Hàng Nón
Phố Hàng Nón hiện nay là một phố tương đối dài hơn mấy phố chung quanh: 216 mét, đi từ phố Đường Thành đến phố Hàng Quạt, chỗ ngang ngã ba Hàng Hòm.
Ngày xưa thì phố Hàng Nón chỉ là một đoạn của Hàng Nón bây giờ, là ngã tư Hàng Điếu – Hàng Gà đến ngã ba Hàng Thiếc; còn đoạn đầu phía tây giáp Đường Thành mới có về sau đồng thời với phố Đường Thành (khoảng 1920); và đoạn đầu phía đông từ Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm trước kia là phố Mã Vĩ giáp Hàng Đàn.
Đoạn phố ngắn của Hàng Nón giáp Đường Thành vì mở đường sau nối dài đoạn phố chính, chỉ là hai dãy tường bên và cửa ngách của mấy ngôi nhà lớn mặt trước quay sang phố Đường Thành hoặc phố Hàng Điếu. Vì vậy chỗ này không có số nhà (những số nhà hiện có là đặt về sau khi những nhà phụ trở thành chỗ ở chính của những gia đình về Hà Nội sau 1954).
Đoạn chính của phố Hàng Nón, từ xưa là nơi có nhiều cửa hàng bán nón. Cho mãi đến đầu thế kỷ 20, người Việt Nam, có cả người Hà Nội, đàn ông cũng như đàn bà đều dùng nón đội đầu. Đàn ông có nón dứa, nón lông có chóp bằng bạc hoặc đồng. Đàn bà có nhiều loại nón hơn, sang thì dùng nón thúng quai thao (còn gọi là nón Nghệ), người tầm thường, người lao động thì đội nón ba tầm, nón chảo làm bằng lá gồi mềm. Từ những năm cuối thập niên mười, người Hà Nội trừ những người có tuổi, đàn ông không ai đội nón nữa, họ đội khăn bịt, đi ô; đàn bà sang trọng dùng dù vải. Ngoài đường chỉ thấy những người lao động nặng nhọc lam lũ còn đội nón lá.
Trước kia sự dùng nón còn phổ biến trong nhân dân thì ở phố Hàng Nón cả hai dãy mặt phố đều có cưả hàng bán đủ các loại nón, kể cả nón “tu lờ” dành cho nhà chùa. Cửa hàng bán nón ở trong phố thưa dần, sau chỉ còn vài ba nhà giữ nghề cũ, nón chỉ còn thấy bán ở trong các chợ.
Video đang HOT
Những cửa hàng bán nón ở Hàng Nón được thay thế bằng những hiệu buôn những mặt hàng khác.
Có mấy cửa hàng bán guốc sơn dùng cho phụ nữ: Mỹ Sinh và Mỹ Thịnh; chủ hiệu là người làng Hà Vỹ, một làng có nghề cổ truyền sơn ta. Họ từ Hàng Hòm dọn đến đây mua guốc gỗ đẽo sẵn, sơn mầu để bán.
Có mấy cửa hiệu bán giày, mũ: Đức Long – Chính Thuận (số 39); nhà này sau chuyển sang bán sơn ta và bị cháy to. Một cửa hiệu tơ lụa của Khúc Thành Trần Thị Tư (nhà số 58): buôn và bán lĩnh Bưởi, the La Cả; họ mua hàng mộc về thuê nhuộm rồi gửi vào Nam bán.
Một cửa hiệu may Tây của Chu Mậu mà người Hà Nội thời đó quen với cái tên là Charles Mau’s Tailor (Sác Mốt), số nhà 41. Đó là một trong số những người “lăng xê mốt quần áo phụ nữ tân thời” những năm sau 1930. Nhân vật phố Hàng Nón có Bát Dáy, một nhà giàu chuyên cho vay lãi, được nhiều người Hà Nội nói đến tên. Nguyễn Huy Hợi (nhà số 18) làm nhân viên kế toán nhà Gô Đa; ông này đứng ra lập Hội ái hữu nông Công Thương đồng nghiệp, ra tờ báo Hữu Khanh xuất bản trong những năm 1921 – 1923, cụ nghè Ngô Đức Kế làm chủ bút.
Trong những năm 1928 – 1929 do hoạt động của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, có tổ chức ra những Công hội; Nguyễn Đức Cảnh năm 1929 đã triệu tập được một cuộc họp có nhiều đại biểu tham dự trong một nhà có cửa hàng thuốc lào nhỏ (số 15 Hàng Nón).
Qua cơn khủng hoảng kinh tế những năm 1930 – 1931 và nhất là đời sống khó khăn thời kỳ đầu Chiến tranh thế giới (1939 – 1940) nhiều nhà buôn ở Hàng Nón bị sa sút phải bán cửa hàng dọn đi đến ở phố khác; nhưng cũng có nhiều công chức lại chuyển sang kinh doanh hàng tơ sợi Nhật, tơ Bình Định, Quy Nhơn, tranh khách hàng tơ lụa Lyon của Pháp (như nhà Tô Châu). Chiến sự năm 1946 – 1947, Hàng Nón tuy nằm ở giữa Liên khu I song không bị phá hoại mấy.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Cót
Phố dài 404 mét, đi từ phố Phan Đình Phùng đến phố Hàng Gà. Phố Hàng Cót và phố Hàng Gà cùng ở trên một con đường cũ có sẵn từ xưa.
