyền nan.
Buộc vội chiếc ti vi và ít bao lúa lên chiếc xe kéo, anh Hoa Xuân Thái (xóm 7, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên) cho biết: “Mấy cái này mà ngâm nước chỉ có hỏng nên tôi phải đưa sang nhà người thân để gửi tạm mấy bữa. Vợ con tôi đi tránh lũ, còn tôi ở lại nhà thăm chừng con nước. Chỉ mong nước lũ rút nhanh chứ nếu còn mưa kéo dài thì e rằng sẽ ngập lụt như năm 2010″.
Ông Nguyễn Công Hoan – Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân cho biết: “Toàn xã Hưng Nhân có 6/9 xóm bị ảnh hưởng bởi lụt từ sông Lam, trong đó có 3 xóm bị chia cắt hoàn toàn. Nhiều nhà dân đã bắt đầu bị nước tràn vào nhà, Trước diễn biến của trận lụt sau cơn bão số 11, xã đã thông báo cho người dân dự trữ lương thực thực phẩm; di dời tài sản, gia súc gia cầm và phối hợp với các nhà trường có kế hoạch cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em”.
Cũng theo ông Hoan, mặc dù là xã nằm ngoài đê Tả Lam nhưng xã Hưng Nhân cũng mới chỉ có 50/175 hộ nghèo có chòi chống lũ. Hằng năm, cứ vào mùa mưa bão thì nơi đây lại trở thành “ốc đảo” và thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt từ 5-7 ngày. Đến cuối chiều 17/10, trời lại tiếp tục đổ mưa, nước sông Lam đang tiếp tục dâng cao. Những người đi sơ tán đứng bên bờ đê nhìn ra biển nước mênh mông, đục ngầu đang nhấn chìm dần từng ngôi nhà, lũy tre mà thấp thỏm lo âu.
Trước tình hình mưa lũ đang có những diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn, chỉ đạo cho các địa phương và các lực lượng chức năng khẩn trương di dời người dân các vùng ngập lụt đến nơi an toàn, tổ chức chốt chặn các tuyến đường giao thông bị ngập không cho người qua lại tổ chức kiểm tra hồ, đập trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du trong mọi tình huống;đồng thời có phương án ứng trực 24/24h khi cần thiết.
Hình ảnh người dân vùng hạ lưu sông Lam hối hả chạy lụt do PV Dân trí ghi lại:
Anh Bùi Văn Hùng (32 tuổi, xóm 5, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên) đưa đồ lên gác tránh lũ
Video đang HOT
“Mấy cái này mà ngâm nước chỉ có hỏng nên tôi phải đưa sang nhà người thân để gửi tạm mấy bữa”, anh Hoa Xuân Thái nói
Người dân hối hả đưa tài sản, đồ đạc đi chạy lũ
Bà Trần Thị Tiêu (65 tuổi, xã Hưng Lợi) sống đơn thân di chuyển đồ lên cao tránh lũ
Vận chuyển đàn lợn đi tránh lũ
Trong khi đó tại Quảng Bình, “rốn lũ” Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, sáng nay cũng còn hàng trăm nhà dân bị chìm sâu trong biển nước. Ngày hôm qua, lũ đã nhấn chìm hàng ngàn nhà dân, cơ quan, công sở, trường học… Có nơi bị ngập sâu từ 3 – 4m, nơi thấp nhất cũng tầm 2m. Đến sáng nay, mặc dù nước đã rút nhưng vẫn còn rất nhiều nhà dân bị cô lập trong lũ.
Anh Nguyễn Văn Quế (28 tuổi) vừa rửa bùn, đất bám trên tường nhà, vừa xót xa nói, hai vợ chồng anh dành dụm mãi mới được ít vốn để dựng tạm cái nhà gỗ, thế mà chỉ trong phút chốc đã bị lũ làm hỏng.
Nhà anh Quế vẫn bị ngập hơn 1m
Hiện tại nhà anh Quế còn bị ngập sâu hơn 0,5 m, tài sản quý giá nhất của anh là chiếc bàn uống nước và chiếc giường để hai vợ chồng ngủ cũng đang bị ngập sâu. Vợ anh hiện đang bị ốm nặng phải ở nhà người thân nên một mình anh Quế phải tranh thủ dọn nhà. Giữa bộn bề nước lũ anh cũng chưa biết khi nào mới dọn xong để vào ở.
Đang tất bật quét dọn lại nhà cửa, vợ chồng anh Hoàng Văn Thế, ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch bất lực nói: “Bão, lũ cứ đến tới tấp như thế này thì không sức người nào chịu nổi. Trận lũ năm nay đến quá bất ngờ, nhà tui bị thiệt hại từ bão số 10 nên bây giờ tan hoang hết cả. 2 ngày qua, vợ chồng tui và các con phải leo lên trên mái để ở. Nhà anh Thế ở gần mép sông nên bị ngập rất sâu tới 4m.
