Hàng rong chiếm cả lòng đường
Thời gian gần đây, đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn trước Công viên Lê Thị Riêng (giáp ranh giữa quận 10 và quận 3 – TPHCM) có rất nhiều người buôn bán hàng rong hoạt động nhộn nhịp.
Họ bày bán nhiều mặt hàng, từ bánh tráng trộn, nước mía, trái cây, xôi, bánh mì… đến quần áo, giày dép khách mua chính là những người đi đường vãng lai. Không chỉ chiếm cả lề đường dành cho người đi bộ, nhiều lúc họ còn tràn xuống cả lòng đường, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông (ảnh). Vào giờ cao điểm, nơi này thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc nhưng những người buôn bán hàng rong vẫn vô tư để xe dưới lòng đường, mặc người qua lại.
Điều đáng nói là khi cơ quan chức năng bên quận 10 đi kiểm tra, những người này lại đẩy xe qua phía quận 3 tiếp tục buôn bán và ngược lại. Lực lượng chức năng đành… nhìn theo rồi bỏ đi. Tại sao 2 địa phương không phối hợp để xử lý dứt điểm tình trạng này?.
Theo Baomoi
Lại bàn chuyện ... vỉa hè
Câu chuyện cái vỉa hè đã được bàn đến rất nhiều lần, và cũng đã nhiều lần chính quyền đặt ra các quy định cấm kinh doanh trên vỉa hè. rất nhiều lực lượng phải đứng ra để giữ gìn cái vỉa nhe nhỏ nhoi kia.
Hà Nội đã từng cầm bán hàng rong, vỉa hè trên một số tuyến phố, nhưng dường như cũng không mấy hiệu quả bởi chỉ một mét vuông vỉa hè cũng có thể nuôi sống cả một gia đình. Việc cấm chỉ được một thời gian ngắn, vỉa hè lại bung ra như cái chợ. Vỉa hè là dành cho người đi bộ, đã từ lâu người Hà Nội hiểu được điều đó, nhưng cũng đã từ lâu cái vỉa hè trở thành "cần câu cơm" của nhiều gia đình. Mới đây, Sở GTVT của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM lại đề xuất việc cấm kinh doanh trên vỉa hè. Đó là việc làm cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị và quan trọng là để hạn chế tình trạng tắc đường. Nhưng làm thế nào cho hiệu quả mới là vấn đề cần phải đặt ra.
Vỉa hè là của chúng ta?
Đã thành một thực trạng, đó là trên vỉa hè hầu hết các tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội là nơi lý tưởng kinh doanh hàng ăn quán uống. Không mất một xu tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhân lực mà chỉ cần vài ba cái bàn ghế nhựa là các hộ sử dụng trái phép vỉa hè có thể dễ dàng thu bạc triệu mỗi ngày. Một người thấy lợi sẽ có cả nghìn người làm theo bỗng dưng biến vỉa hè trở thành sở hữu của từng cá nhân khiến không chỉ vẻ đẹp đô thị bị nhem nhuốc mà tình trạng hàng quán bày bán trên vỉa hè, khách đến ăn uống ngồi chật kín vỉa hè, lại còn đỗ xe chật kín dưới lòng đường cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng tắc đường.
Người dân Hà Nội từ lâu cũng quen với cụm từ "hàng quán vỉa hè" hơn là cái tên tiếng Anh xa hoa "Restaurant" như một cái thú bình dân "ngon, bổ, rẻ, tiện". Hàng quán vỉa hè hoạt động công khai, mặc đêm-ngày-mưa-gió-bão bùng hay nắng gắt; mặc cho người đi bộ muốn đi vào đâu thì đi, mặc cho các phương tiện tham gia giao thông vẫn lưu hành, mặc cho cái việc mà ai cũng biết kinh doanh như vậy là vi phạm vì "vỉa hè là của chúng ta" (?!) Dạo qua phố phường, dạo lên vỉa hè thì mới thấy cái cách mà người Hà Nội "hưởng thụ", "khai thác" một cách triệt để, mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời gian nào. Nói không ngoa thì đúng vỉa hè trong cuộc sống đương đại đang là của trời ơi đất hỡi. Vỉa hè chỗ nào còn rộng, chưa ai "đóng đinh" thì sẽ ngay lập tức có người nghĩ cách để kinh doanh. Thậm chí, người ta còn luân phiên kinh doanh vỉa hè theo giờ, theo buổi sáng trưa, chiều, tối, đêm, khiến cho vỉa hè lúc nào cũng "kín chỗ".
