Hàng trăm bác sĩ trẻ tình nguyện về miền núi
Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa mới được Bộ Y tế phát động chưa lâu, song hiện đã có hàng trăm bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký tham gia. Sau đề án 1816, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong phát triển hệ thống y tế nước nhà đến tận cấp cơ sở.
Bác sĩ trẻ về công tác tại huyện Bắc Mê (Hà Giang) theo đề án 1816
Dấn thân và cơ hội
Video đang HOT
Vào đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay, tại trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng khó khăn, biên giới hải đảo và 62 huyện nghèo”. Sự kiện này đang là đề tài được rất nhiều y bác sĩ trẻ, những sinh viên năm cuối của 4 trường Đại học Y ở miền Bắc gồm ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình và ĐH Y Thái Nguyên hết sức quan tâm. Hiện tại đã có gần 100 sinh viên của 4 trường nói trên, trong đó chỉ tính riêng trường Đại học Y Hà Nội đã có 50 sinh viên năm cuối các khoa – những bác sĩ trẻ chuẩn bị tốt nghiệp trong vài tháng nữa, đã đăng ký tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên cả nước. Đó là chưa kể có khá nhiều bác sĩ trẻ đã ra trường, hành nghề được một thời gian cũng sẵn sàng đăng ký.
Mặc dù quy định về thời gian mà dự án đưa ra khá ngặt nghèo, đó là khi tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn, bác sĩ nam phải công tác tối thiểu 3-5 năm, với bác sĩ nữ tối thiểu là 2-3 năm, song qua tiếp xúc với các bác sĩ trẻ thì đó không phải là trở ngại lớn. Thậm chí, rất nhiều bác sĩ trẻ gia đình có điều kiện tốt, việc thu xếp công việc sau khi ra trường không cần lo lắng, song vẫn tình nguyện về các vùng khó khăn. Chẳng hạn như câu chuyện của Đoàn Văn Biên, sinh viên năm cuối ngành đa khoa – Đại học Y Hà Nội. Vốn là người rất thích tham gia các chương trình tình nguyện, sau khi được giới thiệu về chương trình dự án nói trên, Biên đã đăng ký sẽ về công tác tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) khi tốt nghiệp. “Biết ý định của em, bố mẹ em suy nghĩ rất nhiều và hiện vẫn chưa đồng ý, song em sẽ cố gắng thuyết phục thêm bố mẹ về ý nghĩa nhân văn của việc làm này” – Biên tâm sự.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho các bác sĩ trẻ yên tâm khi về công tác tại các địa bàn khó khăn, bao gồm cả hỗ trợ về tiền lương cũng như tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về được ký hợp đồng làm việc tại các BV công lập lớn… Ở cương vị người thầy giáo, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, tham gia dự án là một cơ hội tốt, một trải nghiệm không dễ gì có được cho một số sinh viên ra trường như có ngay việc làm, được đào tạo miễn phí, được lựa chọn nơi trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Vẫn còn không ít âu lo
Những lời khẳng định của lãnh đạo ngành y tế, lời hứa hẹn của các nhà trường và BV đào tạo họ là cần thiết, song vẫn cần những đảm bảo có tính vững chắc hơn. Đó cũng là những tâm sự, những trăn trở nhiều nhất mà các bạn sinh viên năm cuối trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề này. Trò chuyện với chúng tôi, một số bác sĩ trẻ nói thẳng rằng, họ cũng rất muốn đi tình nguyện nhưng chỉ sợ “đi rồi không có đường về, bởi trong khoảng thời gian 3-5 năm mà chúng em công tác tại miền núi, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều và khi về, không biết chúng em còn thích nghi được với môi trường công tác mới hay không”.
