Đây là lần thứ 3, chương trình Trái tim tình nguyện được tổ chức nhằm chuẩn bị máu dự trữ cho dịp Tết. Vòng sơ loại đầu tiên là cân thử, chỉ những bạn có cân nặng hơn 45 kg, không mắc các bệnh truyền nhiễm… mới được hiến máu.
Với thông điệp Nối vòng tay tình nguyện – sẻ giọt máu yêu thương, ngày hội thu hút hơn 2.500 người đăng ký hiến máu. Các bạn trẻ còn được tham gia nhiều hoạt động thú vị như: nhảy sạp, nhảy flashmob tập thể, tham quan hội trại…
Trước khi lấy máu, phải khám, tư vấn và lấy mẫu máu xét nghiệm trước. Rất đông tình nguyện viên hướng dẫn các bạn lần đầu hiến máu theo đúng quy trình.
Rất đông bạn trẻ chờ đến lượt mình được cho máu. Đây thường là khâu “tắc nghẽn” trong những dịp như thế này.
Lần đầu tiên tham gia hiến máu, Lệ Quyên (phải) cô sinh viên năm đầu một trường cao đẳng tại Hà Nội không giấu nổi sự lo lắng, bồn chồn. “Lúc ngồi đợi ở ngoài thấy có bạn ngất, em sợ lắm. Nhưng vào đến chỗ hiến máu rồi thì cũng đỡ run hơn. Lần sau em sẽ đi tình nguyện tiếp”, Quyên mỉm cười chia sẻ.
Lượng máu tiếp nhận được 70% là từ học sinh, sinh viên. Vì thế, cứ đến Tết khi học sinh sinh viên nghỉ dài ngày lại xảy ra tình trạng thiếu máu trầm trọng. Vì thế, Ban tổ chức ngày hội này hy vọng sẽ thu được 2.000 đơn vị máu dự phòng cho cấp cứu và điều trị trong dịp Tết sắp tới.
Người hiến máu sẽ được hoàn lại khi cần
" Hiến máu không gây nghiện, không làm suy tủy hay giảm sức khỏe. Để có được mỗi lít máu, Nhà nước phải bù lỗ khá nhiều, chứ không đơn giản là "xin được" từ người này rồi "đem bán" cho bệnh nhân như nhiều người vẫn tưởng", PGS Nguyễn Anh Trí và các khách mời cho biết trong buổi tư vấn trực tuyến hôm nay. - Tôi xin hỏi các địa chỉ để thực hiện việc hiến máu nhân đạo? Lợi ích của cá nhân tôi khi tham gia chương trình hiến máu nhân đạo là gì? Xin nêu cụ thể các quyền lợi đó? (Nguyễn Ngọc Anh, 30 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương: Bạn có thể đi hiến máu ở rất nhiều nơi trên toàn quốc. Nếu ở Hà Nội, bạn có thể đến Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (số 14 đường Trần Thái Tông kéo dài, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Điện thoại: 043 7821900 - 0438686008), hoặc các điểm hiến máu cố định được đặt cố định tại các quận, phường, và các xe bus hiến máu chuyên dụng được đặt lưu động tại nhiều phố khác nhau ở Hà Nội. Nếu bạn có khó khăn gì, có thể hỏi trực tiếp Ban chỉ đạo vận động hiến máu các tỉnh (thường là ở Hội chữ thập đỏ của tỉnh), khoa huyết học truyền máu của các bệnh viện tuyến tỉnh.Quyền lợi của người hiến máu tình nguyện được quy định tại các thông tư 182 của Bộ tài chính và 22 của Bộ Y tế như sau: Được hỗ trợ tiền đi lại trị giá tối đa 30.000 đồng; Có một bữa ăn nhẹ trị giá tối đa 20.000 đồng sau khi hiến máu; Được nhận một phần quà trị giá tối đa là 80.000 đồng; Được khám và xét nghiệm kiểm tra sức khỏe (HIV, HBV, HCV, giang mai, sốt rét, nhóm máu hệ ABO, Rh). Các kết quả được trả về cho chính cá nhân bạn. Được nhận giấy chứng nhận đã tham gia hiến máu tình nguyện để ghi nhận sự đóng góp của bạn và có ý nghĩa trong các đợt tôn vinh ở các cấp cũng như để trong suốt cuộc đời nếu bạn cần nhận máu sẽ được bồi hoàn đủ lượng máu bạn đã hiến.
-
Xin hỏi anh Nguyên Trong Nhan: anh hiên mau nhiêu vây co anh hương đên sưc khoe không ạ? Tinh chât công viêc cua anh co vât va không ạ? Danh cho anh Duy Khoa: 1. Viêc hiên mau cua anh xuât phat tư đông lưc nao? 2. La môt ngươi nghê si viêc xây dưng hinh anh rât quan trong, anh co y nghi sư dung viêc nay đê đanh bong tên tuôi cua minh không? 3. Anh co đinh găn bo lâu dai vơi hoat đông hiên mau không? (Trịnh Thanh Hương, 31 tuổi, Hà Nội)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Đến nay tôi đã hiến máu được gần 20 lần, trong quá trình đó chưa có vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe trước và sau khi hiến máu. Với điều kiện thời gian, sức khỏe ổn định bình thường tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu và vận động những người thân, những người có đủ sức khỏe cùng tham gia hiến máu cứu người. Hiện nay, với đặc tính công việc của tôi, thực sự cũng không phải vất vả nếu như biết cách sắp xếp thời gian một cách khoa học hợp lý.
Ca sĩ Duy Khoa: Viện hiến máu của Duy Khoa bắt đầu từ thời sinh viên, khi đó Khoa tham gia hoạt động thanh niên tình nguyện như tất cả các bạn trẻ bây giờ vẫn thường tham gia. Lúc ấy, Khoa cũng như tất cả mọi người chưa hề có tiếng tăm và cũng không nghĩ rằng mình sẽ dùng hoạt động này để đánh bóng tên tuổi của mình. Cho đến bây giờ, Khoa tham gia hoạt động này cũng hoàn toàn tình nguyện và cũng là một cách để công việc ca hát thêm ý nghĩa khi giúp tuyên truyền thêm về ý nghĩa đích thực của hoạt động hiến máu.Năm vừa qua Khoa cũng nhận được kỷ niệm chương Nghệ sĩ đồng hành do Viện huyết học và truyền máu trung ương trao tặng và chắc chắn là Khoa sẽ gắn bó với hoạt động này lâu dài.
