Hàng ngàn người dân quay cuồng trong “cơn khát” nước sạch
Mỗi mùa khô đến, người dân tại 3 xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) lại quay cuồng với bài toán “tìm nước”. Trong khi đó, dự án nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt vẫn chỉ được nhắc đến trong sự mỏi mòn chờ đợi của người dân nơi đây.
“Nỗi sợ” mùa khô
Anh Từ Quang Thành kéo đường ống dẫn từ xe bồn của mình để bán nước cho các hộ dân tại ấp 3, xã Phú Ngọc
“Đến hẹn lại lên”, những chiếc xe chở bồn nước đi bán chạy khắp các đường làng, ngõ xóm tại nhiều xã trên địa bàn huyện Định Quán đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây mỗi khi mùa khô đến. Dù tốn thêm chi phí để mua nước nhưng đối với hàng trăm gia đình đây là giải pháp, là nguồn nước duy nhất giúp họ có nước phục vụ sinh hoạt mỗi khi mùa khô đến.
Ông Lê Trường An, ấp 1, xã Phú Ngọc cho biết: “Hàng chục năm nay, năm nào cứ đến mùa khô thì gia đình tôi cũng phải mua nước. Giếng đào nhà tôi chỉ dùng được trong mùa mưa, còn mua khô thì giếng cạn. Vì vậy, cách duy nhất để có nước sinh hoạt là mua nước từ các xe bồn. Ở đây, ai cũng sợ mùa khô”.
Hiện giá nước mà các xe bồn bán cho người dân trên địa bàn có giá khoảng 30.000 đến 40.000 đồng/m3. Nên dù sử dụng tiết kiệm lắm mỗi tháng mỗi hộ dân cũng phải mất thêm từ 100.000 đến 200.000 tiền mua nước.
Ngoài tiền mua nước, tại các địa phương này, nhà nào cũng phải tận dụng thêm các vật dụng để chứa nước. Nhà có điều kiện thì xây bể, không phải mua ống cống, thùng nhựa để tích trữ nước.
Xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Hơn 4.000 hộ thì có đến khoảng 80% số hộ phải mua nước để sử dụng.
Giếng nước của gia đình bà Lê Thị Thanh Thủy, ấp 2, xã Phú Ngọc may mắn còn nước nhưng phục vụ nước sinh hoạt cho 5 gia đình nên cũng rất thiếu, buổi chiều bể cũng cạn kiệt nguồn nước
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc, dù địa phương nằm cạnh 2 con sông lớn (sông La Ngà và sông Đồng Nai) đồng thời tiếp giáp với lòng hồ Trị An nhưng hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn phải sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Đỉnh điểm vào các tháng cao điểm mùa khô (tháng 3,4,5) thì nơi đây nguồn nước bị khô hạn nặng. Phần lớn hệ thống giếng trong xã cả giếng đào lẫn giếng khoan đều cạn nước.
Video đang HOT
Trước tình trạng thiếu nước trầm trọng, nhiều gia đình đã đầu tư khoan giếng nhằm tìm kiếm cơ hội có nước phục vụ sinh hoạt. Thế nhưng dù tốn hàng chục triệu đồng để khoan giếng với độ sâu 70 đến 80m thì việc làm này cũng chỉ là “cuộc tìm kiếm” mang tính “may rủi”. “Cứ 10 nhà khoan may ra mới được 1 nhà có mạch nước ngầm. Ngay như gia đình tôi dù đã đầu tư gần 50 triệu đồng để khoan giếng nhưng vẫn không có nước để dùng đành chấp nhận đi mua nước để sinh hoạt” – Anh Huỳnh Văn Đức, ấp 3, xã Phú Ngọc chia sẻ.
Mỏi mòn chờ nhà máy nước
Mùa khô đến người dân tại nhiều xã trên địa bàn huyện Định Quán lại phải mua nước để phục vụ sinh hoạt
Trước thực trạng thiếu nước của người dân vào mùa khô, dự án xử lý nước cho sinh hoạt tại đồi 107 nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn được xây dựng. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào chịu bỏ vốn đầu tư.
Theo UBND xã Phú Ngọc, lâu nay người dân vẫn có thói quen sử dụng nước mưa để phục vụ sinh hoạt. Trong khi nhà máy nước vốn đầu tư lớn mà chỉ phục vụ vào mỗi mùa khô còn những tháng mùa mưa không bán được cho ai nên không nhà đầu tư nào dám bỏ vốn đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, mới đây, sau nhiều năm kêu gọi đầu tư nhưng không mang lại kết quả, UBND tỉnh đã chấp thuận cho UBND huyện Định Quán làm chủ đầu tư và bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện xây dựng dự án nhà máy nước. Hiện huyện đang hoàn tất hồ sơ sau đó sẽ đăng ký vốn. Khi hoàn tất các thủ tục này sẽ tiến hành khởi công xây dựng nhà máy.
Trong lúc chờ đợi nhà máy nước được triển khai xây dựng, những ngày này đối với nhiều người, mỗi khi mùa khô đến họ lại có thêm một việc làm “tay trái” kéo dài vài tháng trong năm là bán nước. “Quanh năm tôi làm rẫy nhưng khi vào mùa này tôi lại tranh thủ chạy thêm chiếc xe công nông của gia đình đi mua nước bán cho người dân sử dụng. Tuy chỉ là công việc mùa vụ nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình” – Anh Từ Quang Thành, một người chạy xe bán nước tại ấp 3, xã Phú Ngọc chia sẻ.
