Hàng trăm buồng chuối đẹp “không tì vết” đang chờ bán dịp Tết
Xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là địa phương nổi tiếng với đặc sản chuối Tết và nơi đây có chợ chuối lớn nhất của tỉnh. Để có thu nhập cao thì người chăm sóc chuối phải làm đúng các tiêu chuẩn “Căng trái, không tì vết, trái đều…”.
Theo các hộ trồng chuối tại xã Suối Cát cho biết, chuối bán vào dịp Tết Nguyên đán luôn có giá cao hơn so với ngày thường và thị trường cũng tiêu thụ mạnh hơn. Nếu như những ngày thường giá bán từ 200.000 – 300.000 đồng/buồng, thì vào dịp Tết giá bán gấp đôi, thậm chí cao gấp 3 lần.
Những buồng chuối đẹp không tì vết sẽ được cung cấp cho các thương lái vào những ngày giáp Tết
Ông Nguyễn Minh Tấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Cát cho biết: Toàn xã có trên 400 hộ trồng chuối, với khoảng 250ha diện tích chuối và đa số bà con nông dân nơi đây chủ yếu trồng chuối bán dịp Tết Nguyên đán. Vào những ngày này, các thương lái đã đến các nhà vườn đặt hàng chuối Tết để cung cấp các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội,…
Theo ông Tấn, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng nên năm nay lượng chuối cung cấp ra thị trường khan hiếm hơn so với mọi năm. Vào những ngày này, một số hộ nông dân đã bắt đầu xuất bán lai rai những buồng chuối quá già cho các thương lái. Còn các buồng chuối còn lại nông dân treo trên cây chờ bán Tết.
Video đang HOT
Vườn chuối của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa sẽ cung cấp khoảng 300 buồng chuối ra thị trường. Đây là vườn chuối cấy mô nên quả cho ra đồng đều, mẫu mã đẹp.
Ông Mai Xuân Thương – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa cho biết, với vườn chuối hơn 1.000 gốc, dự kiến năm nay đơn vị sẽ xuất ra thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán khoảng 300 buồng và sau Tết tiếp tục bán trên 700 buồng. Đây là giống chuối cấy mô nên có nhiều ưu điểm như: Trái đẹp, trái đồng đều, ít bệnh, chuối ra hoa đồng loạt và đặc biệt dễ dàng điều chỉnh để phục vụ mùa Tết.
Ông Thương cho hay, hiện nay nhu cầu trồng chuối cấy mô của nông dân các tỉnh lân cận rất lớn, chỉ tính riêng năm 2019 đơn vị đã xuất bán 16.000 cây chuối cấy mô. Nghề trồng chuối cấy mô nếu chăm sóc đúng vào dịp Tết thì hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân 1ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chợ chuối tại xã Suối Cát, Cam Lâm (Khánh Hòa) luôn nhộn nhịp vào những ngày giáp Tết.
Ông Nguyễn Văn Anh, chủ hộ trồng chuối tại địa phương cho hay, vụ này gia đình trồng được 4 sào chuối và dự kiến dịp Tết sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 250 buồng chuối đẹp, trung bình mỗi buồng có từ 6 – 9 nải. Để làm được buồng chuối bắt mắt, ngay từ đầu năm gia đình đã phát dọn cỏ, cắt lá khô và chăm sóc. Vụ này, gia đình rất kỳ vọng vào chuối Tết để có tiền trang trải cho gia đình.
Theo Danviet
An Giang: Trồng 70ha chuối trên đất phèn, thu nhập hàng chục tỷ
Những năm gần đây, mô hình trồng chuối cấy mô trên đất phèn được nông dân An Giang lựa chọn, mô hình này cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức) ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một trong những nông dân sở hữu đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh An Giang, với hơn 150ha. Mặc dù diện tích đất ruộng lớn nhưng lại là vùng đất trũng, bị nhiễm phèn nên việc cải tạo đất để sản xuất cũng gặp không ít khó khăn và tốn kém.
Những năm trước đây, ông đã từng chuyển đổi canh tác với nhiều loại cây trồng nhưng hiệu quả vẫn không cao. Năm 2016, ông Đức mạnh dạn đầu tư trồng hơn 50 ha chuối cấy mô. Giai đoạn đầu, do chưa có kinh nghiệm trong việc canh tác nên đã gặp không ít khó khăn, phần lớn diện tích chuối bị bệnh, cho năng suất không cao.
