Hàng rào “đẻ” ra tiền ở vùng đất khó Cam Chính
Từng là vùng đất thường xuyên bị lũ lụt, hạn hán đe dọa, xã Cam Chính (Cam Lộ, Quảng Trị) đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một vùng quê đáng sống.
Ở nơi này, ngay cả những hàng rào cũng có thể “đẻ” ra tiền. Hình ảnh “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ” trong thơ Chế Lan Viên đã lùi xa vào dĩ vãng.
Từ hàng rào “đẻ” ra tiền…
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tỏ ra vô cùng ấn tượng với những bức tường “đẻ ra tiền” ở xóm làng Cam Chính.
“Thay vì bêtông hóa, người dân ở đó xây dựng những hàng rào, bức tường xanh bằng những loại cây có thể mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đẹp mát, tạo không gian thanh bình vừa cải thiện thu nhập” – ông Đồng nói.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra mô hình nông thôn mới trên địa bàn huyện Cam Lộ. Ảnh: I.T
Chỉ cách đây vài năm, như nhiều địa phương khác của huyện Cam Lộ, Cam Chính vẫn là một vùng quê nghèo. Làn gió nông thôn mới (NTM) với ý thức tự vươn lên của người dân cộng với sự trợ lực của chính quyền, doanh nghiệp, Mạnh thường quân, con em xa quê đã giúp Cam Chính bật lên, thay da đổi thịt từng ngày. Sau khi hoàn thành 19 tiêu chí NTM, không dừng lại ở thành quả đó, xã tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu.
Những con đường rực sắc hoa ở Cam Chính. (ảnh: Ngọc Vũ)
Theo đó, Cam Chính đã tổ chức phát động và chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu đồng bộ trên địa bàn 14 thôn, triển khai các nội dung thực hiện kết hợp giữa xây dựng xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mơi kiểu mẫu và vươn mẫu hô gia đình.
Video đang HOT
Như một dòng chảy bền vững, sự nỗ lực tự thân của mỗi người dân, phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu đã lan tỏa trên khắp các khu dân cư, trở thành phong trào thường xuyên, liên tục, sâu rộng. Làng quê dần thay áo mới, tô điểm bằng những con đường hoa, những “bức tường kinh tế” lòng người giao hòa, đoàn kết thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chung.
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên các trục đường thôn, xóm của Cam Chính đã chan hòa ánh điện với 532 bóng đèn được lắp; toàn bộ các trục đường của 14 thôn trên địa bàn đều được phủ bằng sự rực rỡ của những sắc hoa. Chỉ trong 2 năm, nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp để thực hiện làm đẹp quê hương với kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Đến nay, 100% tuyến đường trục thôn, ngõ xóm được bêtông hóa; các tuyến đường nội đồng được cứng hóa, giúp cho việc đi lại thuận lợi; các trường học đều đạt chuẩn; các nhà văn hóa đều đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.
…đến miền quê đáng sống
Hàng rào xanh ở Cam Chính. Ảnh: I.T
Nhưng NTM của Cam Chính không chỉ thể hiện ở những con đường mà còn ở tư duy làm ăn của người dân đã thay đổi, họ đã bắt đầu đi tìm những mô hình, cây trồng, con vật nuôi mới để thử nghiệm.
Đến nay, nhân dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây mới theo hướng sản xuất hàng hóa như sắn dây (2,6ha), dứa (28,83ha), chè vằng (12ha), nghệ (25ha).
Nhờ vậy, qua 2 năm xây dựng NTM kiểu mẫu, đời sống của người dân có sự cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 tăng 18,3 triệu đồng so với cuối năm 2016, hộ nghèo giảm xuống còn 2,09%.
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, Cam Chính giờ đã trở thành một miền quê đáng sống với phong cảnh thơ mộng, hữu tình, ruộng đồng liền vùng liền khoảnh, con người hiền hòa, chân chất.
