Hàng rong Mỹ chật vật sinh tồn giữa Covid-19
Covid-19 buộc các chủ xe bán đồ ăn phải tìm mọi cách sinh tồn như lái ra ngoại ô, lên mạng xã hội và ứng dụng đồ ăn tìm khách.
Nhân viên công sở, đối tượng khách hàng chủ yếu của những xe bán đồ ăn ở trung tâm thủ đô Washington D.C của Mỹ, vắng bóng từ tháng 3 vì phải ở làm việc ở nhà để ngăn Covid-19 lây lan.
Để tồn tại, các nhà khai thác xe tải bán đồ ăn như Jason Tipton, đồng sở hữu công ty bán thức ăn lưu động Dirty South Deli (DSD), phải cắt giảm nhân sự, thắt lưng buộc bụng.
Jason Tipton (trái), chủ sở hữu xe tải bán đồ ăn DSD và nhân viên Brian Potter (trong xe) lái xe đến bán đồ ăn tại một khu dân cư ngoại ô thủ đô Washington hôm 24/4. Ảnh: AFP.
Tipton dạo này thường lái chiếc xe màu xanh da trời tới khu ngoại ô đông bắc Washington, vừa đeo khẩu trang vừa giao bánh kẹp được đặt hàng từ trước. Ông cũng phục vụ một số khách mới.
“Tôi rất bất ngờ và vui khi có thêm khách”, Tipton, 42 tuổi, nói. “Hôm nay là một ngày bận rộn”.
Với DSD, doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có 4 nhân viên, mà hai trong số đó đang chịu lệnh phong tỏa, thích nghi với hoàn cảnh là chìa khóa sống sót.
“Chúng tôi sử dụng công cụ trực tuyến để nhận đơn hàng, chúng tôi cũng quảng cáo trên Twitter và Facebook nữa, ngoài ra còn được khách hàng giới thiệu cho nhau”, Tipton nói. Ông có thêm khách ở ngoại ô Washington, gần đại học Maryland, nơi ở của nhiều giáo viên và sinh viên.
“Chúng tôi thích nấu nướng ở nhà nhưng cũng nhớ món ăn trong nhà hàng thành phố”, Elise Blake, 37 tuổi, giáo viên âm nhạc, nói khi nhận bánh kẹp DSD.
“Lái xe tới ngoại ô bán hàng là một quyết định khôn ngoan lúc không thể vào trung tâm”, David Murray, 37 tuổi, nghệ sĩ âm nhạc, bạn trai của Blake, nhận xét.
Tipton có vẻ rất hài lòng với việc buôn bán hôm nay. “Chúng tôi đã kiếm đủ tiền hòa vốn”, ông nói. Tuy nhiên, tương lai dường như vẫn ảm đạm. “Chúng tôi phải tự lực cánh sinh, phải làm vậy để kiếm tiền”.
Những đối tác của DSD cũng chấp nhận vất vả hơn bởi nếu không, chỉ còn cách đóng cửa. Tipton không xin trợ cấp liên bang, cũng không biết liệu đơn vay tiền có được thành phố chấp nhận không.
Video đang HOT
Tại H Street, khu phố được coi là tụ điểm ăn uống ở Washington, Kadeem Todd và Denville Myrie đang đỗ xe tải bán đồ ăn lưu động trước cửa nhà hàng họ đang định mở khi Covid-19 bùng phát.
Hai người bắt đầu kinh doanh thực phẩm năm 2012 bằng cách bán đồ ăn hữu cơ Jamaica trong khuôn viên đại học Howard. Khi việc kinh doanh phát triển, họ mua thêm xe tải thứ hai và quyết định mở nhà hàng 8 tháng trước.
“Covid-19 đã thay đổi mọi thứ”, Todd, 28 tuổi, nói. “Từ ngày 18/3, chúng tôi trải qua hai tuần ngừng hoạt động hoàn toàn. Quãng thời gian này thực sự khó khăn”.
Nhờ tài khoản mạng xã hội của quán và lời giới thiệu tích cực của khách hàng, họ bắt đầu quay lại kinh doanh. Xe đỗ ngoài nhà hàng nhận đơn mang đi còn xe thứ hai lái ra ngoại ô hai lần một tuần, nhắm đến đối tượng khách hàng quanh đại học Howard và một khu chung cư gần Maryland.
“Ứng dụng giao hàng giúp chúng tôi tiếp tục hoạt động, nhưng chúng tôi không thể duy trì tình trạng này lâu hơn”, Todd thở dài, cho hay đã giảm nhân viên từ 13 xuống còn 7 người.
Hai người đang tìm cách xin trợ cấp của chính phủ, nhưng hy vọng rất mong manh. “Chúng tôi đang cố cứu lấy bản thân, không thể đợi người khác đến cứu”, Todd nói.
Kadeem Todd (trái) và Denville Myrie (phải), đỗ xe bán đồ ăn trước nhà hàng họ định mở cửa ở trung tâm thủ đô Washington. Ảnh: AFP.