Vĩnh Thủy
Theo Dantri
Nắng hạn gay gắt, hồ đập cạn nước, hoa màu chết khô
Tình trạng nắng hạn diễn ra tại tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh miền Trung trong những tháng vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Nhiều hồ, đập trên địa bàn hiện đã cạn nước, hoa màu cũng bị cháy khô...
Liên tục trong thời gian qua, nắng nóng đã khiến cho nhiều diện tích hoa màu bị cháy khô, một số diện tích đất canh tác nông nghiệp do không đảm bảo đủ lượng nước tưới cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất mùa. Các hồ, đập trên địa bàn cũng bị cạn nước trầm trọng.
Một số hồ đập trên địa bàn đang trữ nước ở mức thấp
Toàn tỉnh có 130 hồ thủy lợi và hơn 200 đập dâng, trong đó có những hồ, đập lớn như Trúc Kinh, La Ngà và Bảo Đài, với dung tích mỗi hồ từ 25 đến 40 triệu m3. Các hồ, đập đã phục vụ tưới cho 23.700ha đất canh tác. Tuy nhiên, do năm 2014 lượng mưa ít chỉ đạt khoảng 60 đến 70% so với trung bình nhiều năm, nên hiện tại các hồ đập đang trữ nước ở mức thấp, chỉ từ khoảng 40 đến 50% dung tích thiết kế.
Trước thực tế trên, tỉnh Quảng Trị đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó với nắng hạn. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới không có mưa thì việc sản xuất của người dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Đập thủy lợi cạn nước trầm trọng
Theo dự báo mùa khô năm 2015, nguồn nước ở phần lớn các hệ thống sông có khả năng thiếu hụt từ 40 đến 80%, có nơi thiếu trên 80%, dẫn đến tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra trên diện rộng.
Nhiều diện tích hoa màu ở huyện Hướng Hóa bị cháy khô
Hiện tại, do lượng nước tưới không đủ đáp ứng, nên nhiều diện tích cây trồng đã bị cháy khô. Đặc biệt, tại huyện miền núi Hướng Hóa, nước sinh hoạt ở các thôn bản cũng cạn dần. Rất nhiều diện tích cây công nghiệp không đủ lượng nước để tưới. Bên cạnh đó, hàng ngàn héc ta cây hoa màu của người dân tại các địa phương trên địa bàn cũng đứng trước nguy cơ bị mất mùa.
Nếu trong thời gian tới không có mưa, chắc chắn sẽ xảy ra hạn hán trên diện rộng
Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều đã rơi vào tình trạng thiếu nước. Khu vực các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn cũng chỉ đảm bảo nước tưới cho 3.600/5.300ha. Các huyện Gio Linh, Cam Lộ cũng đang đối diện với nắng hạn.
Thực tế kiểm tra tại một số hồ đập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn cho thấy, dung tích trữ của các hồ, đập thủy lợi đều thấp hơn rất nhiều so với cùng thời kỳ nhiều năm.
Để tiết kiệm nước tưới, ngay từ đầu vụ đông xuân 2014-2015, các địa phương đã tận dụng nguồn nước ao, hồ, trục tiêu, nước hồi quy, be bờ giữ nước trên ruộng để phục vụ cho công tác làm đất, gieo cấy.
Tuy nhiên, nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh trong vụ hè thu 2015 là rất lớn. Trong đó, sản xuất lúa chịu ảnh hưởng nhiều nhất, dự báo nhiều diện tích lúa không có nước tưới sẽ bị khô hạn, hoặc nếu có thì nguồn nước cũng không đảm bảo suốt vụ, khiến năng suất bấp bênh.
Ông Nguyễn Duy Thông, TGĐ Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, cho biết: Để chủ động trong việc phục vụ tưới tiêu năm 2015, thì việc tưới tiết kiệm và sử dụng nước có hiệu quả chính là giải pháp ưu tiên hiện nay, trong đó giữ nước cho các hồ đập được xác định là quan trọng nhất.
Trong đợt kiểm tra tình hình hán hán tại các địa phương vừa qua, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã yêu cầu các đơn vị chủ động chống hạn với các phương án tối ưu, nhất là có kế hoạch kịp thời cho tình trạng xâm ngập mặn có thể xảy ra.
Việc điều tiết nước tưới tiêu tại các hồ, đập thủy lợi hiện nay cũng chỉ là giải pháp tình thế
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cần phối hợp với các địa phương có kế hoạch phù hợp trong thực hiện lịch mùa vụ, tránh rủi ro có thể xảy ra trong sản xuất. Các địa phương thường xuyên kiểm tra các hồ chứa trên địa bàn để căn cứ thực tế tình hình nguồn nước, tích nước, xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp gắn với việc bố trí cây trồng hợp lý. Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị phối hợp với các địa phương để có kế hoạch hợp lý trong điều tiết và cung ứng nguồn nước; chuẩn bị máy bơm nước dự phòng để có thể bơm hỗ trợ khi cần thiết.
Đăng Đức
Theo Dantri
Đề nghị thu hồi giấy phép dự án lấp sông Đồng Nai Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án"Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" của Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát. Sông Đồng Nai đang bị lấp để làm dự...