Hàng trăm du khách “kẹt” ở Quan Lạn, đảo Cô Tô do bão số 1
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, hiện 172 khách du lịch, trong đó có 1 vị khách nước ngoài đang bị “kẹt” tại xã đảo du lịch Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh). Tại đảo Cô Tô cũng có khoảng 500 du khách đang lưu trú trong thời điểm bão số 1 chuẩn bị đổ bộ.
Các hộ dân neo tàu thuyền tránh trú bão nhưng vẫn còn một số em nhỏ nô đùa, rất nguy hiểm khi bão đang đến gần.
Dự kiến Quan Lạn là xã đảo đầu tiên chịu ảnh hưởng…
Thông tin cho báo chí, ông Lưu Thành Viên – Chủ tịch UBND xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên xã đảo du lịch xa nhất Quảng Ninh, có 172 khách du lịch, trong đó có 1 khách nước ngoài còn mắc kẹt không thể về đất liền do ảnh hưởng của cơn bão số 1.
Theo ông Viên, hiện toàn bộ số khách du lịch đã được di dời đến nơi an toàn để tránh bão. UBND xã cũng đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú ký cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, không được để khách du lịch ra ngoài trong thời điểm bão số 1 đang ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương.
Theo ông Viên, xã Quan Lạn là xã đảo đầu tiên sẽ hứng chịu ảnh hưởng của bão số 1, dự kiến khoảng 22h đêm nay bão số 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực xã đảo và sẽ là đêm khó khăn nhất với người dân Quan Lạn.
Theo phóng viên Dân trí có mặt tại đảo Cô Tô, bắt đầu từ sáng nay (23/6), dịch vụ tàu cao tốc từ Cảng Cái Rồng tới Cô Tô đã tạm dừng hoạt động và chưa có thông báo về việc hoạt động trở lại của tàu. Nhiều du khách đang có mặt tại Cô Tô phải chờ bão tan, thời tiết thuận lợi mới có thể rời Cô Tô.
Đài phát thanh Huyện đảo Cô Tô liên tục cập nhật thông tin về cơn bão số 1 trên loa. Từ sáng nay đã xuất hiện gió khá mạnh ở Cô Tô. Bãi biển Hồng Vàn sóng to khiến nhiều du khách không dám xuống tắm mà chỉ đứng ngắm cảnh và chụp ảnh. Đến 15h chiều nay, mưa khá to, gió lớn, biển động mạnh. Tuy nhiên chưa xuất hiện tình trạng cây cối bị gãy hay thiệt hại do mưa bão.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cô Tô đã yêu cầu khách du lịch và người dân địa phương không được tắm biển kể từ 14h chiều nay.
Đài phát thanh huyện liên tục cập nhật về tình hình cơn bão. Lãnh đạo huyện yêu cầu các nhà nghỉ, khách sạn giảm giá dịch vụ thuê phòng và ăn uống cho du khách trong thời gian mưa bão, nghiêm cấm tình trạng chặt chém, ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Cô Tô.
Dù được chỉ đạo từ chiều nay, nhưng vẫn chưa thấy các quán ăn, nhà nghỉ giảm giá dịch vụ mà vẫn ở mức như trước hôm có bão. Tuy nhiên, mức giá phòng và ăn uống ở đây cũng khá hợp lý.
Do mưa bão nên thực đơn của một số quán giải khát không được đầy đủ như ngày thường, không có kem hay hoa quả….Thực đơn của một số nhà hàng cũng ít hơn, thiếu một số món khách yêu cầu.
Theo thông tin từ Đài phát thanh huyện, hiện nay có khoảng hơn 500 du khách đang trên đảo Cô Tô, trong đó có nhiều các bạn trẻ là sinh viên.
Nhiều đoàn có lịch rời đảo từ sáng nay nhưng hiện nay vẫn chưa về được, trong đó có đoàn của Trường Đại học FPT hiện đang ở tại Khách sạn Thái Hà. Nhiều du khách có vẻ sốt ruột vì phải ở lại thêm ngày do bão, ảnh hưởng tới việc gia đình và việc cơ quan, trong khi đó lại thêm chi phí phát sinh.
Nhiều du khách mới đến Cô Tô từ chiều qua, chưa thăm thú được gì nhiều nên tỏ ra nuối tiếc. Một số người cảm thấy may mắn vì dù sao cũng đã kịp đi thăm các điểm du lịch tại đây trước khi bão tới.
Điện nước tại đảo vẫn đảm bảo.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở Quảng Ninh thời điểm gần 21h tối nay xuất hiện những cơn mưa nhỏ, gió cũng chưa thật sự mạnh.
Nhận được tin thông báo về cơn bão đầu tiên của mùa mưa năm nay sẽ đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, nên ngay trong chiều nay 23/6, nhiều hộ gia đình đã tranh thủ đi chợ để mua thực phẩm dự trữ.