Khu vực này gần Bến Nứa, trong phố có nhiều nhà làm nghề đan cót bán; người đan cót làm việc ở ngoài vỉa hè. Nguyên đây là đất của thôn Tân Lập - Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), thôn này thành lập từ năm 1822 (tức năm Minh Mạng thứ 3).
Và cũng như Hàng Gà, trước 1920, đa số nhà trong phố là nhà một tầng kiểu cổ, rất ít nhà hai tầng. Riêng có một ngôi nhà lớn được xây dựng khá sớm, ban đầu là nhà hát sau dùng làm trường học. Lai lịch ngôi nhà đó như sau: nhân có hội chợ năm 1887 ở Tràng Thi, một công ty người Tàu đứng tên người Pháp là bác sĩ Nico, xây một nhà hát diễn tuồng Tàu, thỉnh thoảng cho Tây thuê biểu diễn ca nhạc và làm sân khấu cho những gánh hát lưu động ở Pháp sang. Tháng 3 năm 1888 cháy lớn ở Hàng Cót, may nhà hát không việc gì. Đến 1916, thành phố lấy ngôi nhà đó làm một trường nữ học cho Khu Bắc, gọi là trường Brieux, tên thông thường là trường Hàng Cót.
Di tích thờ tự cũ trong phố Hàng Cót có đình Ngũ Giáp (ở số nhà 54); thôn Tân Khai còn một ngôi đình cũ nữa ở đầu Hàng Cót (số nhà 4), bị hư hỏng nặng và bị phá khoảng năm 1920, bán cho tư nhân xây nhà. Cạnh đình Ngũ Giáp có một ngôi đền thờ Chư Vị gọi là đền Nam Phủ. Chùa Pháp Bảo Tạng (số nhà 44) mới xây gần đây trong những năm tạm chiếm 1948 - 1954 để chứa những bản mộc in Kinh Phật.
Phố Hàng Cót được mở mang từ thập niên ba mươi, bốn mươi; nhiều nhà kiểu mới to đẹp bắt đầu được xây dựng ở đây. Đường xe điện Kim Liên - Yên Phụ đặt năm 1935 đi qua Hàng Gà - Hàng Cót lên Hàng Than.
Có thể chia Hàng Cót ra làm hai đoạn:
- Đoạn đầu từ vườn hoa Hàng Đậu đến cầu Sắt. Đoạn này không dài nhưng lại có nhiều nhà lớn kiểu Villa làm vào những năm sau 1930. Chủ nhà đất xuất thân quan lại (Hoàng Gia Luận, số 2 - Gia đình Bùi Đình Tịnh số 14 - 16) hoặc công chức cao cấp (bác sĩ An số 4 - Trương Văn Thiện số 7); cũng có công chức sơ cấp lương ít nhưng tằn tiện, con cái được học hành làm nên.
- Đoạn cuối phố, từ Cầu Sắt đến ngã tư Hàng Gà - Hàng Vải: đây là một phố cũ lại ít người giàu lớn nên nhà cửa xây từ xưa còn lại đều nhỏ hẹp kiểu cổ; những ngôi nhà lớn ở đoạn này là của người có tiền ở phố khác đến tậu đất làm nhà mới. Dãy bên số lẻ đến nay vẫn còn lại nhiều nhà một tầng và ít nhà hai hoặc ba tầng. Bên số chẵn, ngoài một số đền chùa vốn xây dựng trên những khoảng đất rộng, có những ngôi nhà lớn hoặc nhỏ nhưng nhiều tầng kiểu mới. Thí dụ: villa to của bác sĩ Ngô Trực Tuân ở ngay ngã ba Cầu Sắt (số 20), nhà hộ sinh Hàng Cót (số 40), nhà Lê Quảng Long (số 50), tư sản có cửa hiệu may Tây Hàng Đường, xây nhà ở đây để gia đình ở.
Phố Hàng Cót không phải là một phố buôn bán, mấy cửa hàng lơ thơ trong phố chỉ là những cửa hàng xén lặt vặt phục vụ những cái cần thiết hàng ngày cho người trong phố, khách mua hàng chỉ mấy bước chân là vào đến chợ để mua sắm có đầy đủ hơn. Người thuê nhà ở Hàng Cót đa số cũng chỉ là công chức, nhân viên sở tư. Một số phòng khám bệnh tư của bác sĩ Việt Nam và một nhà hộ sinh vào loại lâu đời nhất của Hà Nôị: nhà hộ sinh của bà đỡ Tiến (số 40). Một nhà cho thêu xe đám ma Louis Chức (số 13).
Một hiệu thợ may Tây (Tân Hưng số 17). Một hiệu ảnh Rolleie photo (số 60). Một xưởng chữa mấy nhỏ (Rozier số 2). Mấy trương tư thục (trường Trí Đức số 65, trường Nguyễn Văn Tòng số 46 - 48, trường Thăng Long số 9 - 11 và số 2).
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Da Hàng Da là một đường phố không dài (240 mét), và là một trong năm đường phố đổ về chợ Hàng Da, một đầu thông sang Hàng Bông và thẳng sang phố Quán Sứ. Đây nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương. Đường phố đó trước kia có cái tên nôm na là...