- Anh Duy Khoa ơi, Xuân hông nay anh hiên mau không? (Nguyên Thi Khanh, 20 tuổi, 5 Ly Thai Tô)-
Ca sĩ Duy Khoa: Đến nay Khoa đã hiến máu được 5 lần. Lần gần đây nhất là vào mùng 5 tháng 12 trong chương trình Trái tim tình nguyện lần 2 tại Gò Đống Đa (Hà Nội). Lúc nào Khoa cũng rất sẵn lòng hiến máu nhưng vì một số lý do mà dịp Lễ Hội Xuân hồng này Khoa chưa thể hiến máu được vì mỗi lần hiến máu quy định cách nhau ít nhất 3 tháng để đảm bảo sức khỏe. Nếu như bạn chưa tham hiến máu lần nào, bạn hãy thử một lần, bạn sẽ được tư vấn và sẽ cảm thấy đây là một hoạt động thực sự bổ ích và có ý nghĩa. Bạn yên tâm nhé, Khoa hiến máu xong hát vẫn còn sung, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
-
Nếu em không may vào viện và truyền máu, thì em có phải trả thêm tiền mua máu không nếu như em đã từng hiến máu. Em hỏi như vậy bởi em thấy: muốn xã hội hóa việc hiến máu cứu người thì cũng nên áp dụng nhiều hình thức. Như gửi tiết kiệm ở ngân hàng thôi, chỉ khác là lãi suất 0%, không thể đòi nếu không bị bệnh phải truyền máu. Hết đời có thể tặng lại người khác. Nếu làm được việc đó cá nhân em xin được định kỳ hàng năm hiến máu ít nhất 2 lần mà không cần một sự đãi ngộ nào. (Nguyễn Trọng Hùng, 31 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương: Nếu bạn từng tham gia hiến máu thì trong suốt cuộc đời nếu không may bạn cần đến máu, thì nhà nước sẽ đảm bảo bồi hoàn miễn phí cho bạn đúng số máu mà bạn đã hiến. Tuy nhiên, khi đến, bạn nhớ mang theo giấy chứng nhận đã tham gia hiến máu tình nguyện. Như vậy hiến máu tình nguyện thực chất cũng như khi ta khỏe mạnh thì gửi máu của mình vào một ngân hàng máu sống và khi cần thì được những người khỏe mạnh khác bồi hoàn lại máu đó. Thực chất, việc hiến máu nhân đạo hiện nay trên cả nước có ý nghĩa nhân văn cao đẹp chính là ở điểm này. Chúc bạn tiếp tục trở thành người hiến máu thường xuyên, để giúp đỡ cho những người cần máu.-
Tại sao bạn lại tham gia tình nguyện vận động Hiến máu nhân đạo mà không phải là các hoạt động tình nguyện khác? Khi tham gia tình nguyện như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến việc học tập hay không? 3. Bạn đã trực tiếp tham gia hiến máu nhân đạo bao giờ chưa? 4. Hiến máu có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? (Truong Nguyet, 20 tuổi, Vĩnh Phúc)-
Bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung: Em biết rất nhiều hoạt động tình nguyện khác nhau nhưng em lại lựa chọn tham gia tình nguyện hiến máu nhân đạo vì hiến máu nhân đạo có một tổ chức rất rộng lớn, quy mô và bài bản. Khi tham gia, em học hỏi được rất nhiều điều. Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội mang đến cho em ngoài những kiến thức về máu và an toàn truyền máu còn rất nhiều kiến thức xã hội khác nữa và các kỹ năng mềm. Đây đều là những điều rất cần thiết đối với một sinh viên kinh tế như em.Em có thể khẳng định, tham gia tình nguyện như vậy không ảnh hưởng đến học tập. Bởi vì, hoạt động tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo đã giúp em biết cách quản lý thời gian, quản lý cảm xúc và cân bằng cuộc sống của mình.Em rất tiếc đến nay chưa có cơ hội được hiến máu lần nào dù rất nhiều lần đăng ký vì chưa đủ cân nặng và thiếu huyết sắc tố.-
Hàng năm vẫn có phong trào hiến máu nhân đạo cứu người, nhưng nghe nói lượng máu hiến nhiều quá thì ngân hàng máu không có chỗ để chứa và phải bỏ đi. Vậy có xảy ra mâu thuẫn trong khi vẫn kêu gọi hiến máu mà người dân và sinh viên như tụi em đi hiến thì không tiếp nhận vì không có chỗ chứa ? (Minh Nhật, 23 tuổi, Đà Lạt)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương: Trước hết cần phải hiểu máu là một loại thuốc đặc biệt, một chế phẩm "sống". Máu chỉ được bảo quản trong một khoản thời hạn nhất định, ngoài thời hạn đó chính tế bào đó cũng tự "chết". Trong điều kiện hiện nay, tại các trung tâm truyền máu hiện đại ở nước ta thì hồng cầu được giữ tối đa là 42 ngày, bạch cầu - 10 ngày, tiểu cầu - 7 ngày. Trong trường hợp nếu tất cả mọi người đồng loạt hiến máu trong một ngày (26/3 chẳng hạn) thì bệnh viện sẽ không đủ chỗ chứa và không sử dụng hết, dẫn đến máu có thể phải bị hủy. Bởi vậy, việc hiến máu tình nguyện cần được thực hiện trên cơ sở có lịch trình hợp lý theo nhu cầu sử dụng của các bệnh viện trong khu vực đó.-
Cho em hỏi làm thế nào để được làm tình nguyện viên cho hôm 20/2 sắp tới ạ? Tại vì trường em không phổ biến chương trình hiến máu này. (Ly Nguyet Cam, 23 tuổi, Hà Nội)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Đã là một hoạt động tình nguyện thì ai cũng có thể tham gia đóng góp dù ở phương diện nào đó. Nếu như ở Hà Nội, ngay từ bây giờ bạn có thể đăng ký tham gia làm tình nguyện viên bằng cách gọi điện đến số 0438686008 hoặc gửi mail về hòm thư vanphonghoi@mau.vn. Ngoài ra, bạn có thể xem thông tin chi tiết trên trang web mau.vn.
- Anh Nhàn à. Dân gian có câu "một giọt máu bằng sáu bát cơm" anh nghĩ sao về câu nói trên? (Hai Ha, 18 tuổi, Hai duong)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Với câu này, rõ ràng chúng ta hiểu rằng các cụ thế hệ trước muốn nói đến sự quý giá của giọt máu với con người. Thế nhưng hiện nay, vẫn có nhiều người không may mắn mắc những căn bệnh liên quan đến máu và họ chỉ có thể được chữa khỏi, được cứu sống nếu như có những đơn vị máu khỏe mạnh để truyền. Và nguồn máu đấy, không lấy từ đâu khác ngoài từ những người khỏe mạnh.
- Xin được phép hỏi tiến sĩ Nguyễn Anh Trí. Trước đây em đã hiến máu 3 lần, nhưng từ sau lần cuối cùng hiến máu gần đây em cảm thấy người hay bị chóng mặt, không thể nhìn máy tính lâu, cơ thể cũng rất mệt mỏi. Trước đó em hoàn toàn khỏe mạnh, nên em không biết có phải do hiến máu nhiều mà vậy không? (Hải Đăng, 24 tuổi, 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương: Trước hết, có thể nói rằng khi có đủ sức khỏe và hiến theo đúng hướng dẫn của người thầy thuốc thì hiến máu 3 lần, 7 lần hoặc 100 lần cũng không gây ra tình trạng chóng mặt. Việc bạn nhận thấy gần đây hay chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, không thể nhìn máy tính lâu, có thể do bạn bị một bệnh lý nào khác. Bạn rất nên sớm dành thời gian đi khám bệnh. Nếu bạn ở Hà Nội xin mời bạn đến Viện huyết học Truyền máu trung ương, chúng tôi sẵn sàng giúp bạn. (số điện thoại của tôi: 0903.217.517).-
Nếu một fan thân thiết của anh bị bệnh ung thư máu mà bạn ấy lại có chung loại máu giống anh, liệu anh có hiến máu cho bạn ấy không ạ? (Lan Phuong, 17 tuổi, Ha Noi)-
Ca sĩ Duy Khoa: Những người tình nguyện hiến máu cứu người đương nhiên không nề hà đối tượng nhận máu, cho dù là bất cứ ai đều cũng có thể nhận máu bình đẳng như nhau. Nhóm máu của anh là nhóm máu O, rất phổ biến. Giả sử có một fan thân thiết của Khoa mà cần nhận máu thì bạn ấy có thể nhận máu từ Khoa hoặc từ bất cứ người nào khác bạn nhé.
