Hàng Quạt
Phố dài 200 mét, đi từ phố Lương Văn Can đến phố Hàng Nón. Đây nguyên là đất thôn Tố Tịnh và thôn Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ; là ba phố cũ gộp lại: Nửa phía Đông là phố Hàng Quạt và Hàng Đàn. Nửa phía Tây là phố Mã Vĩ.
Phố Hàng Đàn ngày xa xưa có lẽ là nơi tập chung sản xuất hoặc buôn bán các loại đàn và nhạc cụ. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20 nơi đây chủ yếu là các cửa hàng chạm khắc, rồi dần dần chuyển sang nghề làm bàn ghế, giường tủ và các loại đồ gỗ khác.
Phố Hàng Quạt có những cửa hàng vừa làm quạt, vừa bán quạt – tự sản xuất và thu mua từ những nơi khác nữa. Nghề làm quạt ở đây là do một số người dân làng Đào Xá, tên nôm là Đầu Quạt, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đưa tới. Họ cư trú ở đây, làm quạt, có lập một ngôi đình thờ tổ nghề là một ông họ Đào. Đình đó nay là nhà số 4, gọi là đình Xuân Phiến Thị tức là “chợ quạt mùa Xuân”. Có lẽ xưa ở đây là một cái chợ chuyên bán các loại quạt cho người các tỉnh về mua.
Quạt ở phố này có nhiều loại. Quạt Lủ do làng Kim Lũ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm ra. Quạt Hới của làng Hải Yến (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên); quạt Vác (Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội); quạt thóc của làng Vo (Nông Vụ, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Quạt nan tre nứa đan theo nhiều hình: lá vả, hình thang… của làng Vẽ (Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội). Quạt lông ngỗng của làng Đơ Đình (Hà Đông)… Số nhà 64 có đền được gọi nôm na là đền Dâu. Số nhà 74 là đình thờ Thành hoàng Bản Cảnh. Số nhà 43 là trường Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Đây nguyên là một trường tư thục được mở sớm nhất ở Hà Nội có tên là trường Trí Tri.
Đoạn cuối phố Hàng Quạt ngày nay – từ đền Dâu đến đầu Hàng Nón – thời trước là phố Mã Vĩ, nơi chuyên làm và bán các hàng thêu. Một địa chỉ cần nhắc tới là nhà số 21 (trước đây là nhà số 37) của một doanh nhân kiêm nghệ sĩ nổi tiếng một thời Nghiêm Xuân Huyến, từng là chủ nhiệm Báo Bắc Kỳ thể thao (năm 1930). Năm 1936, nơi đây là trụ sở Báo Con Ong – một tờ báo trào phúng đả kích thực dân và tay sai do ông Huyến làm chủ nhiệm. Ông còn là người đỡ đầu đồng thời là nhạc phụ của nhạc sĩ Văn Cao tài danh.
Video đang HOT
Nay phố Hàng Quạt là một trung tâm chuyên doanh các loại bàn thờ lớn nhỏ, các loại đối trướng kiểu cũ và các loại cờ trướng khen thưởng thi đua hiện đại.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Bồ
Hàng Bồ là một đường phố độ dài trung bình: 272 mét, đi từ phố Hàng Ngang đến phố Hàng Thiếc.
Phố này thuộc đất thôn Xuân Hoa (đoạn phía đông) và thôn Nhân Nội (đoạn phía tây), tổng Tiền Túc huyện Thọ Xương cũ.
Phố Hàng Bồ có hai đoạn: một đoạn ngắn ở phía đông; từ ngã tư Hàng Đào - Hàng Ngang đến ngã tư Hàng Cân - Lương Văn Can; một đoạn dài ở phía tây, đây mới là đoạn chính của phố Hàng Bồ. Đoạn ngắn giáp Hàng Đào - Hàng Ngang trước kia có tên là phố Hàng Dép.