Hoàng Quang Th., sinh viên ngành bác sĩ đa khoa – ĐH Y Hà Nội chia sẻ, em sẵn sàng đăng ký đi bất cứ nơi đâu để làm việc, để đem kiến thức, tay nghề của mình phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân những vùng khó khăn. Tuy nhiên, bản thân em cũng như mọi người khi dấn thân cống hiến cũng đều mong muốn có một tương lai tốt hơn. Vì vậy, để đi đến quyết định cuối cùng cần phải “có những điều kiện” chặt chẽ hơn thì mới thúc đẩy các bác sĩ trẻ nhiệt tình tham gia chương trình này.
Sẽ cải thiện chất lượng y tế cơ sở
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Y tế cho biết, hiện nay rất nhiều huyện vùng sâu, vùng xa đang ở trong tình trạng thiếu trầm trọng nhân lực y bác sĩ. Yêu cầu phải có 7-8 bác sĩ/ 1 vạn dân, song nhiều địa phương cả huyện chỉ có chưa đến 7-8 bác sĩ, vì vậy không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Với đề án đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn, nhìn tổng thể vẫn chưa thay đổi căn cơ cho tình trạng thiếu bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa nhưng chắc chắn khi triển khai,người dân vùng khó khăn sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn trước nhiều.
Theo ANTD
Những người trẻ "bỏ nhà" lên núi vì người nghèo
Năm 2012, có gần 600 thanh niên, trí thức trẻ đã lần lượt khoác ba lô lên nhận nhiệm vụ tại 62 huyện nghèo nhất của cả nước theo Dự án 600 phó chủ tịch xã.
Gác lại sau lưng gia đình, bè bạn, gác lại phố thị phồn hoa và thời sinh viên nhiều mơ mộng, những người con ấy nguyện đem sức trẻ đến những bản làng heo hút nhất của Tổ quốc với hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn cho những đồng bào còn nghèo khó.
Bỏ phố lên rừng
Đang là Phó giám đốc điều hành Công ty Cổ phần trồng rừng Sơn Lâm (ở Lục Nam, Bắc Giang) và mới 27 tuổi, tương lai rất rộng mở phía trước, lại đã có gia đình riêng với một con nhỏ, nhưng Đinh Văn Nam (quê xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) lại đùng đùng xin đi làm phó chủ tịch xã ở Sơn Động, một trong những huyện nghèo nhất nước.
"Không ít người cho rằng quyết định của tôi thật điên rồ, nhưng mỗi người có một lựa chọn, một đam mê. Từ thời sinh viên, tôi đã đi tình nguyện lên miền núi, thấy cuộc sống của bà con ở đó rất khó khăn nên ấp ủ dự định làm một việc gì đó để giúp đỡ họ, và Dự án này chính là một cơ hội," Nam chia sẻ.
Mặc dù cùng tỉnh nhưng Sơn Động cách nhà Nam hơn 100 km, đường giao thông không thuận lợi và sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số, khác biệt từ ngôn ngữ đến phong tục tâp quán, nhưng Nam bảo, đã đi tình nguyện lên vùng khó thì những thách thức đó là tất yếu. "Ngay cả vợ tôi cũng xác định được khó khăn này. Hiểu chồng nên chính cô ấy là người đã nói cho tôi biết về dự án 600 trí thức trẻ và động viên chồng tham gia. Đó là một may mắn với tôi," Nam tâm sự.
Giống như Nam, Đàm Đức Đông sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, dáng người nhỏ thó nhưng chàng trai trẻ với nụ cười tươi rói này lại xung phong lên nhận nhiệm vụ ở tận xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Lai Châu.
Làm Phó chủ tịch xã khi mới 23 tuổi, đó là cả một thách thức lớn với Đông, nhưng "anh hai quan họ" này hiện là một cán bộ rất năng nổ của xã Hồ Bốn. Thành công đầu tiên của Đông là đã triển khai rất tốt việc phòng chống rét và bệnh tật cho gia súc trong mùa đông.