- Anh Khoa ơi, khi nào anh sẽ hiến máu tiếp ạ? Em có thể cùng anh hiến máu vào đợt sắp tới của anh không? (Mai Lan, 19 tuổi, Phu Tho) - Ca sĩ Duy Khoa: Phải đến tháng 3, anh mới được tiếp tục hiến máu vì anh mới hiến vào tháng 12 vừa qua. Sắp tới đây ngày 20/2 sẽ có một sự kiện hiến máu rất lớn tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) mang tên Lễ Hội Xuân Hồng, Khoa cũng sẽ có mặt tại sự kiện này để biểu diễn, cổ vũ và động viên những người hiến máu trong giai đoạn cực kỳ thiếu máu cho điều trị này. Khoa cũng mong muốn rằng bạn và bạn bè của bạn nếu có thể hãy cùng vận động mọi người tham gia Lễ Hội Xuân Hồng. Và đừng quên hiến máu bạn nhé!-
Kính gửi anh Nguyễn Trọng Nhàn Được biết anh đang là Phó chủ tịch Hội TNVĐ Hiến máu Hà Nội, một tổ chức có vai trò nòng cốt trong phong trào hiến máu nhân đạo của thủ đô. Xin anh cho biết những kết quả nổi bật mà các bạn sinh viên và thanh niên trong Hội đã đóng góp được cho phong trào hiến máu nhân đạo của thủ đô và cả nước (Vũ Đình Mạnh, 28 tuổi, Cty CP Quà Tặng Sáng Tạo Việt Nam)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Vâng, rất vinh dự cho tôi được là cán bộ của một tổ chức tình nguyện với vai trò nòng cốt về vận động hiến máu nhân đạo của thủ đô. Phong trào vận động hiến máu của Hội chúng tôi đã tham gia khởi xướng và hành động từ năm 1994, đến nay chúng tôi đã trực tiếp vận động được hàng trăm nghìn lượt người tham gia hiến máu. Ví dụ, trong năm vừa qua, Hội chúng tôi đã tổ chức vận động được hơn 21.000 đơn vị máu. Hiện nay, với lực lượng hơn 2.000 tình nguyện viên hầu hết là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thành phố.Các bạn tuyên truyền viên vẫn đang hằng ngày, hằng tuần trực tiếp đến từng ký túc xá, giảng đường, khu dân cư để vận động thuyết phục mọi người cùng tham gia và ủng hộ phong trào hiến máu tình nguyện. Trong năm 2011, Hội chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình để góp phần giảm tình trạng thiếu máu tại các cơ sở y tế và vẫn sẽ là một tổ chức dẫn đầu thi đua trong công tác Hội Liên hiệp thanh niên thủ đô. Khởi đầu 2011, chúng tôi chính là lực lượng chính tham gia tổ chức Lễ Hội Xuân Hồng 2011. Rất mong anh, bạn bè, người thân có thể đến tham dự.-
Máu hiến được sử dụng như thế nào. Các cuộc hiến máu tình nguyện máu sẽ đi theo qui trình nào? Ai là người thụ hưởng?. Chúng tôi đã hiến máu và người nhà của chung tôi không may vào bệnh viện vẫn phải chịu một giá quá đắt? Vậy chúng tôi đã hiến máu cho ai? (Hoành Bùi, 38 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Máu hiến sẽ được sử dụng cho những người cần máu - đó là những bệnh nhân không may bị chấn thương chảy máu, bị mổ xẻ, băng huyết, ung thư máu, thiếu máu huyết tán...Các cuộc hiến máu tình nguyện sẽ đi theo quy trình như sau: Khi được vận động, bạn sẽ đăng ký tham gia hiến máu. Tổ chức tiếp nhận máu của bạn; Tiến hành sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu và xét nghiệm về nhóm máu, sàng lọc kháng thể bất thường. Thực hiện quy trình để sản xuất ra các chế phẩm máu từ máu toàn phần đó. Tiến hành lưu trữ và bảo quản tại các ngân hàng máu. Phân phối đến các bệnh viện, nơi có nhu cầu sử dụng cho bệnh nhân. Tiến hành thực hiện các xét nghiệm hòa hợp để truyền cho người bệnh.Như vậy, bạn có thể thấy, máu lấy được từ người hiến mới là nguyên liệu thô của toàn bộ một quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt và khoa học mới có máu thành phẩm (các loại chế phẩm máu) để truyền cho người bệnh. Quy trình này cũng rất tốn kém (theo tính toán để có một đơn vị máu phải mất khoảng 1,1-1,2 triệu đồng).Như đã nói ở trên, bệnh nhân - những người cần máu - là người thụ hưởng.Theo quy định hiện nay: Nếu bạn đã hiến máu, trong trường hợp bạn không may mà cần đến máu thì với giấy chứng nhận đã tham gia hiến máu tình nguyện, các bệnh viện của nhà nước phải có trách nhiệm bồi hoàn đầy đủ cho bạn bằng lượng máu mà bạn đã hiến.Hiện nay, quy định của nhà nước chưa cho phép bồi hoàn máu cho người thân.Người nhà của bạn khi truyền máu thì được bảo hiểm y tế thanh toán tiền máu và chế phẩm máu theo đúng quy định của nhà nước. (Ví dụ, 447.000 đồng cho một đơn vị máu toàn phần hoặc cho một đơn vị khối hồng cầu loại 250ml). Nếu ở đâu thu sai thì bệnh viện đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
-
Tôi rất muốn hiến máu, nhưng nói thật tôi lại thường xuyên uống rượu bia và thức khuya vì công việc. Vậy xin hỏi tôi có thể hiến máu được không? (Nguyễn Trung Hiếu, 36 tuổi)-
Nguyễn Thị Hồng Nhung: Khi anh muốn tham gia hiến máu thì phải đảm bảo được sức khỏe và tinh thần hoàn toàn tình nguyện. Với điều kiện công việc của anh như vậy thì anh có thể bố trí hợp lý trước buổi hiến máu thì không nên thức khuya hay dùng đồ kích thích như rượu, bia, cafe. Theo em nghĩ, để sắp xếp một buổi hợp lý trong rất nhiều ngày làm việc của anh để tham gia hiến máu nhân đạo là không khó.
- Em xin được hỏi, một lần hiến máu có mất nhiều thời gian không? (Aki, 18 tuổi, GĐH)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Đăng ký hiến máu mất khoảng 5 phút. Xét nghiệm sàng lọc viêm gan B mất khoảng 15 phút. Vào lấy máu mất khoảng 7-10 phút. Nghỉ ngơi và ăn nhẹ khoảng 15 phút. Tổng cộng, mỗi lần hiến máu mất khoảng từ 45 phút đến một tiếng. Tuy nhiên, có thể trong những đợt có nhiều người đến cùng một lúc thì có thể mất nhiều thời gian hơn.Như vậy, người hiến máu ngoài việc đã hiến đi một phần cơ thể của mình thì còn hiến thêm thời gian cho bệnh nhân. Đây cũng là một ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu.-
Anh Khoa ơi, anh có ý định sẽ ra một album các bài hát về hiến máu không ạ ?(Nhung, 20 tuổi, Hà Nam)-
Ca sĩ Duy Khoa: Từ trước đến giờ, phong trào hiến máu đã nhiều lần tổ chức cuộc vận động sáng tác bài hát cổ động cho phong trào này. Gần đây, anh cũng đã có ý tưởng về một album dành cho các hoạt động của thanh niên và sinh viên tình nguyện, trong đó có cả hoạt động hiến máu. Anh hy vọng rằng mình có thể sáng tác một bài hát hay chạm được đến trái tim của khán giả để có thể vận động mọi người tham gia nhiệt tình vào phong trào này.
- Tôi nghe nói có trường hợp hiến máu dẫn đến chết người, điều này có phải là sự thật? (Nguyễn Trung Hiếu, 25 tuổi, 75/26 Trần Văn Đang, quận 3)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Hằng năm cả nước ta có hằng trăm nghìn người hiến máu (năm 2010 tiếp nhận 670.000 đơn vị máu), trên toàn thế giới cũng có đến 81 triệu đơn vị máu tiếp nhận được. Nhưng tất cả đều chưa có thông báo tử vong do hiến máu.Tôi với tư cách là viện trưởng Viện huyết học truyền máu trung ương - là viện đầu ngành trong cả nước đồng thời phải chịu trách nhiệm tiếp nhận tất cả các thông tin về tai biến hiến máu, cho đến nay chưa hề thấy có báo cáo nào nói về trường hợp hiến máu dẫn đến tử vong (Nếu bạn có thông tin này xin bạn sớm thông báo cho tôi theo số điện thoại 0903217517). Xin chân thành cảm ơn bạn.