Mặt phố bên trái, số lẻ, là những căn nhà hẹp và bé, xây áp vào tường nhà của phố Hàng Đào, lòng nhà chỉ đủ chỗ cho mấy bà bán hàng ngồi, trên tường chung quanh chỗ ngồi treo la liệt guốc dép: guốc gỗ mộc, guốc gỗ sơn, guốc Sài Gòn, dép quai ngang, déo cong, dép hạ. Chỗ này chỉ bày hàng bán, tối đóng cửa, người bán hàng về nhà riêng, phần đông ở Nội Miếu hay phía sau Hàng Bạc cạnh hồ Sao Sa. Những năm về sau guốc dép ít người mua, mấy cửa hàng nhỏ hẹp bán giày dép này có lẫn cả cửa hàng chữa đồng hồ, cắt tóc, dù là cửa hàng gì thì cũng chỉ đủ chỗ cho bày một chiếc tủ kính nhỏ của thợ đồng hồ hay chiếc ghế bành gỗ và cái gương treo tường trên một giá con bày dao kéo lược.
Mặt phố bên phải, số chẵn, có nhiều cửa hàng diện tích rộng hơn phía bên số lẻ, những căn nhà tựa lưng vào ngôi nhà phố Hàng Ngang, không đủ đất làm sân sau. Đoạn phố này có những cửa hàng bán giày, những chủ cửa hiệu làm đồ da kiểu mới phục vụ khách hàng ăn mặc theo mốt mới. Cửa hàng kê tủ kính ra trước cửa, bày bán các loại giày phụ nữ.
Ở chỗ này có cửa hàng đóng và bán giày tây da đủ loại. Xen lẫn với những cửa hàng giày dép, ở cả hai mặt phố giáp ngã tư Hàng Cân có những cửa hàng không lớn lắm, những nhà sản xuất và bán các loại hương nén, hương vòng.
Cứ đến những ngày giáp Tết, chỗ đầu Hàng Bồ này, dọc mấy bức tường cạnh của ngôi nhà Hàng Ngang, trông sang dãy cửa hàng của người Tàu sản xuất, tranh và pháo nhập của Hương Cảng. Người Việt Nam ta không chuộng tranh Tàu nên tranh chỉ bán cho người Tàu là chính, còn ta chỉ đứng xem. Do tính chất nhỏ hẹp của cửa hàng buôn bán, đoạn phố Hàng Bồ có tên Hàng Dép thời ấy không có nhiều sự thay đổi. Những cửa hàng nhỏ tồn tại mãi sau này mới có một số nhà làm lại, có gác to rộng hơn trước (đoạn gần ngã tư Hàng Cân).
Đoạn phố Hàng Bồ phần phía Tây có đặc điểm là có nhiều hiệu lớn. ở đoạn này thay đổi nhanh chóng, chỉ trong vòng vài chục năm đầu thế kỷ 20, từ một phố mang tên Hàng Bồ, tức là có nhiều nhà làm nghề đan bồ, nứa bán, một phố có nghề thủ công nhỏ như những phố cạnh đó, sau dần trở thành một phố có nhiều cửa hiệu buôn lớn. Khác với phố Hàng Cân, Thuốc Bắc, ở phố Hàng Bồ có nhiều lô đất trên là nhà cũ được người có tiền mua lại, gộp mấy mảnh với nhau để xây dựng những ngôi nhà lớn.
Khi người Pháp mới đánh chiếm Hà Nội, phố Hàng Bồ vốn có đông gia đình người Việt Nam ngụ đã lâu đời. Họ là những gia đình giàu có. Sau này có nhiều người Việt Nam ở nơi khác và thêm người Tàu gốc Thiều Châu tỉnh Phúc Kiến mua nhà mở cửa hiệu lớn và buôn bán nhiều mặt hàng khác nhau. Một nét đặc biệt mà những người thường tham gia thơ trên mục Cười của 24H hẳn rất thích, đó là trước năm 1945, cứ vào dịp gần tết là các ông đồ lại bày mực tàu giấy đỏ viết chữ cho dân treo ngày tết.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Cót Phố dài 404 mét, đi từ phố Phan Đình Phùng đến phố Hàng Gà. Phố Hàng Cót và phố Hàng Gà cùng ở trên một con đường cũ có sẵn từ xưa. Khu vực này gần Bến Nứa, trong phố có nhiều nhà làm nghề đan cót bán; người đan cót làm việc ở ngoài vỉa hè. Nguyên đây là đất của thôn...