Hàng nghìn gà hoang xâm chiếm hòn đảo
Một nửa cư dân trên đảo Key West yêu quý lũ gà hoang, nửa còn lại ghét cay ghét đắng và chỉ muốn chúng biến mất.
Vào một ngày đầu năm 2004, Armando Parra Sr. mở cửa tiệm cắt tóc của mình trên đảo Key West (Florida), và thấy ngay giữa sàn là cái bẫy dây điện với một con gà quay đen thui vướng vào. Đó là vũ khí tối tân nhất để đối phó với lũ gà tràn lan trên đảo. Thậm chí người ta còn gọi Parra là “dũng sĩ diệt gà”, mang trọng trách bắt càng nhiều gà càng tốt và trục xuất chúng ra ngoại ô.
Hàng chục năm qua, những đảo du lịch từ Bermuda đến Hawaii đều có quá nhiều gà hoang. Như lũ hải âu trong thành phố hay thỏ trong công viên, gà hoang sinh sôi nảy nở, và đi lại tự nhiên như thể đâu cũng là lãnh địa của chúng, gây không ít rắc rối cho những vị hàng xóm là cư dân trên đảo.
Nếu tản bộ quanh đảo Key West, bạn sẽ bắt gặp ít nhất một, hoặc ba con gà hoang quanh quẩn ở góc này góc kia. Chúng ở mọi nơi, ồn ào đánh thức con người vào sáng sớm, bới tung vườn nhà ai đó, mổ trộm đồ vào bữa tối. Lũ gà dường như trở thành một dấu ấn văn hóa: “Chúng là một phần biểu tượng của Key West. Bạn sẽ thấy chúng trên những biển báo, trong nhà hàng, cửa hiệu… khách du lịch yêu chúng”, Tom Sweets, giám đốc điều hành Trung tâm Bảo vệ Động vật hoang dã của thành phố cho biết.
Khách du lịch yêu quý những con gà ở Key West. Ảnh: Ray_Lac.
Vốn được coi như loài vật linh thiêng, những con gà ở Key West có nguồn gốc nửa hư nửa thực. Vài người cho rằng chúng đến hòn đảo này cùng những cư dân đầu tiên, họ cần lấy trứng và thịt. Siêu thị ra đời, người dân không cần nuôi gà nữa và thả chúng đi. Một số người khác lại cho rằng tổ tiên của chúng là gà chọi, do những công nhân cuốn xì gà từ Cuba đưa lên đảo từ những năm 1860, và trả tự do sau khi bang Florida cấm chọi gà vào năm 1986.
Từ khi sống gần con người, lũ gà hoang có thêm những kỹ năng mới, thiết lập cấu trúc xã hội và lối sống riêng. Một số thói quen này được truyền lại từ gà rừng đỏ, tổ tiên hoang dã của tất cả gà nhà, vẫn lang thang tự do trong các khu rừng ở Ấn Độ và miền nam Trung Quốc. Trong khi đó, một số khả năng khác của lũ gà ở Key West ra đời từ môi trường sống mới.
Như gà rừng đỏ, gà hoang ở Key West có thể bay lên cây để tẩu thoát khỏi kẻ thù, và thường sống theo đàn nhỏ với một con trống đứng đầu. “Gà hoang có khả năng miễn dịch mạnh mẽ, chúng khó tính và cứng rắn hơn so với gà nhà, có thể sống trên đường phố”, Tom Sweets nói.
Khả năng thích ứng nhạy bén, cộng với môi trường thiếu vắng những kẻ săn mồi lớn và luật cấm giết gà trên đất công, là điều kiện lý tưởng để lũ gà hoang sinh sôi nảy nở tại Key West.
Dân số trên hòn đảo này lại vừa là người địa phương, người mới chuyển đến và những khách du lịch thích thú với lũ gà. “Một nửa hòn đảo yêu chúng, nửa còn lại ghét cay ghét đắng”, Sweets tiết lộ.