- Anh nhàn a! Em rất muốn hiến máu nhưng cứ mỗi lần hiến máu xong khoảng trong thời gian 3 tháng là em tăng cân rất nhanh khoảng từ 3kg trở lên. Em đã hiến máu 3 lần và lần nào cũng vậy, Làm sao để hiến máu mà vẫn không tăng cân vậy anh? (Vân, 25 tuổi, Trung tam day nghe phu nu Binh Đinh)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn (cười): Thực tình tôi cũng đã hiến máu được 17 lần nhưng cũng chưa có lần nào sau khi hiến máu mà tôi tăng cân cả. Nhưng phải nói là thời điểm sau khi hiến máu có lẽ là một thời điểm nhạy cảm cho việc thay đổi cân nặng. Vì phản ứng bình thường của cơ thể sau khi hiến máu là thèm ngủ, thèm ăn và nếu như bạn đáp ứng tối đa theo nhu cầu đó của cơ thể thì bạn rất có thể sẽ tăng cân. Còn nếu như bạn vẫn giữ chế độ sinh hoạt bình thường thì tôi tin rằng bạn sẽ vẫn giữ được cân nặng của mình ổn định. Chúc bạn những lần hiến máu sau sẽ vẫn khỏe mạnh và không có hiện tượng tăng cân không mong muốn.-
Xin hỏi PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, ở Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng có tổ chức câu lạc bộ nào dành cho những người có nhóm máu hiếm như: " Rh-" chẳng hạn, nếu như có câu lạc bộ đó thì những người tham gia có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. (Minh Chánh, 35 tuổi, TPHCM)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Vâng, đúng như thế. Ở nước ta hiện nay tại Hà Nội, TP HCM, Huế... đều có Câu lạc bộ của những người nhóm máu hiếm (Rh-). Ở TP HCM, xin bạn liên hệ với Bệnh viện truyền máu huyết học TP HCM. 201 Phạm Viết Chánh, P.Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP HCM. Điện thoại: (08)8397535.
- Chế độ ăn uống nghỉ ngơi thế nào sau mỗi lần hiến máu. Xin chân thành cảm ơn. (Hoài Thu, 31 tuổi, Hà Nội)-
Nguyễn Thị Hồng Nhung: Trước hết, ngay sau khi hiến máu, chị sẽ nghỉ 15-30 phút và nhận được sự chăm sóc của các tình nguyện viên. Sau đó, để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất chị không nên thức khuya, hoạt động mạnh 2-3 ngày sau khi hiến máu, không nên xách nặng ở tay lấy máu...-
Nếu chẳng may bị AIDS mà khi đi hiến máu mới phát hiện ra thì thông tin này có được giữ kín không ạ ? Và hiến tối đa là bao nhiêu cc một lần ạ? (Tuấn Đạt, 31 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Sau khi hiến máu xong, đơn vị túi máu sẽ được kiểm tra HIV. Đây là một xét nghiệm sàng lọc HIV để tránh lây lan cho người sử dụng máu (chứ không phải xét nghiệm chẩn đoán HIV/AIDS). Bởi vậy thông tin này hoàn toàn được bảo mật và chỉ gửi trực tiếp đến cho cá nhân người hiến máu.Lượng máu tối đa của một lần hiến là không quá 9ml cho một kg cân nặng. Chúc bạn trở thành người tích cực tham gia hiến máu nhân đạo.-
Xin hỏi Phó giáo sư, tôi đang uống thuốc kháng sinh điều trị bệnh trứng cá theo đơn của bác sĩ thì có thể hiến máu được không? Nếu được thì thủ tục ra sao? (Quách Thùy Dương, 35 tuổi, 67 Lĩnh Nam, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Tốt nhất bạn nên tạm hoãn việc hiến máu cho đến khi bạn ngừng uống kháng sinh từ 2 đến 4 tuần.
- Anh Duy Khoa ơi, muốn trở thành ca sỹ đồng hành cho một chương trình, hoạt động nào đó thì làm thế nào hả anh?(Nguyễn Thị Lan Anh, 23 tuổi, Mường Tè - Lai Châu)
-
Ca sĩ Duy Khoa: Để trở thành một nghệ sĩ đồng hành trong chương trình hiến máu nhân đạo thì trước hết, bạn phải có tinh thần tình nguyện và thời gian rảnh để có thể tham gia các hoạt động. Bạn có thể đăng ký làm tình nguyện viện của Hội thanh niên tình nguyện hiến máu hoặc tình nguyện viên của Hội chữ thập đỏ địa phương. Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với số điện thoại 0438686008 hoặc truy cập trang web www.mau.vn để đề cập nguyện vọng của bạn.Bạn muốn trở thành ca sĩ đồng hành cho chương trình hiến máu nhân đạo và bạn có khả năng văn nghệ, đó là những điều kiện rất tốt để bạn có thể vận động đông đảo mọi người chú ý và tham gia vào hoạt động này. Mỗi chúng ta chỉ cần có tinh thần tình nguyện là có thể bằng cách này hay cách khác đóng góp công sức vào hoạt động hiến máu nhân đạo.-
Tôi định có em bé thì có thể cho máu được không? Có ảnh hưởng gì không? Nếu được thì sau bao lâu mới để em bé được (tôi nghe nhân viên y tế nói là 1 tháng?. Dụng cụ hiến máu có hoàn toàn riêng biệt không? Có trường hợp nào mà người hiến máu bị lây nhiễm bệnh không ạ? Nếu tôi muốn hiến máu cho 1 người bị tai nạn thì quy trình hiến máu đó như thế nào? Có an toàn như hiến máu nhân đạo không ạ? Xin hỏi rõ để tôi yên tâm và cũng để tuyên truyền cho người thân ạ. (Nguyễn Thị Thanh Mai, 34 tuổi, Nam Định)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Theo quy chế truyền máu - 2007, những người đang có thai và cho con bú thì không nên tham gia hiến máu. Còn nếu mới dự định có em bé thì hoàn toàn có thể tham gia hiến máu.Dụng cụ hiến máu là hoàn toàn riêng biệt và chỉ sử dụng một lần, rất đảm bảo an toàn cho người tham gia hiến máu.Quy trình hiến máu cho người bị tai nạn cũng phải tuân thủ đúng như hiến máu tình nguyện, và cũng rất an toàn, có chăng là đòi hỏi phải làm nhanh hơn để kịp thời cấp cứu.-
Dành cho anh Nhàn: việc hiến máu có ảnh hưởng đến công việc của anh không? (Amy Trinh, 23 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Tôi đã hiến máu từ thời sinh viên và nó không ảnh hưởng gì đến chuyện học tập, thậm chí giúp tôi có một tinh thần thoải mái, tự hào. Nó giúp cho tôi có thêm động lực và niềm vui để tiếp tục tham gia hoạt động nhân đạo này. Đến nay khi đã ra trường và đi làm, tôi vẫn hoàn toàn có điều kiện về thời gian, sức khỏe để tiếp tục hiến máu. Việc hiến máu rất đơn giản chỉ mất từ 3-5 phút để hiến và khoảng 30 phút để đăng ký, nghỉ ngơi. Vì vậy, việc sắp xếp điều kiện của mình để tham gia hiến máu không có gì là khó. Hy vọng bạn dù trong cương vị nào cũng mong bớt chút thời gian để ít nhất một lần tham gia hiến máu tình nguyện.-
Tôi là Nguyễn Thị Lan, tôi đã hiến máu tình nguyện 3 lần và lần thứ 4 thì tôi được các bác sĩ viện huyết học tư vấn về hiến tế bào máu. Sau lần hiến tế bào máu đó thì tôi rất sợ và không còn ý định hiến máu nữa. Xin cho tôi hỏi tại sao hiến tế bào máu lại có cảm giác mệt mỏi và khó chịu đến thế? (Nguyen Thị Lan, 35 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Những người hiến máu toàn phần được thì hoàn toàn có thể hiến tiểu cầu được. Hiến tiểu cầu được gọi là hiến thành phần máu. Việc làm này là rất tốt vì đảm bảo được cho bệnh nhân cần gì truyền nấy và không truyền những thành phần không cần truyền. Việc bạn được đề nghị chuyển sang tham gia hiến tế bào máu (ví dụ hiến tiểu cầu) chứng tỏ cơ thể bạn có khả năng sản xuất được một số lượng tiểu cầu lớn và ổn định. Hiến tiểu cầu thường mất nhiều thời gian hơn so với hiến máu toàn phần, tuy nhiên, ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn. Rất mong bạn tiếp tục tham gia hiến thành phần máu.-
Em bắt đầu hiến máu từ năm 17 tuổi. Cứ 3 tháng một lần, và hiện sức khỏe của em vẫn tốt. Chỉ hơn 1 năm nay em bắt đầu giãn ra 3 tháng rưỡi và định sẽ giãn ra 4 tháng một lần. Vì nhiều người thân, và ngay cả bác sĩ tư vấn đều khuyên em nên giảm số lần hiến máu thường xuyên lại. Em muốn hỏi việc hiến máu quá thường xuyên (nam 3 tháng, nữ 4 tháng) trong một thời gian dài có ảnh hưởng sức khỏe khi đã lớn tuổi? Việc tủy xương phải liên tục tái tạo hổng cầu mới có làm tủy xương yếu đi? Bằng chứng khoa học? (Nguyen Nguyen, 30 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Qua những công trình nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy nếu hiến máu không sớm hơn 12 tuần thì hoàn toàn không có hại vì cơ thể đủ thời gian để sản sinh ra một lượng máu mới để bù đắp cho phần đã hiến, đồng thời tủy xương cũng không bị kiệt quệ, kể cả sau này khi bạn lớn tuổi. Bạn hoàn toàn có thể đều đặn hiến máu cách nhau 3-4 tháng một lần. Chúc bạn sẽ trở thành người vô địch hiến máu ở Việt Nam.