Tại chợ Xuân Sơn, hàng trăm tiểu thương cũng đang rơi vào cảnh hết sức khốn đốn. Phần lớn tài sản đều bị ngập sâu, hư hỏng hết. Chị Nguyễn Thị Tuyết, bán tạp hóa ở chợ Xuân Sơn than thở: “Gia đình tui dồn tất cả vốn liếng vào cửa hàng tạp hóa này, bây giờ lũ về ngập gần hết rồi. Không biết đến bao giờ mới có thể ổn định cuộc sống trở lại.
Tại xã Sơn Trạch hiện vẫn còn rất nhiều nơi bị cô lập trong nước, các tuyến đường giao thông cũng bị ngập sâu khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch cho biết, bão, lũ đã gây thiệt hại khá nặng nề cho địa phương, nhất là trước đó nơi này vừa bị bão số 10 tàn phá. Ngày 16/10, nước đã nhấn chìm trên 2.000 hộ dân trong toàn xã. Tuy nhiên, đến 6h tối qua đến sáng nay, nước đã bắt đầu rút. Ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để cùng với người dân tập trung khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh để sớm ổn định cuộc sống.
Nước đã rút nhưng nhiều tuyến đường vẫn bị chia cắt
Chợ Xuân Sơn vẫn bị ngập từ 1 – 1,5 m khiến hàng trăm tiểu thương khốn đốn
Nhiều khu vực ở Phong Nha, Sơn Trạch vẫn bị chìm sâu trong nước.
Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An, mưa lớn liên tiếp trong 2 ngày qua khiến rất nhiều hồ đập ở tỉnh Nghệ An rơi vào tình trạng báo động, phải đồng loạt xả tràn. Tại huyện Yên Thành, lực lượng chức năng đã di dời 620 hộ dân hạ lưu 3 đập của hồ Đồn Húng, Kẻ Sặt, Nhà Trò ; tại huyện Nam Đàn di dời 108 hộ dân hạ lưu đập Hồ Thành xã Nam Kim đến nơi an toàn. Trước đó, chiều 16/10, hai đập thủy lợi Cồn Đẻn (dung tích 7.000 m3) và Đập Phốp (dung tích 18.000 m3) cùng ở xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương) đã bị vỡ nhưng không gây thiệt hại về người.
Doãn Hòa – Nguyễn Duy – Đăng Đức
Theo Dantri
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người con rể vĩ đại của làng Thanh Xuân
Biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, mấy ngày qua, hàng nghìn người dân ở làng Thanh Xuân (Thanh Chương, Nghệ An), từ trẻ đến già đều nghẹn ngào, xót thương. Trong suy nghĩ của người dân nơi đây, Đại tướng như một "người con rể vĩ đại" của làng.
"Dân làng này coi Đại tướng là người con rể vĩ đại"
Những ngày qua, khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh viễn ra đi, người dân ở làng Thanh Xuân (Thanh Chương, Nghệ An) - nơi quê nhà Phu nhân Đại tướng - đã không khỏi xót xa, đau buồn thương tiếc cho một vị tướng tài của dân tộc Việt Nam. Nhiều người từng may mắn được gặp Đại tướng, giờ chỉ biết ôm tấm ảnh kỷ niệm của người mà xót thương.
Ông Đặng Bá Hương: "Người dân làng này coi Đại tướng là người con rể vĩ đại".
Với người dân của làng Thanh Xuân, họ đã coi Đại tướng là một người con rể vĩ đại của làng. Nhiều cụ cao tuổi cũng gọi Đại tướng với cái tên thân mật - anh Văn, như để thể hiện sự gần gủi, giản dị của Đại tướng với quê nhà nơi đây.
Tại khu lưu niệm của cố Giáo sư Đặng Thai Mai (ở xóm Xuân Liên, Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An) - thân sinh của Phu nhân Đại tướng, những ngày qua, rất nhiều người dân trong làng đã về thắp nén tâm hương, tưởng nhớ đến người con rể vĩ đại của làng. Từ các cụ cao niên cho đến cả những em học sinh nhỏ, khi nghe tin người đã vĩnh viễn ra đi, tất cả đều về đây, để tưởng nhớ tới vị tướng anh hùng của dân tộc.
Khu nhà lưu niệm cố Giáo sư Đặng Thai Mai
Ông Đặng Bá Hương (71 tuổi), người em con chú của bà Đặng Thị Bích Hà (Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp), vừa dẫn chúng tôi đến nhà lưu niệm của cụ Đặng Thai Mai vừa tâm sự về những kỷ niệm mà mỗi lần Đại tướng cùng Phu nhân về thăm quê nhà.
Năm 1946, sau khi người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Quang Thái hy sinh, Đại tướng đã kết hôn cùng bà Đặng Thị Bích Hà - con của cố Giáo sư Đặng Thai Mai.
