Hàng trăm giáo viên bấn loạn vì thông báo luân chuyển của TP.Hạ Long
TP.Hạ Long đang lên kế hoạch rà soát luân chuyển khiến hàng trăm giáo viên tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hoang mang vì không biết mình thuộc diện đi hay ở, dù năm học mới đã bắt đầu được 2 tháng.
Giáo viên bấn loạn vì lo điều chuyển
Mấy ngày nay, hàng trăm giáo viên trên địa bàn TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đứng ngồi không yên trước quyết định luân chuyển từ vùng thuận lợi sang vùng khó đang được triển khai rộng rãi khắp các trường công lập.
TP.Hạ Long lần đầu tiên lên kế hoạch luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi sang vùng khó – N.H
Ghi nhận thực tế nhiều trường học cho thấy, tâm lý của thầy cô đều muốn được ở lại. Bởi có người sau hàng chục năm công tác với đủ thành tích, hoặc từng cống hiến tại xã vùng cao ở địa bàn của tỉnh Quảng Ninh, nay với quyết định trên thì lại tiếp tục phải đưa ra bình xét một lần nữa.
Đến lớp với tâm trạng đầy lo lắng, cô giáo Nguyễn Thị C. (trú tại P.Hồng Hải, TP.Hạ Long) cho biết. Chị là nguời đã từng có thời gian công tác tại xã vùng cao H.Ba Chẽ, những tưởng giờ sẽ được “an cư lạc nghiệp” công tác ở thành phố nhưng ai dè đến nay, chị lại tiếp tục trong diện bị xem xét điều chuyển đến xã vùng cao.
“Thời gian công tác của tôi trước đây không được tính đến, nhà trường chỉ tính đến thời điểm ban hành quyết định văn bản. Nếu phải đi làm xa nhà hàng chục cây số nữa sẽ gây đảo lộn cuộc sống gia đình. Đây là điều không chỉ bản thân tôi mà ngay cả các đồng nghiệp cũng không mong muốn”, cô C. bày tỏ.
Cũng trong tâm trạng đầy bức xúc, cô Nguyễn Thị L. (P.Hồng Hà, TP.Hạ Long) cho biết, đã đứng trên bục giảng hơn 10 năm qua, thậm chí có cả bằng khen giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng khi đem ra bình xét, tiêu chí chuyên môn không được tính đến mà chỉ dựa vào hoàn cảnh gia đình.
“Nhiều thầy cô có thâm niên từ 10 – 20 năm, tích lũy từ thực tiễn nơi mình công tác, quanh năm gắn bó với trường, lớp coi đó như ngôi nhà thứ 2. Tuy nhiên, năm nào cũng phải canh cánh nỗi lo luân chuyển khiến mọi người không yên tâm công tác. Năm học mới vừa bắt đầu, chúng tôi thuộc diện luân chuyển khiến tâm trạng rối bời không yên tâm dạy học”, cô L. chia sẻ.
Theo nhiều ý kiến của các giáo viên trên địa bàn TP.Hạ Long, họ đồng tình với chủ trương luân chuyển từ vùng thuận lợi sang vùng khó. Thế nhưng việc luân chuyển phải thật sự khách quan, công bằng và phù hợp với thực tế cuộc sống của từng người.
Để tìm cách ở lại, những ngày này, khi hết giờ học, nhiều giáo viên phải đi xin đủ loại chứng thực: chồng công tác tại biên giới, hải đảo, nuôi bố mẹ, con ốm đau hay xin bệnh án điều trị…
Đi hay ở chờ… bốc thăm
Theo UBND TP.Hạ Long, ngày 8.10, địa phương này có văn bản số 331/TCNV gửi tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc luân chuyển giáo viên. Cụ thể, ngành giáo dục Hạ Long đợt này sẽ luân chuyển 15 giáo viên mầm non, 23 giáo viên tiểu học, 8 giáo viên THCS.
Nhiều giáo viên chưa đồng thuận với kế hoạch luân chuyển lần này – N.H
Video đang HOT
Triển khai thông báo trên, vừa qua, các trường trên địa bàn đã giao cho các tổ bộ môn họp bàn và lựa chọn ra 4 thầy cô nằm trong danh sách luân chuyển. Tuy nhiên khi đem ra lựa chọn, không có nhiều thầy cô tự nguyện xin luân chuyển mà phần lớn ai cũng muốn tìm mọi cách để ở lại.
Sau khi “cân lên đặt xuống” mà mãi vẫn chưa chọn được ai, Ban giám hiệu một số trường đã tổ chức…bốc thăm để quyết định việc “đi – ở”.
