Hàng trăm ha lúa Đông Xuân ở Bình Thuận chết khô vì thiếu nước tưới
Do nắng hạn kéo dài, lượng nước ở các hồ chứa cạn kiệt, Bình Thuận phải cắt giảm hơn 20.000ha lúa và các loại cây trồng vụ Đông Xuân.
Thực trạng này khiến hàng trăm hộ dân trồng lúa lao đao vì đất sản xuất phải bỏ hoang. Nhiều hộ làm liều xuống giống ngoài kế hoạch và hậu quả là hiện nay có hàng trăm ha lúa hơn 1 tháng tuổi bị chết khô do thiếu nước.
Cánh đồng lúa trơ trụi giữa mùa khô do không có nước tưới.
Thời điểm hiện tại đang vào cao điểm mùa khô, các con kênh nhánh dẫn nước từ các hồ chứa về cánh đồng lúa ở các xã Phan Thanh, Bình An của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã trơ đáy từ lâu.
Dọc các bờ kênh, hàng trăm ha lúa, hoa màu vàng úa. Cả một vùng sản xuất khá rộng ở huyện Bắc Bình với hàng trăm ha lúa hơn 1 tháng tuổi thiếu nước tưới trầm trọng.
Nếu đảm bảo lượng nước thì diện tích lúa Đông Xuân này đã chuẩn bị làm đòng. Nhưng tình trạng như hiện này thì nông dân đành bỏ ruộng.
Kênh mương không còn một giọt nước.
“Lúa chết nhiều lắm, giờ này nguồn thu, tiền bạc không có, khó khăn nước non, không biết lấy phân lấy giống vụ tới ở đâu. Người dân giờ buộc phải bỏ ruộng bỏ nương đi làm công ty hết…”, anh Thổ Văn Thoại ở xã Phan Thanh có 5 sào lúa chết khô cho biết.
Ông Khuê Khúc Kỷ Nguyên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Bình, cho biết: Ngay từ đầu vụ Đông Xuân, huyện đã chủ động cắt giảm 7.000ha lúa và khuyến cáo nông dân không canh tác trên diện tích không đảm nguồn nước tưới, nhưng nhiều nông dân vẫn bất chấp vì không biết làm nghề gì khác ngoài trồng lúa.
Video đang HOT
Từ đây đến hết vụ Đông Xuân và leo sang cả vụ Hè Thu, dự báo tình hình nắng hạn tại địa phương còn diễn biến phức tạp nên ngành chức năng của huyện Bắc Bình đang nỗ lực hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước tưới.
Nông dân Bình Thuận buồn bã bên ruộng lúa bị nắng hạn.
“Đối với diện tích không nằm trong kế hoạch, khuyến khích bà con chuyển sang sản xuất một số cây trồng khác cần ít nước như bắp, đậu”, ông Nguyên nêu giải pháp.
Do không đảm bảo nguồn nước tưới nên từ đầu vụ Đông Xuân 2019 – 2020, toàn tỉnh Bình Thuận chỉ gieo trồng được hơn 32.000ha cây trồng các loại, cắt giảm hơn 20.000ha so với kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa và hoa màu chỉ đạt 12.500ha, đạt 38% kế hoạch. Hiện nay, 500 ha lúa Đông Xuân của nông dân ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc gieo trồng ngoài kế hoạch, phần lớn bị héo khô do không đủ nước tưới.
Tại Bình Thuận, khoảng hơn 3 tháng nữa mới bước vào mùa mưa. 17 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn tổng cộng khoảng 158 triệu m3 nước, chưa tới 50% dung tích.
Đặc biệt, hồ thủy điện Đại Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước sản xuất cho 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc của tỉnh cũng chỉ còn hơn 72 triệu m3 nước, tương đương hơn 28% dung tích.
Tình cảnh này cho thấy vụ lúa Hè Thu sắp tới tình hình sản xuất cũng không mấy khả quan, diện tích ruộng lúa và các loại hoa màu bị cắt giảm sẽ tiếp tục còn tăng cao. Do đó, việc khuyến cáo nông dân làm đúng hướng dẫn của ngành chức năng để tránh thiệt hại về kinh tế là rất quan trọng./.
Theo CTV Hoàng Anh/VOV-TPHCM
Nông dân quây ruộng bắt rươi
Tháng 9-11 âm lịch, người dân xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân mang lưới quây kín các khoảnh ruộng ven sông Lam để bắt rươi bán 400.000-600.000 đồng một kg.
Đầu tháng 11 âm lịch, bà Sơn Thị Huân (62 tuổi, trú thôn 7, xã Xuân Hồng) tất bật đắp bờ ruộng để bắt vụ rươi cuối cùng trong năm. "Những mùa trước, một sào ruộng của gia đình vớt được vài chục kg rươi, bán giá 600.000 đồng một kg. Năm nay sản lượng giảm, đầu vụ đến nay chỉ bắt được 6 kg, giá giảm còn 400.000 đồng một kg", bà Huân nói.
Dọc cánh đồng rộng hàng chục ha ở các thôn 7, 8, 9 nằm ven quốc lộ 1A, xã Xuân Hồng lưới phủ trắng. Từ khi kết thúc vụ lúa hè thu hồi tháng 9, hàng trăm gia đình có ruộng đều đem cọc tre ra cắm bờ, dùng lưới quây ruộng thành từng ô để mỗi tháng hai lần chờ khi nước sông dâng lên thì vớt rươi.