Đôi mắt của cụ Đặng Bá Hiên (75 tuổi, em họ của bà Đặng Thị Bích Hà) nhòe đi mỗi lần nhớ đến người anh rể vĩ đại.
"Sau khi cưới chị Hà, anh ấy (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) cùng gia đình đã mấy lần về thăm quê. Mỗi lần nghe tin anh ấy về quê là nhiều người dân kéo về xem lắm. Ai cũng háo hức cả. Cả làng này đều xem Đại tướng là người con rể vĩ đại của làng đấy chú ạ" - Ông Hương kể.
Mỗi lần về quê, việc đầu tiên mà Đại tướng luôn làm là vào nhà thờ họ thắp hương, báo cáo với tổ tiên, rồi đến khu nhà lưu niệm của cụ Mai để thắp hương. Sau đó Người lại tranh thủ thăm hỏi mọi người trong gia đình và đi vòng quanh làng để hỏi thăm bà con, người dân nơi đây. Người rất giản dị, bình đẳng với tất cả người dân, gặp ai cũng chào hỏi như người thân trong nhà.
"Đại tướng vẫn còn sống mãi trong lòng chúng tôi!"
Chia sẻ về kỷ niệm những lần Đại tướng cùng vợ về thăm quê, ông Hương chậm rãi nhớ lại: "Năm 1986, anh ấy về thăm quê. Lúc đó ở quê nhà nghèo lắm. Nghe anh ấy về, cả làng đều kéo về, xúm lại để được nói chuyện và nghe anh ấy dặn dò. Lúc đó thấy dân còn nghèo khổ, anh ấy dặn mọi người nên trồng thật nhiều cây mít, rồi nuôi dê để phát triển kinh tế. Ở các đồi trọc, mọi người có thể lên trồng cây ăn quả, hay cây rừng lâu năm để thu hoạch. Những lời dặn dò ấy của anh, người làng chúng tôi không ai có thể quên được. Mọi người đều luôn nhớ và làm theo lời của anh".
Đại tướng cũng luôn quan tâm đến việc học hành của các cháu nơi đây. Mỗi lần về quê, Đại tướng luôn mang sách vở để tặng cho các cháu học sinh. Rồi dặn dò các cháu phải chăm ngoan học hành, lấy kiến thức để về phục vụ quê hương, phục vụ đất nước. Rồi người còn mang các loại sách khác để người dân đọc nhiều kiến thức về làm nông, làm kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Dần: "Suốt đời này, tôi vẫn nhớ như in lần được gặp Đại tướng".
Ông Nguyễn Quang Dần (52 tuổi, công an viên ở xã Thanh Xuân), người đã từng may mắn được gặp Đại tướng vào dịp người về thăm quê, sau khi vào thắp hương cho Đại tướng, ông lặng lẽ đi ra ngắm mấy bức ảnh của Người thẫn thờ.
"Có lẽ suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh của bác. Tuy chỉ được đứng nghe lời dặn của bác với người dân, nhưng tôi vẫn nhớ như in. Bác mặc bộ quân phục trang nghiêm, đứng ở giữa hàng trăm người rồi chuyện trò vui vẻ với mọi người. Bác còn dặn mọi người nên trồng nhiều mít, nuôi con dê để phát triển kinh tế nữa. Cũng nhờ những lời dặn đó mà người dân nơi đây đã biết chịu khó nuôi dê, nên cũng đỡ khổ mà khấm khá hơn nhiều".
Các em học sinh đến thắp hương cho Đại tướng tại Khu nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai.
Ông Hương ngắm lại bức ảnh kỷ niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà xót thương.
Anh Nguyễn Quang Tuấn - Bí thư chị bộ xóm Xuân Liên, người trực tiếp quản lý khu nhà lưu niệm của cố Giáo sư Đặng Thai Mai - chia sẻ: "Từ hôm biết tin Đại tướng mất, người dân chúng tôi ở đây buồn mà xót thương lắm anh ạ. Rất nhiều người dân đã về đây để thắp hương cho cụ Mai và cũng để thắp hương cho Đại tướng Giáp vì họ không có điều kiện để trực tiếp đi viếng Đại tướng được. Tuy Đại tướng đã mất đi, nhưng trong lòng tất cả người dân làng Thanh Xuân này, Đại tướng vẫn còn sống mãi trong lòng chúng tôi".
Ngọc Tú - Nguyễn Duy
Theo Dantri
Đang dỡ nhà, một người bị tường đè tử vong Ngày 4-10, UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho biết, vào khoảng 16h30 ngày 3-10, trên địa bàn xã đã xảy ra một vụ tai nạn trong lúc dỡ nhà, khiến 1 người tử vong. Theo đó, vào thời điểm nói trên anh Lê Văn Hảo (37 tuổi) trú ở xóm Bắc Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành,...