- Tôi đã tham gia hiến máu khá nhiều lần (7 lần). Hiện nay đã 52 tuổi, sức khỏe bình thường, nếu hiến máu tiếp có được không? Có ảnh hưởng đến sức khỏe không?. Xin cám ơn. (Phan Văn Châu, 52 tuổi, Thừa Thiên Huế)-
Bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung: Hiến máu nhiều lần theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, nếu bác thấy mình vẫn có đủ điều kiện sức khỏe và tinh thần tốt thì có tiếp tục tham gia hiến máu cho đến khi trên 55 tuổi. Rất mong bác có thể tiếp tục tham gia hiến máu nhân đạo vào những lần sau và có thể vận động những người xung quanh tham gia phong trào của chúng cháu.
- Trong ý nghĩ của những người chưa từng hiến máu vẫn mang tư tưởng là lần này hiến là lần sau phải tiếp tục hiến nữa gọi nôm na là "nghiện", điều này có đúng không? Nhiều khi tôi muốn đi hiến để cho bằng các bạn nhưng chẳng biết hiến ở đâu. Thấy ngoài đường treo quảng cáo "nghĩa cử cao đẹp" thế mà chẳng có số điên thoại của ban tổ chức, chẳng có địa chỉ biết hiến ở đâu, vậy là sao? (Nguyễn Sinh Toàn, 22 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Trước hết phải khẳng định, hiến máu hoàn toàn không gây "nghiện", tức là bắt buộc phải hiến máu, nếu không hiến sẽ bị khó chịu hoặc ốm đau. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực tế của cá nhân, tôi thấy cũng có thể bị "nghiện" khi mình cảm nhận được rằng hiến máu hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe, lại cứu sống được bệnh nhân, hiến máu làm mình trở nên trẻ trung và yêu đời hơn, vì thế mà thích đi hiến máu. Nhiều người cũng có cảm giác này giống tôi.Nếu bạn muốn đi hiến máu, mời bạn đến Viện huyết học truyền máu trung ương (số 14 đường Trần Nhân Tông kéo dài, điện thoại: 04438686008) từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều của tất cả các ngày trong tuần; hoặc bạn có thể hiến khi gặp bất cứ một xe bus hiến máu chuyên dụng nào ở tất cả các phố.-
Con cao 1m62, cân nặng 49 kg. Nhiều người bảo con rất gầy, không nên đi hiến máu. Con mong muốn một ít máu của mình cũng có thể cứu được ai đó nên con định đi, mà không biết sau khi hiến máu con có bị gầy đi không? Liệu con có thể tăng cân được sau khi hiến máu không? (Bùi Lưu Sơn, 21 tuổi, Nghệ An)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Với điều kiện sức khỏe cao 1m62, cân nặng 49 kg, bạn hoàn toàn có thể tham gia hiến máu. Xin bạn cứ yên tâm tham gia hiến máu.-
Một số thanh niên hiện nay lại không xem vấn đề hiến máu cứu người là một nghĩa cử đẹp. Vậy theo bạn làm gì để thay đổi cách nghĩ của một số thanh thiếu niên này? (Nguyễn Thị Hồng Loan, 27 tuổi, THPT Nguyễn Thị Định - Gồng Trôm, Bến Tre)-
Ca sĩ Duy Khoa: Trước tiên Khoa xin chia sẻ một kỷ niệm với bạn, đó là một lần dì ruột của Khoa bị bệnh phải nằm viện. Khi đó, nhóm máu của dì là một nhóm máu hiếm, trong khi dì lại rất cần máu để truyền, phải thử máu rất nhiều người trong gia đình thì mới tìm được người có trùng nhóm máu. Lúc ấy, Khoa thực sự cảm nhận được sự cần thiết của những giọt máu cứu người. Khoa cũng như bạn cũng đang ở những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ và Khoa cũng luôn phấn đấu để cuộc sống và tuổi trẻ của mình có ý nghĩa. Chính vì vậy, Khoa thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện để giúp mọi người biết và hiểu thêm về hoạt động hiến máu nhân đạo.Nếu như bạn cũng nghĩ như Khoa thì có thể cùng với Khoa tham gia tìm hiểu và cùng vận động những người xung quanh hoặc bạn bè mình để tất cả mọi người hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu cứu người. Mỗi chúng ta đóng góp một phần công sức nhỏ bé thì có thể thay đổi suy nghĩ của những người còn chưa nhìn nhận đúng về ý nghĩa của hoạt động này.