Hốt bạc từ vỉa hè
Thường thì phố-đường-ngõ mới được đặt tên gọi chứ trong lịch sử chưa bao giờ thấy vỉa hè được đặt tên. Nhưng hiện nay, thật nực cười khi vỉa hè cũng được người dân định tên dẫu chỉ là truyền miệng. Vỉa hè chuyên trà đá, trà chanh, bát bảo, chuyên lẩu, chuyên mực, nem chua, ốc, nộm, bia cỏ, bia hơi, trà sữa chân trâu... - chính những "mặt hàng" này trở thành tên gọi định danh cho vỉa hè (?) Khi thức uống lạ mà quen, quen mà lạ trà chanh chưa "lên ngôi" thì hầu hết vỉa hè nào cũng có hàng trà đá. Và trà chanh cùng với trà đá thời điểm này - từ sáng bảnh mắt cho đến đêm khuya, chỉ với một góc vỉa hè và một khoảng trời đã đánh bật cả về số lượng quán lẫn lượng khách lui tới so với các quán café sang trọng, điều hòa mát lạnh với wifi miễn phí.
Nhưng còn vì một lý do khác quan trọng hơn rất nhiều đó là không ít người nhầm tưởng về dịch vụ kinh doanh tự phát, nhỏ nhưng không lẻ này. Vô cùng giản tiện, người kinh doanh trà đá, trà chanh kiếm vài đồng bạc lẻ để sống qua ngày chỉ là câu chuyện của quá khứ; còn hiện giờ mức thu của hàng quán ăn - uống trên vỉa hè như vậy có thể bằng, đôi khi còn hơn nhiều so với một của hàng kinh doanh ăn uống nhỏ phải thuê mặt bằng, nhân lực. Thực tế chỉ vài tiếng kinh doanh, những quán ăn, hàng nước vỉa hè đơn giản có thể mang lại cho chủ quán số tiền lên đến hàng triệu đồng/ngày.
Giờ đây trà chanh có mặt ở hầu hết các tuyến phố đẹp, thoáng, mát của Hà Nội. Mỗi tối vài chục khách, làm việc hết công suất, làm phép tính đơn giản chủ quán sẽ đút túi khoảng 2-3 triệu đồng/ngày, một tháng vài chục triệu như chơi mà nói trắng ra là chẳng mất gì đáng kể. Thế là hàng quán thi nhau mở, vỉa hè vốn đã nhỏ tiếp tục bị "xẻ thịt" để người ta kinh doanh cái thức uống mới của giới trẻ Hà thành: trà chanh. Ban ngày đã mất vỉa hè, nhưng giờ đây cái thú tụ tập chơi bời ăn uống ban đêm của giới trẻ khiến không ít hộ kinh doanh "cướp mất" vỉa hè lúc ban đêm.
Đó là câu chuyện riêng của trà đá, trà chanh chiếm dụng diện tích, biến những vỉa hè trên những con đường góc phố "vàng" để kinh doanh; còn chỉ mặt điểm tên thì tất cả đều cố "bám trụ" lấy vỉa hè để kiếm sống bằng việc nghiễm nhiên bày ra vô thiên lục thập cẩm từ mở quán nước, hàng ăn sáng-trưa-đêm, đến hàng tạp hóa.
Khó xử lý triệt để
Thực tế, lợi ích từ việc kinh doanh - buôn bán trên vỉa hè thì rơi vào túi cá nhân, còn bộ mặt giao thông đô thị Thủ đô 24h trong ngày thì lôm nhôm, nhếch nhác, vá víu, đường dành cho người đi bộ thì ngang nhiên bị chiếm, giao thông vốn ách tắc càng thêm tắc nghẽn. Tiếc là từ rất lâu việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán vẫn không quản lý được, hàng quán cứ mặc sức bung ra. Cơ quan chức năng như trật tự, tổ dân phố, công an phường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý, thu giữ các vật dụng để buôn bán thì các hộ kinh doanh toán loạn thu dọn ngay lúc đấy, khi đi khỏi thì họ lại tràn ra. Nhiều hộ kinh doanh sẵn sàng để các cơ quan chức năng thu giữ những vật dụng đơn giản, rẻ tiền vì không đáng vào đâu so với lợi nhuận đã và sẽ thu được, cần thì mua mới dẫn đến tình trạng vỉa hè là của chúng ta tiếp tục bị lấn chiếm. Theo Nghị định 34, việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán lên 25 triệu đồng để tạo sức răn đe nhưng chưa hiệu quả. Bởi với mức phạt cao mà hàng hóa bị cơ quan chức năng tạm giữ có giá trị thấp dẫn đến việc người vi phạm... "chạy làng".
