Hàng quán trên quốc lộ 1A hốt bạc nhờ Tết đến
Mấy ngày nay hàng quán trên quốc lộ 1A đoạn đi qua các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… khách đi đường ghé ăn, uống nườm nượp. Các chủ quán phờ phạc nhưng khi tính tiền ai nấy đều tươi như hoa, chỉ có “thượng đế” là méo mặt.
Hàng quán đông nhất là đoạn quốc lộ đi qua tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, Sóc Trăng, … dọc hai bên tuyến lộ này hàng quán mọc lên san sát, chủ yếu là các quán ăn, uống bình dân. Nhưng khi khách vào ăn thì mới tá hỏa, bởi giá chẳng bình dân chút nào.
Anh Trung – quê ở Sóc Trăng, đang làm công nhân cho công ty giày (KCN Tân Tạo – TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Hai vợ chồng lấy nhau được 2 năm rồi, ở quê chẳng có gì làm nên kéo nhau lên Sài Gòn đi làm công nhân cho đến bây giờ. Tiền công của hai vợ chồng cũng vừa đủ chi tiền nhà trọ, tiền sữa cho đứa con nhỏ. Bởi vậy một năm mới giám đèo nhau về quê một lần bằng chiếc xe máy cà tàng này cho đỡ tốn kém”.
Hỏi thăm về giá cả 2 dĩa cơm, anh Trung nhăn mặt cho biết: “Hai vợ chồng ăn hai dĩa cơm sường, uống 2 ly trà đá nhưng chủ quán tính đến 90.000 đồng. Tui sợ tính sai nên yêu cầu tính lại, chủ quán nói gọn hơ: “Tính đúng rồi chú ơi, mỗi dĩa 40.000 đ, trà đá 5.000đ/1 ly, Tết nhất phải tăng chút đỉnh chứ”. Tính đi xe máy cho đỡ tốn kém, ai ngờ ăn uống dọc đường kiểu này còn tốn hơn!”
Thường ngày hàng quán trên tuyến quốc lộ đi qua Tiền Giang, Vĩnh Long luôn lâm vào cảnh ế ẩm, chứ chẳng được lượng khách thế này
Ngoài các quán có sẵn, nhiều người biết dịp Tết lượng người từ Tp. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây đông nên thuê đất, mở quán “làm ăn”. Đúng như nhận đinh của các chủ quán kinh doanh theo mùa, cả tuần nay hàng quán trên tuyến quốc lộ này quán nào cũng đông khách (nhất là hướng Sài Gòn về Cà Mau – PV). Khách ghé quán đa số là những gia đình trẻ, công nhân làm việc ở TP. Hồ Chí Minh đi xe máy về quê, nhưng gặp cảnh chặt, chém của các hàng quán “không tên” mới mọc lên, ai nấy đều ngán ngẫm.
Nhưng nhiều người đi đường bức xúc nhất là việc uống cà phê nằm võng phải trả tiền võng riêng. Anh Nam – quê ở Cần Thơ bức xúc nói: “Mở quán bán cà phê thì khách vào uống nước chẳng lẽ đứng, mình thấy quán có võng thì nằm. Ai biết ngồi ghế uống nước giá khác, nằm võng giá khác. Bởi vậy để tránh cải lộn với chủ quán thì khi vào quán muốn ăn, uống, nằm gì thì hỏi cho chắc ăn!”
Video đang HOT
Theo ghi nhận của PV Dân trí, đa số hàng quán dọc hai bên quốc lộ 1 A đoạn đi qua các tỉnh, như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, … ít quán nào để bảng hiệu. Các quán chỉ ghi “Quán cơm Bình dân” rồi kê ra các món: cháo, mì, hủ tiếu, …. Điều làm khách dễ hớ nhất là quán không có “menu” hoặc có thì không ghi bảng giá, chính vì tâm lý “ngại” nên đa số khách vào quán chẳng ai hỏi đến giá cả, khi tính tiền thì mới “đau lòng, xót dạ”.
Một chủ quán cơm bình dân “không tên” đoạn Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Mỗi năm làm ăn được mấy vụ thôi chú ơi, như lễ 2/9, 30/4 và dịp làm ăn được nhất là Tết Nguyên đán này. Thông thường mỗi ngày chỉ bán được một vài khách thôi, còn bây giờ ngày nào bèo lắm cũng trên 100 khách. Tết đến cái gì cũng tăng giá nên quán tăng lên 40.000 đồng/dĩa cơm kiếm chút lời, chứ có “chặt, chém” gì đâu!.”
Nhiều khách đi đường sợ nạn chặt, chém nên mang nước, thức ăn nhẹ rồi kiếm chỗ mát dừng chân nghỉ ngơi
Chị Nguyễn Kim Hiền – quê ở Hậu Giang bật mí kinh nghiệm khi ghé hàng quán dọc đường ăn: “Trước tiên là nên ghé quán có bảng hiệu, thứ 2 là quán phải có khách ( đông khách thì càng tốt), có menu, bảng giá hẳn hoi. Vì ăn những quán như thế, không lo bị “chém”, nếu có bị “chém” mình cũng nhớ tên quán, lần sau né tránh. Còn việc chọn quán đông khách để phòng tình trạng “cơm thừa, canh cặn”, kể cả chủ quán bỏ thuốc mê vào thức ăn, … lấy hết đồ đạc!”
“Những quán làm ăn kiểu theo mùa đó ít nhiều ảnh hưởng đến các quán kinh doanh đang hoàng trên tuyến quốc lộ này. Để đảm bảo “tiền mất, bụng no và ngon” thì khách nên chọn những quán có bảng hiệu rõ ràng vì những quán này có giấy phép hoạt động, có kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng tháng, giá cả ổn định và nhất là khách hàng sẽ được chăm sóc như “thượng đế”!”. Một nhân viên quản lý quán cơm Tám Ri cho biết.
