Hàng ngàn hộ dân “khát” nước sạch
Hàng ngàn hộ dân từ thành thị đến nông thôn ở Khánh Hòa đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
Hơn 2 tháng nay, người dân thôn Phước Thượng và Phước Sơn, xã Phước Đồng (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) phải sử dụng nước uống đóng bình nhựa hoặc mua lại nước máy ở những khu vực gần đó về nấu ăn. Những sinh hoạt khác thì người dân lấy nước từ các ao hồ hoặc con suối qua thôn, thậm chí phải lấy nước giếng tại nghĩa trang Phước Đồng, được đào gần những ngôi mộ, để sử dụng.
Ông Bùi Xuân Thềm, Trưởng thôn Phước Thượng cho biết: “Nước giếng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên hơn 500 hộ dân 2 thôn Phước Thượng và Phước Sơn lâu nay dùng đường ống dẫn nước của một công ty tư nhân, đưa nước từ suối Lùng và suối Đá Hang về, nhưng cứ khoảng tháng 7 đến tháng 10 là lại bị thiếu nước do suối cạn. Do không có nguồn nước đảm bảo vệ sinh nên Trường mầm non Phước Thượng vừa xây dựng xong, chuẩn bị đón 80 cháu vào học không thể tổ chức dạy bán trú”.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Đội trưởng Đội khảo sát – Thiết kế Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Khánh Hòa, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên một số thôn ở xã Phước Đồng chưa được cấp nước sạch. Trong khi người dân làm đơn xin cấp nước theo quy định lại ít nên công ty chưa nắm rõ nhu cầu sử dụng nước sạch thực tế. Công ty đang khảo sát, xem xét để đầu tư hệ thống nước sạch đến các thôn trên.
Người dân thôn Gia Răng, xã Khánh Thành (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) hằng ngày lấy nước từ con suối chảy qua thôn về sử dụng
Bệnh tật đe dọa
Việc sử dụng nước ô nhiễm tại xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang khiến người dân lâm vào tình trạng phải đối mặt với nhiều bệnh tật.
Video đang HOT
Bà Huỳnh Thị Liện, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lương cho biết, cách đây vài năm, các ngành chức năng tỉnh có đến địa phương khảo sát, tìm hiểu tình trạng ô nhiễm và kết luận có hiện tượng ô nhiễm nguồn nước ngầm nông. Một số giếng làng có hàm lượng Nitrat cao gấp 2 – 4 lần so với tiêu chuẩn cho phép và có vi khuẩn coliform trong nước.
“Từ 1.1.2000 đến 30.9.2006, xã có 45 trường hợp ung thư. Từ năm 2006 đến nay, chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng số người chết vì ung thư rất nhiều và năm sau nhiều hơn năm trước. Bệnh lao, da liễu cũng tăng nhiều. Người dân chờ đợi nguồn nước sạch bao năm nay nhưng vẫn chưa có để sử dụng”, bà Liện nói.
Trong khi đó, xã Khánh Thành, huyện miền núi Khánh Vĩnh có hơn 300 hộ dân (chủ yếu đồng bào dân tộc Raglai) phải sử dụng nước suối để nấu ăn, sinh hoạt. Địa hình đồi núi, nước bị nhiễm vôi nên không đào giếng được. Năm 2004, một tổ chức phi chính phủ tài trợ xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân, nhưng hơn một năm sau ống nước bị hỏng, người dân lại phải sử dụng nguồn nước từ suối chảy qua các thôn.
Trước kia, nước suối khá sạch, nhưng bây giờ do nạn đào đãi quặng trái phép ở rừng đầu nguồn của xã khiến nước vàng như nước trà, rất ô nhiễm.
Nhà nào “có điều kiện” thì lấy nước suối về lọc qua một lớp cát để sử dụng, nhưng cách lọc này chỉ lọc được rác, lá cây… chứ không lọc được những tạp chất hòa tan trong nước.
Chị Mang Thị Hạnh (34 tuổi, ở thôn Gia Răng) than vãn: “Nước bẩn nhưng không dùng thì lấy đâu để uống, nấu ăn? Có khi trâu bò tắm ở phía trên suối, mình ở dưới này cũng phải lấy nước về dùng, bị đau bụng nhiều nhưng mãi cũng quen. Chỉ có những hôm trời mưa, tận dụng hứng được nước mưa mới có nước sạch sử dụng”.
Một lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, không chỉ ở xã Khánh Thành, một số xã như Yang Ly, Khánh Bình, Khánh Nam… cũng thiếu nước sạch.
