Hàng ngàn xe ngập nước: Sự cố bất khả kháng, khó xét bồi thường
Cơn mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua đã khiến hàng nghìn xe máy bị nước “nhấn chìm” dưới tầng hầm. TPHCM sẽ khảo sát thiệt hại nhưng không phải để bồi thường vì đó là sự cố bất khả kháng nên rất khó xem xét.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan nêu nhận định trên khi đánh giá về thiệt hại từ sự cố hàng nghìn xe máy bị ngập dưới tầng hầm sau cơn mưa “lịch sử” vừa qua, tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội diễn ra ngày 29/9.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng việc ngập tầng hầm do mưa là sự cố bất khả kháng
“Khảo sát thiệt hại do trận mưa, ngập, tôi cũng không biết phải làm sao, nước mênh mông quá. Khảo sát thiệt hại không có nghĩa là thành phố thực hiện bồi thường vì sự cố là bất khả kháng nhưng vẫn phải khảo sát để xem 1 trận ngập như thế thì, chúng ta thua thiệt bao nhiêu, từ đó tìm cách khắc phục. Chứ giờ nói bồi thường thì rất khó xem xét. Thành phố sẽ họp và đưa ra danh mục các biện pháp chống ngập trước mắt, còn việc bồi thường do ngập thì chưa nghĩ tới”, ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng cho rằng, ngoài vấn đề thiên tai xảy ra ngoài ý muốn thì nguyên nhân ngập tầng hầm cũng có một phần do chủ quan trong công tác thiết kế xây dựng. “Quá trình đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư cũng chưa nghĩ đến tình huống công trình bị ngập tới tầng hầm. TP không lường được hết được tình hình ngập lụt và người dân cũng vậy. Qua vụ ngập này mới thấy nhiều khuyết tật trong công tác xây dựng hạ tầng và chống ngập. Cả cơ quan nhà nước, các nhà đầu tư cần phải rút kinh nghiệm”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, ở nước ngoài, việc dự báo khả năng cháy rừng, hạn hán, lũ lụt liên tục và rất chính xác. Còn tình hình dự báo ở TPHCM còn rất kém. “TPHCM hướng đến tiêu chí thành phố thông minh, chắc chắn sẽ phải làm như vậy. Sự cố mưa và ngập lịch sử vừa rồi cho một lời cảnh tỉnh để chúng ta phải nghiên cứu làm chủ tình hình. Chúng ta nói sống chung với lũ, với ngập thì phải làm chủ nó mới sống được, còn không coi chừng mưa ngập, lũ tràn là mình chết”, ông Hoan nói.
Trước đó, kết luận cuộc họp kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm của thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Có đi khảo sát thực tế chúng ta mới thấy đủ các nguyên nhân gây ngập. Ngập nước không chỉ do mưa, triều cường, mà còn do sự quản lý của con người. Công tác quản lý địa bàn ở một số nơi còn yếu kém”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát hệ thống thoát nước bị lấn chiếm
Video đang HOT
Theo ông Phong, thời gian tới thành phố sẽ có cuộc họp để đánh giá lại quá trình chống ngập nước, từ đó đưa ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài hiệu quả hơn. Với các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước, thành phố sẽ phải di dời một số hộ dân đến nơi khác để giải tỏa cho dòng chảy.
“Mặc dù chúng ta không bồi thường nhưng chúng ta phải hỗ trợ người dân bị giải tỏa. Cái giá phải trả cho sự quản lý yếu kém là chúng ta phải bỏ ngân sách ra để xử lý. Thay vì dùng tiền để phát triển hạ tầng thì lại đi khắc phục hậu quả do quản lý yếu kém”, ông Phong nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cũng đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố trong thời gian tới triển khai giải pháp thông báo cho người dân tình hình ngập như hình thức thông tin kẹt xe qua đài phát thanh, rồi qua cả tin nhắn tới điện thoại di động. Biện pháp này giúp giảm bớt sự phiền hà cho người dân.
Quốc Anh
Theo Dantri
Trận mưa lớn nhất hơn 40 năm qua "nhấn chìm" 59 tuyến phố Sài Gòn
Theo các cơ quan chức năng, cơn mưa chiều 26/9 là trận mưa lớn nhất xảy ra tại TPHCM trong hơn 40 năm qua. Về tình trạng ngập toàn TP, Trung tâm Chống ngập "đổ lỗi" cho việc người dân xả rác làm tắc hệ thống thoát nước. Còn người đứng đầu chính quyền thành phố thừa nhận do các giải pháp thiếu đồng bộ.
