Hàng ngàn tỷ đồng cho những cây cầu “mất mỹ quan”
TPHCM đã đổ hàng ngàn tỷ đồng vào những cây cầu vượt bằng thép tại các giao lộ lớn nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Thế nhưng, nhiều chuyên gia giao thông đô thị đang lo ngại nó sẽ phá nát cảnh quan thành phố vì vẻ “vô hồn”.
Cấp tập xây cầu vượt
Ngày 10/7/2012, TPHCM khởi công xây dựng cây cầu vượt bằng thép đầu tiên của thành phố ở ngã tư Thủ Đức với tổng vốn đầu tư là 277 tỷ đồng. Ngày 9/9/2012, thành phố tiếp tục khởi công xây dựng cây cầu vượt bằng thép thứ 2 ở vòng xoay Hàng Xanh với tổng vốn đầu tư là 183 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ hết mức của các ban ngành và chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn thi công 2 công trình này của UBND TPHCM, chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, hai cây cầu vượt bằng thép đầu tiên này đã hoàn tất, đưa vào sử dụng cùng lúc vào ngày 27/1/2013.
Chỉ trong vòng nửa năm, thành phố đã xây dựng hoàn tất 3 cây cầu vượt bằng thép
Khi xác định giải pháp xây dựng cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông trọng điểm là giải pháp cấp bách nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã làm đề án kiến nghị xây dựng thí điểm 2 cây cầu vượt đầu tiên trên. Nhưng chưa chờ cho 2 cây cầu này hoàn tất, đi vào hoạt động để xác định hiệu quả, Sở đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư cây cầu vượt thứ 3 tại nút giao Lăng Cha Cả (giao lộ Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ).
Và chỉ 1 tuần sau khi 2 cây cầu vượt bằng thép đầu tiên đi vào sử dụng, ngày 5/2, cầu vượt Lăng Cha Cả đã được khởi công với tổng vốn đầu tư là 122 tỷ đồng. Cũng với tinh thần đẩy nhanh tiến độ thi công, đến ngày 27/4, chỉ sau gần 3 tháng thi công, cây cầu vượt bằng thép thứ 3 của thành phố đã được khánh thành, đưa vào sử dụng.
Cùng thời điểm đó, thành phố cũng chính thức khởi công thêm 3 cây cầu vượt mới với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. 3 cây cầu vượt này được xây dựng ở các nút giao Nguyễn Tri Phương – 3 Tháng 2 – Lý Thái Tổ (quận 10), Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) và vòng xoay Cây Gõ. Cả 3 nút giao trên đều nằm sâu trong nội đô.
Ngoài 3 cây cầu vượt đã hoàn tất và 3 cây cầu đang xây dựng trên, thành phố dự kiến sẽ còn xây dựng thêm 9 cây cầu vượt khác trong giai đoạn 2012 – 2015 ở các nút giao thông như: ngã sáu Gò Vấp, Cộng Hòa – Trường Chinh, Công trường Dân Chủ, ngã bảy Điện Biên Phủ – Lý Thái Tổ – Lê Hồng Phong, ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ngô Gia Tự – Nguyễn Chí Thanh, Vành đai Đông – Đồng Văn Cống… Tổng số vốn đầu tư cho 15 cầu vượt này lên đến hơn 6.500 tỷ đồng.
Sẽ phá nát bộ mặt đô thị
Video đang HOT
Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện thành phố có 1.350 nút giao, trong đó có 120 nút giao của 75 tuyến đường phố chính và trục đối ngoại. Các nút giao này dễ gây ra ùn tắc trong thời điểm lưu lượng phương tiện tăng cao. Do vậy, giải pháp xây dựng cầu vượt nhẹ tại các nút giao được Sở đánh giá là khả thi, thi công nhanh và hạn chế được ùn tắc. Thực tế tại 3 nút giao đã được cầu vượt cho thấy giải pháp này đúng là có hiệu quả, tình hình kẹt xe nghiêm trọng không còn.
Tuy nhiên, các nhà quy hoạch đô thị lại lo lắng 1 điều khác, đó là cảnh quan khu vực xây dựng cầu vượt đang bị phá vỡ. Thạc sĩ Phạm Sanh, nguyên cán bộ Sở GTVT cũng phải nhìn nhận 3 cây cầu vượt được xây dựng thời gian qua là quá xấu, kết cấu đơn điệu, chủ yếu phục vụ nhu cầu giao thông mà không chú ý nhiều đến yếu tố mỹ quan.