Người dân quây lưới khắp cánh đồng rộng hàng chục ha ở xã Xuân Hồng. Ảnh: Đức Hùng
Xã Xuân Hồng có ruộng trũng, giáp sông Lam, nước sông thường dâng cao thuận lợi cho rươi phát triển, sinh sản. Hàng chục năm trước, vào ba tháng cuối năm, người dân trong vùng đã quây ruộng bắt rươi.
Theo bà Huân, các gia đình sở hữu từ một đến năm sào ruộng, ngoài canh tác hoa màu vụ chính, ai cũng tập trung cải tạo ruộng để thu "lộc trời". "Trước mỗi vụ lúa, chồng tôi yêu cầu thợ máy cày phải cày thật sâu, để đất sau khi thu hoạch vẫn nhuyễn. Theo kinh nghiệm thì bùn càng nhão, rươi càng nhiều", bà nói.
Làm rươi chi phí đầu tư thấp. Một vụ, tùy từng khoảnh ruộng, người dân phải chi 100.000-400.000 đồng mua lưới về quây lại từng ô. Nhiều hộ tiết kiệm dùng lưới cũ, cứ hai năm mới thay mới một lần.
Công đoạn mất thời gian nhất là dọn bờ. Để chuẩn bị cho vụ vớt rươi vào đầu và giữa tháng, trước đó vài ngày, người dân phải dầm mình giữa đồng nhiều tiếng hốt cỏ, đắp bờ, tạo cửa để rươi chui vào lưới.
Cuối mỗi khoảnh ruộng, có một "ô cửa", xung quanh đóng cọc tre chi chít, vây lưới tạo thành một bọc lưới lớn, để khi xả nước rươi sẽ tự động chui vào. Để chắc chắn, nhiều người dùng xi măng, gạch đá xây luôn cả hệ thống cửa bắt rươi bên bờ ruộng, dùng được lâu dài.
Gia đình bà Huân xây luôn cống ở bên bờ ruộng để bắt rươi. Ảnh: Đức Hùng
Bắt rươi phải phụ thuộc vào nước sông, khi nào nước dâng lên ngập ruộng, người dân mới tháo bờ để bắt. Một vụ có thể bắt được 6 lần, vào các ngày đầu và giữa mỗi tháng 9, 10, 11. Rươi thường dâng lên vào đầu giờ tối hoặc lúc rạng sáng, mỗi lần ra khoảng 3 tiếng.
Ông Nguyễn Văn Thời (55 tuổi, trú thôn 8, xã Xuân Hồng) nói, những đêm nước dâng, tại các cánh đồng ở xã Xuân Hồng người dân tập trung đông như mở hội, ánh đèn pin sáng một vùng. Một gia đình huy động 3-5 thành viên, đem theo vợt, xô để vớt "lộc trời". Khi nước ngập bờ ruộng, ở phía cửa xả sẽ được mở, rươi theo dòng nước chui vào bọc lưới. Với những con nổi trên mặt nước, từng thành viên chia nhau đứng ở nhiều vị trí, dùng vợt vớt bỏ vào xô.
"Tôi có hai sào ruộng, mỗi đêm vớt được khoảng 5 kg rươi, hiện thu về khoảng 8 triệu đồng. Nhiều gia đình đầu tư lớn khi tận dụng các ao, hồ gần sông để bắt rươi, mỗi khi rươi xuất hiện vớt được vài chục kg, thu 10 triệu đồng mỗi đêm", ông Thời nói và cho hay, không phải lúc nào nước dâng cũng có rươi. Những hôm trời rét, rươi không chui ra.
Rươi được người dân vớt từ dưới ruộng đổ vào xô. Ảnh: Đ.H
Vớt rươi vất vả đi đêm hôm, song luôn "tiền trao cháo múc", không bị nợ nần như khi đi xây, phụ hồ, cửu vạn... nên hàng năm ai cũng tranh thủ. Cứ mỗi lần bắt rươi xong, thương lái luôn túc trực trên bờ, mua hết rươi đem đi bán tại nhiều tỉnh. Một số hộ thì đem về bán cho các nhà hàng ven quốc lộ 1A làm đặc sản.
Rươi là một loại giun, thường sống ở vùng nước lợ cửa sông, cửa biển. Rươi trưởng thành dài 7-10 cm, thân hình dẹp ngang khoảng 0,5 cm. Màu rươi hồng hoặc xanh phụ thuộc nguồn nước.
Rươi được coi là thực phẩm bổ dưỡng vì chứa nhiều đạm và các loại muối khoáng như canxi, photpho, sắt, kẽm... Ở Hà Tĩnh, con rươi có thể chế biến thành các món ăn như chả rươi, rươi đúc trứng, rươi xào măng... giá bán 200.000-400.000 đồng mỗi đĩa, mắm rươi bán 500.000 đồng một chai 700 ml.
Đức Hùng
Theo Vnexpress
Cà Mau: Những cánh đồng "sặc" nước Vụ lúa hè thu tại tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ giảm năng suất do mưa lớn kéo dài gây ngập úng tại các cánh đồng vừa được gieo sạ. Theo Kênh VTC1