Hàng ngàn người Brazil xuống đường tẩy chay World Cup
Chỉ 1 tuần nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc Vòng chung kết World Cup nhưng tình hình ở Brazil vẫn vô cùng căng thẳng.
Dù đã trang bị cho lực lượng đặc nhiệm như “Robocop”…
World Cup đã cận kề nhưng nước chủ nhà Brazil vẫn đang phải đối đầu với muôn vàn rắc rối. Làn sóng biểu tình chống World Cup ngày càng gia tăng ở xứ sở Samba bất chấp những nỗ lực tăng cường quân đội để trấn áp của chính quyền sở tại.
Công nhân hệ thống tàu điện ngầm thành phố Sao Paulo (thành phố sẽ diễn ra lễ khai mạc World Cup) tuyên bố sẽ bắt đầu đình công từ sáng ngày 6/6. Theo đó, ước tính khoảng 4,5 trong số 20 triệu dân của thành phố đông đúc này bị ảnh hưởng và gây ra hiện tương ùn tắc.
… Brazil vẫn chưa trấn áp được những cuộc biểu tình.
Ngày 4/6 vừa qua, đã có khoảng 4.000 người thuộc Phong trào Công nhân vô gia cư diễu hành đến sân vận động Corinthians Arena để phản đối chính phủ tiêu tốn quá nhiều tiền bạc cho thể thao. Hơn 400 quân nhân về hưu và gia đình cũng kéo đến trước sân vận động sẽ diễn ra lễ khai mạc World Cup ngày 12/6 để yêu cầu được tăng lương hưu. Theo những người biểu tình, số tiền 11 tỷ USD (~ 242 nghìn tỷ đồng) Brazil đã bỏ ra để xây dựng các sân vận động là lãng phí và không phù hợp với một quốc gia đang phát triển.
Người dân giơ cao biểu ngữ “Không có chiếc cúp nào hết”.
Và kịch liệt xua đuổi FIFA.
Có nhiều lý do để người dân xứ sở Samba trước nay vốn yêu thích thể thao lại phản đối dữ dội World Cup đến như vậy. Trong khi cơ sở hạ tầng dùng cho các hoạt đồng phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, giao thông ngày càng xuống cấp, Brazil lại chi 1 số tiền lớn để xây dựng những sân vận động mà hệ quả kéo theo là nhiều dân nghèo mất chỗ ở.
Thêm vào đó, trong quá trình xây dựng sân vận động đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra và chỉ còn 1 tuần nữa, World Cup sẽ khởi tranh nhưng vé xem bóng đá lại rớt giá thảm hại. Với tình hình bị chính người dân trong nước tẩy chay thì rất có thể số tiền đầu tư khổng lồ mà chính phủ Brazil đã bỏ ra sẽ không thể mang lại lợi nhuận như mong đợi.
Đã có những tai nạn đáng tiếc trong quá trình xây dựng sân vận động…
… và những cuộc bạo động ở các thành phố lớn.
Bị chính người dân bản xứ tẩy chay nên vé xem World Cup lại càng rớt giá thảm hại.
Chỉ còn ít ngày cho Brazil giải quyết những cuộc biểu tình để có thể mang đến một kì World Cup thành công cũng như để lại ấn tượng tốt đẹp về đất nước trong một sự kiện thể thao lớn. Không loại trừ khả năng chính phủ Brazil sẽ thiết quân luật trong ngày diễn ra lễ khai mạc World Cup để đảm bảo an toàn cho các đội bóng và cổ động viên tham dự.
Theo VNE
FIFA bị tố cáo dàn xếp kết quả bốc thăm VCK World Cup 2014
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) vừa hoàn tất việc bốc thăm chia bảng vòng chung kết (VCK) World Cup 2014, nhưng ở một góc nào đó, nếu những ai chịu suy ngẫm sẽ thấy một sự trùng hợp đến mức dẫn đến sự nghi ngờ về việc kết quả bốc thăm đã bị dàn xếp.
FIFA lại mất điểm với nghi vấn dàn xếp cả kết quả bốc thăm - Ảnh: Yahoo!Sports
Theo trang Yahoo!Sports, đầu tiên là quy định bốc thăm VCK World Cup 2014 bất ngờ được FIFA thay đổi một cách phức tạp trong việc chia 4 nhóm hạt giống. Thay vì sử dụng thực hiện việc chia nhóm hạt giống dựa trên vị trí xếp hạng thế giới, FIFA xếp các nhóm hạt giống theo vị trí địa lý với một quy trình bốc thăm đầy rối rắm.