Trồng chuối cấy mô cho lợi nhuận cao. (Ảnh: KT)
Cuối năm 2017, được sự hỗ trợ của ngành chức năng tỉnh An Giang, ông đã tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ về kỹ thuật, từ đó mô hình chuối cấy mô của ông đã phát triển tốt tại vùng đất phèn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Lợi Đức chia sẻ: "Cây chuối so sánh với cây lúa thì hiệu quả hơn rất nhiều, còn so với cây trồng khác thì phải xem lại điều kiện thổ nhưỡng. Bưởi da xanh, sầu riêng thì giá rất tốt, trồng chuối, giá trị không bằng. Cho nên, trước khi trồng cây gì thì phải xem thổ nhưỡng nó có hợp hay không, đất này là đất nhiễm phèn. Hiện tại năng suất rất là tốt nên người dân yên tâm".
Cũng theo ông Nguyễn Lợi, cây chuối cấy mô rất phù hợp với vùng đất phèn, ít sâu bệnh hơn so với cây chuối truyền thống bằng cây con, dễ bố trí mùa vụ, thu hoạch cho năng suất cao. Hiện nay, ông đã mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 70ha. Tính chi phí cho 1kg chuối khoảng 3.500 đồng, giá chuối bán ra dao động khoảng 8.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, lợi nhuận thu được là 140 triệu đồng/ha, mỗi năm thu lợi là gần chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động có việc làm ổn định. Hiện nay, mô hình trồng chuối của ông được sản xuất theo mô hình khép kín: trồng chuối- nuôi bò-nuôi cá.
Chia sẻ về mô hình này, ông Nguyễn Lợi Đức nói: "Tôi sản xuất theo mô hình tương đối khép kín. Đối với phụ phẩm của chuối như chuối rập thì có đàn bò, cộng thêm hệ thống kênh mương rộng, chuối nào qua thì đổ cho cá ăn, chuối nào già mà vừa chín thì cho bò ăn, phân bò đem nuôi trùn quế, một phần bón lại cho cây chuối, trùn quế cũng tập trung dưỡng cho cây chuối. Trong một chuỗi sản xuất nó liên kết với nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ giảm được chi phí, tạo ra sản phẩm sạch, tốt hơn".
Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, mô hình trồng chuối cấy mô của ông Nguyễn Lợi Đức được đánh giá là mô hình tiêu biểu đi đầu trong việc tổ chức sản xuất và tập trung đất đai theo quy mô lớn. Từ mô hình ban đầu này, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp, nông dân sản xuất chuối cấy mô với tổng diện tích khoảng 500 ha, được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đạt chuẩn xuất khẩu.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian gần đây, nhiều nước nhập khẩu đang rất chuộng chuối Việt Nam. Đặc thù của chuối khi trồng liên tục trên cùng một vùng đất rất dễ nhiễm bệnh. Nhiều vùng đất của Việt Nam mới trồng lần đầu nên chuối phát triển tốt, ít nhiễm bệnh, các nhà nhập khẩu yên tâm hơn.
Hiện nay, An Giang đã quy hoạch hơn 10.000ha để trồng chuối. Trước mắt, tỉnh ưu tiên trồng ở huyện Tri Tôn vì đây là vùng đất còn nhiễm phèn, trồng chuối hiệu quả hơn một số loại cây trồng khác. Từ huyện Tri Tôn, tỉnh sẽ nhân rộng cây chuối ra các vùng có điều kiện khác, nhất là vùng sản xuất lúa kém hiệu quả như Bảy Núi.
"Hiện nay, An Giang đang kết hợp với công ty nông nghiệp của Nhật triển khai một số dự án để sản xuất nông sản là trái cây và rau quả, đặc biệt là chuối, để đưa vào thị trường Nhật cũng như xuất đi các nước khác", ông Trần Anh Thư cho biết thêm.
Trồng chuối cấy mô trên đất phèn là mô hình vừa phù hợp với thổ nhưỡng, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng đất, đáp ứng các tiêu chuẩn nông sản chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là điều kiện để An Giang nhân rộng mô hình này, hướng đến đưa cây chuối là một trong những cây chủ lực của tỉnh.
Theo Phan Ánh (VOV)
Trồng chuối bơm, chuối sứ bán cả lá, hoa, quả đem sấy thành đặc sản Huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) được biết đến là vùng có diện tích trồng chuối lớn từ nhiều năm nay. Đây cũng là nơi nổi tiếng với món chuối sấy, một đặc sản của địa phương. Trước làn sóng người dân ồ ạt thay thế giống chuối truyền thống (chuối bơm và chuối sứ) bằng giống chuối cấy mô xuất khẩu, nhiều...