Hàng trăm cựu sinh viên “ngã ngửa” vì bị “đòi nợ” sau 2 năm ra trường
Hàng trăm cựu sinh viên Trường ĐH Lâm Nghiệp bức xúc phản ánh việc nhà trường gửi thư về nhà thông báo còn nợ học phí sau khi họ đã ra trường được 2 năm.
Không trả sẽ bị “xử lý theo quy định hiện hành”
Một sinh viên tên Th. khoa Quản lý đất đai K54 (ĐH Lâm Nghiệp) phản ánh: “Dù đã ra trường được 2 năm nhưng nhà trường vẫn “nghĩ ra” thêm được khoản gì đó 86.000 đồng để gửi giấy về gia đình của tôi”.
Th. đã ra trường từ tháng 7/2013 nhưng vừa qua, Th. “ngã ngửa” khi được bố mẹ thông báo Trường ĐH Lâm Nghiệp gửi thư về tận nhà thông báo còn nợ học phí là 86.000 đồng và yêu cầu nộp trước ngày 29/4/2015.
Hỏi bạn bè cùng khóa, Th. được biết họ cũng vừa nhận được thông báo của nhà trường gửi về nhà với nội dung hoàn thành học phí còn nợ.
“Số tiền không lớn nhưng chúng tôi cảm thấy khó hiểu. Khóa tôi đã ra trường được 2 năm rồi và đã cam kết hoàn thành học phí trước khi lấy bằng nhưng đến giờ nhà trường vẫn nói nợ là sao?”, Th. băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu phó Trường ĐH Lâm Nghiệp (ảnh: Tuổi Trẻ).
Thắc mắc điều này, Th. gọi điện lên trường theo số ghi trong phong bì thư và nhận được câu trả lời từ phía nhà trường như sau: “Trong quá trình học, một số môn học phí đã tăng nhưng vẫn chưa cập nhật tại thời điểm ấy (thời điểm đang học).
Hiện nay soát lại thấy thiếu hụt nên nhà trường tính toán lại và gửi giấy về. Các em ra trường đi làm rồi khoản tiền đó cũng không đáng bao nhiêu nên cố gắng nộp trả lại”.
Khi Th. hỏi lại tại sao không thông báo thì được người tiếp nhận điện thoại trả lời rằng: “Liên hệ phòng tài chính để rõ thêm”.
Cũng giống như trường hợp trên, H. (K54, ĐH Lâm Nghiệp) chia sẻ trên trang cá nhân: “Hôm 6/4, mẹ mình nói có giấy báo của trường VFU (ĐH Lâm Nghiệp) gửi về thông báo nợ 86.000 đồng học phí. Mình ra trường tận 2 năm rồi mà!”.
Ban đầu, H. không tin nhưng liên hệ bạn bè cùng lớp, H.mới biết có bạn còn nợ nhiều hơn thế, từ 220.000 đồng đến 500.000 đồng…
Nội dung thông báo của H. như sau: “Nếu sau ngày 29/4/2015, sinh viên trên vẫn còn nợ học phí nhà trường thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Gia đình có thể nộp tiền còn nợ học phí cho sinh viên theo hình thức chuyển tiền vào tài khoản học phí của trường ĐH Lâm nghiệp”.
Video đang HOT
H. bức xúc nói: “Mình ra trường đúng hạn và đã lấy toàn bộ hồ sơ cá nhân, bằng tốt nghiệp cách đây gần 2 năm trước. Mà theo quy định nếu không hoàn thành học phí thì nhà trường không trả bằng.
Vì vậy, mình thấy việc thông báo nợ học phí là vô lý hết sức. Tuy nhiên, mình không hề nhận được lời giải thích rõ ràng từ phía nhà trường”.
Không nhầm lẫn, không có chuyện “lừa gạt” sinh viên
Khi PV liên hệ với nhà trường, một nhân viên phòng tài chính cho biết: “Tôi không biết rõ chuyện này” và xin phép cúp máy vì đang bận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu phó Trường ĐH Lâm Nghiệp xác nhận việc trường gửi thư về từng gia đình sinh viên cũ yêu cầu hoàn thành học phí còn thiếu.