Việc mưu sinh trên vỉa hè của rất đông người dân hiện nay là một thực tế, để giải quyết bài toán lấn chiếm vỉa hè ở Thủ đô không hề đơn giản bởi phải giải quyết số người kinh doanh "bám" vào vỉa hè này. Đến nay Hà Nội đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm vỉa hè đã được triển khai như việc cấm 62 tuyến phố không trông giữ phương tiện, cấm 262 tuyến phố không bán hàng rong... để giữ gìn trật tự đô thị, hướng tới mục tiêu xóa bỏ việc lấn chiếm vỉa hè gây nhếch nhác ở nhiều tuyến phố nhưng không hiệu quả. Theo Quyết định 20 của UBND TP Hà Nội, lòng đường, vỉa hè do Nhà nước quản lý, người dân lấn chiếm để kinh doanh, trông xe là trái phép nhưng việc vỉa hè bị lấn chiếm không phải là chuyện bỗng dưng có mà xảy ra vi phạm từ nhiều năm qua. Nhiều lực lượng và cơ quan chức năng đã được huy động nhưng thực tế cũng không đủ người để cắm chốt 24/24h để quản lý, mà có dẹp chỗ này lại nở ra chỗ khác khiến việc xử lý triệt để gặp rất nhiều khó khăn.
Trả lại đúng chức năng cho vỉa hè
Tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM góp phần gây nên ùn tắc giao thông. Trước tình hình này, tháng 5-2012, Bộ GT-VT đã quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành phối hợp với Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính để thanh tra công tác quản lý, sử dụng lòng đường hè phố trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
Ông Thạch Như Sỹ, Phó chánh Thanh tra Bộ GT-VT trên báo chí đã từng cho biết: "Mục đích của lần thanh tra này có 3 nội dung chính. Đầu tiên là thanh tra công tác quản lý Nhà nước về đường đô thị, trong đó có lòng đường, vỉa hè. Trong phần này, chúng tôi sẽ kiểm tra việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lòng đường, vỉa hè; công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, cụ thể là quy hoạch chi tiết đường, hè phố, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe của các khu nhà cao tầng; công tác quản lý lòng đường, vỉa hè của Sở GT-VT, Sở Xây dựng và UBND các cấp. Thứ hai, chúng tôi xem xét việc khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè, trong đó chú trọng thủ tục cấp phép của cấp có thẩm quyền, tổ chức thực hiện theo giấy phép như thế nào, thực tế khai thác lòng đường, vỉa hè ra sao và cả việc tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí liên quan đến khai thác lòng đường, vỉa hè. Thứ ba là công tác thanh - kiểm tra và xử lý vi phạm của Sở GT-VT, Sở Xây dựng, Công an và các lực lượng khác có liên quan, trong đó trọng tâm là việc sử dụng lòng đường để trông giữ phương tiện (xe máy, ôtô), kinh doanh buôn bán hàng hóa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, đào đường, dừng đỗ phương tiện"...
Thực tế tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội diễn biến ngày càng phức tạp, là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng ùn tắc giao thông trong nội đô đi theo chiều hướng tiêu cực. Đợt thanh gia liên ngành lần này với mục đích tìm ra nguyên nhân và có giải pháp xử lý. Đặc biệt, mới đây, Sở GT-VT Hà Nội và TP.HCM đã đề xuất cấm kinh doanh trên vỉa hè của nhiều tuyến phố nội đô. Các chuyên gia đều nhận định việc lấn chiếm vỉa hè kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị và là việc làm cần thiết vì vỉa hè là dành cho người đi bộ, chứ không để kinh doanh, bán hàng; nhưng với điều kiện ở nước ta không thể cấm được ngay và cấm 100%. Bởi nếu lệnh cấm được ban hành thì rất nhiều người "sống nhờ" vào vỉa hè sẽ làm gì để mưu sinh (?!) Xem ra câu hỏi khi nào vỉa hè là của người đi bộ vẫn không thể trả lời được ngay; mọi giải pháp chống lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội vẫn cần sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, với những chính sách hợp lý để đảm bảo đời sống của người dân đi kèm với việc duy trì kiểm tra, tăng cường quản lý thường xuyên mới mong có sự thay đổi.
Theo ANTD
CAP Hàng Trống: Nỗ lực giải quyết vi phạm trật tự đô thị "Kiểm tra, xử lý các vi phạm phục vụ công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành"- Mục đích và yêu cầu của kế hoạch tập trung giải quyết làm chuyển hóa các vi phạm về TTGT, TTĐT, VSMT trên địa bàn đã và đang được CAP Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức...