Hàng loạt tỉnh, thành vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19 khi qua chốt
Cho đến chiều 14/10, nhiều địa phương trên cả nước vẫn yêu cầu người dân khi qua chốt kiểm soát dịch vào địa bàn phải có giấy test SARS-CoV-2 và tùy vùng phải thực hiện cách ly.
Ảnh: Hoàng Hải
Hà Nội vẫn duy trì các chốt và yêu cầu giấy xét nghiệm
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19″ vào tối 13/10.
Theo đó, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ) hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3 (vùng cam).
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện tại nhiều tỉnh, thành vẫn yêu cầu phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Tại Hà Nội, trong ngày 14/10, theo ghi nhận của PV, tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ vẫn duy trì việc kiểm tra giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính và giấy tờ tuỳ thân với người ra, vào thành phố.
Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ngõ Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ trong chiều 14/10, vẫn tiếp tục kiểm soát xe vào thành phố.
Người dân khi đi qua chốt kiểm soát Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn phải có giấy xét nghiệm âm tính (Ảnh: Hoàng Hải)
Những xe có nhận diện luồng xanh đi vào làn do thanh tra giao thông quản lý và được đi thẳng. Xe cá nhân, không có nhận diện luồng xanh, sẽ đi vào làn do cảnh sát giao thông phụ trách. Lái xe phải xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19, sau đó vào chốt khai báo y tế.
Một số lái xe không đủ điều kiện vẫn phải quay đầu.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Công an TP. Hà Nội cho biết, đến chiều 14/10, thành phố vẫn chưa có chỉ đạo mới nên các chốt vẫn kiểm soát người, phương tiện vào thành phố như cũ.
Còn lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội trong chiều 14/10, khi trao đổi với PV cho rằng, theo tiêu chí mới ở Nghị quyết 128 của Chính phủ thì thành phố sẽ không còn là vùng đỏ.
Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan y tế đang tiến hành nghiên cứu để tham mưu thành phố đưa ra hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất.
Video đang HOT
Về việc có bỏ các chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào thành phố hay không, cả lãnh đạo Công an Hà Nội và Sở Y tế cho rằng, việc này sẽ do thành phố quyết định cụ thể.
Về phía Công an TP cũng đã có đề xuất lên thành phố về việc “rút” các chốt và thực hiện kiểm soát dịch trong tình hình mới.
Nhiều tỉnh vẫn duy trì chốt yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính
Tại tỉnh Bắc Ninh yêu cầu bắt buộc người từ nơi khác tới phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ, kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.
Tại Bắc Giang cũng yêu cầu người từ các vùng xanh, vàng, đỏ khi về tỉnh phải có các loại giấy tờ kể trên. Ngoài ra, với đối tượng F1, phải thực hiện cách ly y tế tập trung ít nhất đủ 14 ngày.
Người nhập cảnh, người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã điều trị khỏi Covid-19 thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Trẻ em dưới 5 tuổi có thể cách ly tại nhà. Người già yếu, người thiểu năng trí tuệ… căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương xem xét, quyết định. F2 cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày trong khi chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR của F1.
Trường hợp còn lại thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR ít nhất 3 lần. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo. Đối với F0 đã điều trị khỏi cần tiếp tục được cách ly tại nhà.
Tại Hưng Yên , theo ghi nhận, vào chiều 14/10, tỉnh vẫn duy trì các chốt trực đoạn Ecopark và đê sông Hồng tiếp giáp với Hà Nội. Khi qua các chốt này, người dân vẫn được yêu cầu phải có giấy test nhanh hoặc chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh sẽ sớm có văn bản hướng dẫn mới sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại Hải Dương, cho đến chiều 14/10, khi người dân vào tỉnh vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính, chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin. Dự kiến, hôm nay (15/10), tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn mới.
Tại Vĩnh Phúc, đến sáng 15/10, tất cả người dân di chuyển bằng xe máy, ô tô theo chiều vào Vĩnh Phúc trên QL2 đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, khai báo y tế mới được đi qua.
Tại Thanh Hóa, những người có đầy đủ các điều kiện như test nhanh, xét nghiệm RT-PCR, chứng nhận tiêm vắc xin sau khi khai báo y tế mới được đi qua các chốt kiểm soát. Còn những người chưa có hoặc từ vùng dịch về vẫn bắt buộc khai báo y tế, cách ly theo quy định.
Lãnh đạo CDC Thanh Hóa cho hay, ngay sau khi có hướng dẫn mới của Bộ Y tế, UBND tỉnh đã giao cho Sở Y tế chuẩn bị triển khai. Dự kiến trong vài ngày tới sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Người dân vào TP. Vinh, Nghệ An vẫn phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh.
Trường hợp phiếu báo kết quả hết hiệu lực, người dân bắt buộc phải thực hiện test Covid-19 mới được vào TP. Vinh. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được cho qua chốt.
Tại Quảng Trị, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện trình UBND tỉnh trước ngày 16/10, sao cho phù hợp với địa phương.
Hiện nay, tỉnh vẫn yêu cầu người vào tỉnh lưu trú phải khai báo y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, những người trở về từ các vùng có nguy cơ dịch tễ theo cập nhật của Sở Y tế, đều bị áp dụng cách ly y tế. Theo đó, đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin khi đến hoặc trở về từ vùng dịch, phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày kể từ ngày đến hoặc trở về địa phương.
Trong quá trình cách ly, phải được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR tối thiểu 3 lần. Sau 14 ngày cách ly tập trung, phải tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày và phải được xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Tại Quảng Ngãi kiểm soát nghiêm ngặt, yêu cầu người vào tỉnh lưu trú phải khai báo y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tài xế của xe tải chở hàng hóa phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được phép lưu thông qua chốt.
Hải Phòng không yêu cầu trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào thành phố
Tối 14/10, UBND TP. Hải Phòng cũng thông báo điều chỉnh biện pháp phòng dịch Covid-19. Theo đó, người dân khi vào TP không cần phải trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng tùy theo vùng nguy cơ để áp dụng biện pháp cách ly khác nhau.
Hướng dẫn mới của Hải Phòng
Cụ thể, với người mới được công bố khỏi bệnh Covid-19 nhưng chưa quá 6 tháng ở các tỉnh thành, khu vực có nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế) thì áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly y tế tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Những người trở về từ các địa phương ở vùng nguy cơ cao mới được công bố khỏi bệnh Covid-19 nhưng chưa quá 6 tháng thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Người trở về từ các địa phương ở vùng nguy cơ mới được công bố khỏi bệnh Covid-19 nhưng chưa quá 6 tháng thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin phải tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi về.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Trường hợp nào bắt buộc phải xét nghiệm Covid-19 khi đi lại?
Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế quy định không chỉ định xét nghiệm Covid-19 đối với việc đi lại của người dân, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế.
Ngày 12/10, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 ngày 11/10 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, yêu cầu về xét nghiệm tại hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh. Đồng thời, hướng dẫn cũng tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong quyết định xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch.
Theo đó, có một số điểm mới trong thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong hướng dẫn tạm thời này.
Cụ thể:
Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng như: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất vị giác và khứu giác...
Cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị...; nhóm nguy cơ gồm các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người... như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)...
Đặc biệt, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Theo Cục trưởng Hương, những người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh chỉ phải thực hiện xét nghiệm trong các tình huống sau:
- Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
- Người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế.
- Người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Các cơ sở sản xuất kinh doanh được tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
Các địa phương chủ động quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch.
Hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế cũng quy định xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng dự thảo quyết định hướng dẫn đối tượng xét nghiệm SAR-CoV-2 tại bệnh viện và nguồn kinh phí chi trả. Trong đó, sẽ tính đến việc quy định đối tượng phải thực hiện xét nghiệm, các tình huống cần chỉ định xét nghiệm, lúc nào xét nghiệm test nhanh, đối tượng nào làm xét nghiệm RT- PCR, trường hợp nào BHYT chi trả, Nhà nước chi trả hay người bệnh phải chi trả phần nào...
Dự thảo này dự kiến sẽ bổ sung thêm một số trường hợp được chỉ định xét nghiệm như người tới bệnh viện có nguy cơ cao sau khi phân luồng, sàng lọc tại cổng bệnh viện, người mắc bệnh mạn tính, bệnh nhân xạ trị, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, tái khám và lĩnh thuốc định kỳ cho bệnh mạn tính...
Xử lý nghiêm các trường hợp vận tải hàng hóa vi phạm quy định phòng, chống dịch Sáu người gồm lái xe, phụ xe của 4 phương tiện vận tải hàng hóa đã bị đưa đi cách ly tập trung tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vì vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 như tự ý bóc niêm phong cabin xe, lưu thông khi giấy xét nghiệm hết hiệu lực. Lực lượng chức năng kiểm tra, lập...