Hãng tin AP kêu gọi điều tra vụ Israel không kích đánh sập tòa tháp Jala
Tổng biên tập hãng tin AP của Mỹ Sally Buzbee ngày 16/5 đã yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập vụ không kích làm sập tòa tháp Jala, nơi đặt văn phòng đại diện của nhiều hãng thông tấn quốc tế ở Dải Gaza.
Tòa tháp Jala, nơi đặt văn phòng một số hãng truyền thông quốc tế, bị đổ sập do trúng không kích của Israel tại Dải Gaza, ngày 15/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trên truyền hình, bà Sally Buzbee cho biết các phóng viên không bị thương và đang dùng chung văn phòng với hãng tin AFP tại Dải Gaza, nhưng cuộc tấn công đã phá hủy địa điểm quan trọng với hoạt động thu thập tin tức ở khu vực này.
Bà tuyên bố: “Chúng tôi không đứng về bên nào trong cuộc xung đột. Chúng tôi tin rằng phải bảo vệ quyền cho thế giới biết điều gì đang xảy ra trong cuộc xung đột này. Đây là câu truyện quan trọng, những gì đã xảy ra sẽ khiến thế giới nắm được ít thông tin hơn”.
Phát biểu được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết văn phòng tình báo của Hamas đặt trong tòa nhà đó đã lên kế hoạch và tiến hành nhiều cuộc tấn nhằm vào dân thường Israel, do vậy, nó là mục tiêu hoàn toàn hợp pháp.
Video đang HOT
Tòa tháp Jala 12 tầng ở Dải Gaza đổ sập hoàn toàn sau khi trúng hàng loạt bom, tên lửa Israel. Phía quân đội Israel đã gọi điện cho chủ sở hữu tòa nhà, thông báo về cuộc không kích sắp diễn ra và cho mọi người bên trong một giờ để sơ tán. Đúng một giờ sau, tòa nhà liên tục trúng hỏa lực từ tiêm kích Israel.
Đụng độ giữa Israel và dân quân Hamas tại Dải Gaza vẫn tiếp tục leo thang. Quân đội Israel cho biết Hamas đã phóng hơn 3.000 quả rocket nhằm vào lãnh thổ Israel trong một tuần qua, mật độ hỏa lực lớn chưa từng có. Hệ thống phòng thủ “Vòm Sắt” của Israel hạ phần lớn rocket, nhưng nhiều quả đạn vẫn xuyên qua được lưới phòng không và rơi trúng các khu vực dân cư, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng.
Quân đội Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích tại Dải Gaza để trả đũa, khiến tổng cộng 181 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 52 trẻ em.
Cộng đồng quốc tế hối thúc Israel - Palestine ngừng bắn
Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 16/5, Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nếu Israel và Palestine nhất trí muốn ngừng chiến nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đang ngày càng diễn biến tồi tệ giữa hai bên.
Cảnh đổ nát sau loạt không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 15/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp mới nhất của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về tình trạng bạo lực leo thang giữa hai bên, Đại sứ Thomas-Greenfield cho hay, kể từ lần cuối HĐBA họp về vấn đề Israel - Palestine, Mỹ đã nỗ lực không mệt mỏi qua các kênh ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề xung đột giữa Israel và Palestine.
Bà Thomas-Greenfield khẳng định trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Israel, Palestine và cả những đối tác trong khu vực Trung Đông, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất về địa điểm nếu các bên mong muốn tìm kiểm giải pháp ngừng chiến bởi Mỹ tin rằng cả người dân Israel và người dân Palestine đều có quyền bình đẳng được sống trong môi trường an toàn và đảm bảo an ninh.
* Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 16/5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết Cairo sẽ nỗ lực hết sức để đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Palestine, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu ngừng leo thang.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), ông Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trên các vùng lãnh thổ của Palestine và việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định giải pháp hai nhà nước vẫn là lựa chọn khả thi duy nhất để chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay.
Ngoại trưởng Shoukry cũng lưu ý rằng ngay từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, Ai Cập đã tìm cách, thông qua các kênh liên lạc, nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và khôi phục các cuộc đàm phán nghiêm túc.
Kể từ đầu tuần trước, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Israel và các lực lượng tại Dải Gaza. Một phái đoàn Ai Cập đã gặp các quan chức của Tel Aviv và Hamas, qua đó Ai Cập đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một năm giữa hai bên do Cairo giám sát và điều phối. Tuy nhiên, đề xuất của Ai Cập đã bị Israel từ chối.
Trong những năm qua, Ai Cập đã đàm phán với một số nước phương Tây để thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine vốn đang bị đóng băng. Hồi tháng 2/2020, Ai Cập, Jordan, Pháp và Đức đã thành lập Ủy ban Bộ tứ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Munich với mục đích khôi phục các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ. Ủy ban này tới nay đã tổ chức 4 cuộc họp. Cuộc họp gần đây nhất được Ai Cập tổ chức vào tháng 2/2021. Tại đây, các ngoại trưởng của 4 nước đã đưa ra 11 điều khoản được nêu chi tiết trong một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh những nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông.
* Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Maas trên báo "Bild am Sonntag" ngày 16/5 cho biết lộ trình 3 bước nhằm giảm leo thang gồm ngừng tấn công bằng tên lửa; chấm dứt bạo lực; và trở lại đàm phán về các bước cụ thể nhằm xây dựng lòng tin giữa Israel - Palestine và về giải pháp hai nhà nước.
Theo kế hoạch, vào ngày 18/5, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp khẩn trực tuyến bàn về tình hình hiện nay nhằm thảo luận các biện pháp EU có thể làm nhằm góp phần chấm dứt bạo lực.
Ứng cử viên thủ tướng Đức của đảng Xanh Annalena Baerbock cũng kêu gọi chính phủ Đức can dự mạnh mẽ hơn vào cuộc xung đột Israel - Palestine và đưa chuyên gia hòa giải tới khu vực. Theo bà Baerbock, chính phủ Đức giờ đây phải đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao và cử các đại diện cấp cao tới khu vực nhằm phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để lập tức chấm dứt bạo lực giữa các bên xung đột. Các chính trị gia đối ngoại của liên đảng CDU/CSU và đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng kêu gọi Đức cần đẩy mạnh vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Trung Đông hiện nay.
Bất chấp các nỗ lực quốc tế, leo thang xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn tiếp tục căng thẳng và đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trong những ngày qua tại các thành phố ở Đức. Ngày 16/5, khoảng 400 xe ô tô chở khoảng 1.000 người đã tuần hành hòa bình qua các đường phố ở Berlin nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Palestine. Trước đó 1 ngày, cuộc biểu tình diễn ra tại quận Neuklln ở Berlin, với sự tham gia của khoảng 3.500 người, đã biến thành bạo lực khi người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh, khiến hàng chục cảnh sát bị thương và 59 người đã bị bắt giữ.
Giao tranh Israel-Palestine trải qua ngày đẫm máu nhất, quốc tế đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao Những đợt không kích của Israel trong sáng 16/5 đã khiến 33 dân thường Palestine ở Gaza thiệt mạng, trong đó có 13 trẻ em. Nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn nhân khỏi đống đổ nát sau vụ không kích của Israel. Ảnh: Reuters Xung đột giữa Israel với Hamas bước sang ngày thứ 7 và chưa có bất kỳ dấu hiệu xuống...