Hang Mường Tỉnh – Điểm du lịch hấp dẫn ở Điện Biên
Nhắc đến Điện Biên, có lẽ ấn tượng nhất là quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ gắn với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nhưng nhiều người còn chưa biết đến một cơ sở cách mạng đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc là hang Mường Tỉnh nằm tại bản Trống, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông. Nơi đây vào những năm 1945- 1954 đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau gần 60 năm, trải qua nhiều biến thiên, thay đổi nhưng hang Mường Tỉnh vẫn giữ được những giá trị lịch sử ghi dấu tháng năm hào hùng trong quá khứ. Đến đây, du khách được trở về với lịch sử, sống lại với những sự kiện của dân tộc, của những người đã đồng cam cộng khổ, trèo đèo lội suối băng rừng đưa đường cho cán bộ, bí mật hoạt động luồn sâu vào lòng địch. Tại đây, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã được thành lập và biến nơi đây thành một cơ sở cách mạng để phát triển phong trào trên địa bàn xã Sa Dung cũng như trên toàn huyện Điện Biên Đông. Hang Mường Tỉnh đã chứng kiến sự trưởng thành của Đảng và phong trào cách mạng trên địa bàn huyện, đồng thời trở thành chứng tích lịch sử đánh dấu tình đoàn kết, gắn bó của nhân dân Điện Biên Đông với nhân dân Lai Châu – Điện Biên trong cuộc kháng chiến chống Pháp chung của toàn dân tộc. Nhiều cán bộ Đảng viên đã trưởng thành từ đây và góp phần làm nên trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Đây thực sự là một nơi lý tưởng để giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và tiếp bước cha anh để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hang Mường Tỉnh gồm có 3 ngăn chính. Đi qua cửa hang hẹp sẽ là ngăn ngoài cùng với diện tích khoảng 600m 2, cao tầm 20m. Ở ngăn này vòm hang không có nhiều tạo hình phong phú nhưng điểm nổi bật là có không gian khá rộng lớn với nền đất bằng phẳng. Đây là nơi lý tưởng để Đảng ta lựa chọn làm nơi tổ chức các cuộc họp có sức chứa được hàng trăm người mà vẫn giữ được bí mật.
Video đang HOT
Để vào được ngăn thứ 2 phải trườn mình qua một đường hầm xuyên đá tự nhiên. Vào bên trong, không gian ngăn 2 khá hẹp với diện tích khoảng 20m 2, xung quanh là các bức tường bằng đá với những hốc đá nhỏ, ăn sâu vào lòng núi là nơi cất giấu tài liệu của cách mạng. Bằng sự tài tình của thiên nhiên, trong ngăn thứ hai có hệ thống bàn làm việc, giường ngủ hoàn toàn bằng đá được sắp xếp tự nhiên nhưng rất hợp lý. Quanh đó, thiên nhiên tạo nên hình thù những con vật hết sức ngộ nghĩnh như hình chó cảnh, hình chim muông, hình con sóc… nhìn rất đáng yêu. Đây là nơi vừa bí mật vừa đảm bảo an toàn khi có biến cố xảy ra. Tại đây có một đường nhỏ xuyên lên đỉnh núi, các chiến sĩ có thể theo đó chui ra ngoài rừng tránh sự phát hiện của địch.
Ngăn thứ 3 được tạo hóa ưu ái nhất với những thạch nhũ từ trên cao rủ xuống lấp lánh, óng ánh và những rèm phủ bằng đá. Trong lịch sử, đây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực của quân ta. Phòng cất giấu vũ khí rộng khoảng 30m 2 đảm bảo việc cung cấp vũ khí cho bộ đội, du kích ta trong các cuộc chống càn, chiến tranh du kích cũng như tổng công kích giải phóng Điện Biên lần thứ nhất năm 1953. Và đây cũng chính là nơi thư giãn, nghỉ ngơi của các chiến sĩ cách mạng sau mỗi trận chiến.
Đến với hang Mường Tỉnh, du khách không chỉ được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn được chiêm ngưỡng một hang Mường Tỉnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, ẩn mình trong núi đá vôi hùng vĩ. Vào buổi sáng sớm, du khách tham quan hang Mường Tỉnh sẽ ngỡ như đang ngắm nhìn bức tranh thủy mặc lãng mạn của thiên nhiên. Đỉnh núi cao chập chờn, ẩn hiện trong màn sương mờ huyền ảo với những đám mây thấp thoáng, bồng bềnh. Khi sương tan, mây dâng cao dần để lộ nền trời trong xanh và trả lại nguyên hình ngọn núi hiên ngang đã từng vững chãi che chở cho đội xung phong Quyết tiến năm nào.
Di tích lịch sử cách mạng hang Mường Tỉnh là một tài sản vô cùng quý giá, là thông điệp của quá khứ để lại cho thế hệ mai sau. Hang cần được bảo vệ, đầu tư phát triển để gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử đồng thời khai thác hợp lý, biến nơi đây thành một điểm du lịch giàu ý nghĩa nhân văn. Nếu được quan tâm đầu tư xứng đáng, chắc chắn hang Mường Tỉnh sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Điện Biện
Bản Hồ - Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn
Trong những năm gần đây, Bản Hồ đã tích cực khai thác thế mạnh về du lịch, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm và trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa.