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Thứ nhất, tôi khẳng định rằng "hiến máu cứu người" chắc chắn là một nghĩa cử cao đẹp. Không ai có thể phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, tôi hiểu hiện nay vẫn có một ý kiến cho rằng có xuất hiện tình trạng tiêu cực trong việc truyền - nhận máu của bệnh nhân. Có lẽ rằng, điều đó không phải là không có nhưng mọi lý do dẫn đến đều xuất phát từ tình trạng thiếu máu để điều trị. Nếu như người hiến máu tình nguyện đủ đáp ứng nhu cầu về máu trong các bệnh viện thì tôi tin việc hiến máu cứu người sẽ không còn những điều băn khoăn đối với người hiến máu cũng như người bệnh cần máu-
Em mới hiến máu được 4 lần, và cứ cách 3 tháng là em đi hiến 1 lần, mỗi lần em hiến xong thì 1 tuần sau là em lên cân, có thể lên tới 4kg nhưng vài tuần sau đó là bắt đầu giảm, em muốn hỏi đó có phải là triệu chứng tăng cân "ảo" sau khi hiến máu không?, và việc tăng cân "ảo" như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe sau này không??, và có cách nào giữ được số cân "ảo" đó không vì em nghe nói là cứ tăng cân "ảo" như vậy thì mai mốt sẽ rất khó mà tăng cân "thật" cho dù có ăn nhiều đi tới mấy. (Phan Thanh Hưng, 19 tuổi, THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Hiện tượng sau khi hiến máu có thể tăng cân, mặc dù không phổ biến, tuy nhiên hoàn toàn có thể giải thích được, là do, sau hiến máu thường ăn, ngủ tốt hơn (riêng tôi, thì sau hiến máu không có hiện tượng này). Như bạn đã thấy, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, cân nặng của người hiến máu sẽ trở lại bình thường. Bởi vậy, điều này hoàn toàn không có hại, không ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại và kể cả sau này.-
Tôi tưng hiên mau. Ban thân tôi co sưc khoe tôt nên không găp phai vân đê gi, tuy nhiên môt sô ngươi ban cua tôi lai thây mêt moi, hơi choang vang va mây ngay sau đo ăn cơm không ngon. Nhom tôi co 6 ngươi đi hiên thi tơi 4 ngươi bi như vây va ho không dam nghi đên lân thư hai. Như vây tỷ lê ngươi hiên mau trên 2 lân se la không nhiêu. Hiên mau co thât sư la tôt? Tôi nghi cân phai thăng thăn trong vân đê nay. (Nguyễn Minh Hồng, 32 tuổi, Đà Nẵng)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Hiến máu theo sự hướng dẫn của người thầy thuốc và theo đúng quy định tại quy chế truyền máu năm 2007 là hoàn toàn không có hại. Tuy nhiên, có thể ngay sau hiến máu một số người cảm thấy mệt mỏi, choáng váng... (cũng như có người có cảm giác buồn ngủ, thèm ăn hoặc hưng phấn, vui vẻ) phần lớn là do tâm lý và không giống nhau ở từng người. Những dấu hiệu đó chỉ trong một khoảng thời gian ngắn (không quá 2 ngày) là hoàn toàn hết. Những người hiến máu lần thứ hai trở lên - được gọi là người hiến máu nhắc lại, đó là những người hiến máu rất an toàn. Mong các bạn trở thành người hiến máu nhắc lại.
- Em nghe nói hiến máu có thể thay đổi tính tình của mình sau này, có phải như vậy không? (Lê Đình Đức, 24 tuổi, Kien Giang)-
Ca sĩ Duy Khoa (cười): Hiến máu không thay đổi tính tình gì đâu em ạ. Với anh, sau khi hiến máu, anh cảm thấy yêu đời hơn vì mình đã làm được một việc rất có ý nghĩa. Em cứ thử một lần xem, em sẽ có cảm giác giống như anh, mình thực sự đang được sống và đang làm những điều có ích cho cộng đồng.
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Đúng quá! (cười). Nếu bạn đã hiến máu rõ ràng là bạn đã trở thành người tốt hơn vì đã làm được việc tốt. Tôi hy vọng bạn sẽ tiếp tục chia sẻ hành động này trong điều kiện cho phép.
Bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung: Chắc bạn cũng biết có những việc ta chỉ có làm được khi mình đang ở tuổi trẻ và có sức khỏe. Vì vậy, bất kỳ việc gì, điển hình là hiến máu tình nguyện nếu đủ điều kiện tham gia thì bạn nên tham gia. Như vậy, suy nghĩ trong bạn đã bắt đầu có sự thay đổi rồi đấy.-
Tôi là nam năm nay 39t nhóm máu O, đã hiến máu 11 lần, tuy nhiên đôi khi tôi cũng băn khoăn là mình hay bị dị ứng da (còn gọi là mề đay). Tôi muốn mỗi năm đi hiến 3-4 lần thì có ok không? (Thành Chánh, 39 tuổi, TP HCM)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Theo quy định hiện nay thì dị ứng da nếu không đang dùng các loại thuốc đặc biệt, thì hoàn toàn có thể hiến máu được. Tuy nhiên, để chính xác hơn tốt nhất bạn nên theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ trực tiếp khám tuyển người hiến máu cho bạn ngày hôm đó.Các trường hợp khác, như bị cao huyết áp, hạ huyết áp, vảy nến, tim... thì quyền quyết định được hiến máu hay không là do bác sĩ trực tiếp khám tuyển cho bạn.Những người bị viêm gan B nhưng đã khỏi và có xét nghiệm HBsAg âm tính thì hoàn toàn có thể tham gia hiến máu trở lại.
- Em có vài câu hỏi về việc hiến máu 1. Một lần được hiến tối đa là bao nhiêu máu? 2. Bao lâu mới được hiến máu lại? 3. Thể trạng như thế nào thì được hiến máu? 4. Trong khi hành kinh, hiến máu có ảnh hưởng gì không? 5. Sau khi hiến máu, nên ăn những thực phẩm bổ sung nào? 6. Có phiếu chứng nhận hiến máu nhân đạo thì lỡ sau này mình gặp tai nạn cần máu thì sẽ xử lý như thế nào? 7. Em muốn chương trình được tổ chúc ở Gia Lai nữa. (Đặng Thị Thủy Ngân, 22 tuổi, Gia Lai)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Mỗi lần hiến, không hiến quá 9 ml trên một kg cân nặng. Ví dụ nếu bạn nặng 50 kg, bạn có thể hiến 350 ml. Sau 84 ngày (khoảng 3 tháng) bạn có thể đăng ký hiến máu tiếp theo. Nếu bạn nặng trên 45 kg, trên 18 tuổi, không có tiền sử mắc bệnh về tim mạch, huyết áp, truyền nhiễm..., thì có thể hiến máu.Sau khi hiến máu bạn hoàn toàn có thể giữ chế độ sinh hoạt, ăn uống như bình thường. Ngoài ra, bạn có thể uống thêm viên sắt, ăn uống các thực phẩm giàu chất đạm...Nếu như trong trường hợp không may, bạn cần phải truyền máu thì giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện có giá trị được bồi hoàn miễn phí đúng bằng lượng máu bạn đã hiến ghi trên giấy chứng nhận tại các cơ sở y tế công lập.