Do kinh phí hạn hẹp nên mỗi năm huyện đầu tư, sửa chữa hệ thống nước sạch tại một số xã chứ không thể triển khai toàn bộ cùng một lúc.
Tuy nhiên, sau mỗi mùa mưa lũ, các hệ thống này lại bị hư hỏng nên việc khắc phục rất khó khăn.
Theo TNO
Vo gạo, rửa mặt, rửa rau bằng nửa chậu nước
(Dân trí) - "Nhiều khi có nửa chậu nước mà dùng vào bao nhiêu việc: vo gạo, rửa mặt rồi mới rửa rau" - bao năm nay, mấy trăm hộ dân vùng biển xã Hoà Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn phải sống trong cảnh dè sẻn nước sạch như thế.
Hoà Lộc là một xã ven biển của huyện Hậu Lộc, bao quanh là nước biển và con sông Lạch Trường. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua hơn 600 hộ dân của các thôn: Hoà Ngư, Hoà Hải và Hoà Phú phải sống trong tình cảnh thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt.
Người dân nơi đây hằng ngày đang mong chờ nước sạch
Bao năm qua, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân nơi đây là mua từ nơi khác và một phần là nước sông Lạch Trường. Ngoài ra người dân tận dụng mọi vật dụng để hứng nước mưa, gia đình nào có điều kiện thì xây bể chứa nước mưa nhưng cũng chỉ trụ được trong mùa mưa, đến mùa khô lại lâm cảnh thiếu nước triền miên.
Để tự khắc phục, nhiều gia đình đầu tư khoan giếng song có những giếng khoan sâu hơn 100m mà nguồn nước vẫn bị nhiễm mặn. Nước từ giếng khoan bơm lên còn có màu gạch cua, mùi khó chịu, dùng giặt giũ cũng không ổn chứ chưa nói để ăn uống.
Anh Nguyễn Tài Phú ở thôn Hoà Ngư, xã Hoà Lộc dẫn chúng tôi ra khu chứa nước sinh hoạt của gia đình anh, la liệt những bình lọ chứa nước, chiếc giếng khoan đầu tư hơn 2 triệu đồng đành bỏ không vì nước không dùng được, chưa có tiền xây bể chứa nước mưa. Anh Phú cho biết: "Mỗi ngày gia đình tôi dùng hết khoảng 100 lít nước với giá 5.000đ/can 20 lít. Hàng ngày còn phải có một người chuyên lo chuyện nước nôi, nước hiếm phải dùng tiết kiệm rất khổ sở".
Nước giếng khoan màu gạch cua và có đủ loại "sinh vật lạ" bơi lội.
Trước đây người dân thường ra sông Lạch Trường gánh nước về dùng, nhưng giờ đây nước sông đã bị ô nhiễm nên không ai dám dùng. Thiếu nước sạch, người dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên thường mắc nhiều bệnh ngoài da và đường tiêu hoá.
Chị Trịnh Thị Tuất chia sẻ: "Nhiều khi có nửa chậu nước mà dùng vào bao nhiêu thứ như: vo gạo, rửa mặt rồi mới đến rửa rau. Không biết đến bao giờ dân chúng tôi mới có được nguồn nước sạch sinh hoạt".
Ông Mai Danh Mạc, Chủ tịch UBND xã Hoà Lộc, cho biết: "Thiếu nguồn nước sạch trong sinh hoạt của người dân nên cũng hạn chế đến sự phát triển kinh tế của địa phương, người dân thiếu nước từ bao đời nay nhưng chính quyền địa phương cũng bất lực vì nguồn kinh phí để đầu tư hệ thống nước sạch rất lớn, ngân sách xã không thể lo nổi. Đã nhiều lần chúng tôi cũng đề xuất lên huyện nhưng chưa được. Cũng đã có công trình nước sạch về địa phương nhưng do công suất nhỏ nên mới chỉ phục vụ cho cảng cá Hoà Lộc".
Duy Tuyên
7 năm tù cho đối tượng bỏ thuốc độc hại cả gia đình vợ Sáng ngày 30-8, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Ty (35 tuổi), ở thôn Đá Chát, xã Ba Liên (Ba Tơ) về tội giết người. Theo hồ sơ vụ án, Phạm Văn Ty và Phạm Thị Lan chung sống với nhau như vợ chồng tại thôn Đá Chát, xã Ba Liên (Ba Tơ) từ năm 1996...