Zack Graybill, chủ tịch hiệp hội xe tải bán đồ ăn đại diện cho 100 hộ kinh doanh, hy vọng khủng hoảng sẽ kết thúc vào tháng 6. Theo một cuộc thăm dò nội bộ, 15% thành viên của hiệp hội không hoạt động, 35% đang cố duy trì kinh doanh bằng việc nhận đơn giao hàng trực tuyến và qua ứng dụng đặt đồ ăn, trong khi một lượng lớn đang chuyển sang các khu dân cư.
Graybill là đồng quản lý của “DC Slices”, thương hiệu xe tải bán pizza ở Arlington, bang Virginia.
“Hai tuần đầu, chúng tôi chỉ đi trên đường, dừng ngẫu nhiên tại nơi nào đó mà không chắc bán được 10 USD hay 500 USD tiền hàng”, Graybill nói.
Hai trong số 4 xe tải của ông đã ngừng hoạt động, nhân viên giảm từ 15 xuống 3 người. “Điều quan trọng nhất bây giờ là tập trung vào tình hình hiện tại”, Graybill nói.
Hồng Hạnh
Người Việt ở Mỹ nói gì về lệnh nhập cư của Trump?
Dù chờ gần một năm, chị Hoa không lo không lấy được thẻ xanh vì sắc lệnh mới của Trump nhưng sợ nó sẽ làm gia tăng nạn phân biệt chủng tộc.
"Tôi sang Mỹ từ tháng 3/2019 vànộp hồ sơ xin cấp thẻ xanh từ tháng 7, theo diện du lịch kết hôn, nên không nằm trong diện áp dụng của lệnh đình chỉ nhập cư của Mỹ", chị Hoa Phạm, sống ở thành phố Springfield, bang Virginia, chia sẻ với VnExpress. "Các cơ quan chính quyền cũng đều đang đóng cửa nên việc xử lý mọi hồ sơ đều bị ngưng trệ".
Sắc lệnh đình chỉ một phần hoạt động nhập cư được Tổng thống Donald Trump ký thông qua hôm 22/4 bao hàm những người đang ở ngoài nước Mỹ và nộp đơn xin tư cách thường trú nhân, hay còn gọi là thẻ xanh. Sắc lệnh này không áp dụng với những đối tượng là chuyên gia y tế, thành viên lực lượng vũ trang Mỹ và vợ/chồng, con cái của họ, những người đến Mỹ với lý do liên quan đến hành pháp hay an ninh quốc gia, những người có visa đầu tư và visa đặc biệt dành cho những công dân Iraq và và Afghanistan làm việc cho chính phủ Mỹ.
Sắc lệnh này cũng không bao hàm những người như chị Hoa, có vợ/chồng là công dân Mỹ. Chị cho hay thông thường, việc cấp thẻ xanh diện du lịch kết hôn phải chờ khoảng 6-12 tháng tùy từng bang, như bang Virginia là khoảng 9-12 tháng.
"Đợt này, quy trình xử lý chậm hơn vì Sở Di trú và Nhập tịch đã đóng cửa phòng dịch. Tôi nhận được thông báo phỏng vấn từ hôm 6/12/2019 nhưng tới giờ cuộc phỏng vấn vẫn chưa diễn ra", chị nói. "Vì dịch bệnh mà việc bảo lãnh con trai tôi ở Việt Nam sang Mỹ cũng bị chậm trễ".
Một phụ nữ đứng trước bảng thông báo đóng cửa do Covid-19 của văn phòng Sở Di trú và Nhập trịch Mỹ (USCIS) ở Tukwila, Washingon, hôm 3/3. Ảnh: AP
Cũng sang Mỹ theo diện kết hôn mới được hai tháng, chị Phương Trần ở thành phố Las Vegas, bang Nevada, vừa nộp hồ sơ xin thẻ xanh tuần này thì nhận được thông tin về sắc lệnh đình chỉ nhập cư.
"Tuy nhiên, những người đã kết hôn với công dân Mỹ và được bảo lãnh sang Mỹ như tôi không bị ảnh hưởng gì", chị cho biết. "Hồ sơ xin thẻ xanh có một tờ khai liệt kê toàn bộ tài sản của người bảo lãnh và được bảo lãnh, bảo hiểm, các loại bằng cấp của người được bảo lãnh. Mục đích của tờ khai này là chứng minh người được bảo lãnh không phải là đối tượng nhận trợ cấp của chính phủ, có thể tự tìm kiếm việc làm".
Người có thẻ xanh được quyền tự do xuất nhập cảnh Mỹ và được miễn visa tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Họ cũng có cơ hội nghề nghiệp bình đẳng, tự do ứng tuyển vào bất kỳ tổ chức nào phù hợp với trình độ và cũng được phép kinh doanh, mở doanh nghiệp như công dân Mỹ.
Theo chị Phương, chị phải mất từ nửa năm đến một năm để có thẻ xanh. Trong thời gian chờ đợi được cấp thẻ và dịch bệnh qua đi, chị sẽ tranh thủ trau dồi thêm vốn tiếng Anh và học lái xe để tự tin xin việc làm.