Thiết kế 3 cây cầu vượt hiện nay đơn điệu, cầu nào cũng như nhau
Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị khác như TS Ngô Viết Nam Sơn, TS Phạm Sỹ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cũng đồng tình với quan điểm nếu không chú ý thiết kế cảnh quan, cầu vượt sẽ làm xấu mỹ quan đô thị. TS Phạm Sỹ Liêm lo lắng khi mô hình này được nhân rộng, cầu vượt có ở khắp thành phố thì mỹ quan đô thị sẽ bị phá nát.
Th.S Phạm Sanh cho rằng: “Nếu cân nhắc đến yếu tố hiệu quả mà bắt buộc phải xây dựng cầu vượt bằng thép thì người ta hoàn toàn có thể làm cho mỗi cây cầu đẹp hơn bằng nhiều giảm pháp kiến trúc như tạo hình độc đáo cho cầu, kiểu dáng lan can khác nhau, trang trí phù điêu, tô điểm màu sắc trên thân cầu… để mỗi công trình đều là 1 kiến trúc mang tính mỹ thuật cao, tạo mỹ cảm cho cảnh quan xung quanh”.
Theo ông thì thực hiện việc này rất dễ dàng và không tốn kém chi phí nhiều. Ông cho rằng: “Quan trọng là cái tâm và tầm của người lãnh đạo, có nghĩ đến và có quyết làm hay không!”.
Tại lễ khởi công cầu vượt ở nút giao 3 Tháng 2 – Nguyễn Tri Phương ngày 27/4 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP cũng đã nhắc nhở chủ đầu tư phải đảm bảo mỹ quan đô thị khi xây cầu vượt bằng thép. Ông yêu cầu phải nghiên cứu nhiều hơn về kiến trúc, cây xanh, chiếu sáng mỹ thuật khi xây những cây cầu vượt nằm sâu trong nội đô như thế này.
Theo Dantri
Ùn tắc nghiêm trọng vì thi công cầu vượt
Do 3 cầu vượt đang thi công ở TPHCM đều nằm tại các giao lộ rất chật hẹp, lưu lượng phương tiện đông nên tình hình giao thông tại đây rất tồi tệ, liên tục xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Đi xe còn chậm hơn đi bộ
Theo ghi nhận của PV Dân trí tại khu vực xây dựng cầu vượt nút giao 3/2 - Nguyễn Tri Phương (quận 10) vào sáng 9/5, khoảng 7h dòng người đã đổ về nút giao này rất đông. Do mặt đường 3/2 bị rào chắn với diện tích khá lớn để thi công nên tốc độ di chuyển của phương tiện qua giao lộ này rất chậm. Do đó, dòng xe tích tụ dần tạo thành điểm ùn ứ và ngày càng mở rộng, hàng ngàn phương tiện xếp hàng dài, nhích từng chút một qua khu vực này, một số người sốt ruột đành quanh đầu xe, chọn lộ trình khác.
Khi dòng người quay đầu rẽ sang các con đường nhỏ, tán loạn tìm đường vượt qua điểm ùn này thì đồng thời cũng tạo thành những luồng di chuyển đan xen ở các con đường nhỏ xung quanh nút giao này như Lý Thái Tổ, Ngô Quyền... Đến tầm 8h thì hầu hết các tuyến đường nhỏ xung quanh khu vực này cũng bắt đầu ùn ứ, phương tiện di chuyển rất khó khăn.
Kẹt xe khủng khiếp xung quanh các công trình xây dựng cầu vượt bằng thép
Hàng ngàn phương tiện chôn chân tại đây mỗi sáng sớm và chiều tối
Tại bùng binh Cây Gõ (quận 11) cũng xảy ra tình trạng tương tự, người dân cố gắng len lỏi qua khe hẹp còn lại giữa rào chắn công trình xây dựng cầu vượt và lề đường. Nhiều người quay đầu xe, chạy ngược chiều tìm hướng thoát thân khiến tình hình giao thông càng thêm phức tạp.
Trên đường Cộng Hòa, đoạn gần ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cũng không ngoại lệ, dòng xe trên phần đường chiều từ Trường Chinh về Hoàng Văn Thụ nuối đuôi nhau chậm chạp di chuyển qua ngã tư này. Nguyên nhân vì công trình xây dựng cầu vượt tại đây cũng đã khởi công từ ngày 27/4 khiến diện tích mặt đường bị thu hẹp lại rất lớn.