Thành công của Cam Chính cùng với nỗ lực về đích 19 tiêu chí NTM của những xã khác đã giúp huyện Cam Lộ đang trên đường về đích trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
“Với 3 hướng đột phá: Phát triển làng nghề, trồng rừng, liên doanh liên kết, tích tụ ruộng đất… để chuyển dịch cơ cấu lao động, đưa lao động nông dân ra khỏi nông nghiệp thuần túy, năng suất, chất lượng thấp; mở rộng các vùng sản xuất cây – con đặc sản như cây chè vằng, dứa, dược liệu, chế biến tinh dầu lạc, tiêu Cùa, nuôi gà Cùa… đã giúp bức tranh kinh tế của huyện Cam Lộ ngày càng khởi sắc” – ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, sự đồng lòng của người dân, việc huy động nguồn lực từ nhiều nơi đã giúp nhiều vùng quê của Cam Lộ hóa giải khó khăn, xây dựng NTM một cách bền vững từ chính nội lực của quê hương. Cam Chính, Cam Hiếu… và nhiều địa phương khác của Cam Lộ đã thực sợ trở thành những miền quê đáng sống ở một nơi từng oằn mình chống chịu đạn bom của chiến tranh, ở nơi hạn hán, lũ lụt mưa dầm. Ruộng đồng bây giờ đã phủ màu xanh của các loại cây trồng, và mỗi mùa từng sản vật của nơi này lại theo chân du khách đi muôn nẻo…
Theo Danviet
10 năm NTM: Quảng Trị huy động số tiền khổng lồ 65.630 tỷ đồng
Sau 10 năm xây dựng NTM, tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.
Sáng 10/10, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010- 2020.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham quan các sản phẩm đặc trưng được trưng bày tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Vũ
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Quảng Trị đã huy động được 65.630 tỉ đồng. Với số vốn "khủng" này, tỉnh đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về kinh tế cũng như tinh thần.
Đặc biệt, tại Quảng Trị đã tăng cường thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Các mô hình chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa có liên kết tạo lợi nhuận càng lớn cho người nông dân.
Một số mô hình tiêu biểu như trồng lúa hữu cơ, trồng sâm Bố Chính ở huyện Gio Linh, trồng rừng FSC (quản lí rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế)..., qua đó giúp đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; môi trường nông thôn được bảo vệ và cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự khu vực nông thôn cơ bản được đảm bảo. Quảng Trị đã bước đầu định hình được xây dựng NTM kiểu mẫu, từng bước hướng đến miền quê đáng sống. Tập trung xây dựng NTM ở các xã miền núi đặc biệt khó khăn, biên giới, bãi ngang ven biển, tiến đến giảm dần khoảng cách giữa các vùng miền.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham quan sản phẩm sâm Bố Chính trưng bày tại hội nghị. Đây là sản phẩm nổi bật trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ở Quảng Trị.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, phong trào xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn và sức lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả cao.
Đến tháng 9/2019, Quảng Trị đã có 52/117 xã đạt chuẩn NTM; dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm từ 6-8 xã đạt chuẩn, 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh này phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM; 75% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí; phấn đấu đến năm 2030 có thêm 85% số xã đạt chuẩn NTM và có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Phong trào đường hoa ở tỉnh Quảng Trị do người dân trồng giúp làng quê thêm xinh đẹp. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Để đạt và nâng cao hơn các tiêu chí NTM, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tổ chức thực hiện chương trình giai đoạn mới dựa trên quan điểm "Chuyển từ lượng sang chất, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể".
Theo ông Chính, bên cạnh sự nỗ lực đoàn kết, đồng sức đồng lòng, phát huy nội lực của chính quyền, nhân dân thì tỉnh Quảng Trị còn mong nhận thêm nhiều sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... để quá trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn mới.
Theo Danviet
Quang Lang thành nông thôn mới, làng đẹp, dân ngày càng giàu lên Là xã miền núi hơn 70% hộ dân có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, (Lạng Sơn) đang có những bước chuyển mình tích cực trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo xã vùng núi...