Hàng ‘thất sủng’ bỗng thành của hiếm: Lùng mua khắp chợ Hà thành
Trong khi na dai được bày bán ê hề tại chợ với giá chỉ từ 30.000-70.000 đồng/kg thì na bở giá lên tới 130.000-160.000 đồng/kg vẫn không có hàng để mua. Từ “thất sủng”, na bở giờ đây bỗng trở thành hàng hiếm, được lùng mua khắp chợ Hà thành với giá đắt đỏ
Buổi sáng đi chợ, bà Phạm Thị Hoà ở Nguyễn Hữu Thọ ( Hoàng Mai, Hà Nội) đi bộ từ đầu phố tới cuối phố, thấy hàng hoa quả nào bà cũng ghé vào hỏi xem có na bở không nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Vào chợ Đại Từ, bà cũng lùng mua, may đến hàng hoa quả cuối chợ người bán nói “có đúng 3 quả”.
Nhìn 3 quả na bở khá xấu xí, mắt na lại không đều nhưng bà đành đồng ý mua với giá 150.000 đồng/kg. 3 quả na bở cân lên được 9 lạng, tính ra hết 135.000 đồng. Dù giá đắt đỏ nhưng bà Hoà vẫn mừng ra mặt. Bà khoe: “Từ đầu mua na đến giờ, hôm nào đi chợ tôi cũng tìm mua na bở nhưng có đâu. May sao hôm nay mua được 3 quả”.
Na bở từ hàng bị thất sủng bỗng thành hàng hiếm được mọi người lùng mua (ảnh: Ly Thanh Ly)
Bà Hoà chia sẻ, na dai vào mùa đang bán đầy chợ, giá chỉ vài chục ngàn một cân, nhưng cả nhà bà ai cũng thích ăn na bở vì vị ngọt rất thanh mát, không ngọt sắc như na dai. Nhưng, mấy năm nay, na bở ngày càng trở nên hiếm.
Cầm túi na trên tay, bà Hoà nói: “Nhà đông người mà tìm mãi mới mua được 3 quả na bở này thì tối về lại chia nhau thôi ăn cho đỡ thèm”.
Cũng có sở thích ăn na bở, song chị Đào Thanh Hương ở Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thừa nhận, mặc dù đã tới mua na thu hoạch rộ nhưng na bở vừa đắt đỏ vừa khó mua.
Cách đây khoảng 5 năm, mùa na ra chợ gần nhà hay trên phố na bở được bán la liệt, giá chỉ 20.000-30.000 đồng/kg loại ngon. Còn giờ đây, giá lên tới 160.000 đồng/kg mà vẫn không có để mua. Lần nào muốn ăn chị cũng phải lùng khắp chợ, không thì phải đặt hàng trước 4-5 ngày để người bán tìm mua giúp.
Ghi nhận của PV.VietNamNet, hiện đã vào mùa na. Na dai được bày bán tràn ngập chợ Hà Nội, giá dao động từ 30.000-70.000 đồng/kg tuỳ loại to nhỏ. Riêng na bở, giá thường đắt gấp 2-5 lần, từ 130.000-160.000 đồng/kg. Các chủ hàng cũng cho biết, nguồn cung na bở ở Lạng Sơn bây giờ siêu hiếm, na bở trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc từ Thuỷ Nguyên (Hải Phòng).
Chị Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương có 10 năm kinh nghiệm bán na tại chợ Đại Từ, kể rằng, vào mùa na, mỗi ngày chị thường bán trên dưới nửa tấn, nhưng tất cả đều là na dai.
Video đang HOT
“Nhiều người hỏi mua na bở về ăn, song loại này giờ hiếm lắm, mà giá cũng đắt đỏ nữa. Hôm nào mua được ít thì toàn để cho khách đã đặt trước thôi”, chị nói và cho biết, giá na bở đắt gấp nhiều lần giá na dai mà dân Hà thành vẫn tranh nhau mua về ăn.
Giá na bở hiện tại dao động từ 130.000-160.000 đồng/kg (ảnh: Ly Thanh Ly)
Cách đây khoảng 4 năm đổ về trước, na bở nhiều vô kể, giá rẻ chỉ bằng 1/2-1/3 giá na dai. Tuy nhiên, na bở khi chín dễ bị nát, rất khó vận chuyển, đặc biệt giá bán lại không được cao như na dai nên thương lái không chuộng mua về bán nên các nhà vườn chặt bỏ hết na bở, trồng na dai. Chưa kể, nhiều người chê na bở nhiều hạt, khó bóc vỏ hơn vì sát vào thịt; khi nhằn múi na ra khỏi hột cũng khó hơn vì nhiều hạt và hạt dính vào thịt.
“Đến giờ thì ngược lại, từ thất sủng na bở bỗng trở thành hàng hiếm, được người dân lùng mua khắp chợ Hà thành với giá vô cùng đắt đỏ”, chị Vân chia sẻ.
Trong khi đó, anh Trần Văn Nam, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, na bở giá hiện tại lên đến 160.000 đồng/kg mà cửa hàng anh vẫn không đủ hàng để bán cho khách.
“Khoảng 3 năm nay na bở bắt đầu đắt đỏ, khách đặt mua nhiều nên hàng về đến đâu chỉ đủ trả khách đặt trước đến đó, không có dư bao giờ. Dịp này cũng vậy, cứ 3 hay 5 ngày có một chuyến na bở về, mỗi lần cũng chỉ được trên dưới 1 tạ na, bán vèo cái đã hết sạch”, anh Nam cho hay.