Nằm nép mình bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ và soi bóng xuống dòng suối Mường Hoa thơ mộng đã tạo nên cảnh sắc hữu tình cho Bản Hồ. Cùng với đó là những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân bản địa đã giúp Bản Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Thôn Bản Dền - trung tâm Bản Hồ là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, quê hương những làn điệu hát then quyến rũ... Không chỉ có vậy, vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hiếm có, một quần thể kiến tạo bao gồm: Núi, đồi, thung lũng, suối và những cánh đồng lúa mênh mông.
Đến Bản Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, hòa lẫn những nếp nhà của người dân nằm rải rác dọc hai bờ suối. Thôn Bản Dền còn là nơi gặp gỡ của hai dòng suối Mường Hoa và La Ve. Suối Mường Hoa được phối cảnh với một địa thế đẹp, khí hậu ôn hoà và những ngôi làng truyền thống người Tày đã tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình, mê đắm lòng người. Con suối đã quá thân thuộc trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Tày nơi đây.
Khác với dòng Mường Hoa ngày ngày mang nước đến cho hàng chục bản làng, dòng La Ve chảy về Bản Dền từ trong núi cao rừng thẳm đã tạo thành từng dòng thác trong vắt. Có lẽ vì thế mà cá suối thường tập trung về đây rất đông và nhảy múa dưới dòng thác như những nghệ sỹ miệt mài biểu diễn trên sân khấu. Vì vậy, người dân địa phương đã đặt tên là thác Cá nhảy. Thác Cá nhảy là nơi lý tưởng cho những ai muốn tận tay giăng lưới bắt cá suối tươi ngon và thưởng thức món cá nướng ngay bên dòng thác. Ngoài hai dòng suối này, Bản Hồ còn có một loạt những dòng suối, con thác khác như: Tả Trung Hồ, Séo Trung Hồ... là những nơi lôi cuốn sự chinh phục khám phá thiên nhiên thơ mộng.
Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, chạy xe ô tô khoảng 20 km và đi bộ gần 5km đường mòn qua các thửa ruộng bậc thang như dải lụa mềm mại uốn lượn quanh những triền núi cao, qua các con suối nhỏ và những chiếc cầu tre xinh xắn là đến thôn Séo Trung Hồ, nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao thân thiện và giàu lòng mến khách. Đi qua trung tâm thôn chừng 1km đường rừng, là đến thác Séo Trung Hồ. Thác Séo Trung Hồ nằm sâu trong núi Hoàng Liên Sơn với độ cao trên 100m, nhìn từ xa như dải lụa trắng vắt ngang lưng chừng núi. Thác Séo Trung Hồ đẹp với vẻ chân chất, nồng nàn như thiếu nữ tuổi độ trăng tròn giữa núi rừng Hoàng Liên trùng điệp, vẻ đẹp mộc mạc ấy rất may chưa có bàn tay con người can thiệp vào. Thác Séo Trung Hồ tựa đoá hoa phong lan lặng lẽ khoe sắc giữa đại ngàn xanh thẳm không chỉ hút hồn những đôi lứa yêu nhau mà còn có sức lôi cuốn gọi mời du khách với những cuộc du ngoạn, khám phá và thưởng thức thắng cảnh kỳ thú của dòng thác thơ mộng.
Đến Bản Hồ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà sàn gỗ gắn bó lâu đời với cuộc sống của người dân tộc mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cùng tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Du khách còn được khám phá, trải nghiệm những điều thú vị trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây. Những ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời vài chục đến cả trăm năm luôn được gìn giữ và tôn tạo như một minh chứng cụ thể cho nét văn hóa đặc trưng của người Tày vẫn được bảo lưu. Cùng với đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống dù gặp một chút khó khăn cho đầu ra nhưng vẫn được người dân Bản Hồ duy trì và tìm hướng đi mới.
Mỗi khi có du khách đến nghỉ chân, người dân Bản Hồ đón tiếp rất chu đáo, cởi mở. Du khách sẽ được chủ nhà thết đãi những món ngon của địa phương như cá suối Mường Hoa nướng trên than hồng, giã nhỏ cùng muối và ớt nướng thơm lừng hòa quyện với khói bếp lam chiều như muốn níu chân du khách. Du khách còn được thưởng thức xôi tím, cơm lam, thịt lợn nướng chấm lá nhội và chút ớt chỉ thiên cay se môi, hay măng chua nấu vịt. Những món ăn ngon nhâm nhi cùng chén rượu gạo thơm nồng mùi lúa mới sẽ cho du khách cảm giác chếnh choáng say trong men tình nồng ấm của người dân miền sơn cước, nhất là khi được cùng họ quây quần bên bếp lửa nhà sàn nghe kể những điều thú vị về cuộc sống của người dân nơi đây; hoặc thưởng thức những điệu múa, câu hát then, câu sli, câu lượn mượt mà, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày.
Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày đã giúp Bản Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Tạm biệt Bản Hồ với khung cảnh êm đềm, những mái nhà sàn xinh xắn để du khách đến một lần nhớ, vấn vương
Lưu ngay 6 địa điểm du lịch Sầm Sơn đẹp, nổi tiếng Sầm Sơn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hoá, cùng khám phá những địa điểm du lịch Sầm Sơn hấp dẫn, đẹp, nổi tiếng. Tổng quan về Sầm Sơn Được biết đến là một điểm đến nổi tiếng nhất của du lịch Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, Sầm Sơn với cảnh quan...