Hàng nghìn người dân thủ đô hạn chế tắm giặt vì thiếu nước
Thiếu nước sinh hoạt, hàng nghìn hộ dân ở nhiều quận nội thành Hà Nội phải hạn chế tắm giặt trong những ngày oi bức. Có xe nước tới, dòng người không đủ kiên nhẫn để xếp hàng, chen nhau lấy xô chậu để hứng nước sạch.
Nhiều người dân đến chợ Láng Hạ A để xin nước sạch. Ảnh: Sơn Dương
Hơn 10h sáng 17/8, khi thấy xe bồn chở nước sạch đến gần khu vực chợ Láng Hạ A (phường Láng Hạ, Đống Đa), hàng chục người mang theo xô chậu vội lao đến xin nước. Chưa đầy 30 phút, xe nước cả chục khối đã hết, nhiều người chạy đến muộn đành phải về tay không.
Xin được chưa đầy hai xô nước nhỏ, bà Nguyễn Thị Hoè buồn bã nói: “Bể nước ở nhà không còn một giọt, thấy có xe chở nước sạch miễn phí đến nhưng tôi già, mắt mờ, chân chậm không chạy nhanh được, ra đến nơi đã gần hết, chỉ lấy được có bấy nhiêu thôi”.
Theo bà Hoè, vài ngày nay cả gia đình 5 người, trong đó có một cháu nhỏ không dám tắm giặt mà chỉ lau người qua loa. Tất cả nước xin được, dự trữ ở các xô chậu đều để phục phụ nấu nướng. Nước thải khi rửa rau được dự trữ vào một chậu lớn để dội nhà vệ sinh.
Đến gần trưa 17/8, từ tổ 1 đến tổ 6 phường Láng Hạ nhiều người cầm cả xoong nồi đi xin nước dọc khắp ngõ. Khi đến nhà nào còn nước dự trữ thì những chiếc máy bơm lại chạy liên tục để chia sẻ nước cho hàng xóm.
Ông Quân ở tổ 1 cho hay, hai ngày nay đều có những xe nước đến hỗ trợ nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân vì mỗi gia đình cũng chỉ được vài chậu, thậm chí phải chen nhau xếp hàng rồi lại về tay trắng.
“Sống giữa thủ đô mà phải chịu cảnh nóng bức, mồ hôi như tắm nhưng không dám lau người. Thậm chí có chút nước ít ỏi sau khi tắm cho cháu nhỏ thì ông phải tận dụng để lau mặt hoặc dội qua người cho mát”, ông Quân bức xúc nói.
Video đang HOT
Nhiều người ở tổ 6 phường Láng Hạ phải mang xô đi xin nước. Ảnh: Phương Sơn
Tình trạng thiếu nước cũng diễn ra ở một số khu dân cư thuộc phường Thành Công, Ô Chợ Dừa, Ngọc Khánh, Trung Liệt (quận Đống Đa), một số phường thuộc quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
Tại tổ dân phố số 9, 10, 11 thuộc phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, từ khi đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 13 thì tình trạng thiếu nước trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ cái bể ngầm vài khối cạn khô, bà Thêu ở đường Hoàng Công Chất bảo, mấy ngày nay con cháu phải đến cơ quan tắm giặt nhờ, tối về không dám nấu ăn vì không có nước, đành mua nước lọc về úp tạm bát mì tôm.
“Đánh răng buổi sáng cũng không có nước, chỉ dám súc miệng bằng ngụm nước muối. Bình thường họ bơm nước vào khoảng 15h chiều, nhưng nay giờ giấc thay đổi xoành xoạch, nước không được bơm tới, hoặc là với áp lực yếu, nên nhà tôi chả hứng được giọt nào”, bà Thêu nói.
Những người đàn ông trong tổ dân phố 11 phường Phú Diễn nhiều ngày nay không dám ngủ đêm vì phải thức để canh nước. Chỉ cần nghe tiếng róc rách là họ bật dậy hứng nước. Hầu hết gia đình phải sử dụng máy hút, chứ không thể trông chờ nước chảy tự nhiên vì áp lực nước quá yếu.
Hiện chịu trách nhiệm phân phối nước sinh hoạt cho thành phố là hai đơn vị Công ty nước sạch Hà Nội (khai thác nguồn nước ngầm và một phần nước sông Đà) và Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco (nguồn nước sông Đà). Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn (đơn vị khai thác và cấp nước cho Viwaco và Công ty nước sạch Hà Nội) cho rằng, đến ngày 15/8 đã cấp nước đầy đủ cho các đơn vị phân phối và áp lực nước không giảm.
“Việc nước không đến với các hộ dân có thể do nhiều ngày mất nước, bể trữ nước của phần lớn hộ dân ở đầu nguồn đều cạn nên họ đã hút hết nước. Nguồn nước đến hộ cuối nguồn do đó chỉ còn nhỏ giọt”, ông Tốn giải thích.
Người dân tận dụng tất cả những đồ dùng trong nhà từ bình nước đến bát to để trữ nước sạch. Ảnh: Sơn Dương
Không giống như lý giải của Tổng giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex, đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho biết từ trung tuần tháng 7 và đặc biệt là giữa tháng 8, đường ống nước sông Đà gặp sự cố khiến lượng nước cấp về giảm 33% về lưu lượng và áp lực. Vì thế nhiều khu vực dân cư của các quận Đống Đa, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy bị thiếu nước.
Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco cũng cho rằng, trước khi xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà hôm 13/8, đơn vị này vẫn nhận nước với áp lực 1,8 kg, còn hiện nay chỉ nhận nước với áp lực 1,5-1,6 kg, giảm hơn so với bình thường. “Để khắc phục tình trạng thiếu nước, đơn vị sẽ cấp nước luân phiên, mỗi khu vực cấp vài tiếng/ngày để phân phối đều cho người dân”, ông Việt nói.
Chỉ trong chưa đầy nửa tháng, đường ống nước sạch sông Đà liên tiếp gặp sự cố, lần gần đây nhất là vào rạng sáng 13/8 làm hơn 70.000 hộ dân ở nhiều quận huyện bị thiếu nước sinh hoạt. Liên quan đến chất lượng đường ống, nhiều cán bộ đã bị khởi tố vì vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Bá Đô
Theo VNE
Cà Mau: Hơn 2.300 hộ dân "khát" nước
Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 2.300 hộ dân đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển, và đặc biệt là huyện Thới Bình. Nhiều hộ dân ngày đêm thay phiên nhau canh ghe nước đi ngang qua để chặn lại hầu mong mua được lu nước về xài dù giá đắt đỏ.
Không khoan được nước, người dân xã Biển Bạch (Thới Bình, Cà Mau) trông chờ vào nước trời. Ảnh: Thành An
Tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh
Xã Biển Bạch được chia đôi bởi dòng sông Trẹm. Cả xã có 5 ấp, với hơn 2.000 hộ dân nhưng có tới 1.400 hộ ở hai bên bờ sông Trẹm, đặc biệt là ấp 18 và ấp Thanh Tùng. Toàn bộ số hộ này hằng ngày phải mua nước sử dụng bởi không thể dùng được nước giếng khoan do mạch nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn rất nặng. "Nhà tôi 4 lần khoan giếng ở vị trí khác nhau, có lần khoan sâu đến 180m, nhưng nước vẫn mặn và độ phèn cao. Từ đó đến nay phải dùng nước ông trời" - ông Nguyễn Hùng Anh - Bí thư Chi bộ ấp Thanh Tùng nói.
