Hàng nghìn ha cà phê bị phá bỏ
Sau vụ thu hoạch cà phê cuối năm 2015, giá cà phê tiếp tục xuống mức thấp, nhiều hộ nông dân không còn mặn mà, đã chặt bỏ cà phê để thay thế bằng những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2014 diện tích cây cà phê của toàn tỉnh gần 7.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, tổng diện tích chỉ còn hơn 6.000 ha. Nếu theo đà này, dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng cà phê của tỉnh sẽ chỉ còn khoảng 5.700 ha.
Nhiều vườn cà phê đang bị thay thế bằng cây tiêu.
Video đang HOT
Khảo sát tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích cà phê giảm sút rõ rệt. Không còn những vườn cà phê bạt ngàn, phủ kín từ vườn này qua vườn khác, nhiều vườn cây cà phê biến thành hàng ngàn trụ tiêu.
Tại huyện Châu Đức, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 4.600 ha, tuy nhiên, chạy dọc nhiều tuyến đường, men theo các con hẻm vào hầu hết các xã có diện tích cà phê lớn như xã Xà Bàng, Kim Long, Cù Bị, đa phần những vườn cà phê cũ của nông dân giờ đã biến thành những vườn tiêu, hay chí ít cũng là cà phê xen tiêu.
Ông Trần Thường (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết: “Đầu năm nay, gia đình mới chuyển đổi 1 ha cà phê qua trồng tiêu, bởi vụ vừa rồi giá chỉ còn 30.000 đồng/kg, không đủ trả tiền phân ro, công cán. Mà nghe đâu giá cà phê còn đang xuống tiếp nữa”.
Theo ông Thịnh, nhằm hạn chế tối đa việc bà con nông dân chặt phá cà phê để trồng tiêu vượt ngưỡng quy hoạch, xã luôn khuyến cáo bà con chỉ nên chuyển đổi ở những khu vực đất thích hợp cho cây tiêu, tránh tình trạng chỗ nào cũng chặt, cũng chuyển đổi.
Theo lời ông, dọc con đường vào thôn Quảng Long ít năm trước còn bạt ngàn cà phê. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, cà phê bị chặt bỏ nhiều. Những hộ trước đây làm chuyên cà phê thì bây giờ cũng chuyển sang trồng xen tiêu và một số cây khác.
Tiếp tục đi sâu vào trong, chúng tôi gặp ông Lý Xuân Tắc (thôn Hoa Long, xã Kim Long) đang lúi húi kiểm tra những cây cà phê còn sót lại trong vườn.
Ông cho biết: “Gia đình tôi hàng chục năm nay gắn bó với cây cà phê, làm được gần 2 ha. Tuy nhiên, do giá cả xuống thấp, tôi chỉ còn giữ lại 4 sào cà phê, còn đâu chuyển toàn bộ qua làm tiêu. Mà 4 sào cà phê này cũng chỉ là trồng xen với tiêu, chứ không trồng tập trung nữa”.
Quả thực, càng đi sâu, hỏi thăm nhiều người, ai cũng bảo: “Trước đây cà phê bạt ngàn, nhưng giờ chặt nhiều rồi!”. Mà có để lại, thì theo quan sát của chúng tôi, những vườn cà phê này đều rất còi cọc, thiếu chất dinh dưỡng do hầu hết nông dân đã hạn chế bón phân, tưới nước để giảm chi phí.
Theo thống kê , tại xã Xà Bang, trong 3 năm trở lại đây, diện tích cây cà phê đã giảm 75%, xuống chỉ còn gần 100 ha.
Tại xã Kim Long, ông Đỗ Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Long cho biết: “Trong những cuộc khảo sát tại nhiều khu vực trong xã gần đây, tình hình nông dân chuyển đổi cây cà phê sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn là rất nhiều. Nguyên nhân chính là do giá cả thấp, bà con lỗ vốn nên chuyển đổi. Mặt khác, đa phần diện tích cà phê đã già cỗi, cần phải được cải tạo mới”.
Theo Ngô Trường (Nông nghiệp Việt Nam)