Bà Hoàng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (P.Hồng Hà, TP.Hạ Long), cho biết đơn vị này sẽ phải lên danh sách lựa chọn ra 4 cô giáo để gửi lên Phòng Giáo dục đào tạo TP.Hạ Long xem xét. Quá trình lựa chọn ai đi hay ở đều diễn ra công khai, minh bạch.
“Ban giám hiệu sẽ xem xét kỹ lưỡng việc đi hay ở và phải có ý kiến trực tiếp của từng người trong tổ chuyên môn, đặc biệt là người được chọn đi tăng cường cho năm nay. Nhà trường đang khuyến khích các cô giáo trẻ, có tinh thần xung phong lên vùng khó. Ai có hoàn cảnh khó khăn, không phù hợp nhà trường sẽ có ý kiến để cấp trên cân nhắc”, bà Hoa nói.
Tương tự như vậy, tại Trường Tiểu học Quang Trung (P.Hồng Hải, TP.Hạ Long), Ban giám hiệu trường này dự kiến chuẩn bị cuộc bốc thăm để lựa chọn giáo viên nào phải đi vùng khó trong đợt này.
Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại TP.Hạ Long cho rằng, qua lấy ý kiến của các giáo viên trong ngành giáo dục thì địa phương này nên luân chuyển giáo viên theo bán kính nơi ở của mỗi người, hoặc từng bước chuyển đến vùng cao.
“Đây là lần đầu tiên giáo viên ở khu vực trung tâm Hạ Long lên vùng cao nên tâm lý chị em hoang mang là khó tránh khỏi. Nói gì thì nói, một người ở thành phố bỏ con lên xã vùng cao không phải ai cũng thích nghi được ngay, nên ngành giáo dục địa phương cần xem xét cấp độ nơi đến sao cho phù hợp”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Trao đổi với Thanh Niên , bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, khẳng định việc luân chuyển giáo viên đến vùng khó là chủ trương đúng. Tuy nhiên, ở góc độ tâm lý, các thầy cô khi đã dạy ổn định ở trường nào, nhất là khi đã lập gia đình và sinh sống tại địa phương đó thường không muốn luân chuyển. Chính vì vậy quá trình triển khai, phải làm tốt công tác tư tưởng và có những chính sách ưu đãi để thầy cô yên tâm công tác.
Trong khi đó, một lãnh đạo của UBND TP.Hạ Long cho biết, địa phương này mới chỉ giao xuống các trường rà soát và chưa nhận được danh sách chính thức. Tuy nhiên, việc chốt danh sách luân chuyển giáo viên đến vùng khó sẽ được công bố trong thời gian tới.
“Tất cả làm vì cái chung, làm vì sự tiến bộ của ngành giáo dục chứ không có chuyện lợi ích ở đây. Trách nhiệm của các hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục là phải giải thích, tạo tâm lý thoải mái cho giáo viên trong diện phải luân chuyển. Chúng ta cũng phải nghĩ tới cho cả những thầy cô đã hết thời gian đi nghĩa vụ, họ cũng cần được quay về thành phố. Hơn nữa, có cả một hội đồng để xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp. Không ai điều chuyển người đau ốm, nuôi con nhỏ, neo đơn. Mọi quyết định đều được cân nhắc kỹ và phù hợp”, vị này cho biết.
Luân chuyển giáo viên không phải quyết định chủ quan của ông Giám đốc Sở
Việc luân chuyển giáo viên là điều bắt buộc để cân bằng bài toán tài chính cũng như giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn.
LTS: Liên quan đến những phản ánh của giáo viên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam về việc luân chuyển giáo viên trong năm học 2021-2022 có nhiều vấn đề bất cập, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cuộc trao đổi với ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, vừa rồi có nhiều thông tin liên quan đến việc một số giáo viên phản ứng vì bị luân chuyển, đến tăng cường ở các trường học xa. Vì sao lại có vấn đề điều động, luân chuyển ngay đầu năm học mới này?
Ông Hà Thanh Quốc: Việc điều động, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đối với ngành giáo dục và đào tạo đã diễn ra từ ba năm nay (từ năm học 2019-2020 đến nay) để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Đây không chỉ là hiện trạng ở Quảng Nam mà xảy ra hầu như khắp cả nước.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho rằng việc điều động, luân chuyển giáo viên có quy trình rất rõ ràng, cụ thể, chứ không có chuyện khuất tất. Ảnh: HVH
Ứng xử với vấn đề thừa thiếu cục bộ đó thì vì sao mình phải điều động, luân chuyển? Không phải do ý thích của một cá nhân hay một quyết định chủ quan của ông Giám đốc sở. Điều đó hoàn toàn không phải.