Khác với hai trường hợp trên, anh Minh Nhật, đã được công ty điều sang thành phố Houston, bang Texas, làm việc một năm rưỡi nay và đang bắt đầu xin thẻ xanh.
"Ngay khi có thông tin về sắc lệnh mới, công ty tôi đã cập nhật thông tin và cho hay hồ sơ xin thẻ xanh của tôi vẫn sẽ được xử lý như bình thường. Chỉ những người nào đang ở nước ngoài và thời gian này xin nhập cư Mỹ mới bị ảnh hưởng, còn những người đang ở Mỹ xin chuyển diện nhập cư không ảnh hưởng gì".
Để được cấp visa làm việc tại Mỹ, anh Nhật phải là nhân viên lâu năm ở công ty và công ty phải có trụ sở chính tại Mỹ. Công ty cũng phải xác nhận rằng anh Nhật là nhân viên không thể thay thế cho vị trí này và cần phải sang Mỹ để làm việc.
"Hiện các công ty ở Houston vẫn chưa mở cửa lại để phòng ngừa Covid-19. Tôi cũng đang làm việc tại nhà", anh cho biết thêm.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chính sách Di dân vào năm 2017, ước tính có 2,2 triệu người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ, trong đó khoảng hơn 100.000 người cư trú bất hợp pháp. Họ tạo thành cộng đồng gốc Á lớn thứ tư tại Mỹ, sau người gốc Hoa, gốc Ấn và Philippines.
Tổng thống Trump cho hay một khi nền kinh tế mở cửa trở lại, sắc lệnh đình chỉ nhập cư sẽ đảm bảo "những người Mỹ đang thất nghiệp ở mọi tầng lớp sẽ là những người đầu tiên được nhận việc làm".
Những người ủng hộ Trump hoan nghênh động thái này, trong đó thượng nghị sĩ Tom Cotton cho rằng sắc lệnh sẽ giúp 22 triệu người Mỹ thất nghiệp "quay lại làm việc trước khi chúng ta nhập khẩu thêm người nước ngoài để tranh đua công việc của họ".
Người biểu tình đòi tái mở nền kinh tế, chấm dứt tình trạng thất nghiệp tại thành phố Albany, bang New York, hôm 22/4. Ảnh: AP
Tuy nhiên, các nhà phê bình cáo buộc Trump đang lợi dụng đại dịch để theo đuổi chính sách hạn chế nhập cư và đánh lạc hướng dư luận khỏi những hậu quả của Covid-19, bởi sắc lệnh không có nhiều ảnh hưởng trên thực tế.
Từ khi dịch bệnh lan rộng, hầu hết các nước đã đóng biên giới, chính quyền Trump cũng đã ban bố lệnh cấm nhập cảnh Mỹ với công dân nhiều nước, dừng dịch vụ visa và tiếp nhận người tị nạn, thúc đẩy việc hồi hương những lao động bất hợp pháp.
Charanya Krishnaswami, giám đốc vận động thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Mỹ, cho rằng hành động của Trump nhằm ngăn chặn người da màu đến Mỹ nhiều hơn là ứng phó với đại dịch.
"Khi bạn là một người theo chủ nghĩa bài ngoại, cấm nhập cư là giải pháp đáng ghét, thất bại, duy nhất mà bạn có thể nghĩ đến", ông Krishnaswami nói. "Việc đình chỉ nhập cư sẽ không khiến Mỹ, nước đang là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, an toàn. Các chính sách của chúng ta cần dựa trên cơ sở về sức khỏe cộng đồng, chứ không phải sự cố chấp".
Chị Hoa đồng tình với quan điểm này, cho rằng việc Trump đổ lỗi cho người nhập cư khiến người Mỹ thiếu việc làm là không xác đáng, đồng thời lo ngại quyết định của ông sẽ thúc đẩy tình trạng phân biệt chủng tộc.
"Tôi cho rằng nhiều người Mỹ thất nghiệp vì họ không chấp nhận làm những công việc lao động chân tay thu nhập thấp, hoặc không đủ tiêu chuẩn cho những công việc trình độ cao", cô nói. "Thực tế, 22 triệu người thất nghiệp trong một tháng qua là do dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa. Sắc lệnh này không thể khiến công dân Mỹ tìm được việc làm, trong khi người nước ngoài vốn cũng không thể đến Mỹ trong thời gian xảy ra dịch bệnh và kinh tế đình trệ như thế này để cạnh tranh việc làm".
Anh Ngọc
Nhân viên y tế đối đầu người biểu tình đòi mở cửa Nhân viên y tế xuống đường đối đầu với người biểu tình đòi tái mở cửa tại nhiều bang, kêu gọi họ về nhà và tuân thủ giãn cách xã hội. Nhiều người dân khắp các bang Virginia, California, New York, Colorado, Arizona và Vermont hôm 22/4 tụ tập biểu tình, yêu cầu các thống đốc dỡ lệnh phong tỏa, cho phép doanh...