Ông nói đó là những trường hợp chưa hoàn thành học phí của trường, kỳ cuối học môn bổ sung nhưng nộp còn thiếu nên yêu cầu hoàn thành khoảng vài chục hay vài trăm nghìn đồng.
Khi được hỏi liệu khoảng thời gian quá lâu (1 – 2 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp) mới thông báo thiếu học phí thì có vô lý không, ông Tuấn khẳng định:
“Chúng tôi theo dõi trên toàn bộ hệ thống, sau khi nhà trường tổng kiểm kê học phí sinh viên còn nợ đọng, chúng tôi gửi giấy thông báo để các em thực hiện hết nghĩa vụ.
Tôi chẳng thấy vô lý gì cả, kể cả 10 năm thì chúng tôi vẫn đòi. Đúng ra là sinh viên nào chưa hoàn thành học phí thì không được cấp bằng nhưng chúng tôi đã nhân nhượng cho các em.
Chúng tôi cũng thương sinh viên, nhiều em có khó khăn nhất định nên nới lỏng cho các em nợ học phí 1 kỳ để tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập mà không lo lắng hay bị áp lực về việc học phí”.
Thông báo gửi về tận nhà yêu cầu sinh viên nộp học phí mặc dù đã ra trường được 2 năm.
Ông cũng thừa nhận rằng, quản lý nhà trường có phần “thoáng” nên đã xảy ra tình trạng tồn đọng học phí sinh viên còn nợ.
Số lượng này chỉ xảy ra ở vài chục trường hợp chứ không phải toàn bộ sinh viên hai khóa K54, K55 (hai khóa ra trường từ 1 – 2 năm).
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định không có chuyện “lừa gạt” hay “nhầm lẫn” tính toán học phí để “đòi nợ” cựu sinh viên như phản ánh.
“Do các em điều chỉnh quy trình học kỳ cuối, có nhiều trường hợp đã đăng ký làm khóa luận nhưng giữa chừng đổi sang đăng ký môn 10 tín chỉ bổ sung thay thế nên chúng tôi chưa cập nhật tính học phí tín chỉ.
Còn nếu sinh viên phản ánh, chúng tôi sẽ chứng minh chi tiết từng tín chỉ đóng bao nhiêu tiền một cách minh bạch, rõ ràng.
Từ khóa K53, chúng tôi chuyển sang đào tạo tín chỉ nên việc nộp học phí không theo học kỳ, tháng như niên chế mà theo tín chỉ nên quản lý khó. Nhưng giờ thì không vấn đề gì”, vị hiệu phó này cho biết.
Ông Tuấn cũng thừa nhận: “Chúng tôi quản lý lỏng lẻo quá. Đó là cái cần phải rút kinh nghiệm ở những khóa sau. Đợt vừa rồi, chúng tôi đã kiểm tra chặt chẽ hơn, dứt khoát không nhân nhượng, nếu còn nợ học phí thì không xét tốt nghiệp”.
Theo Trí Thức Trẻ
Các trường tăng học phí lên 14-16,5 triệu đồng
Trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường đại học.
Các trường này sẽ được nhiều quyền chủ động hơn trong tuyển sinh, đào tạo và quyết định về tài chính.
ĐH Tài chính - Marketing sẽ tăng học phí lên 16,5 triệu đồng
Là trường mới thành lập, cơ sở tại TP HCM và trực thuộc Bộ Tài chính, mức tăng học phí của ĐH Tài chính - Maketing khá thoáng.
Mức thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng một sinh viên, năm 2016-2017 là 16,5 triệu đồng.
Học phí đang áp dụng trong năm 2014, 2015 được giữ nguyên để bảo đảm toàn bộ các nội dung chi thường xuyên và một phần nguồn kinh phí phục vụ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của trường.