Theo người dân sinh sống xung quanh ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, bình thường thì ngã tư này cũng hay ùn ứ trong giờ cao điểm sáng và tối (7h - 9h và 16h - 18h). Nhưng từ khi bắt đầu xây dựng cầu vượt thì hầu như cả ngày đều ùn ứ, tắc nghẽn.
Bác Hoàng Văn Nghi, nhà ngay mặt tiền đường Cộng Hòa cho biết: "Sáng sớm và chiều tối xe đi qua đây còn chậm hơn đi bộ. Buổi sáng có khi xe xếp hàng trên đường Cộng Hòa kéo dài đến đường Tân Kỳ Tân Quý kia (khoảng 1km - PV). Chiều về thì kẹt ở chiều ngược lại".
Ùn tắc là không tránh khỏi!?
Trả lời về tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở khu vực 3 nút giao này thời gian qua, đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết là hiện tại các khu vực này đang thi công các công trình cầu vượt bằng thép nên "tình trạng ùn tắt giao thông tại các vị trí trên là không tránh khỏi".
Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT cũng từng đề nghị người dân thông cảm, chịu đựng vì các giao lộ được đề nghị xây cầu vượt vốn đều là các nút giao phức tạp, lưu lượng phương tiện nhiều. Do đó, khi rào đường thi công thì giao thông càng thêm phức tạp là chuyện đã lường trước, nhưng phải xây dựng cầu vượt thì mới giải quyết triệt để được tình hình này.
Trước khi khởi công xây dựng các cầu vượt trên, Sở GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư công trình nghiên cứu phân luồng giao thông lại, đảm bảo hạn chế ùn tắc tại đây. Phương án phân luồng giao thông khu vực vòng xoay Cây Gõ và giao lộ 3/2 - Nguyễn Tri Phương cũng đã được chủ đầu tư xây dựng và công bố từ cuối tháng 4 (riêng khu vực ngã tư Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa không phân luồng lại).
Chủ đầu tư còn phá bỏ vỉa hè, trải nhựa tại 1 số đoạn gần rào chắn công trình để tăng thêm diện tích cho xe lưu thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình giao thông tại các nút giao trên trong nửa tháng qua quá phức tạp, đặc biệt là trong giờ cao điểm sáng và tối, làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc và sinh hoạt của người dân.
Phương án phân luồng giao thông không có tác dụng
Xẻ vỉa hè cho xe đi cũng không ăn thua gì
Trước tình trạng này, đại diện Sở GTVT cho biết đã có công văn đề nghị chủ đầu tư công trình nghiên cứu thêm các phương án tổ chức giao thông, nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ giao thông thường tập trung trên nhánh đường Hồng Bàng (hướng từ vòng xoay Phú Lâm đến giao lộ), đường Minh Phụng (tại giao lộ Minh Phụng - Hồng Bàng) và tại vị trí đầu rào chắn thi công trên đường Cộng Hòa (theo hướng từ đường Quách Văn Tuấn đến giao lộ)...
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm tình trạng mua bán lấn chiếm phần đường và phần vỉa hè trên các nhánh đường và giao lộ để tăng diện tích lưu thông cho phương tiện, giảm ùn tắc tại khu vực đang thi công cầu vượt. Đồng thời, Sở yêu cầu đơn vị thi công khắc phục những tình trạng bất cập xung quanh công trình như việc lún sụp lằn phui viễn thông và thay thế hầm ga thoát nước bị hư trên đường Nguyễn Tri Phương, hầm ga cao hơn mặt đường Cộng Hòa...
Đại diện Sở GTVT cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cầu vượt trên để bảo đảm tiến độ và giảm thời gian chiếm dụng mặt đường, sớm đưa công trình vào sử dụng để giải quyết ùn tắc tại đây.
Theo Dantri
Lưu thông qua Lăng Cha Cả thế nào khi cầu vượt thông xe? Ngày 28/4, cầu vượt bằng thép tại nút giao Lăng Cha Cả (Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Trần Quốc Hoàn) sẽ chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng. Giao thông qua khu vực này cũng sẽ được phân luồng lại. Cụ thể, kể từ ngày 28/4, các xe lưu thông trên đường Cộng Hòa hướng về đường Hoàng Văn Thụ...