Với cách bốc thăm mới, bảng xếp hạng FIFA cuối cùng chỉ để sử dụng làm việc xác định 8 đội hàng đầu thế giới được xếp vào nhóm hạt giống số 1. Trùng hợp là trong nhóm 1 này lại xuất hiện cái tên Thụy Sỹ, nơi có trụ sở của FIFA và là quê hương của đương kim chủ tịch của tổ chức này, ông Sepp Blatter.
Trùng hợp hơn, sau lễ bốc thăm xa hoa có tổng chi phí 11 triệu USD và ông Blatter luôn được bao quanh bởi người đẹp chân dài, kết quả các bảng đấu vô tình phân định rõ "bạn bè" và "kẻ thù" của FIFA.
Đầu tiên là việc Thụy Sỹ rơi vào bảng đấu E khá dễ thờ với Ecuador và Honduras và đội cuối cùng là Pháp. Trước lễ bốc thăm, nhiều ý kiến cho rằng quy định bốc thăm xếp nhóm theo địa lý của FIFA đã giải cứu Pháp tránh việc rơi vào bảng đấu nặng ký.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter - Ảnh: AFP
Lý do mà báo giới đưa ra là ông Blatter muốn "nịnh" Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini - một danh thủ của Pháp - để ông này từ bỏ ý định ra tranh cử Chủ tịch FIFA vào năm 2015.
Người bạn thứ 2 cần được "nâng đỡ" là Brazil, nước chủ nhà World Cup 2014, trong đó ít nhất FIFA cần xoa dịu sự tức giận của người dân nước này trước làn sóng biểu tình chống FIFA và chính phủ về sự lãng phí chuẩn bị cho ngày hội bóng đá thế giới. Trùng hợp là cuối cùng Brazil nằm trong bảng A không quá khó khăn với sự góp mặt của Croatia, Mexico và Cameroon - những đội bóng tầm trung.
Ngoài việc thuận lợi cho những "người bạn", kết quả bốc thăm lại cho ra một sự trùng hợp khác là những "kẻ thù" của FIFA lại bị rơi vào 3 bảng đấu "tử thần" ở VCK World Cup năm tới. Theo đó, 3 quốc gia Anh, Úc và Mỹ được xem là "kẻ thù" do luôn phản ứng kịch liệt và "tố" các quan chức FIFA đã nhận hối lộ để dàn xếp kết quả bỏ phiếu giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 khiến hình ảnh của cơ quan này liên tục mất uy tín.
Anh tố cáo FIFA đứng đằng sau chiến thắng của Nga cho quyền đăng cai World Cup 2018, chưa kể báo chí xứ sở sương mù liên tục phanh phui những vụ hối lộ của quan chức FIFA trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Úc và Mỹ khiến FIFA gặp nhiều phiền phức về hoài nghi Qatar đã dùng tiền mua quyền đăng cai World Cup 2022.
Khi được xem là "kẻ thù" thì phải "tiêu diệt" và thật trùng hợp 3 tuyển quốc gia trên đều rơi vào các bảng đấu nặng ký nhất. Úc rơi vào bảng B với đương kim vô địch Tây Ban Nha, á quân Hà Lan và Chile. Tuyển Anh lọt vào bảng D với cựu vô địch năm 2006 Ý, nhà vô địch Nam Mỹ Uruguay và Costa Rica, trong khi Mỹ đối diện với nguy cơ bị loại sớm khi nằm ở bảng G với sự hiện diện của Đức, Bồ Đào Nha và Ghana.
Một sự trùng hợp khác, Blatter vốn ngưỡng mộ siêu sao Lionel Messi và tuyển Argentina rơi vào bảng F nhẹ ký vô cùng với Bosnia-Herzegovina, Iran và Nigeria. Ngược lại, Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo - người gần đây luôn đưa ra những bình luận chỉ trích ý kiến của Blatter - rơi vào bảng G.
Sự trùng hợp trên chỉ là ngẫu nhiên, nhưng trùng hợp đến mức có thể nghi ngờ về việc FIFA và ông chủ tịch Blatter đã mượn quyền lực sắp đặt quy trình bốc thăm để... giải quyết ân oán?
Theo VNE