Hãng Nikkei mua tờ Financial Times
Hãng truyền thông Nikkei vừa đồng ý mua lại FT Group, trong đó có tờ báo Financial Times, với giá 1,3 tỉ USD từ hãng truyền thông Pearson. Thương vụ tập trung hai hãng tin tức tài chính hàng đầu châu Âu và châu Á.
Tờ Financial Times – Ảnh: Reuters
Reuters và CNN cho hay tập đoàn xuất bản Pearson vừa công bố sẽ bán FT Group, trong đó có tờ thời báo tài chính nổi tiếngFinancial Times, cho tập đoàn Nikkei với giá 844 triệu bảng Anh, tương đương 1,32 tỉ USD. Sau 60 năm thuộc sở hữu của Pearson, Financial Times giờ đây về với “tập đoàn tin tức kỹ thuật số toàn cầu” châu Á.
Thỏa thuận này là thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của một hãng truyền thông Nhật Bản và là một cuộc cách mạng đối với riêng Nikkei. Đây là một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, kinh doanh báo chí, truyền hình, tạp chí và truyền thông số, nổi tiếng với các thương hiệu như tờ Nikkei, Nikkei Asian Review, Nikkei CBNC…
Tsuneo Kita, Chủ tịch kiêm CEO hãng Nikkei cho hay hai tập đoàn truyền thông chia sẻ chung những giá trị về báo chí.
Video đang HOT
Đối với tập đoàn 171 năm tuổi của châu Âu, thương vụ này đồng nghĩa với việc hãng “chia tay” tờ báo được xem là tiên phong của mình và tập trung vào hoạt động kinh doanh giáo dục. Cổ phiếu của Pearson tăng 2,7% sau thông tin trên. Thương vụ sẽ hoàn tất vào quý 4/2015.
Các nhà phân tích đã chờ đợi nhiều năm cho việc Pearson sẽ bán đi tài sản này. Những cái tên từng liên kết chặt chẽ nhất với thương vụ bán Financial Times là Bloomberg và Thomson Reuters. Cả hãng Axel Springer của Đức cũng đã từng thể hiện ý định với thương vụ này.
Financial Times là tờ báo kinh tế nổi tiếng ra đời năm 1888. Tổng lượng phát hành bản in và phiên bản điện tử của Financial Times đã tăng 30% so với 5 năm trước, lên mức 737.000 bản. Trong năm 2014, FT Group đóng góp 344 triệu bảng Anh vào doanh thu và 24 triệu bảng Anh lợi nhuận hoạt động vào kết quả kinh doanh của Pearson.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Mỹ sẽ ngăn cản thương vụ thâu tóm lớn nhất từ Trung Quốc?
Hãng sản xuất chip quốc doanh lớn nhất Trung Quốc Tsinghua Unigroup vừa ngã giá 23 tỉ USD để mua lại hãng chip Mỹ Micron. Song Mỹ rất có thể từ chối lời đề nghị dự kiến sẽ là thương vụ thâu tóm công ty Mỹ lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp Trung Quốc.
Chip do hãng Micron Technology sản xuất - Ảnh: Reuters
Hôm 14.7, tờ The Wall Street Journal đưa tin công ty sản xuất chip quốc doanh lớn nhất Trung Quốc Tsinghua Unigroup đã đề nghị mua lại nhà sản xuất chip bộ nhớ cuối cùng của Mỹ Micron Technology với giá 21 USD cho mỗi cổ phiếu. Tổng cộng, giá trị thương vụ lên đến 23 tỉ USD.
Nếu hoàn thành, đây sẽ là thương vụ thâu tóm công ty Mỹ lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp Trung Quốc. Từ trước đến nay, giá trị các thương vụ công ty Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Mỹ chỉ nằm dưới mức 8 tỉ USD, theo CNN.
Theo CNBC hôm nay 15.7, hãng Tsinghua Unigroup vừa đặt ra cơ hội trước mắt Micron Technology. Song điều này sẽ ít có khả năng được phía Mỹ chấp thuận.
"Tôi cho rằng chúng ta sẽ có một thời gian thực sự khó khăn. Ủy ban của Bộ Tài chính về đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) luôn hoài nghi các doanh nghiệp nhà nước. Đó sẽ là trở ngại rất lớn", James Lewis, chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.
Ông Lewis nói thêm: "Trở ngại thứ hai đó là Bộ Quốc phòng Mỹ luôn tỏ ra không thoải mái với việc chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp vi điện tử ở Trung Quốc".
Nhà phân tích Timothy Arcuri tại hãng dịch vụ tài chính Cowen cho hay: "Tôi nghĩ rằng rất khó có khả năng Sở Tư pháp Mỹ sẽ cho phép thương vụ này. Loại chip thông dụng DRAM là một trong số rất nhiều các ứng dụng liên quan đến bảo mật và quốc phòng. Micron còn là công ty sản xuất DRAM cuối cùng và tôi cho rằng ngay khi vừa nhìn thấy, lời đề nghị này gặp rất nhiều trở ngại pháp lý đáng để xem xét".
Đồng tình với hai nhận định trên, Mario Gabelli - CEO hãng Gabelli Asset Management nói rằng lời đề nghị không có nhiều khả năng được CFIUS chấp thuận.
CNBC cho biết Trung Quốc hiện háo hức xây dựng một doanh nghiệp sản xuất chip bộ nhớ, loại chip được sử dụng trong các máy chủ và trong hoạt động sản xuất thiết bị di động đang phát triển nhanh.
Tsinghua Unigroup được thành lập bởi Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất Đại lục năm 2013. Hồi tháng 5, hãng mua cổ phần kiểm soát trong mảng thiết bị mạng tại Trung Quốc của HP. Năm ngoái, Intel cũng mua 20% cổ phần Tsinghua Unigroup với giá 1,5 tỉ USD.
Với Micron Technology, cổ phiếu của họ trên sàn Nasdaq đã mất giá gần một nửa trong năm ngoái. Trên thế giới, Micron là tên tuổi lớn thứ hai sau Samsung Electronics trong mảng này.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Hy Lạp là thời cơ Trung Quốc "thâu tóm" thị trường châu Âu Tờ Want China Times (Đài Loan) ngày 08-07 cho biết, theo các chuyên gia Nga, việc can thiệp vào cuộc khủng hoảng Hy Lạp dẫu có nhiều rủi ro, nhưng đó là canh bạc mà Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận để "thâu tóm" thị trường châu Âu. "Nhiều con mắt" đã bắt đầu quay sang các nguồn dự trữ lớn cũng như...