Một mặt, lũ gà vừa có màu sắc sặc sỡ, đáng yêu vừa là thiên địch của sâu bọ. Mặt khác, chúng phóng uế bừa bãi khắp nơi, phá hỏng cảnh quan khi bới giun. Và những du khách tìm đến đây để hưởng chút nắng gió ấm áp vào mùa đông thường bị thức giấc đầy bực bội vào rạng sáng vì lũ gà thi nhau gáy. Bất kỳ ai cho gà ăn, chúng sẽ tụ tập đầy nhà họ hàng ngày, gây phiền phức cho những người hàng xóm. Sweets cho hay, cho gà ăn là phạm pháp nhưng “một nửa dân cư trên đảo vẫn làm điều đó”.
Key West không phải hòn đảo duy nhất lũ gà hoang xâm chiếm ở Mỹ. Đảo Kauai (ảnh) hay Bermuda (lãnh thổ hải ngoại của Anh) cũng trong tình trạng tương tự. Ảnh: Fuzzy Gerdes.
Chính quyền địa phương từng thử nghiệm rất nhiều chiến lược để kiểm soát số lượng gà hoang trên diện rộng. Họ từng gom lại và chuyển chúng đi nơi khác, nhưng bị dân chúng tẩy chay. Parra, “dũng sĩ diệt gà”, cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng những người bảo vệ quyền lợi của lũ gà phá hoại bẫy, vẽ bậy lên cửa tiệm cắt tóc của anh… Cuối cùng, “dũng sĩ” này phải bỏ cuộc.
Năm 2011, thành phố từng yêu cầu Trung tâm Bảo vệ Động vật hoang dã Key West chăm sóc những con gà không có khả năng tự kiếm ăn. Chỉ trong một năm trung tâm đã nhận khoảng 1.400 con gà ốm yếu, bị thương, mồ côi hay không có ai muốn nuôi… để chăm sóc và thả lại nơi nào đó trên đảo. Đôi khi nơi nào đó là cả một trang trại gà chạy bộ rộng hơn 4.800 hecta. Nếu có gia đình nào muốn nhận gà về làm thú cưng, thị trưởng thành phố có thể phê duyệt giấy chứng nhận.
Sweets từ chối đưa gà đến bất kỳ nơi nào có môi trường tương tự như Key West – không phải đảo nhỏ, không có hệ sinh thái vắng bóng những loài động vật ăn thịt. “Một người đàn ông sống trên đảo ở Carolinas muốn nhận nuôi gà, nhưng chúng tôi không đồng ý. Nếu bạn thả vài con gà hoang ra một hòn đảo như vậy, mọi thứ cuối cùng sẽ giống thực trạng ở Key West”", Sweets nói. D
Giám đốc trẻ từ chức, sang châu Phi chăm sóc hổ, báo
Năm 2017, Dean Schneider, một chàng trai trẻ, thành đạt người Thụy Sĩ đã quyết định bỏ lại sự nghiệp để chuyển tới Nam Phi thực hiện sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã.
Tốt nghiệp đại học ngành tài chính, Dean tạo dựng một công ty chuyên lập kế hoạch tài chính. 3 năm sau, doanh nghiệp của anh đã có 50 nhân viên. Đúng lúc sự nghiệp đang lên "như diều gặp gió" thì anh quyết định từ bỏ mọi thứ sau một chuyến du lịch Nam Phi.
Chứng kiến nhiều loài động vật đang bị lạm dụng và có nguy cơ bị tiệt chủng ở châu lục này, anh nhanh chóng bán đi tất cả tài sản để thực hiện dự án bảo tồn động vật hoang dã của mình.
Thực ra, Dean đã dành tình yêu cho động vật và thiên nhiên hoang dã từ khi còn rất nhỏ. Các dự án bảo vệ động vật luôn thu hút sự chú ý của anh.
Ban đầu, gia đình và bạn bè nhất mực phản đối anh, nhưng khi họ nhận ra công việc này có ý nghĩa với Dean như thế nào, và anh hoàn toàn nghiêm túc với nó ra sao thì họ đã chấp nhận cuộc sống mới của Dean.