- Chào anh Duy Khoa! Được biết ngày 20.02.2011 này anh sẽ biểu diễn tại Lễ hội Xuân hồng 2011. Xin hỏi anh trong ngày đó anh có mời thêm bạn và các fan của mình cùng tham gia không ạ? (Trần Đức Mạnh, 21 tuổi, Q.Thanh Xuân - Hà Nội)-
Ca sỹ Duy Khoa: Các chương trình biểu diễn từ thiện và tình nguyện thường không bán vé và dành cho tất cả mọi người nên sẽ thu hút rất đông các bạn thanh niên, sinh viên tham gia. Chương trình Lễ Hội Xuân Hồng vào ngày 20/02/2011 sắp tới tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng vậy, ngoài Duy Khoa thì còn có rất nhiều nghệ sĩ khác như ca sỹ Thùy Trang (em gái của Duy Khoa), ca sỹ Thái Thùy Linh, ca sỹ Khắc Hiếu...Riêng với Duy Khoa thì Khoa cũng sẽ thông báo rộng rãi về chương trình này trên blog cá nhân và trang web www.duykhoathuytrang.com để tất cả các fan của Duy Khoa và Thùy Trang cùng biết và tham gia vào hoạt động này. Chắc chắn sẽ có nhiều bạn đến cùng tham gia Lễ Hội Xuân Hồng để hiến máu tình nguyện, cũng như cùng tham gia chương trình văn nghệ. Hẹn gặp lại bạn ở Lễ Hội Xuân Hồng nhé! Và nếu có thể hãy rủ thêm bạn bè cùng đến tham gia và đừng quên hiến máu nha!-
Anh Nhàn đã hiến máu bao nhiêu lần và kỷ niệm nào ấn tượng với anh nhất khi đi hiến máu? (Hai Nam, 18 tuổi, Hà Nội)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Tôi đã hiến máu được 17 lần. Lần hiến máu nào với tôi cũng thật ấn tượng và ý nghĩa. Nhưng những lần hiến máu mà tôi cảm thấy có vai trò quan trọng là những lần hiến máu trong dịp hè và Tết. Vì trong những khoảng thời gian đó tình trạng thiếu máu lại trở nên trầm trọng hơn. Những người không may mắn cần phải truyền máu lại càng bức thiết hơn trong nhu cầu máu để điều trị.Một lần hiến máu cũng rất ấn tượng đối với tôi là dịp Lễ Hội Xuân Hồng đầu tiên được tổ chức và chính tôi cũng là một trong những người tham gia sáng tạo và tổ chức lễ hội này.-
Em có một thắc mắc mãi đến bây giờ vẫn chưa được giải đáp. Rằng "hiến máu nhân đạo", không thu được bất kỳ lợi ích to tát gì cả (chỉ 1,2 lon sữa) , nhưng khi các bệnh nhân cần truyền máu, thì họ lại phải mua, vậy sao lại gọi là hiến máu "nhân đạo" ạ? Như thế chẳng khác nào các tổ chức hiến máu tình nguyện này lấy máu của những người tình nguyện để bán cho những người có nhu cầu, vậy thì có khác nào mua bán mà người "hiến" máu không được bất kỳ lợi lộc nào cả?? (Huỳnh Ngọc Dung, 22 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Một quy trình để có máu truyền cho bệnh nhân phải qua rất nhiều công đoạn: Tuyên truyền vận động, thu gom máu, sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu trữ và bảo quản máu, tiến hành các xét nghiệm hòa hợp để truyền cho bệnh nhân. Đây là một quy trình chuyên môn, khoa học và cũng rất tốn kém (khoảng 1,1-1,2 triệu cho một đơn vị máu). Máu tiếp nhận được từ những người hiến máu tình nguyện mới là nguồn nguyên liệu đầu vào cho cả một quá trình nhiều công đoạn kể trên.Người đi hiến máu được nhận những lợi ích vật chất (như quà, hỗ trợ đi lại, ăn bữa ăn nhẹ...) là không nhiều. Tuy nhiên, họ được kiểm tra sức khỏe miễn phí (với số tiền cho việc xét nghiệm đó không dưới 200.000 đồng) và được nhận giấy chứng nhận đã tham gia hiến máu tình nguyện để trong suốt cuộc đời nếu không may cần đến máu Nhà nước sẽ đảm bảo bồi hoàn đúng lượng máu họ đã hiến. Qua đó cho thấy lợi ích của người hiến máu tình nguyện lớn hơn nhiều so với người bán máu chuyên nghiệp. Mặt khác, người hiến máu tình nguyện còn có niềm tự hào, niềm hạnh phúc vì đã đã hiến máu để cứu sống người bệnh.Những bệnh nhân khi được truyền máu thì phải trả một số tiền theo đúng quy định của Bộ tài chính (ví dụ 447 nghìn đồng cho một đơn vị máu toàn phần hoặc khối hồng cầu loại 250ml). Số tiền này chưa đủ cho chi phí để có được một đơn vị máu như đã nói ở trên. Và số tiền này cũng được bảo hiểm y tế chi trả - đặc biệt đối với bệnh nhân nghèo. Vậy ở đây hoàn toàn không có chuyện lấy máu của người hiến máu tình nguyện bán cho người có nhu cầu. Xin nói thêm, Nhà nước còn phải bù lỗ rất nhiều để có máu phục vụ người bệnh.
- Một số người (trong đó có cả bác sĩ) cho rằng nếu thường xuyên hiến máu sẽ bị suy tuỷ. Vấn đề này có đúng không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Huy Cường, 38 tuổi, Ngân hàng Đông Á - CN Tiền Giang: KP Trung Lương, P10, Mỹ Tho, T)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Nếu hiến máu không đúng quy định, như hiến máu quá thường xuyên, dưới 12 tuần một lần (những người bán máu chuyên nghiệp nhằm mục đích có tiền thì họ thường làm như vậy), là có ảnh hưởng đến sức khỏe, tủy xương sinh máu buộc phải làm việc quá nhiều có thể gây ra suy tủy. Tuy nhiên, nếu bạn hiến máu theo đúng quy định và theo sự hướng dẫn của người thầy thuốc thì hoàn toàn không có hại, không ảnh hưởng đến tủy sinh máu, không bị suy tủy xương.
- Chào Duy Khoa, tôi thấy việc hiến máu quả thực rất có ý nghĩa và thiết thực nhưng nhiều người còn e ngại. Duy Khoa có lời khuyên, cổ vũ tinh thần nào để mọi người tích cực tham gia thật đông đảo hơn nữa! Thân! (Hà Nội, 21 tuổi, Thủ đô)-
Ca sĩ Duy Khoa: Hiến máu nhân đạo là một hoạt động vô cùng thiết thực và có ý nghĩa. Nếu ai đó còn e ngại có nghĩa là họ vẫn chưa thực sự hiểu biết về hoạt động này và cuộc giao lưu trực tuyến ngày hôm nay cũng không nằm ngoài mục đích để mọi người thực sự hiểu và có những kiến thức đúng đắn về việc hiến máu hiến cứu người. Khoa hy vọng mình cũng đang góp công sức nhỏ bé của mình để mọi người cùng tìm hiểu và có những kiến thức bổ ích trong việc cho và nhận máu. Hẹn gặp lại các bạn vào Lễ Hội Xuân Hồng sắp tới vào ngày 20/2 tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Bạn nhớ tham gia vào sự kiện này nhé nếu có thể hãy rủ thêm đông đảo bạn bè cùng tham gia và cùng hiến máu.
- Nhung hoạt động tình nguyện có ảnh hưởng đến học tập không? Gia đình có ủng hộ Nhung không (Ngoan, 20 tuổi, Hà Nam)-
Bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung: Em có thể khẳng định hoạt động tình nguyện không ảnh hưởng đến học tập của mình bởi vì khi tham gia vào Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, em đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, khả năng và cách học để vẫn có thể đạt được kết quả cao mà không suốt ngày phải ôm lấy sách vở. Hơn nữa hoạt động Hội là một hoạt động tình nguyện, là đam mê của bản thân em nên hoạt động tốt chính là một động lực mạnh mẽ để em có thể học tốt hơn.Hiện tại, do lo lắng cho sức khỏe chưa được tốt của em nên gia đình em chưa ủng hộ. Sau rất nhiều thời gian suy nghĩ và đấu tranh tư tưởng, em vẫn quyết định tham gia vì Hội là một môi trường lý tưởng, là lò lửa để từ trong đó, em có thể được tôi luyện thành thép và sẽ chứng minh được cho gia đình em " nhờ có Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội mà em đã trưởng thành hơn rất nhiều".
- Xin hỏi là mọi người luôn kêu gọi hiến máu nhân đạo. Nhưng anh Trí đã bao giờ hiến máu chưa? Hoặc bao lâu anh Trí Hiến máu một lần? (Nguyễn Thanh Vân, 55 tuổi, 383 Phố Vọng)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Tôi đã hiến máu 3 lần (năm 2010 hai lần, 2011 vào ngày mùng 6 Tết thêm một lần nữa). Tôi hy vọng từ nay trở đi mỗi năm tôi sẽ hiến từ 2 đến 4 lần, tùy điều kiện sức khỏe và công tác. Chúc bạn cũng trở thành người hiến máu như tôi, để cảm nhận niềm vui và hạnh phúc khi máu của mình đã cứu sống được người bệnh.
- Em là vận động viên thể thao, liệu việc hiến máu có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của em không? (Do Thanh Hoang, 23 tuổi, 13 le van chi quan Thu Duc)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Hiến máu không ảnh hưởng đến thành tích thể thao. Ở Nhật Bản tôi đã thấy nhiều vận động viên thể thao như cầu thủ bóng đá, vận động viên điền kinh, kể cả đô vật Sumô cũng tham gia hiến máu. Tuy nhiên, trong những dịp bạn phải chuẩn bị cho những kỳ thi đấu lớn, tập luyện nhiều thì bạn nên tạm hoãn hiến máu.