Mà ở đây là do yêu cầu về quyết định phân bổ ngân sách của tỉnh với Sở Tài chính. Yêu cầu đặt ra là phải tiến hành điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu để cân đối tỷ lệ giáo viên đứng lớp. Bản chất là cân đối nguồn lương, nguồn ngân sách.
Ví dụ ở một trường có thừa hai giáo viên Toán nhưng bản thân trường này cũng thiếu giáo viên Lý chẳng hạn. Trong khi đó trường khác lại đang thiếu giáo viên Toán.
Thế nhưng, sẽ xảy ra trường hợp giáo viên Toán trường này họ dạy không đủ chuẩn (có thể chuẩn 17 tiết nhưng họ chỉ dạy 10-11 tiết). Nhưng đồng thời, cuối năm phải xin ngành tài chính bổ sung ngân sách để trả tiền quỹ lương cho cái môn anh thiếu trong trường đó. Nhưng đồng thời, cũng phải trả lương cho số thừa đó.
Nếu mình không điều hòa được giáo viên thì mình sẽ phải trả cho số giáo viên thiếu mà mình không được điều động đó. Cái đó là trách nhiệm tài chính mà Sở phải thực hiện trong sử dụng ngân sách. Vì sao phải điều chuyển thì rõ ràng đó là để thực hiện bài toán cân đối ngân sách.
Phóng viên: Quy trình để điều động, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu của Quảng Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc: Việc điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đã diễn ra ba năm nay (từ năm học 2019-2020 đến nay). Về cách làm thì năm nào Sở năm cũng có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi về cho các trường.
Trong đó, việc đầu tiên để chuẩn bị cho năm học mới là các trường phải căn cứ vào số lớp hiện có của năm học mới này để cân đối nhu cầu giáo viên của năm học này xem môn nào thừa, môn nào thiếu.
Tất cả các trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên đều phải làm động tác đó. Sau khi cân đối, các trường gửi về cho Sở. Trên cơ sở đó, Sở mới có số liệu về số lượng giáo viên thừa của các đơn vị cũng như các đơn vị thiếu. Từ đó có quyết định phân bổ nơi thừa đến tăng cường cho nơi thiếu.
Còn khi điều động một giáo viên cụ thể đi tăng cường thì Sở đã có hướng dẫn, trong đó giao lãnh đạo nhà trường phổ biến cho Hội đồng sư phạm trường đến tận các tổ chuyên môn. Đặc biệt là các tổ chuyên môn có chỉ tiêu được thông báo đi tăng cường nơi thiếu.
Trường sẽ cùng với tổ trưởng làm việc với các thành viên trong tổ để bàn bạc trao đổi, quyết định người đi tăng cường. Như vậy, thành phần tham gia ở đây là rất rõ ràng, minh bạch.
Từng thành viên trong tổ sẽ trao đổi, bàn bạc, xem xét để đi đến cuối cùng là họ phải ghi vào biên bản họp tổ từng ý kiến của từng người. Đặc biệt là phải có ý kiến của người mà lần này được chọn để đi tăng cường. Hồ sơ biên bản họp ghi rất cụ thể.
Các tổ gửi về Ban Giám hiệu nhà trường để họp, xem xét lại rồi mới gửi về Sở. Cái việc này diễn ra hai năm rồi, cho nên nếu như ai đó nghĩ: "chuyện ni là do ông Giám đốc nghĩ ra để gây khó cho thầy cô để họ phải đi xin, đi xỏ thế này thế nọ" thì không thể xảy ra được.
Bởi ở đây rõ ràng là từ dưới cơ sở thống nhất đưa lên, còn ông Giám đốc chỉ có chức năng chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xem xét, để ra quyết định đi tăng cường. Những người họ không hiểu nên cứ nghĩ là Giám đốc cứ làm này, làm nọ.
Khi hồ sơ lên Sở rồi thì có bộ phận chuyên môn đọc lại, rà soát lại các biên bản dưới trường gửi lên để xem thử có ý kiến, đề xuất gì khác không. Sau đó, mới báo cáo Giám đốc để có thể xem xét.
Khi đã hoàn tất các bước rồi mới ban hành quyết định chứ không phải chúng tôi ngồi trên đây rồi nhắm xuống, chỉ định cho họ đâu. Đó là quy trình rất rõ ràng, cụ thể, chứ không có chuyện khuất tất hay thích gì làm đấy.
Phóng viên: Nếu với quy trình cụ thể, rõ ràng như vậy thì tại sao các năm trước không có điều tiếng gì mà năm nay lại xảy ra sự việc lình xình trong điều động, luân chuyển giáo viên thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc: Khi nhận thông tin phản ánh thì tôi đã mời 63 thầy cô giáo được đi tăng cường trong đợt này về Sở gặp mặt. Đồng thời, mời tất cả Hiệu trưởng có giáo viên đến tăng cường.
