Hàng ngàn khối nước ngọt miễn phí cứu vườn sầu riêng bị hạn mặn
Anh Nguyễn Minh Hiếu – thành viên Hợp tác xã Rạch Gầm (Tiền Giang), đơn vị đang phối hợp tỉnh Tiền Giang cung cấp nước ngọt miễn phí cho nông dân nhằm cứu các vườn sầu riêng đang bị hạn mặn cho biết, đơn vị này đã đưa hàng ngàn khối nước ngọt miễn phí về các địa phương để hỗ trợ nông dân cứu vườn sầu riêng bị hạn mặn.
“Hôm qua (13/3), HTX đã triển khai 2 sà lan (1.700 – 2.000 khối nước/sà lan) và hôm nay sẽ có thêm một sà lan nữa đưa nước ngọt đến 2 xã: Tam Bình và Phú Phong (Cai Lậy) – nơi có nhiều diện tích sầu riêng bị hạn mặn”, anh Hiếu thông tin.
Nước ngọt được đưa vào sà lan và chuyển đến các địa phương có diện tích sầu riêng bị hạn mặn.
Cũng theo anh Hiếu, sắp tới ngoài việc dùng sà lan trọng tải lớn để lấy nước ở thượng nguồn, HTX còn dùng sà lan trọng tải nhỏ để chở nước vào các vùng trồng sầu riêng nằm sâu trong nội đồng qua hệ thống sông, rạch nhỏ.
Hiện, mỗi ngày HTX có thể cung cấp tối đa khoảng 10.000 khối nước ngọt cho nông dân.
Do bị ảnh hưởng của hạn mặn khốc liệt thời gian qua, nhiều diện tích cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy (Tiền Giang) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nơi, nông dân phải mua nước ngọt với giá 200.000 – 300.000 đồng/khối để tưới cây. Trước tình hình đó, UBND tỉnh quyết định thuê sà lan chở nước về cấp miễn phí cho người dân từ ngày 15/3 đến hết tháng 4.
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng cho biết, hiện nhiều xã trên địa bàn huyện, như Tam Bình, Ngũ Hiệp, Tân Phong, Long Trung, Long Tiên… thiếu nước ngọt trầm trọng. Đến nay, địa phương có 800ha sầu riêng bị rụng lá, 40ha cây bị chết chủ yếu do thiếu nước ngọt.
Video đang HOT
Nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang đã rụng lá trơ trụi do bị hạn mặn.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ thuê tàu chở nước ngọt cấp cho các huyện trên để tưới cho 12.100ha sầu riêng bị ảnh hưởng hạn, mặn, với thời gian hỗ trợ nước ngọt để tưới 1,5 tháng. Tổng kinh phí thực hiện theo phương án là gần 37 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, đối với cây sầu riêng giai đoạn cho thu hoạch (trên 5 năm tuổi trở lên) cần 100 lít nước/cây/lần tưới và tưới 4 lần/tháng. Như vậy, với mật độ trồng bình quân 200 cây/ha phải cần 80 khối nước/ha/tháng. Đối với cây sầu riêng giai đoạn kiến thiết (từ 2 đến 5 năm tuổi) thì cần 50 lít/cây/lần tưới và cần tưới 40 khối nước/ha/tháng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn nhận định, việc cấp ngọt cho các địa phương phục vụ vùng trồng sầu riêng là rất khẩn cấp. Những khu vực, diện tích sầu riêng nào đang “khát” nước ngọt thì ưu tiên trước.
Riêng các khu vực nằm xa kinh trục, địa phương phải có ghe, có tàu nhỏ để trung chuyển đến điểm cố định. Tỉnh cho kinh phí thuê tàu chở nước về, địa phương phải bỏ kinh phí mua bạt về trải lấy nước ở những điểm cố định và ghe trung chuyển vào những điểm sâu bên trong.
Nhiều nơi nông dân phải mua nước ngọt với giá “cắt cổ” để tưới sầu riêng.
Các huyện như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy trực tiếp ký hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm để chở nước; giám sát quá trình lấy nước, lo phương tiện vận chuyển nước cho người dân.
Theo Danviet
"Xé rào" trồng lúa (Bài 3): Không đổ hết lỗi cho nông dân
Phân tích về nguyên nhân vì sao dù đã được cảnh báo, song nhiều hộ nông dân vùng ĐBSCL vẫn "xé rào" trồng lúa ở những vùng nước có nguy cơ bị nhiễm mặn, GS - TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về cây lúa ở ĐBSCL, cho rằng, "do người dân cố tình không nghe".
Cố tình không theo khuyến cáo
GS-TS Võ Tòng Xuân giải thích, hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn ra trầm trọng hơn và thay đổi theo hướng bất lợi cho người dân. Trên thượng nguồn, nhiều đập được xây dựng để giữ nước nhưng vẫn bị hạn, rồi các nước bạn cũng đang tranh lấy nước sông Cửu Long trong mùa kiệt.
"Nguồn nước hiện nay ở ĐBSCL không như trước nữa, nhưng người dân vẫn lo trồng lúa ở những nơi mà biết trước sẽ thiếu nước, dẫn đến thiệt hại. Làm không theo khuyến cáo, cái này chính là do nông dân chứ không đổ thừa ai hết. Thực tế, ở vụ lúa này, diện tích sản xuất theo khuyến cáo đều tốt" - ông Xuân nói.