- Chào anh Nhàn, anh đến với phong trào hiến máu nhân đạo như thế nào? Anh đã hiến máu bao nhiêu lần? Làm thế nào anh vượt qua được nỗi sợ của lần đầu tiên hiến máu? (Trần Hằng Nga, 24 tuổi, Hồ Chí Minh)-
Anh Nguyễn Trọng Nhàn: Chào bạn, thực ra tôi đến với phong trào hiến máu tình nguyện cũng rất tình cờ. Chính các tuyên truyền viên trong trường đại học Bách Khoa đã chủ động gặp gỡ chia sẻ về phong trào. Khi tiếp xúc với vấn đề mới mẻ này tôi cũng chủ động tìm hiểu thêm và thấy rằng hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mình mà lại giúp đỡ được nhiều người. Chính vì vậy chẳng có lý do gì mà tôi không tham gia.Như đã nói ở trên tôi đã hiến máu được 17 lần. Và cũng xin chia sẻ với bạn, lần hiến máu đầu tiên tôi không hề sợ bởi vì tôi biết đó là một hành động có ý nghĩa. Hy vọng rằng nhiều bạn chưa từng hiến máu hãy sẵn sàng tinh thần và sức khỏe để chia sẻ dòng máu của mình cho đồng bào không may mắn.
- Cám ơn viện trưởng dành thời gian tham gia một diễn đàn ý nghĩa như thế này? Cho cháu hỏi khi muốn hiến máu tình nguyện thì phải chuẩn bị gì và có những xét nghiệm gì trước khi hiến máu? (Thu Hà, 20 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Nói chung bạn không phải chuẩn gì đặc biệt cả ngoài tinh thần mong muốn được hiến máu cứu người. Việc tiến hành các xét nghiệm trước khi hiến máu sẽ được các cán bộ y tế tại địa điểm hiến máu thực hiện.Nhân đây, xin nói thêm, đối với những người bị nhiễm HIV ở giai đoạn cửa sổ thì quả thật là rất khó phát hiện (điều này không chỉ riêng ở nước ta mà ở trên toàn thế giới vì đây là giới hạn của kỹ thuật). Sắp đến, Viện huyết học truyền máu trung ương đang có kế hoạch xin các cấp có thẩm quyền đưa xét nghiệm sinh học phân tử (NAT) vào sàng lọc HIV thì thời gian cửa sổ sẽ chỉ còn từ 5-7 ngày. Một giải pháp hữu hiệu để hạn chế thời gian cửa sổ là tiếp nhận máu từ những người hiến máu nhắc lại: Nếu lần trước là âm tính với HIV mà lần này cũng âm tính có nghĩa rằng đơn vị máu trước hoàn toàn không nhiễm HIV.
- Chào quý báo. Tôi là một độc giả thường xuyên xem báo mạng vnexpress. Được biết hôm nay có tư vấn về vấn đề hiến máu nhân đạo, nên tôi cũng xin đưa ra thắc mắc của mình để được giải đáp. Có cách nào để những người đi làm giờ hành chính như tôi có thể đi hiến máu được không? Lâu lâu thì cũng có ngày hội hiến máu tổ chức vào sáng chủ nhật, nhưng làm sao tôi có thể tiếp cận thông tin của những chương trình đó được ạ? (Diệp Quang Việt, 31 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Xin mời bạn đến Viện huyết học truyền máu trung ương (14 Trần Thái Tông kéo dài, Yên Hòa, Cầu Giấy) để hiến máu từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào tất cả các ngày trong tuần.
- Anh Khoa ơi! Anh có vận động được ai đi tham gia hiến máu nhân đạo chưa ạ? Anh mà rủ rê thì được nhiều lắm đấy nha! (Nguyệt, 20 tuổi, Hà Nội)-
Ca sĩ Duy Khoa: Anh có một diễn đàn dành riêng cho các fan của mình tại địa chỉ www.duykhoathuytrang.com, mỗi khi có những hoạt động hay chương trình biểu diễn là anh đều thông báo trên diễn đàn để các fan cùng tham gia. Mấy lần trước anh tham gia hiến máu, các bạn cũng đi theo và hưởng ứng rất nhiệt tình. Chương trình Lễ Hội Xuân Hồng ngày 20/2 tại Sân Vận động quốc gia Mỹ đình sắp tới đây, mọi người cũng sẽ tới tham gia hiến máu và xem anh và các ca sĩ khác biểu diễn. Nếu có thể, em hãy tới tham dự hoạt động có ý nghĩa này nhé!
- Tôi là giáo viên đại học. Tôi thấy nên thay đổi hình thức tặng quà cho người hiến máu. Đối với tôi mấy chục ngàn, đã hiến máu tôi không muốn nhận. Quà thường là 1 cái áo sơ mi hay áo thanh niên tình nguyện trong khi tôi không còn là thanh niên. Thiết nghĩ quà có thể thay bằng các vật lưu niệm; và tôi đề xuất quà là phiếu khám bệnh hay xét nghiệm chẳng hạn thì tốt hơn. Có thể 1- 2 lần chưa đủ nhưng tích lại mấy lần hiến máu thì tặng cho người hiến thẻ kiểm tra sức khỏe. (Trịnh Minh Châu, 44 tuổi, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Quà dành cho người hiến máu, theo quy định của Bộ tài chính trị giá tối đa là 80.000 đồng, và có thể là những loại khác nhau, như áo sơ mi, khăn tắm, đĩa nhạc, USB... tùy vào từng buổi hiến máu. Nếu bạn không nhận thì có thể tặng lại cho những người hiến máu sau, còn đối với tiền, nếu không muốn nhận, bạn có thể để vào hòm ủng hộ người nghèo - thường đặt tại các điểm hiến máu.Việc trao cho người hiến máu thẻ khám bệnh hoặc xét nghiệm chúng tôi cũng đã nghĩ đến, nhưng thấy không cần thiết, bởi khi chúng ta khám hoặc làm xét nghiệm thì đã được bảo hiểm y tế chi trả, không cần thẻ này.
- Tôi biết máu là rất quý, nhưng tôi đã có lần chứng kiến một số lượng máu khá lớn được lấy tình nguyện từ các sinh viên. Nhưng do khâu vệ sinh kém nên toàn bộ số máu đó phải bỏ đi. Xin ông cho biết suy nghĩ về vấn đề này.(Quang Phu, 34 tuổi, Phu Lãm, Hà Đông, Hà Nội)-
PGS, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí: Cảm ơn bạn đã cung cấp một thông tin hết sức đặc biệt. Theo tôi được biết, để chuẩn bị cho một đợt tiếp nhận máu, các khâu chuẩn bị hết sức nghiêm ngặt và kỹ lưỡng, không thể có chuyện máu lấy xong mà không đảm bảo vệ sinh, buộc phải hủy. Tuy nhiên, trên thực tế có thể gặp những người tham gia hiến máu đã khai báo không trung thực hoặc đã không được xét nghiệm để sàng lọc trước nên có thể đã lấy máu của những người bị mắc một số bệnh lây qua đường truyền máu, nhất là HBV, thì máu đó buộc phải hủy để bảo đảm an toàn cho người được truyền máu. Những năm vừa qua, do áp dụng việc sàng lọc trước HBV bằng test nhanh, nhờ đó đã giảm thiểu đến mức thấp nhất lượng máu hủy do nhiễm HBV.Nếu bạn có những thông tin chính xác về điều này, rất mong bạn cung cấp cho chúng tôi theo số điện thoại 0903217517. Xin chân thành cảm ơn.Hôm nay tôi rất vui khi biết có rất nhiều bạn quan tâm đến việc hiến máu. Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, xuất phát từ trái tim của mỗi chúng ta. Rất mong các bạn trở thành những người hiến máu thường xuyên để cứu được nhiều bệnh nhân đang cần máu.
Theo VnExpress