Hàng nghìn xe “ngâm” trong nước ngập: Ai bồi thường?
Cơn mưa cực lớn ngày 26/9 tại TPHCM vừa qua đã nhấm chìm hàng nghìn ô tô, xe máy trong nước khiến các xe đều hư hỏng nặng. Vấn đề người dân quan tâm lúc này là chi phí sửa xe có được chủ bãi xe, chủ đầu tư chung cư bồi thường hay không; phía bảo hiểm sẽ giải quyết như thế nào?
Để làm rõ vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty luật Đức Chánh (TPHCM).
Hàng ngàn xe máy, ô tô bị nhấn chìm trong các tầng hầm gửi xe sau cơn mưa chiều 26/9 (ảnh: Đình Thảo)
- Thưa luật sư, cơn mưa chiều tối 26/9 đã “nhấn chìm” hàng nghìn ô tô, xe máy, khiến các phương tiện hư hỏng nặng. Trong đó, nhiều người gửi xe trong bãi xe nhưng chủ bãi trông giữ cho rằng đây là thiên tai nên không bồi thường. Điều đó có đúng không?
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2005 về nghĩa vụ của bên giữ tài sản là “bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ”.
Như vậy, trước tiên xác định việc để xảy ra việc tài sản gửi giữ bị hư hỏng thì trách nhiệm bồi thường thuộc về bên giữ tài sản, tức là chủ bãi xe.
Tuy nhiên, cũng theo khoản 4 của cùng điều luật này thì nghĩa vụ của bên giữ tài sản là “phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng“ .
Vì vậy, cần xác định trong trường hợp này có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không? Nếu có thì sẽ loại trừ trách nhiệm dân sự cho chủ bãi xe. Nếu không thì chủ bãi xe phải bồi thường.
- Vậy theo ông trong trường hợp mưa to gây ngập bãi xe, để xe bị ngâm nhiều tiếng đồng hồ trong nước, làm hư hỏng xe như trong ngày 26/9 vừa qua thì có thuộc trường hợp bất khả kháng không?
- Theo Điều 161 BLDS 2005 thì: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, quy định này là để xác định “thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự”.
Còn hiện BLDS 2005 không định nghĩa thế nào là sự kiện bất khả kháng cũng như chưa có văn bản hướng dẫn hay quy định rõ các trường hợp cụ thể về sự kiện bất khả kháng như mưa, giông, bão, lốc, lụt, sấm sét, hạn hán, động đất, chiến tranh, phá hoại…
Vì vậy, việc xác định như thế nào là sự kiện bất khả kháng rõ ràng ít nhiều phụ thuộc vào nhận định chủ quan của mỗi người.
Việc xác định “cơn mưa lịch sử ngày 26/9/2016″ có phải là sự kiện bất khả kháng hay không cũng vậy. Nếu đứng góc độ người gửi tài sản thì cho rằng chủ bãi xe phải lường trước mùa mưa ở TPHCM cũng như phải có biện pháp khắc phục để không xảy ra tình trạng ngập xe gây hư hỏng. Nhưng đứng dưới góc độ của người giữ xe thì cho rằng với cơn mưa lớn như vậy thì dù đã làm hết khả năng vẫn không thể khắc phục được việc ngập nước, dẫn đến hư hỏng xe của khách.
Vì vậy, chỉ có thể đưa vụ việc ra tòa án thì tòa có thẩm quyền phân định đây có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không. Nếu tòa đã phán quyết thì đây có thể là án lệ để áp dụng cho các trường hợp tương tự về sau.
- Đối với những xe lưu giữ trong tầng hầm của các tòa nhà, chung cư và bị hư hỏng do ngập nước, chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường không, thưa luật sư?
- Như đã phân tích ở trên, nếu chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư đã thực hiện nhiều biện pháp có thể để khắc phục nhưng không thể, thì loại trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp này.
Ngược lại, thì vào mùa mưa này ở TPHCM hay có hiện tượng mưa to, gây ngập thường xuyên nên bên giữ tài sản phải có trách nhiệm lập phương án dự phòng và sử dụng biện pháp chống ngập tầng hầm để bảo quản tài sản cho bên gửi một cách tốt nhất. Nên nếu bên giữ tài sản chưa làm tròn trách nhiệm của mình thì không thể loại trừ trách nhiệm dân sự được.
Chẳng hạn, chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư thông báo cho người gửi biết để di chuyển xe đi nơi khác nhằm tránh thiệt hại xảy ra. Nếu người gửi tài sản biết nhưng do chủ quan thì người giữ tài sản không phải bồi thường.
Ngược lại, chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư không thông báo hoặc chủ quan, không có phương án bơm nước… dẫn đến việc tầng hầm bị ngập, xe bị hư hỏng thì theo tôi đây không phải là sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm dân sự.
- Một số bạn đọc cũng thắc mắc là xe ô tô bị hư hỏng do đi trên đường ngập thì có được bồi thường không, thưa ông?