Ở Nam Phi, Dean bắt đầu một dự án có tên là Hakuna Mipaka - theo tiếng Swahili có nghĩa là "không giới hạn".
Dean dành tình yêu cho động vật từ nhỏ.
Anh thoải mái chơi đùa với chúng như những người bạn.
Hakuna Mipaka là một khu bảo tồn rộng lớn, là nơi cư trú của nhiều động vật từng bị lạm dụng: từ động vật bị nuôi nhốt cho tới động vật được giải cứu hay động vật hoang dã. Nhiều động vật ở đây được giải cứu từ các sở thú tư nhân, nơi chúng bị giam giữ trong điều kiện rất tồi tệ.
Một số người hỏi Dean rằng tại sao anh không đưa những con vật này quay trở lại tự nhiên. Câu trả lời của anh rất đơn giản: những con thú bị nuôi nhốt này không có khả năng săn mồi. Chúng sẽ không sống nổi nếu không có sự trợ giúp của con người.
Ở châu Phi, có nhiều người nuôi nhốt động vật hoang dã vì lợi nhuận và không chăm sóc chúng chu đáo. Ngoài ra, nạn săn bắn cũng khiến châu lục này mất đi hàng ngàn động vật, trong đó có cả những loài đang trên bờ vực tuyệt chủng.
"Những kẻ săn trộm thường bán móng vuốt và răng của động vật trên thị trường chợ đen vì lý do phong thủy hoặc làm thuốc. Những thứ này cũng được bán trong các chợ địa phương ở châu Á" - Dean nói.
"Sự thiếu hiểu biết về động vật là một vấn đề lớn. Mặc dù không có bằng chứng khoa học nhưng rất nhiều người tin rằng móng vuốt động vật có thể chữa được nhiều bệnh".
Cho đến nay, Dean đã giải cứu hàng chục động vật và làm rất nhiều công việc khác để việc nâng cao hiểu biết cũng như nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn động vật hoang dã.
Khu bảo tồn rộng 400ha của Dean có 6 nhân viên bảo vệ canh giữ để ngăn chặn những kẻ săn bắn. Mỗi con vật được đưa vào đây đều phải qua kiểm tra sức khỏe và điều trị nếu cần thiết.
Thay vì sống trong chuồng, các loài động vật được tận hưởng không gian thiên nhiên rộng rãi với rất nhiều cây cỏ và đất tự nhiên giống như môi trường thật của chúng.
Với Dean, sư tử Dexter giống như một chú mèo dễ thương.
Trong số những con vật được Dean giải cứu có một chú sư tử tên là Dexter. Với Dean, Dexter chỉ giống như một chú mèo khổng lồ, dễ thương. Khu bảo tồn cũng là nhà của các loài gấu trúc, khỉ, rắn, cự đà, báo...
Ngoài việc giải cứu và chăm sóc động vật, Dean còn tham gia vào việc nâng cao nhận thức của con người về động vật hoang dã. Anh thường xuyên đăng tải các video mang tính giáo dục về cuộc sống hoang dã để "đưa động vật vào trái tim con người".
"Sứ mệnh của tôi là tiếp cận tới càng nhiều người càng tốt và cung cấp cho họ những kiến thức về cuộc sống hoang dã, về vẻ đẹp của vương quốc động vật. Tôi tin vào sức mạnh của tri thức, của niềm đam mê và tin vào việc những câu chuyện bằng hình ảnh sẽ thay đổi nhận thức của con người" - Dean nói.
Dean tin rằng những bức ảnh anh chia sẻ về cuộc sống của các loài động vật sẽ giúp nâng cao hiểu biết của con người về chúng.
Chưa kịp lên thuyền, người đàn ông bị cá mập cắn chết Một nhân viên quản lý động vật hoang dã bị cá mập cắn chết ở rạn san hô Great Barrier (Úc). Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk hôm 7-4 cho biết nạn nhân 23 tuổi, làm việc tại Cơ quan quản lý động vật hoang dã và công viên bang Queensland. Theo cảnh sát địa phương, người thanh niên gặp nạn khi đang...