Nhiều hộ gia đình nghe tin bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh đã tranh thủ đi mua lương thực, thực phẩm để dự trữ
Tại một số khu vực trung tâm TP Hạ Long, khu vực cầu cảng, hàng ngàn tàu thuyền đã vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn như khu vực cảng Cái Lân, khu vực cầu Bài Thơ, khu vực đường bao biển (phường Hồng Hải, TP Hạ Long). Tuy nhiên, trên một số phương tiện của ngư dân, còn một số cháu nhỏ vẫn ở trên thuyền bè, chưa được gia đình di chuyển lên đất liền để tránh trú bão.
Tại khu vực Móng Cái, theo dự kiến ban đầu bão số 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương này nên chính quyền và các ngành chức năng cũng như người dân đã chủ động, tích cực chằng chống nhà cửa, kho tàng, neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Tuy nhiên, tính đến 18h30′ chiều nay (23/6), khu vực này vẫn “trời yên biển lặng”.
Tàu thuyền của ngư dân tập trung neo đậu tránh bão.
Quảng Ninh, Hải Phòng khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão
Video đang HOT
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đọc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự kiến khoảng 22h đêm nay (23/6), nhiều khả năng bão số 1 sẽ đổ bộ vào khu vực TP Hạ Long, TP Cẩm Phả.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp thông báo tới lãnh đạo tất cả các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống bão số 1 theo các công điện của UBND tỉnh.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập nhiều đoàn công tác do các lãnh đạo tỉnh trực tiếp tham gia, chỉ đạo. Cho đến thời điểm này công tác phòng chống bão số 1 cũng như đối phó với sạt lở, lũ quét sau bão tại miền Đông Quảng Ninh cơ bản đã hoàn tất.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cho đến 17h chiều nay đã có 8.276 phương tiện trong đó có 312 tàu đánh bắt cá xa bờ, 546 tàu du lịch, còn lại là bè nuôi trồng thủy sản và các phương tiện khác đã về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, huy động các cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh ứng trực để đối phó bão số 1, góp phần giảm thiệt đến mức thấp nhất do bão số 1 gây nên.
Bão số 1 được dự báo là cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Vân Đồn đến Hạ Long với gió vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 11.
Theo báo cáo nhanh của TP Hạ Long, tính đến thời điểm hiện tại, các hộ nuôi trồng thủy sản đã được đưa lên đất liền và các tàu đánh bắt xa bờ đã về đến nơi tránh, trú bão an toàn.
Theo dự báo thì đây là cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, do vậy, thành phố đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; cảnh báo, thông báo cho nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó với mưa lớn, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp gia cố công trình; hạ thủy mái ta luy; phân thủy dòng chảy chống xói lở.
Đồng thời, thành phố cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản lên bờ và xây dựng các phương án phòng, chống bão để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân.
Cũng trong chiều nay 23/6, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu phải kiên quyết kêu gọi toàn bộ các phương tiện tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão, gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn; chủ động lực lượng, vật tư để phòng, chống bão. Đặc biệt, phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhất là hình thức tuyên truyền lưu động đến các khu dân cư, xã phường để người dân biết diễn biến, tình hình của bão để chủ động phòng chống. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phân công các lực lượng thường trực 24/24h, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh để tổng hợp phục vụ công tác chỉ đạo.
Tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn trước ảnh hưởng của báo số 1
Tại Hải Phòng, công tác phòng chống bão cũng đã được triển khai ngay trong chiều 23/6. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có Công điện số 10 chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương thực hiện công tác phòng chống bão.
Theo báo cáo vào thời điểm 16h ngày 23.6 của Ủy ban Phòng chống lụt bão TP Hải Phòng ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió giật mạnh cấp 9, ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 7.
Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đến 13h00 ngày 23.6.2015 đã phối hợp thông báo, kiểm đếm cho 4.212 phương tiện, lồng bè, chòi canh với 13.707 lao động biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Trao đổi với Dân Trí, đại diện lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cho biết: Ngay từ sau khi nhận được chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của thành phố và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Biên phòng Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp khẩn cấp. Riêng tại Bạch Long Vĩ chúng tôi chỉ đạo Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ hoàn tất mọi công tác chuẩn bị trước 16h ngày 23.6.
Theo quan sát của Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ và Trạm rada Hải quân chỉ còn 06 phương tiện đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vỹ từ 04 đến 08 hải lý.
17h chiều nay, tại khu vực Đồ Sơn đã xuất hiện mưa rất to
Tại huyện Thủy Nguyên nơi có nhiều DN đóng tàu, hiện có nhiều con tàu đã lên đà sửa chữa đã nhận được lệnh hạ thủy tàu, đưa về nơi neo đậu an toàn.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Hải Phòng cho biết đã huy động lực lượng hơn 43 nghìn người làm nhiệm vụ xung kích hộ đê, hơn 1.000 ô tô và 500 tàu thuyền cũng được huy động sẵn sàng ứng phó khi bão về.