Cậu còn mang cả công nghệ lên vùng cao, thực hiện công tác tuyên truyền không chỉ bằng lời nói suông mà còn bằng cả hình ảnh, video clip minh hoạ để thêm phần sinh động và tăng tính thuyết phục với bà con.
Khi cử nhân văn làm kinh tế
Trong dự án 600 trí thức trẻ, không chỉ có các nam thanh mà còn rất nhiều nữ tú cũng sẵn sàng xách ba lô lên vùng khó.
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trần Thị Hương rất háo hức khi biết thông tin về Dự án 600 phó chủ tịch xã nên đăng ký tham gia.
Phó Chủ tịch xã Nam Quang Trần Thị Hương.
Hương được phân về làm Phó Chủ tịch xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Đây là một xã đặc biệt khó khăn với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là Tày, Nùng, H'mông, Dao, Sán Chỉ, nằm cách trung tâm thành phố 180 km.
Cô cử nhân văn khoa được giao phụ trách mảng kinh tế, lĩnh vực hoàn toàn trái ngược chuyên ngành học, với một loạt chức vụ như Tổ trưởng tổ kiểm tra dân xâm canh xâm cư trên địa bàn xã, Tổ trưởng tổ thực hiện Dự án Cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Ban quản lý Quỹ hỗ trợ và phát triển xã, Phó Ban phòng chống bão lũ, bảo vệ và phát triển rừng.
"Ban đầu, nhận hàng loạt công việc, lại là những việc hoàn toàn mới với mình, tôi hơi &'choáng', nhưng cũng nhanh trấn tĩnh vì đã được chuẩn bị tinh thần từ trước," Hương chia sẻ.
Để đảm nhiệm được công việc của mình, Hương bảo, cô đã phải nỗ lực rất nhiều, chịu khó đi xuống cơ sở để làm quen với đồng bào, để nắm được tình hình hoạt động kinh tế của nhân dân trong xã. Có 4 xóm trong xã phải đi bộ, có xóm cách cả chục cây số, Hương phải dậy từ sáng tinh mơ, trèo hết đèo này đến lội suối kia, luồn qua rừng, mất quá nửa ngày mới đến nơi.
Từ những chuyến thực địa ấy đã giúp Hương định hướng được cách giải quyết công việc. Trong chín tháng công tác tại Nam Quang, cô đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký trồng cỏ voi, đăng ký xây dựng chuồng trại, hồ sơ hỗ trợ bò cái sinh sản, góp phần giải quyết xong tình hình xâm canh xâm cư giữa hai xã Nam Quang và Tân Việt, xây dựng xong bản kế hoạch phát triển kinh tế xã hội xã Nam Quang năm 2013, xây dựng mô hình thí điểm trồng ngô lai và lạc tại địa phương...
Hương còn đang xây dựng dự án nuôi lợn đen thương phẩm vì nhận thấy người miền xuôi rất thích lợn đen miền núi và thường mua với giá cao. "Trước mắt phải tìm được mối bán hàng ổn định, sau đó em sẽ triển khai trong xã. Nếu dự án thành công thì dân Nam Quang sẽ có thêm một nguồn thu, kinh tế sẽ khá hơn một chút," cô Phó chủ tịch xã trẻ chia sẻ đầy hy vọng.
Hy vọng đó không chỉ của Hương mà của tất cả người dân các huyện nghèo, của cả Đảng và Nhà nước khi quyết định triển khai dự án 600 trí thức trẻ. Với tinh thần và nhiệt huyết cống hiến, họ như những ngọn lửa nhen lên và sẽ làm bừng sáng những vùng quê nghèo heo hút.
Theo Phạm Mai
Vietnam
Đêm hội tình nguyện ở Quảng Ngãi Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng, tối 3/2, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức đêm hội tình nguyện với chủ đề "Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên tham gia với nhiều hoạt động sôi nổi. Trong đêm hội tình nguyện, nhiều học sinh, sinh viên đã mang đến những bức tranh "Mừng...