Chưa biết việc các hàng quán có thương hiệu “chăm sóc” khách hàng như thế nào nhưng do nhiều lần vào ăn từ quán lớn đến quán nhỏ, giá cả đều trên trời nên để thắt hầu bao, nhiều người chọn phương án mang nước, đồ ăn nhẹ bên người, để khỏi lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi ghé hàng quán dọc đường.
Theo Dân trí
Siêu khuyến mãi, giảm giá: Hư hư, thực thực
Cuối năm luôn là thời điểm thuận lợi để giới kinh doanh tung chiêu khuyến mại hút khách. Nhiều khách hàng đã cất công tìm mua được hàng giá rẻ đúng nghĩa nhưng số "thượng đế" phải thất vọng cũng không ít, nhất là những người muốn dùng đồ hiệu...giá thấp.
Trước lễ ông Công ông Táo, không khí giảm giá rầm rộ các mặt hàng tiêu dùng xuất hiện ngập tràn trên đường phố Hà Nội. Từ hàng điện tử, điện lạnh, công nghệ, giày dép, quần áo...đâu đâu cũng treo băng rôn giảm giá 10 đến 60 %. Chiêu giảm giá hút khách không chỉ xuất hiện ở chuỗi cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, mà còn được nhiều hãng thời trang nổi tiếng áp dụng nhằm tăng doanh thu.
Các shop giá bình dân và khuyến mãi sâu là lựa chọn của nhiều người trong điều kiện khó khăn (Ảnh: N.Q)
Trong tình hình kinh tế khó khăn, những cửa hàng có áp dụng giảm giá là địa điểm lý tưởng nhất để người tiêu dùng tìm đến mua hàng, đặc biệt là quần áo. Theo ghi nhận chiều 13/1, những khu phố gồm nhiều cửa hàng buôn bán đồ thời trang như Phạm Ngọc Thạch, Xuân Thủy, Chùa Bộc, Kim Liên...có băng rôn quảng cáo giảm giá đều thu hút sự chú ý của khách hàng, đặc biệt là phái nữ.
Mặt hàng được ưa chuộng nhất được bày bán trên phố Chùa Bộc là các loại áo khoác đại hàn, áo phao xả hàng với mức giá đồng hạng120.000 - 150.000 đ/chiếc. Một số cửa hàng treo biển thông báo thanh lý toàn bộ với mức giá 100.000 đ/sản phẩm hoặc 300.000 đ/sản phẩm cũng thu hút sự chú ý của khách hàng.
Càng về cuối năm, những thông tin liên quan đến giảm giá và khuyến mại xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng không ít "thượng đế" vẫn tỏ ra nghi ngại về độ xác thực của những tấm băng rôn thông báo giảm đến cả 50 - 70% giá niêm yết. Qua ghi nhận tại nhiều cửa hàng, năm nay đa số đều thực hiện đầy đủ những cam kết khuyến mại, đặc biệt là chuỗi cửa hàng treo biển công khai giá ưu đãi.
Ở phố Nguyễn Lương Bằng, có nhiều khách hàng nam mua được những đôi giày vừa ý với giả ưu đãi 300.000đ - 400.000đ, với những kiểu dáng bắt mắt. Theo lời một chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Phạm Ngọc Thạch: "Trong tình hình kinh tế khó khăn việc buôn bán quần áo diễn ra khá buồn tẻ. Để thu lại vốn tất cả đều phải chấp nhận giảm lãi, hoặc thậm chí là chịu lỗ để xả hết hàng...".
Nhiều cửa hàng thanh lý toàn bộ để chuẩn bị đóng cửa
Cùng hòa chung với không khí giảm giá, nhưng trong những ngày cuối năm chương trình "kích cầu" của một số hãng thời trang trên tuổi hoặc thời trang cao cấp trẻ em lại không tạo ra sức hút đối với "thượng đế" khi mức giảm giá cao chỉ được áp dụng đối với các sản phẩm với chất liệu đơn giản hoặc thuộc những bộ sưu tập cũ.
Tại chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm của hãng thời trang NEM, mức giảm giá 50 % chỉ được áp dụng với những sản phẩm Hè thu. Đối với những mặt hàng mới mùa đông giá vẫn giữ ổn định ở mức giá 1 - 3 triệu vượt xa mức thu nhập của số đông công chức. Đó cũng là lý do khiến cho số lượng người đến xem hàng đông hơn hẳn số người mua.
Tham gia vào phong trào "kích cầu" bằng phương thức giảm giá năm nay còn có rất nhiều shop kinh doanh thời trang cao cấp với mức giảm 10- 25%. Tuy nhiên, không khí kinh doanh vẫn chẳng hề tấp nập do mức giá đã áp dụng ưu đãi vẫn cao vượt trội so với mặt bằng chung.
Chỉ có các shop dự kiến... đóng cửa, chuyển cửa hàng trước Tết mới có mức giảm sâu thực sự. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều và thường hàng không mới nên thực sự chỉ dành cho giới khách hàng ít tiền.
Theo Dân Trí
Dịch vụ ăn theo được dịp "vừa bán vừa la" Chơi đêm Noel đã trở thành nét văn hóa quen thuộc của giới trẻ và đông đảo người dân Thủ đô. Song hành cùng hàng ngàn người xuống đường là vô số các dịch vụ ăn theo sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của "thượng đế", với những mức giá chẳng hề rẻ... Điểm nóng thu hút đông đảo giới trẻ Hà...