Nông dân huyện Ba Tri (Bến Tre) trò chuyện với phóng viên Báo NTNN ngay bên cánh đồng bị thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn. Ảnh: H.Đ
Về trách nhiệm của cơ quan chức năng các địa phương ĐBSCL, chuyên gia hàng đầu về cây lúa Võ Tòng Xuân cho rằng, hiện nay vẫn chưa tạo cơ sở hạ tầng tốt để người dân chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.
Từ đó, khiến người dân cũng thấy rằng không làm lúa thì không làm gì khác được, nên cứ làm và thiệt hại. Hơn nữa, cần hạn chế xây dựng các công trình không cần thiết ở vùng nhiễm mặn, đừng cố gắng giữ ngọt vì dễ dẫn tới việc tốn kém ngân sách mà người dân không được hưởng lợi.
"Ở nhiều địa phương, phần lớn các công trình đều phục vụ trồng lúa, chưa thấy công trình lớn để nuôi tôm, trồng xoài... mà lại do nông dân tự phát làm. GDP là tiền chứ không phải lúa, nhưng nhiều địa phương ĐBSCL vẫn thấy rằng nó làm ra từ cây lúa. Vì vậy, cứ đầu tư mặc dù lúa không có giá trị cao" - GS Xuân nhấn mạnh.
Ông Xuân cũng khẳng định, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (gọi tắt là Nghị quyết 120) rất hay. Thế nhưng thời gian qua, nhiều nơi chưa đầu tư đủ điều kiện cần và đủ cho nông dân tham gia sản xuất theo nghị quyết trên, ngược lại tiếp tục tạo điều kiện để người dân trồng lúa. Nơi nào trồng lúa nhiều đều nghèo và không thể giàu lên được nếu cứ làm thế này.
Là "liều thuốc thử"
TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL lại cho rằng, đổ lỗi cho nông dân tự ý "xé rào" trồng lúa là không phải. "Nếu như trước đây, 100 năm mới diễn ra 1 lần hạn mặn khốc liệt thì bây giờ sau 4 năm đã lặp lại, hạn mặn năm nay còn khắc nghiệt hơn cả mùa khô năm 2015 - 2016, mặn xâm nhập rất sâu. Để thấy rằng vấn đề BĐKH, tài nguyên nước và hạn hán, xâm nhập có những thay đổi, không theo quy luật trước đây nữa và tác động ngày càng tiêu cực hơn" - ông Hiệp chỉ ra.
Theo ông Hiệp, người dân và cơ quan chức năng vùng ĐBSCL cũng đã chủ động hơn đối phó với hạn mặn. Cụ thể, ngay từ tháng 6/2019 đã có dự báo về tình trạng này. Vấn đề hiện nay là sản xuất nông nghiệp không phải dựa vào thiên nhiên như ngày xưa mà phải nắm được các dự báo, bản thân người dân phải nâng tầm kiến thức lên. Tuy vậy, muốn bà con chuyển đổi cũng cần có thời gian, vốn, năng lực tổ chức sản xuất, trình độ, kết nối với doanh nghiệp..., cho nên đổ lỗi hoàn toàn cho nông dân tự ý "xé rào" cũng không phải.
Ông Hiệp cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực cảnh báo sớm, xem xét rà soát lại các quy hoạch và có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, gắn với người nông dân, tránh để xảy ra tình trạng người dân làm ngược dự báo của ngành chức năng do không đủ niềm tin.
"Trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ của ngành chức năng là rất lớn và phải có tầm. Bởi hiện nay người dân trồng gì, có chuyển đổi hay không là quyền của bà con. Cơ quan chức năng không bắt người dân làm được nhưng có thể tác động bằng quy hoạch rõ ràng và có những chính sách hỗ trợ tương ứng như tín dụng, kỹ thuật canh tác, kết nối thị trường, không để nông dân tự bơi" - chuyên gia Trần Hữu Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, có thể xem hạn mặn đợt này là "liều thuốc thử" để những người dân, các cơ quan hoạch định cơ chế chính sách xem xét lại tư duy, thích ứng theo điều kiện tự nhiên. "Liều thuốc thử" này sẽ khẳng định, đâu là điều phải làm và làm như thế nào, phối hợp ra sao?
"Cần nâng tầm thích ứng trước thách thức mới của hạn mặn. Theo đó, ngành quản lý, nông dân cần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp đa dạng, từ nặng về số lượng sang chất lượng và giá trị, vượt qua khỏi cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ ngàn đời" - ông Hiệp nói.
Theo Danviet
"Xé rào" trồng lúa, trắng tay vì hạn mặn, đau lòng cắt bỏ cho bò ăn LTS: Đến thời điểm này, diện tích lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 29.700ha, chỉ bằng 7,3% so với tổng thiệt hại mùa khô năm 2015-2016. Vụ lúa đông xuân vẫn được mùa, giá lúa tăng nhẹ. Mặc dù con số thiệt hại thấp, nhưng điều đáng nói là phần lớn...