- Nếu chủ xe có mua bảo hiểm vật chất thì chủ xe có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại, ngoại trừ trường hợp trong hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận khác. Vì thiệt hại này không nằm trong các trường hợp loại trừ bảo hiểm. Còn mức bồi thường thiệt hại về tài sản sẽ được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.
- Xin cảm ơn ông!
Tùng Nguyên (thực hiện)
Theo Dantri
Chưa bao giờ người Sài Gòn sợ mưa như lúc này
Đúng một tháng kể từ cơn mưa chiều 26-8, chiều 26-9, ngay giờ tan tầm, một cơn mưa "khủng" trút xuống làm người dân cả thành phố hàng chục triệu dân nhốn nháo.
Đường đường ngập, nhà nhà ngập, nhà người dân trong hẻm ngập đã đành; ngoài "đường cái" thênh thang. Bệnh viện, trường học, công sở, bến xe... ngập; lươn ngộp trườn lên mặt nước. Nhiều tòa nhà được xem là hiện đại bậc nhất Sài Thành, trong đó có tòa Bitexco cũng lênh láng nước.
Sân bay Tân Sơn Nhất lại cũng không ngoại lệ. Hơn chục chuyến bay không xuống được đành phải di chuyển và đáp ké xuống sân bay lân cận. Rất nhiều hành khách bị trễ chuyến bay cũng vì... ngập.
Thật ra chuyện Sài Gòn mưa là ngập, ngập toàn diện là chuyện không lạ, không mới và đã liên tục xảy ra trong nhiều năm nay. Có điều, đáng ngại nhất chính là xu hướng lần ngập sau lại sâu hơn... lần ngập trước.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Bình Thạnh đang dùng bơm hút nước ở các tầng hầm đường Phan Xích Long. ẢnhPhạm Hữu
Người dân ở vùng trung tâm của thành phố được xem là "đầu tàu" của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giờ cứ như con nghiện - rất sợ nước. Sợ đến mức ám ảnh, mới thấy trời chuyển mây đen đã sợ.
Người dân Sài Gòn sợ ngập đến mức phải thốt lên những ý tưởng là lạ song rất hợp với phương châm "sống chung với ngập". Trong cơn mưa chiều nay, tôi nghe nhiều người dân trú mưa ước có loại phương tiện "xe máy xuồng", tức bình thường thì là xe máy, khi đường ngập thì chiếc xe ấy chuyển thành xuồng.
Cũng trong cơn mưa, người dân đặt chỉ tiêu cho lãnh đạo và ngành chức năng thành phố rằng chẳng cần gì cao xa, chỉ cần tới năm 2020, giải quyết được nạn kẹt xe và ngập là xuất sắc lắm rồi.
Có người trong cơn sợ nhưng lại nghĩ "ngập là đặc sản của Sài Gòn"; hay "trước thì dân mền Tây, giờ thì dân Sài Gòn sống chung với lũ"; hoặc "đây là cơ hội để Sài Gòn kêu gọi đầu tư thủy điện". Đâu đó, tôi nghe giọng người dân nhận xét chua xót: "Sài Gòn đâu có điểm đen bởi hễ mưa là nơi nào cũng ngập".
Sài Gòn sau cơn mưa "khủng" chiều nay không ai thống kê được bao nhiêu xe máy, ô tô bị chìm trong nước; không ai thống kê bao nhiêu người lạnh run người do ngâm mình dưới nước cả mấy tiềng đồng hồ để chờ hết mưa, nước rút, và hết tắc đường.
Chuyện đi đứng, kinh doanh, đời sống của người dân bị xáo trộn, thiệt hại bao nhiêu cũng khó có thể thống kê. Chỉ biết rằng ai bước ra đường cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi ngập với đủ mức độ. Thương nhất là hàng ngàn người lao động vừa tan tầm đã phải dầm mưa, đón con, di chuyển vật vã, khổ sở từ trung tâm về nhà tận ngoại thành xa lắc trong cái lạnh.
Thông tin lúc 21h cùng ngày 26-9 mà chúng tôi có được từ một đơn vị chức năng của TP, đó là trận mưa chiều nay có lượng mưa lớn, đo được tại các trạm (quận 9, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh) ở mức từ 103 - 135mm. Đây được xem là một trong những trận mưa lớn và diện rộng từ đầu mùa, gây ngập nghiêm trọng hơn 30 điểm.
Sài Gòn khi nào hết cảnh lần ngập sau sâu hơn lần ngập trước? Người dân Sài Gòn bao giờ cảm hứng trở lại với đặc điểm "chợt mưa chợt nắng" chưa xa đã nhớ.
Câu hỏi thật không dễ trả lời và có lẽ "ông trời" cũng chưa thể biết!
Theo Thái Bình
Công an nhân dân
Tuần này duyệt định mức tiền đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tuần này Chính phủ sẽ phê duyệt định mức tiền đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa và đến đầu tháng 10 tiền sẽ đến tay người dân. Mặc dù Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chuyển đủ số tiền...