Với đề án này, trường được chủ động mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất...
ĐH Hà Nội hướng tới mô hình đa ngành
Trong ngày 20/3, Thủ tướng cũng có văn bản phê duyệt cho phép trường ĐH Hà Nội hoạt động theo cơ chế mới.
Trước mắt, trường thu học phí ổn định theo kế hoạch với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 7,8 triệu đồng một sinh viên, năm 2015-2016 tăng lên 12 triệu đồng và 2016-2017 là 14 triệu đồng.
ĐH Hà Nội sẽ được chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện.
ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tăng học phí lên 13,5 triệu đồng
Giữa tháng 3, Thủ tướng cũng phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2015-2017.
Mục tiêu chung là trường chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu theo chuẩn mực khu vực và quốc tế.
Trường sẽ thu học phí ổn định với mức bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 9,5 triệu đồng mỗi sinh viên. Năm học 2015-2016 tăng lên 11,5 triệu và đến năm 2016-2017 là 13,5 triệu.
Các quyết định thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường đại học nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho Ngân sách nhà nước.
Học phí thấp: Nhà nước đang trợ cấp ngược
Học phí là nguồn thu chủ yếu của các cơ sở đào tạo. Từ năm 1998 đến năm 2010 đã 3 lần có quyết định của Thủ tướng về tăng học phí. Mặc dù vậy, theo tính toán đến năm 2015, mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng được tù 50%-60% chi phí đào tạo cần thiết. Thu từ khoa học và công nghệ, cung cấp dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp.
Nếu so sánh thay đổi mức học phí trong mối tương quan với với thay đổi mức tiền lương cơ bản, có thể thấy học phí ở giai đoạn này tăng 133%, trong khi lương cơ bản tăng 507%.
Mặt tích cực của chính sách học phí thấp là tạo cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên, tăng quy mô. Nhưng bên cạnh đó là hàng loạt hạn chế như mang tính bình quân, không khác biệt nhiều giữa các ngành đào tạo...
Học sinh thuộc gia đình có thu nhập cao và học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp cùng đóng một mức học phí thấp như nhau, trong khi đó học sinh thuộc các gia đình có thu nhập cao chiếm tỷ trọng cao trong các cơ sở đào tạo công lập, dẫn đến việc nhà nước đang trợ cấp ngược cho người có thu nhập cao.
Việc sửa đổi chính sách học phí theo hướng chuyển chính sách học phí sang cơ chế giá dịch vụ, học phí tính đủ chi phí đào tạo cần thiết theo chuẩn đầu ra. Học phí tương xứng với chất lượng đào tạo, thu học phí cao đối với đào tạo chất lượng cao.
Học phí được tính theo cơ chế thị trường đối với những ngành học xã hội có nhu cầu cao, có khả năng xã hội hóa cao.
Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thông qua học phí đối với một số ngành học xã hội đang thiếu. Cần công khai, minh bạch hóa các nguồn thu tài chính ngoài học phí.
TS. Nguyễn Trường Giang (Bộ Tài chính) - Tham luận Đổi mới Chính sách huy động và phân bổ nguồn lực tài chính đối với giáo dục đại học ở Việt Nam, thực hiện mục tiêu chất lượng, công bằng và hiệu quả tại Đối thoại giáo dục diễn ra ở TP HCM ngày 31/7.
Theo Hạ Anh/Báo Vietnamnet
Tuyển sinh riêng, ĐHQG Hà Nội đưa ra nhiều chính sách thu hút thí sinh ANTĐ - Một mình một cách tuyển sinh, ĐHQG Hà Nội vừa tuyên bố sẽ tổ chức 7 cụm thi từ Đà Nẵng đến Thái Nguyên để đánh giá năng lực thí sinh ngay từ tháng 5 này. ĐHQG Hà Nội công bố kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy 2015 vào các trường thành viên sẽ tổ chức theo phương thức...