Lý giải về chuyện na bở bỗng trở thành hàng hiếm, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ một vườn na 1.500 gốc ở Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết, trước kia vùng na chuyên canh ở chỗ ông cũng trồng nhiều na bở song song với na dai. Tuy nhiên, nhu cầu về na bở không cao, giá bán lại thấp nên các chủ vườn quyết định chặt hết na bở, chuyển sang trồng na dai.
Theo đó, mấy năm gần đây, nguồn cung na bở hiếm dần, giá cũng ngày càng tăng cao. Bởi, giờ các vườn toàn bộ đều là na dai, hầu như rất ít gia đình còn giữ lại trồng na bở.
“Nhà tôi còn 5 cây na bở ngoài góc vườn, hôm trước thương lái vào tận vườn đặt cọc để mua với giá gấp đôi na dai nên tôi bán sạch, không để lại ăn quả nào”, ông Tiến nói.
Bảo Phương
Theo VNN
Bẫy ruồi vàng treo khắp vườn, na mắt mở to cũng không lo sâu hại
Treo bẫy ruồi vàng tại gốc cây na trên vườn để bắt, tiêu diệt ruồi vàng và các loại côn trùng gây hại là cách làm của anh Nguyễn Văn Thật tại vườn na của gia đình. Nhờ bí quyết này mà những quả na nhà anh vẫn đảm bảo chất lượng, không bị sâu, ruồi đục trái.
Tại vườn na của anh Nguyễn Văn Thật thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), những cây na xanh tốt được cắt tỉa cành gọn gàng với những quả na to, tròn đang bắt đầu cho thu hoạch. Trên cây na anh Thật treo những chiếc bẫy ruồi vàng.
Anh Thật giới thiệu về những chiếc bẫy ruồi vàng tại vườn na của gia đình.
Anh Thật cho biết: "Thời điểm này, na đang bước vào giai đoạn chín, ruồi vàng sẽ đến chích hút và đẻ trứng trên quả. Nếu không diệt trừ thì trứng ruồi vàng sẽ nở thành ấu trùng xâm nhập qua vỏ vào bên trong, làm hỏng na, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu na Chi Lăng".
Những chiếc bẫy ruồi vàng không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là không lưu vết và dư lượng thuốc trên trái, vì vậy đảm bảo an toàn.
Hiện, vườn na 400-500 gốc của gia đình anh Thật đang bắt đầu cho thu hoạch nên thời điểm này không thể dùng thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ ruồi vàng mà phải dùng bằng bẫy thủ công. "Được sự quan tâm của huyện, gia đình tôi được hỗ trợ bẫy bả ruồi vàng, tôi đã treo toàn bộ bẫy lên cây cách đây gần 1 tháng. Nhờ đó, 400 -500 gốc na của gia đình đều phát triển tốt, không xuất hiện sâu bệnh hại", anh Thật cho biết.
Mùi hương từ những chiếc bẫy màu vàng này sẽ dẫn dụ ruồi vàng vào trong và tiêu diệt sạch.
Vừa dẫn chúng tôi thăm vườn na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình, anh Thật vừa chia sẻ: Nhà tôi bắt đầu trồng na từ rất lâu rồi nhưng chỉ trồng theo kiểu truyền thống, không xử lý ra hoa và chăm sóc có kỹ thuật như hiện nay nên cây ra hoa, quả bé và chín rầm rộ trong vòng nửa tháng là hết.
Hiện, gia đình anh Thật cũng như nhiều hộ gia đình đã ký cam kết với UBND xã sản xuất na an toàn, tham gia tập huấn kỹ thuật, trồng, chăm sóc na do cơ quan chuyên môn mở tại địa phương. Qua đó, áp dụng theo quy trình kỹ thuật về chăm sóc na an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; sử dụng phân bón có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng liều lượng, đúng cách theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì, sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục...
Ngoài ra, anh còn thực hiện cắt tỉa cành, loại bỏ những quả na bi (na nhỏ), dùng bẫy bả ruồi vàng... nên cây na phát triển tốt, đảm bảo na an toàn khi xuất bán ra thị trường.
Giá na tại Chi Lăng đang dao động ở mức 30.000 - 50.000 đồng/kg tại vườn. Nhiều gia đình trồng giống na Thái thì bán đươc giá hơn, từ 70.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại.
Những trái na loại 1 trong vườn đang chuẩn bị mở mắt và cho thu hạch.
Bà Hà Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chi Lăng cho biết: Tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cây ăn quả các loại toàn tỉnh là trên 20.000 ha. Trong đó, riêng cây na là 2.800 ha, sản lượng đạt trên 26.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng. Trong đó diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 151,96 ha; theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 05 ha; diện tích còn lại đều cam kết sản xuất an toàn theo quy định của Bộ NNPTNT.
Mùa na năm nay Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền hội viên và nông dân triển khai thực hiện đồng bộ công tác phòng trừ ruồi vàng đục quả, hướng dẫn nhân dân tổ chức bẫy bả đồng bộ ruồi vàng hại na. Nhờ vậy năng suất cũng như chất lượng na được đánh giá cao và đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Bà Thủy dự kiến sản lượng na năm 2018 của Chi Lăng đạt 27.000 tấn, trong đó sản lượng na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.500 tấn; sản lượng na theo tiêu chuẩn GlobalGAP 48 tấn.
Theo Danviet
Khu chợ độc đáo có nhiều người lao động yêu thể dục Tại một khu chợ nhỏ, những người bán hàng phải làm việc từ sáng sớm tới tối muộn, tuy nhiên, tinh thần thể dục của những người bán hàng ở đây rất sôi động. .