Theo ghi nhận của PV, lúc 16h30 tại khu vực biển Đồ Sơn đã mưa to, rất to tuy nhiên thủy triều xuống thấp nên chưa xuất hiện các cột sóng lớn như những năm trước.
Tuấn Hợp – Phạm Hằng – Thu Hằng
Theo Dantri
Những hình ảnh từ nơi tâm bão số 1 quét qua
Bão số 1 chính thức đổ bộ vào Hải Phòng khiến nhiều cây cối đổ, biển bạt bị hất tung, mái tôn quán xá bị gió đánh bật, sóng biển dâng cao. Tại Thái Bình, nhiều tuyến đường ngập nặng sau mưa lớn...
Bão số 1 chính thức đổ bộ vào Hải Phòng mang theo mưa lớn và gió rít mạnh liên hồi. Đến 17h30, tại nội thành Hải Phòng đang có gió rất to, mưa lớn. Nhiều con phố như An Đà, Trần Thành Ngọ, Lương Khánh Thiện... đã có biểu hiện ngập. Gió lớn khiến nhiều biển bạt bị hất tung hư hỏng. Do bão về muộn và có nhiều diễn biến phức tạp nên người dân khá chủ quan.
Nhiều hộ buôn bán nhỏ khi bão ập về mới vội vã gom hàng chạy bão. Một nhóm thanh niên trẻ cũng đã khẩn trương di chuyển kho gạo từ thiện của mình đến nơi an toàn vừa kịp bão ập về.
Tại khu vực biển Cát Bà và Đồ Sơn, biển động dữ dội. Những cột sóng dâng cao từ 5 đến 7 mét kèo theo một lượng nước vào bờ, rất nguy hiểm nếu ai ở gần đó.
Cột sóng dâng cao từ 5 đến 7 mét tại Cát Bà
Và tại Đồ Sơn.
Tàu du lịch được chằng buộc lại ngay trong bão.
Trong khi đó, kể từ trưa nay (24/6), cơn bão số 1 tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có chiều hướng diễn biến phức tạp. Mưa gió lúc to, lúc ngớt, thậm chí có lúc trời còn gần như hửng nắng. Nhưng chỉ một lúc sau đó, trời lại tối sầm và có mưa kéo đến kèm gió lớn. Trạng thái thời tiết này lặp đi lặp lại liên tục cả chiều nay. Cho tới lúc gần 18h chiều, trời sầm và mưa nặng hơn. Khu vực bãi tắm ở khu 3 thị trấn Cô Tô tiếp tục có sóng mạnh. Nhiều người liều lĩnh đổ ra khu vực cầu cảng Cô Tô và bờ biển để "ngắm" và chụp ảnh kỷ niệm, bất chấp gió lớn.
Được sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện về việc có cơ chế giảm giá cho khách du lịch trong những ngày bão. Chiều nay, khách sạn Thái Hà đã thông báo trên loa của Đài phát thanh huyện về việc tổ chức bữa tối miễn phí cho toàn bộ du khách đang mắc kẹt trên đảo Cô Tô.
Hiện nay, vẫn chưa có thông báo khi nào tàu cao tốc từ Cô Tô về đất liền có thể hoạt động trở lại.
Gió giật mạnh tại Kiến Thụy
Một nhóm bạn trẻ Ngươi Hải Phòng " chạy gạo" trong bão
Một tiểu thương chạy hàng tránh bão trên đường Lạch Tray
Tại khu vực đập gần cầu cảng Cô Tô (Quảng Ninh)
Nhiều người liều lĩnh ra chụp ảnh bão
Thái Bình: Mưa lớn nhấn chìm phố xá
Ngay sau khi bão số 1 đổ bộ vào đất liền, khu vực ven biển các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) chịu ảnh hưởng với sức gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Tại thành phố Thái Bình, mưa lớn gây ngập nhiều tuyến phố, có nơi ngập rất sâu.
Vào sáng ngày 24/6, tại các vùng ven biển của Thái Bình chịu ảnh hưởng không nhỏ của cơn bão số 1. Bên cạnh những lượng mưa lớn, các huyện ven biển còn chịu ảnh hưởng sức gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.
Tại thành phố Thái Bình theo ghi nhận của PV, bắt đầu từ sáng ngày 24/6, đã xuất hiện mưa lớn kéo dài trên diện rộng, khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Thái Bình xuất hiện tình trạng ngập lụt.
Nhiều tuyến phố ở thành phố Thái Bình bị ngập lụt (Ảnh: Đức Văn).