Tại buổi họp hôm đó, Sở đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của giáo viên, Hiệu trưởng. Qua tìm hiểu thì có ý kiến của một giáo viên cho rằng, tại sao cùng điều đi tăng cường nhưng ở các trường khác họ làm tốt, anh em đều vui vẻ đi, còn trường của cô giáo này thì Hiệu trưởng giao hẳn cho tổ trưởng.
Tổ trưởng trao đổi với tổ viên và quyết định người đi tăng cường. Ở đây, không có sự trao đổi, lắng nghe, phân giải và động viên của lãnh đạo nhà trường với giáo viên, để làm cho họ hiểu.
Hiệu trưởng đã không phân giải cho họ hiểu được rằng sự việc này (đi tăng cường) không phải do Sở hay ông Giám đốc nghĩ ra mà việc này thuộc về chủ trương. Động tác động viên nó thiếu ở những trường đó.
Thứ hai, thực tế cũng không giáo viên nào thích đi tăng cường vì phải đi xa nhà nên khi nói đến chuyện đi thì họ bức xúc. Trong hai lần tăng cường trước đây thì những giáo viên có điều kiện đã đi trước rồi.
Giờ lần thứ ba, lọt lại những người có điều kiện khó khăn hơn nên họ bức xúc. Hơn nữa, Hiệu trưởng không làm tốt trong việc tuyên truyền, giải thích thì dẫn đến họ bức xúc.
Tại cuộc họp, có ý kiến của cô giáo tên Trang (hiện là giáo viên Trường trung học phổ thông Trần Phú) được điều đi tăng cường tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn.
Sau khi nghe cô Trang phát biểu, biết rằng cô này phải đến lượt đi tăng cường nhưng có hoàn cảnh khó, phải tăng cường lên huyện miền núi, xa nhà.
Do đó, tôi có hỏi trong số 61 thầy cô ở đây có ai tình nguyện đổi cho cô Trang để đi thay lên huyện miền núi không. Thì có một thầy giáo ở Quế Sơn xung phong thay cô Trang đi tăng cường ở Phước Sơn.
Còn cô Trang đến dạy tại trường trung học phổ thông Trần Phú (huyện đồng bằng), cách nhà không xa lắm, có thể đi về trong ngày. Sau đó, tôi cho hoán đổi ngay.
Tại cuộc họp này, Sở đã phát phiếu lấy ý kiến của các thầy cô đi tăng cường. Sau khi thu về thì nhận được các ý chính như sau. Các giáo viên đều thừa nhận tình trạng thừa thiếu cục bộ là có và việc phải đi tăng cường là tất yếu.
Thứ hai, việc làm này là Sở đã có hướng dẫn, công khai và không áp đặt gì. Thứ ba, khi họ đến các trường tăng cường được các trường này tạo điều kiện tối đa, phân thời khóa biểu rất thuận lợi. Ví dụ như bố trí không quá 5-6 buổi dạy (khoảng 2,5 ngày thôi), còn lại thời gian ở nhà để nghỉ ngơi.
Một số giáo viên có đề xuất, thứ nhất là việc giải quyết thừa thiếu này vẫn còn diễn ra nhiều năm nữa, chắc chưa có hồi kết nên đề nghị Sở bố trí các trường đi về trong ngày. Thứ hai, đối với những giáo viên đi xa thì có thể hỗ trợ thêm xăng xe.
Tôi nói là Sở sẽ hướng đến vấn đề biên chế để cân đối. Năm tới có thể tuyển dụng giáo viên mới để bổ sung những nơi khó, nơi ít ai xin tới, vùng khó. Để nếu mình có điều động tăng cường thì thầy cô sẽ đi gần, không phải đến các vùng xa đó. Đó là hướng khả thi.
Ngoài ra, Sở cũng xem xét giải quyết thừa thiếu sao cho thuận lợi nhất. Tức là tăng cường theo hình thức "tịnh tiến". Bố trí tăng cường giáo viên ở những địa phương gần nhau. Bài toán tài chính buộc mình phải làm để điều động, luân chuyển thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Vụ luân chuyển giáo viên ở Quảng Nam: Trường làm không đến nơi đến chốn? Trước một số ý kiến trái chiều về việc luân chuyển giáo viên ở Quảng Nam cũng như yêu cầu giải trình của UBND tỉnh, ông Hồ Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết đã có báo cáo. Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc. Theo đó, ông Hà Thanh Quốc giải trình việc điều động, luân chuyển cán bộ...