Trận mưa lớn nhất trong hơn 40 năm qua
Theo ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM (TTCN), cơn mưa chiều 26/9 là cơn mưa cực đoan, lớn nhất từ năm 1975 đến nay. Chỉ trong thời gian khoảng 1 giờ 30 phút, vũ lượng mưa đã đạt đến 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đo tại trạm Mạc Đĩnh Chi là 204mm, sau khi trừ sai số vũ lượng trung bình đo được là 179mm.
Sài Gòn bị "nhấn chìm" trong cơn mưa lịch sử ngày 26/9 (ảnh: Ngọc Tiến)
Theo số liệu thống kê của TTCN, cơn mưa chiều 26/9 bắt đầu từ lúc 16h45 và mở rộng khắp TP, chỉ trong thời gian khoảng 1 giờ 30 phút, vũ lượng mưa đạt phổ biến từ 101mm - 204,3 mm.
Sau trận mưa trên địa bàn thành phố đã xảy ra ngập tại 59 tuyến đường, chiều sâu ngập từ 0,1m - 0,5 m; diện tích ngập từ 100m2 - 30.000m2. TTCN đánh giá cơn mưa chiều 26/9 đã vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện nay.
Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vũ lượng đạt 170,3mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) và đã xuất hiện ngập cục bộ tại nhiều bãi đậu. Sau hơn 1 giờ thì nước rút hết.
Tại các địa điểm khác, lượng mưa cũng rất cao.
Thiếu giải pháp đồng bộ?
Về nguyên nhân gây ngập toàn thành phố, TTCN cho rằng: tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) là nguyên nhân gây ngập. Một phần nguyên nhân khác là do một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên đã ít nhiều anh hương đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.
Người dân Sài Gòn bất lực với tình trạng mưa ngập. Cơ quan chức năng lại đổ lỗi cho dân. (ảnh: Ngọc Tiến)
Đánh giá về tình hình ngập khắp địa bàn thành phố sau cơn mưa chiều qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận trận mưa lớn như vậy thì dứt khoát tình trạng ngập rất nặng nề.
Ông cho rằng: "Thực tế đi khảo sát tại các quận, chúng ta thấy ngập cho nhiều nguyên nhân do mưa, triều cường và cả quản lý. Thời gian qua, việc quản lý các công trình thoát nước còn có vấn đề. Để người dân xây nhà ngay trên kênh thoát nước là do quản lý yếu kém".
Tuy nhiên, trong trận mưa lớn ngày 26/9, không chỉ các tuyến đường cũ mà nhiều tuyến đường mới được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước cũng bị ngập như: Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân...
Về tình trạng này, Chủ tịch UBND TP cho rằng: "Sau khi khảo sát, TP sẽ có cuộc họp để có những giải pháp quyết liệt trước mắt. Đồng thời cũng có những giải pháp cần phải có thời gian, lộ trình. Chẳng hạn như cải tạo kênh A41 thoát nước cho sân bay thì phải có thời gian. Tôi rất chia sẻ với người dân trong cơn mưa chiều qua phải gánh chịu cảnh ngập như vậy", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền TP một lần nữa nhấn mạnh: "Sau khi có kết quả khảo sát tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, TP sẽ đưa ra giải pháp quyết liệt để chống ngập. Có một vấn đề TP cần rút kinh nghiệm đó là sự đồng bộ trong các giải pháp".
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do khu vực Nam bộ đang ở cao điểm mùa mưa, lại xuất hiện rãnh thấp đi qua sát khu vực, kết hợp với gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên gây mưa lớn trên toàn khu vực, trong đó TPHCM có lượng mưa lớn nhất.
Đồng thời, lãnh đạo đài cũng cảnh báo người dân sống ở 1 số khu vực có địa hình dốc như quận Thủ Đức phải cẩn trọng vì mưa lớn, nước to có thể gây nguy hại cho người và tài sản. Minh chứng là hình ảnh chiếc xe máy bị cuốn trôi ở Thủ Đức trong cơn mưa chiều 26/9. Tại Đồng Nai, 1 thanh niên cũng bị cuốn trôi cùng xe máy và tử vong.
Do mưa lớn, nước dâng cao và cuốn trôi 1 thanh niên cùng xe máy khi anh này chạy ngang cây cầu này (tại Biên Hòa, Đồng Nai). 2h sau người dân mới phát hiện thi thể của thanh niên này.
Quốc Anh
Theo Dantri
Ngư dân miền Trung nhận bồi thường cao nhất 37 triệu đồng một tháng Chủ tàu cá công suất từ 800 CV trở lên không thể ra khơi sau sự cố môi trường biển Formosa sẽ nhận tiền bồi thường hơn 37 triệu đồng/tháng và ngư dân nhận gần 9 triệu đồng. Ảnh minh họa Ngày 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định về mức bồi thường thiệt hại cho người dân 4 tỉnh...