Ảnh: Trung Kiên
Sau khi bão số 1 đổ bộ vào đất liền, lượng mưa tại thành phố Thái Bình càng lớn hơn. Nhiều tuyến đường phố, mực nước ngập đến 0,4m, gây khó khăn cho các loại phương tiện tham gia giao thông và cuộc sống.
Hầu hết các tuyến phố của thành phố Thái Bình như: Lý Thường Kiệt, Đốc Nhưỡng, Hai Bà Trưng, Kim Đồng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo... đều xảy ra tình trạng ngập lụt, nước mưa ùn ứ gây ách tắc giao thông, tràn lên vỉa hè.
Nước ngập khiến giao thông, đời sống của người dân bị đảo lộn
Không chỉ các tuyến phố bị ngập, tại Quốc lộ 39 đoạn đối diện với UBND phường Trần Lãm, nước ngập lụt lúc đỉnh điểm đã lên đến 0,4m. Các phương tiện tham gia giao thông qua đoạn này đều gặp tình trạng hết sức khó khăn. Đặc biệt là nhiều xe máy của người dân do nước ngập đã bị chết máy.
Nước ngập không chỉ gây khó khăn cho giao thông, đời sống người dân nơi đây cũng bị đảo lộn. Để tránh nước ngập các hộ gia đình sống hai bên đường đã phải dùng bao tải đựng cát chồng lên nhiều lớp chặn trước cửa để ngăn nước, rác tràn vào nhà, đồng thời kê các vật dụng gia đình lên cao tránh ẩm mốc, hư hỏng.
Đến 17h chiều, mưa ngớt, lượng nước ngập cũng phần nào được giải phóng.
Đến khoảng 17h, tình trạng mưa trên thành phố Thái Bình đã ngớt, lượng nước ùn ứ trên cũng đã phần nào được giải phóng. Người dân thành phố Thái Bình vẫn chủ động các bao tải đề phòng mưa lớn tiếp tục xảy ra để ngăn nước vào nhà.
Quảng Ninh: Chủ động đối phó hoàn lưu bão
14h ngày 24/6, bão số 1 đã đổ bộ vào đất liền khu vực giáp ranh giữa vùng biển Hải Phòng - tỉnh Quảng Ninh và đi sâu vào đất liền. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại lớn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cảnh báo các địa phương chủ đối phó hoàn lưu bão.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, cơn bão số 1 đã làm vỡ 1 lồng bè nuôi hàu tại TP Cẩm Phả và trôi 1 xà lan chở cát tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, không có thiệt hại về người.
Đến nay, toàn bộ hồ chứa nước, tàu thuyền và các tuyến đê, kè vẫn đảm bảo an toàn. Các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh thường trực 100% quân số để ứng cứu khi có yêu cầu. Giao thông và thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh vẫn thông suốt.
Để chủ động đối phó với hoàn lưu bão số 1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Nguyễn Đức Long đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các địa phương chủ động các biện pháp đối phó với hoàn lưu bão số 1.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra thực tế tại các thôn khu, khe, bản xác định thiệt hại do bão gây ra, huy động lực lượng hỗ trợ giúp các gia đình có nhà bị đổ, tốc mái để khắc phục hậu quả, vận động nhân dân khắc phục thiệt hại do bão gây ra để sớm ổn định cuộc sống.
Theo dự báo sau bão có mưa lớn kéo dài, nhất là đầu nguồn biên giới, Chủ tịch UBND các địa phương, nhất là khu vực miền Đông chủ động chỉ đạo bằng những biện pháp cụ thể đối phó đề phòng mưa lớn do hoàn lưu sau bão gây ra; tiếp tục chỉ đạo kiểm tra các khu vực xung yếu trên địa bàn; kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ lưu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu. Huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa bão gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt trên các đường.
Bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, chiều nay, 24/6, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ảnh TTDBKTTVTƯ) Theo đó, hồi 17h chiều nay (24/6), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là khoảng từ 50 đến 60km một giờ), giật cấp 8-9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 25/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,7 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ). Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, tối và đêm nay (24/6) ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió giật mạnh cấp 8-10. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định còn có gió giật mạnh cấp 7-9. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Từ ngày 24 đến 25/6, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ (bao gồm cả Nam Tây Bắc). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Nguyễn Dương
Thu Hằng - Phạm Hằng - Đức Văn - Tuấn Hợp
Theo Dantri
Nhiều chuyến bay trong nước bị hủy hoặc chuyển hướng do bão số 1 Hôm nay 24.6, do ảnh hưởng của bão số 1 (bão nhiệt đới KUJIRA), các chuyến bay của Vietjet gồm VJ284, VJ285, VJ288, VJ289 chặng TP.HCM đi Hải Phòng và ngược lại chuyển sang chặng TP.HCM đi Hà Nội và ngược lại; các chuyến bay VJ286 và VJ287 bị hủy. Các chuyến bay bị ảnh hưởng do nguyên nhân thời tiết đã tác...