Gia đình ông Hùng Anh có 6 người, hằng tháng sử dụng hết sức tiết kiệm cũng hơn 10m3 nước, với giá 40.000 đồng/khối. Anh kể với giọng chua chát: "Khổ lắm chú ạ, sống giữa biển nước mà cứ phải ngửa cổ lên trời mong mưa. Nhà thì đông người, nước thì đắt đỏ nên dùng việc gì cũng phải suy nghĩ. Nước đi mua cũng chỉ để nấu nồi nước, nồi cơm. Nhiều lần đi làm về, người bẩn, nhảy ùm xuống vuông tôm tắm trước với nước mặn, sau đó lên nhúng khăn vào nước ngọt lau cho đỡ mặn, vậy là xong".
Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ chật hẹp ở ấp 18 của Mẹ VNAH Lê Thị Dòi có đến 5-6 cái lu quanh nhà. Mẹ Dòi kể: "Mấy năm trước người ta khoan một cây nước (trạm cấp nước), dùng được hơn năm thì hỏng. Năm ngoái lại xây một cái mới, dùng chưa được một tháng cũng đã hỏng, giờ bỏ không. Không biết bao giờ có nước sạch để dùng, đành dùng nước mưa hoài, hết thì lại mua. Nhưng mua đắt tiền, lại phải đợi. Bữa trước phải đặt cọc tiền cho người ta, rồi chờ mấy ngày nữa có nước".
Để chống chọi với cái khát trong mùa khô, ngay từ mùa mưa người dân đã hứng nước mưa vào lu để dự trữ. Nhưng cách làm này cũng chỉ đối phó được khoảng 1 tháng, gia đình nào có vài chục cái lu thì được khoảng hai tháng. Nhà chị Nguyễn Thị Phượng (ấp Thanh Tùng), có đến 7-8 cái lu đựng nước, nhìn nước trong lu chúng tôi không khỏi giật mình khi màu nước "trong" không hơn gì mấy màu đục của nước sông Trẹm trước nhà. Không những vậy, trong những chiếc lu ám những vết úa vàng, những con loăng quăng bơi đầy. Chị Phượng cho biết, nước này là nước giếng khoan chị vừa mua về để nấu cơm nước hằng ngày.
Mùa khô tới sẽ hết khát?
Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đỗ Minh Trí cho biết, đã có chủ trương, kế hoạch xây dựng một nhà máy nước sạch ở xã Tân Bằng (huyện Thới Bình) rồi kéo đường ống nước về xã Biển Bạch, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Việc khảo sát mặt bằng đã thực hiện xong, nhưng phải đợi kế hoạch thực hiện cụ thể ở cấp lãnh đạo.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - GĐ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: "Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.300 hộ dân đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn. Để giúp bà con có được nước sạch sinh hoạt, trung tâm đã thực hiện dự án xây dựng công trình nước sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân xã Biển Bạch. Dự án sẽ xây dựng ở xã Tân Bằng rồi kéo đường ống về Biển Bạch. Ước tính sẽ mất khoảng 70-75km đường ống dẫn, phục vụ cho hơn 2.000 hộ dân của huyện Thới Bình. Dự án đã được UBND tỉnh đồng ý với kinh phí 35 tỉ đồng (1 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh).
Tuy nhiên, hiện còn phải chờ Bộ NNPTNT duyệt thì mới triển khai. Nếu dự án được duyệt sớm thì mùa khô năm sau bà con xã Biển Bạch sẽ có nước để dùng. Bên cạnh đó, sẽ trình UBND tỉnh một số dự án nước sạch ở các huyện nhằm đảm bảo toàn tỉnh có nước sạch dùng trong mùa khô.
Theo Laodong
Cựu GĐ vừa bị bắt từng nói gì về sự cố vỡ ống nước sông Đà? Sau rất nhiều lần vỡ đường ống nước sông Đà, ông Hoàng Thế Trung, người phụ trách giai đoạn thi công dự án nước sông Đà "giải trình" về sự cố trong vòng vây của phóng viên báo chí. Ngày 8.5.2015, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban Quản lý...